Juan Rulfo (16-05-1917 – 7-01-1986) nhà văn Mexico. Một trong những nhà văn Châu Mỹ La-Tinh xuất sắc nhất của thế kỷ 20. Truyện ngắn Chúng tôi nghèo quá gợi nhớ lại những thảm cảnh tương tự xảy ra hàng năm ở miền Trung nước Việt.
Mọi chuyện càng lúc càng tồi tệ. Tuần trước cô Jacinta của tôi mất, hôm thứ Bẩy an táng cô xong, chúng tôi vừa mới nguôi dần cơn u uất thì trời đổ mưa như chưa bao giờ mưa như thế. Trận mưa làm cha tôi lo cuống lên bởi cả một vụ gặt lúa mạch còn chất đống phơi ngoài sân nắng. Những đám mây đen kéo về quá đột ngột thành từng con sóng nước, không cho chúng tôi kịp hốt được một nắm nào hết. Cả nhà không còn biết làm gì khác hơn là co ro bên nhau dưới mái nhà nhìn mưa lạnh từ trời cao đổ xuống hủy hoại đám lúa mạch mầu vàng vừa mới gặt xong.
Và mới hôm qua, khi em gái tôi vừa tròn mười hai tuổi thì chúng tôi khám phá ra là con bò cái mà cha tôi làm quà Sinh Nhật cho nó đã bị nước sông cuốn đi.
Nước sông bắt đầu dâng cao vào sáng sớm cách đây ba hôm. Lúc ấy tôi đang ngủ say nhưng tiếng gào thét của dòng sông đánh thức tôi dậy ngay lập tức và tôi bật ra khỏi giường nắm vội lấy tấm chăn của mình, cuống quýt ngỡ như mái nhà sắp đổ ụp xuống. Nhận ra tiếng nước chảy tôi trở lại giường, và tiếng động ấy kéo dài thuần một điệu cho tới khi tôi ngủ thiếp đi.
Khi tôi thức giấc, bầu trời sớm mai đầy mây đen và mưa tầm tã không ngơi. Âm thanh cuồng nộ của dòng sông càng lúc càng gần và rầm rộ. Bạn có thể ngửi được mùi ung thối của nước đọng như lúc mũi bạn bắt được mùi khét trong đám cháy.
Khi tôi bước ra ngoài để thăm dò thì nước sông đã tràn bờ. Mặt nước dâng cao dọc theo đường phố chính và cuộn ào ào vào nhà của bà La Tambora. Bạn có thể nghe được tiếng ùng ục khi nước tràn vào sân và tuôn qua khung cửa thành dòng cuồng lưu. Bà La Tambora cuống cuồng chạy ra chạy vào cái vũng bây giờ đã là một phần của con sông, lùa đám gà mái ra đường để chúng có thể tránh vào những nơi cao không bị nước cuốn đi.
Bờ bên kia, nơi khúc cong, dòng sông hẳn đã bứng đi – không biết tự bao giờ – cây me trong sân nhà cô Jacinta, bởi vì bây giờ chẳng còn thấy tăm hơi cây me đâu nữa. Đấy là cây me duy nhất trong làng, và đó là lý do vì sao người ta tin rằng từ bao nhiêu năm nay đây là trận lụt lớn nhất theo lòng sông đổ về.
Buổi chiều tôi với con nhỏ em trở lại để nhìn ngọn núi nước đen kịt đang càng lúc càng dầy bấy giờ đã cao hơn hẳn chỗ chiếc cầu vẫn bắc ngang. Chúng tôi đứng nhìn hàng giờ không biết mệt. Rồi chúng tôi leo lên khe núi, xem thiên hạ bàn tán làm sao, bởi phía dưới kia, bên bờ sông, trong tiếng ồn ào rầm rộ, bạn chỉ có thể thấy rất nhiều cái miệng đóng mở như thể người ta muốn nói gì đó, nhưng bạn không nghe được gì. Vì thế chúng tôi phải leo lên phía trên khe núi, nơi nhiều người đang đứng nhìn con sông và bàn tán về những tác hại nó gây ra. Cũng từ chỗ đứng ấy, chúng tôi khám phá ra là dòng nước lũ đã cuốn La Serpentina – con bò cái một tai trắng một tai đỏ và hai con mắt rất đẹp mà cha tôi đã làm quà tặng sinh nhật cho em gái Tacha của tôi – đi mất rồi.
Tôi không hiểu vì sao La Serpentina lại lội qua sông khi nó biết đó không còn là dòng sông quen thuộc mỗi ngày. Tính nết La Serpentina không hay thay đổi. Có thể lúc ấy nó còn đang ngái ngủ nên mới đến nỗi chết đuối như vậy. Bao nhiêu lần tôi phải mở cánh cổng giàn rào cho nó, bởi vì nếu không mở nó sẽ nằm lì trong chuồng suốt ngày, nhắm mắt, lặng thinh và thỉnh thoảng thở dài cái lối thở mà bạn có thể nghe được từ đám bò cái say ngủ.
Chắc hẳn lúc đó nó đang ngủ say. Có thể nó giật mình thức giấc khi nước vỗ vào cạnh sườn. Có thể lúc đó nó hoảng sợ và cuống cuồng tháo lui; nhưng lúc quay đầu lại chắc sợ quá và bị chuột rút trong con nước đen và đặc cứng như dải đất lở. Có thể nó hú lên cầu cứu. Có trời mới biết nó rống lên như thế nào.
Tôi hỏi người đàn ông đã thấy nước cuốn nó đi xem ông ta có thấy chú bê con cạnh đó không. Nhưng ông ấy không chắc. Ông ta bảo chỉ thoáng thấy một con bò trôi qua bốn chân chổng lên trời rất gần nơi ông ta đứng sau đó con bò lật trở lại và ông ta không còn thấy sừng, chân hay bất cứ dấu vết nào của nó nữa. Quá nhiều thân cây bật rễ cùng bao nhiêu thứ khác trôi lềnh bềnh trên mặt nước và ông ta cũng quá bận rộn vớt gỗ về làm củi, nên không chắc những thứ ông ta thấy trôi qua là thú vật hay thân cây.
Thế nên chúng tôi không biết chú bê con còn sống hay đã chìm theo mẹ nó xuống đáy sông. Nếu chúng nó chết đuối xin ơn trên phù hộ cho hai mẹ con nó.
Điều làm cả nhà chúng tôi lo lắng bây giờ là chuyện sẽ xảy ra ngày nào đó không xa, khi em gái Tacha của tôi chỉ còn hai bàn tay trắng. Cha tôi đã tốn không biết bao nhiêu công sức để mua cho được con La Serpentina khi nó còn là một con bê cái tơ để cho em gái tôi, hy vọng với chút vốn liếng nhỏ nhoi đó, nó sẽ không trở thành người đàn bà hư thân mất nết như hai bà chị của nó.
Cha tôi bảo hai chị lớn của tôi sinh tật hư hỏng vì chúng tôi nghèo và tính tình hai chị ấy vốn rất hoang đàng. Từ nhỏ cả hai đã hỗn láo và khó dạy. Vừa mới lớn hai người đã cặp kè với đủ loại đàn ông tồi tệ, những kẻ bày vẽ cho họ bao điều xấu xa. Mấy chị ấy học điều xấu một cách nhanh chóng và bắt rất nhạy tiếng huýt gió gọi họ những đêm hôm khuya khoắt. Về sau, họ hò hẹn ngay cả giữa ban ngày. Họ lẻn xuống bờ sông gánh nước và nhiều khi, ngay giữa lúc bạn không ngờ nhất, họ kéo ra sân, trần truồng, lăn lộn với nhau trên nền đất, mỗi chị có một gã đàn ông đè cứng bên trên.
Cha tôi đuổi cả hai ra khỏi nhà. Ban đầu ông cũng cố gắng chịu đựng được bao nhiêu hay bấy nhiêu, nhưng rồi chịu hết nổi, cha tống cổ hai chị ra đường. Cả hai lang bạt đến Ayutla và tôi không biết họ còn đến nơi nào nữa; nhưng chắc chắn hai chị là những người đàn bà hư hỏng.
Chính vì vậy mà cha tôi điên lên vì lo lắng vụ Tacha – bởi ông hoàn toàn không muốn nó sẽ đi vào con đường của hai chị lớn. Cha nhận ra được sự nghèo nàn của nó sau khi mất đi con bò cái, thấy rõ là nó chẳng còn gì để trông vào hòng khi lớn lên còn có thể lấy được người đàn ông tốt luôn luôn biết thương yêu vợ mình. Bây giờ mọi chuyện sẽ vô cùng khó khăn. Lúc còn con bò là chuyện khác, bởi người đàn ông nào đó có thể liều lấy em gái tôi, hy vọng có được con bò cái hồi môn.
Hy vọng duy nhất của chúng tôi là con bê con còn sống. Tôi cầu ơn trên đừng cho nó cố lội qua sông theo mẹ nó. Bởi vì nếu nó cố lội qua, thì em gái Tacha của tôi chỉ cần một bước nữa là thành người đàn bà hư hỏng. Mà Mẹ tôi không bao giờ muốn thế.
Mẹ tôi không hiểu vì sao Trời lại phạt bà bằng cách ban cho những đứa con gái hư đốn như thế, khi mà trong dòng họ, từ Bà ngoại trở xuống, chưa hề có người nào hư hỏng.
Mọi người đều được nuôi dạy trong sự tôn kinh Thượng Đế, biết vâng phục và không bao giờ hỗn xược với ai. Trong dòng họ ai cũng thế. Không cách chi biết được hai bà chị lớn của tôi học điều xấu từ đâu. Mẹ không nhớ nổi. Bà lục lọi trí nhớ, và không thể nào thấy được tỏ tường bà sai sót chỗ nào và vì sao con gái bà hết đứa này đến đứa kia theo nhau đi vào con đường sa đọa. Bà không tìm ra được tấm gương xấu nào. Mỗi lần nghĩ tới hai đứa con gái hoang đàng, mẹ tôi lại khóc sụt sùi, “Lạy Trời phù hộ chúng nó!”
Nhưng cha tôi bảo bây giờ chuyện hai bà chị tôi không còn cách chi cứu vãn nữa. Mối hiểm nguy đang còn ở trong nhà này, Tacha, đứa con gái đang lớn mau như thổi với đôi vú bắt đầu vun cao, hứa hẹn giống y khuôn ngực hai bà chị – cao và nhọn, loại ngực bập bềnh và thu hút những con mắt nhìn.
“Đúng vậy,” cha tôi nói, “hai cái vú của nó sẽ lôi cuốn bất kỳ kẻ nào nhìn thấy và con nhỏ này rồi cũng sẽ hư; cứ nhớ lời tao nói, nó sẽ hư!”
Chính vì thế mà cha tôi lo lắng tưởng điên lên được.
Tacha thì khóc khi em biết con bò cái sẽ không bao giờ trở về nữa vì đã bị dòng sông dìm chết. Em gái đứng đây, bên cạnh tôi trong chiếc áo mầu hồng, từ khe núi nhìn xuống dòng sông, khóc như mưa như gió. Những vạch nước dơ lem luốc khuôn mặt như thể con sông đã nhập vào nó.
Tôi vòng tay ôm em gái mình cố tìm cách an ủi, nhưng nó không hiểu. Nó càng khóc nhiều hơn. Tiếng gào từ cổ họng em tôi phát ra như tiếng của nước sông xoáy vào bờ, làm con bé run rẩy và co giật cùng khắp trong lúc nước sông tiếp tục dâng cao. Những giọt nước hôi hám từ mặt sông văng lên khuôn mặt ướt nhèm của Tacha, và hai chồi ngực bé xíu không ngừng nhấp nhô như thể bỗng dưng chúng bắt đầu căng đầy, để khởi sự bập bềnh trôi vào con đường hủy diệt.
Hoàng Chính dịch từ bản anh ngữ We’re very poor trong tập truyện The Burning Plain.