(Trích Một Mai Khi Hoà Bình)
Tháng một đã tới và mùa đông bất tận của cao nguyên bắt đầu kéo sang thời kỳ rét mướt nhất.
Vượt khỏi thị trấn Tân Cảnh chừng 7 cây số đường mòn, ngọn đồi Ngok Long phủ lớp áo cỏ tranh đơn sơ, khép nép vươn lên giữa rừng núi trùng điệp.
Rãi rác quanh sườn đồi, vài chục túp lều tranh sơ sài, nằm run rẩy co ro. Vượt lên đỉnh đồi, chen giữa cỏ tranh, một chiếc hầm lửng, trên chất đầy bao cát, nằm trơ vơ dưới bầu trời luôn luôn nặng chĩu nước. Đó là hầm chỉ huy hành quân của một tiền đồn nằm đơn lẻ giữa rừng núi hoang vu, biệt lập với Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn và thị trấn, thường xuyên có một đại đội trừ luôn phiên lên trấn giữ.
Ở đây, ngoài những binh sĩ trong đại đội, không còn một người nào lai vãng. Cứ mười ngày, nước mới được tiếp tế lên một lần. Cả tuần lễ, viên Thượng Sỹ thường vụ của đại đội mới dẫn một đội tuần tiễu đi chợ và ghé Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn nhận thư từ mệnh lệnh.
Chiều đã xuống đậm, mênh mang sương mù và khí độc. Từ mấy khuôn cửa hầm mở ra tứ phía những lớp cỏ tranh đang rạp xuống, như muốn nương dựa nhau để chống chỏi với những cơn vật vã của gió núi.
Trong căn hầm chỉ huy, viên Trung Úy Đại Đội phó đang ngồi bệt dưới sàn gỗ, dựa lưng vào vách hầm. Nơi chiếc ghế bố, viên Hạ Sỹ truyền tin nằm xấp lưng ngủ vùi. Bên cạnh, viên Thiếu Úy Trung Đội trưởng nằm trên một trong hai chiếc giường sắt kê cách nhau một bàn nhỏ, mặt phủ một tờ báo cũ mèm.
Căn hầm lặng lẽ một cách dị thường. Viên Đại Đội phó ngồi duỗi chân, cứ chốc chốc lại kéo cao cổ áo, cố rùn thấp cổ xuống, như muốn chui hẳn đầu vào chiếc áo fild jacket trốn lạnh.
Bỗng có tiếng chân nặng nhọc kéo lê trên miệng hầm, rồi một đôi giày nhà binh bết bùn, bước cao bước thấp xuống bực hầm. Một viên Thượng Sỹ già xúng xính trong chiếc áo kapot dài đến mắt cá chân đi vào, dơ tay chào. Viên Đại Đội phó quay lại:
“Gì đó cụ. Yên chứ?”
Viên Thượng Sỹ già lôi trong bọc áo ra một xấp thư:
“Có xấp thư mới lấy ở Bộ Chỉ Huy. Trung Úy duyệt qua để phát cho anh em.”
“Ờ. Cụ quăng đó cho tôi.”
Xấp thư được đặt trên bàn, nhưng viên Thượng Sỹ già bỗng tần ngần:
“Có cả thư của Chuẩn Úy Hồ trong này nữa, Trung Úy.”
Viên Trung Úy Đại Đội phó gắt:
“Thư của thằng Hồ còn lấy làm mẹ gì. Bộ cụ muốn tôi phải xuống âm phủ đưa cho nó nữa hả?”
Viên Thiếu Úy đang nằm dấu mặt dưới tờ báo, bỗng hất tung tờ báo ra, bật dậy:
“Thư thằng Hồ hả. Đâu cụ đưa tôi coi.”
Viên Thượng Sỹ già lật lật xấp thư, rút ra một lá thư dày cộm đưa cho viên Thiếu Úy. Lá thư được cầm lên, dơ ra dưới ánh sáng u ám của chiều đông hắt vào từ cửa sổ mở lên đỉnh đồi:
“A, thư của cô Mai.”
“Mai nào?” Viên Đại Đội phó hỏi.
“Đoàn thị Lĩnh Mai, cô hôn thê bé bỏng của thằng Hồ đây mà.”
“Thằng chó đó có vị hôn thê rồi sao?”
“Hắn cứ tâm sự với tao về cô bồ của hắn hoài. Bồ chứ không phải em gái hậu phương. Nghe nói dễ thương lắm. Cô ta ở mãi tận Sài Gòn.”
“Thế à.”
Viên Thiếu Úy trung đội trưởng chợt hỏi lại:
“Mày quăng cái ví của thằng Hồ xó nào rồi? Thôi, cất lá thư cùng cái ví. Hôm nào tao gửi lại cho người nhà của nó.”
Nhưng viên Trung Úy Đại Đội phó bỗng đâm ra tò mò, quay lại bạn:
“Mày dở giường tao lấy cái ví của thằng Hồ đưa đây.”
“Té ra tao đang nằm giường của mày à. Thế mà ông cứ yên trí giường ông. Đang định ngủ gật chứ. Đâu, coi nào.”
Một chiếc ví cũ, quấn quanh bằng sợi dây đeo thẻ bài được lôi ra. Viên Đại Đội phó đứng dậy, phủi quần, ra dấu cho viên Thượng Sỹ già ra ngoài, rồi tới giường, ghé ngồi bên bạn. Cái ví cũ được dở ra, hai người chăm chú nhìn vào tấm ảnh một cô gái đang tươi cười. Viên Trung Úy Đại Đội phó kéo cao cổ áo, rùn vai, rút thấp đầu xuống như vừa bị thấm lạnh.
Bóng chiều bên ngoài đang nuối. Lá thư đã được bóc ra. Chút ánh sáng le lói hắt vào từ cửa sổ dồn hết lên trang giấy đã che lấp chiếc bảng ghi tên trên ngực áo hai người.
Anh Hồ,
Thế là anh không về kịp được nữa. Bà nội đã chết sau hôm em nhận được thư anh báo tin có lệnh hành quân đặc biệt. Thế là hết. Không còn cách gì để anh bay về bên em trong phút giây đau khổ tột cùng. Bà đã chết anh ơi! Thể xác bà mới còn nóng hổi đó, giờ cũng đã cứng lạnh dưới đất đen rồi. Những trái cau của bà đã khô, trầu đã héo, và cả cái bình vôi mà anh với em đã lặn lội vào tận trong chợ Bến Thành tìm mua cho bà ngày nào, bây giờ nằm lăn lóc, khô queo cạnh hầm cát.
Như lá thư trước em đã viết cho anh, từ khi nghe tin em Hải bị đưa vào Nam, bà bị ám ảnh. Trong những lúc một mình, trong giấc ngủ mệt nhọc là những cơn mơ dữ về cảnh chiến tranh, chém giết tương tàn giữa hai miền Nam Bắc. Bà bị dày vò bởi những hình ảnh vợ giết chồng, cha giết con, anh em ruột thịt giết nhau. Cơn bệnh trầm uất của bà ngày thêm nặng, cho tới một lúc, cả tâm hồn lẫn thể xác cạn kiệt, bà ra đi.
Bà đã chết, chết thật rồi. Anh Hồ ơi, mộ bà vừa đắp xong sáng nay. Những nắm đất do chính tay ông nội, anh Đoàn, anh Lý, chú Vạn, cô Thoa, em và mọi người đã ném xuống và vùi lấp bà rồi. Không còn thấy mặt mũi tay chân, không còn nhìn thấy nắp hòm. Nhưng bà vẫn còn ở trong em rất đậm. Hình ảnh bà như còn thoáng hiện đó đây, với cặp mắt nhăn nheo cười, với miệng cắn chỉ đỏ nước trầu nhai, cả vẻ thảnh thốt thất thường chưa bao giờ nhìn thấy ở bà khi chỉ mới nghe tin em Hải .
Và bây giờ, khi em ngồi viết thư này cho anh trên căn gác của anh Đoàn vừa ra đi. Cô Thoa đã dọn xuống chỗ nằm của bà nội ở dưới nhà, sát cái hầm cát mà bà nội đã chỉ huy cho mọi người xây đắp nên và đã coi như cái miếu thần che chở cho cả nhà trong những cơn pháo kích vào thành phố nhiều đêm. Cạnh đó là bàn thờ bà nội, sự tưởng nhớ chất ngất trong khói hương nghi ngút.
Hôm nay là ngày đám ma bà nội, em chỉ tiếc là không có anh ở bên cạnh. Anh Hồ ơi, em biết đám ma nào cũng buồn, nhưng khi mình ở trong cuộc mới biết nó buồn tới làm sao. Buồn chết lòng người sống, buồn tê liệt hết mọi ước ao. Giá mà có anh bên cạnh em, cùng quỳ với em, cũng ném xuống hòn đất để góp phần đắp nấm mồ vĩnh cữu của bà. Mọi người rồi ai cũng chết, phải vậy không anh. Nhưng khi mình chết, mình đâu có biết cái chết ra sao. Còn mình nhìn thấy cái chết của người thân yêu, mình biết, mình biết được sự mất mát. Anh Hồ ơi, em không chịu thấu nỗi sự mất mát của một phần đời mình.
Anh biết trong đám tang có gì vừa đau xót mà cũng vừa khôi hài nhất không? Khi vừa hạ quan xuống, cô Thoa, trong giây phút quá khổ đau, gần như điên loạn, cô đã lao cả người xuống dưới huyệt, bất kể mọi người giữ lại, kéo cô lên. Cô khóc lóc, chưa bao giờ cô được khóc thả dàn như thế. Cô kêu gào: Mẹ ơi là mẹ. Sao mẹ bỏ đi như vậy được. Sao mẹ không đợi ngày hòa bình rồi chết. Để con lấy được chồng, con mời mẹ xơi miếng trầu”Mẹ ơi là mẹ.Vậy mà mẹ bỏ đi dành được, mẹ ơi là mẹ. Con chết đi theo mẹ cho rồi!”
Anh Hồ. Anh có tưởng tượng được không? Lúc đó, em cũng đang khóc, em sửng người. Thay vì có thể cười được, ruột gan em đau thắt. Có cái gì vừa tủi nhục, vừa bẽ bàng trong cảnh ế muộn của cô Thoa thấm qua người em làm em thương người chết đã đành mà người sống cũng thấy đáng thương quá. Kẻ còn sống, như em, như anh cũng thật đáng thương!
Em vừa mới nói với anh là em mơ ước được cùng anh nắm đất ném xuống lòng mộ bà nội. Nhưng anh đã không có bên em. Dù vậy, em cũng thay anh ném thêm một nắm. Một nắm dùm cho thầy mẹ em, những nắm đất ném dùm cho các em của em cùng họ hàng đang ở miền Bắc. Vất xuống. Ném xuống. Ném nữa. Anh Hồ ơi! Cứ mỗi nắm đất ném xuống lại cùng một tiếng kêu thảm thiết bật trong đầu em. Tiếng kêu như tiếng còi của những chuyến tàu hỏa tới ga của ông nội em. Hòa bình trở lại sẽ làm gì? Mình cùng nhau đi xe lửa ra miền Bắc. Ném nữa. Tiếng kêu buồn tủi ế muộn của cô Thoa. Ném nữa. Tiếng kêu khát khao của anh và em chờ hòa bình trở lại. Ném nữa. Tiếng kêu của thầy mẹ em ở miền Bắc gào thét muốn sum họp. Tiếng kêu của họ hàng, làm sao báo tin cho cha mẹ của anh Lý biết anh Lý còn sống. Tiếng kêu của anh Đoàn, của chú Vạn, của Phước . Ném nữa. Tiếng kêu. Những tiếng kêu. Hòa Bình trở lại sẽ làm gì? Tiếng kêu của bà nội vọng lên từ đáy huyết, dưới những nắm đất đang ném xuống: Hòa Bình! Trời ơi! Tao sẽ lên tàu với ông nội bây về quê, tầu sẽ qua mấy cái ga cũ . Ném xuống. Ném xuống. Chuyến tàu đưa bà nội đi một mình, không qua một ga cũ nào hết.
Thôi anh ạ. Thế cũng xong. Bà nội đã lên chuyến tàu hư vô rồi. Bà sẽ đi qua những ga mới của bờ kia. Bà đã mỏi mòn, đã không chờ đợi nổi một ngày nào đó, hòa bình, bà được chết ở quê cũ, được chôn trong đất của tổ tiên. Không biết ông nội em còn đủ sức chờ! Thế hệ ông cha của chúng ta có lẽ như thế là kiệt lực, không đủ sức chờ để thấy hòa bình. Còn chúng ta, chúng ta có đủ can trường chờ đợi không anh? Nhất định là đủ, là có, là dư, anh nhé. Hòa Bình sẽ trở lại. Nỗi mơ ước ôm ấp của bà nội không chôn trong đáy mồ mà còn xanh chờ trong mỗi chúng ta. Anh có tin nổi ước mơ từ thế hệ trước để lại, sẽ được chăm sóc, nuôi lớn để cùng tràn vỡ niềm vui sướng hạnh phúc khi hòa bình trở lại! Nhất định tin, tin thế, anh. Thế hệ chúng ta, phải thấy cho được hòa bình. Mình sẽ làm đám cưới. Đám cưới cũng bình thường như mộng ước lứa đôi. Đám cưới. Đâu có gì mà không được! Nhưng anh ơi, trong ngày vui nhất đời cũng có chuyện buồn nhất đời. Bà nội không còn để anh và em được têm trầu, xoáy trầu cho bà nhai. Anh nhớ không, bà vẫn nói: Bà phải đợi đến khi con Mai nó cho bà ăn trầu, uống rượu. Đợi đến lúc bình yên cháu tôi lấy chồng, làm đám cưới rình rang. Lúc đó, miệng bà cười cũng đã móm mém rồi. Vậy mà bà không đợi nỗi. Chúng mình tiếp tục đợi với niềm mơ ước của bà. Mình cũng làm đám cưới. Em sẽ mặc áo cưới đi bên anh dưới bầu trời xanh, dưới nắng vàng tươi chứ không phải ngọn nắng cổ quái lạc giữa mùa đông, nơi ngọn đồi anh thường tả cho em biết. Cô Thoa cũng sẽ mặc áo mới, áo cưới nữa. Hình như chiến tranh làm người ta mau già. Nhưng khi hòa bình trở lại, cô Thoa sẽ trẻ trung, tươi tắn, xinh đẹp, sẽ bớt bốc đồng và có thể còn có một chiến sĩ trở về xin cưới . Chiến sĩ già mà già dặn phong sương. Được chứ. Tại sao không, phải không anh? Cô Thoa cũng dễ thương như mọi người.
Không phải khi không mà em nói tới chuyện đám cưới. Sáng hôm nay em đã nghe bản tin ngưng oanh tạc Bắc Việt rồi. Một nhân nhượng, một thiện chí xuống thang chiến tranh, mở đường cho hòa bình. Vậy mà bà nội chết. Bà nội chết trước khi nghe tin đó. Nhưng cho tới hôm nay thì tình hình cũng không sáng sủa gì, khi nơi trại anh Đoàn còn cắm trại, trong nhà mình, cái hầm vẫn còn giữ nguyên. Bầu không khí trong thành phố vẫn còn nặng nề đe dọa bởi bom đạn làm cho em cảm thấy đám cưới của chúng mình còn xa vời! Nhưng dù sao mình cũng phải vững niềm tin. Anh cũng giữ vững niềm tin với em. Một mai khi hòa bình trở lại, anh không cầm súng nữa, anh trở về, đám cưới và mình sống ở Thủ Đức với mẹ. Sẽ biến ngôi vườn của mẹ thành một trang trại. Một trang trại nhỏ thôi, anh trồng rau, nuôi gà và em trở thành một bà nội trợ thực thụ. Không cần làm gì hết, khi đó em chỉ nấu cho anh ăn những món Bắc. Những món ăn Bắc bà nội đã truyền cho em hết những bí quyết. Mà không phải chỉ ăn những thức ăn Bắc đâu, anh cũng phải theo em ra Bắc nữa. Anh sinh trưởng trong Nam, lớn lên trong Nam, anh chưa biết quê hương em ra sao. Anh cũng thường nói với em anh ao ước được trở về thăm quê hương của em, đem em về với mẹ em khi hòa bình trở lại. Anh cùng em về thăm mẹ, thăm em Hải, anh nhé.
Còn bà nội nữa chứ. Chúng mình sẽ đem bà nội theo. Anh biết không, ở miền Bắc có tục lệ chôn ba năm phải cải táng. Ở miền Nam thì em không biết có tục lệ đó không! Bà nội em người Bắc, chắc bà cũng mong muốn còn cháu giữ đúng tục lệ quê mình. Chúng mình sẽ cải táng mộ bà nội, sẽ đặt cốt bà trong cái tiểu sành như các cụ ngày xưa vẫn làm và đem về Bắc. Lúc đó còn ông nội không? Mong còn. Mình sẽ cùng đi bằng xe hơi. Vâng, lúc đó mình đã có trang trại, đã có xe hơi rồi. Em sẽ kể cho anh nghe chuyện Hà Nội mà em biết được qua bà nội. Bà cho em biết quê em, hình ảnh ấu thơ của em. Anh chưa ra miền Bắc lần nào, hẳn anh sẽ thích thú lắm khi nhìn thấy quê của em. Chính em, em cũng chưa biết nhiều, những hình ảnh trong thơ ấu bây giờ đã chìm vào dĩ vãng. Em cũng phải nhìn thấy lại.
Trời ơi. Tay em run quá. Em muốn chạy xuống nhìn ảnh bà nội, nói chuyện với bà về những dự tính của chúng mình, nhưng chưa xong mà! Mình đi xe hơi được chứ anh? À, mà không anh ơi! Mình phải đi bằng tầu hỏa như ông nội vẫn ước mơ. Trời ơi, con tàu lắc lư, trên chuyến tàu bao nhiêu người sống còn đi về Bắc, bao nhiêu oan hồn vất vưỡng đi theo trong bầu không khí rộn ràng rạn vỡ bởi tiếng máy, tiếng còi tầu, và đẫm ướt với muôn ngàn giọt lệ mừng tủi. Mình sẽ cùng nhau trong một toa tầu, đứng với nhau ở một cửa sổ nhìn ra ngoài. Mình sẽ đi qua bao miền trên quê hương, mới đây điêu tàn trong chiến tranh và bây giờ cây cối chớm xanh, chim đã hót. Những vết thương của con người, của đất đai, của cảnh vật đang được chăm sóc, hàn gắn. Con đường sắt xuyên việt nối lại lành lặn băng ngang qua xương máu, hận thù để nối tình thương Nam Bắc. Đi ra Bắc, đem bà nội ra Bắc. Anh ơi! Anh có khóc cùng với em không? Chuyện chỉ còn trong mơ mà em đã khóc đây này. Trên chuyến tàu sẽ đi mình còn khóc với nhau nhiều nữa. Anh Lý cũng sẽ đi với mình, sẽ cùng qua bao vùng đất mến yêu mà trước đây anh đã đặt chân cùng đoàn người phá hoại, làm tràn ngập máu xương. Lúc đó, dĩ vãng rồi. Không, mình sẽ không nhắc lại gì nữa hết. Chúng mình sẽ gặp em Hải, em Hải cũng phải trở về cho thầy mẹ thấy. Mình gặp em Mai. Con Mai em của em. Anh Hải ơi! Mình gặp em Mai, con Mai em cũng sung sướng, tươi cười, giống y như con Mai chị của anh vậy!
Anh biết không, khi đưa đám ma bà nội, trước khi quay về, ông nội em đã khóc và khấn trước ngôi mộ còn mới tinh: Bà ơi, bây giờ tùy bà, bà có đợi cùng tôi về Bắc thì đợi. Muốn ở lại đây với con cháu thì ở, muốn về Bắc trước thì về.
Lúc đó, em với anh Đoàn đứng cạnh ông. Em đang cầm một chéo áo của ông. Giải khăn sô em đang đội trên tóc muốn bay theo gió. Em nghe mà lạnh cả xương sống và gai ốc nổi đầy. Ghê gớm lắm anh ạ, cảm giác đó thật là hiếm hoi, phải ghê gớm lắm, nó mới làm cho cả người em như có ngàn kim đâm buốt tới tận xương tủy.
Bây giờ ngồi viết thư cho anh, cùng với cái khăn tang bao chùm trên tóc, em nghĩ rằng linh hồn bà nội chưa về Bắc một mình đâu. Bà còn chờ em, chờ anh, chờ bao nhiêu người thân khác chết đi hay được trở về sau cuộc chiến nữa.
Có sau cuộc chiến. Vậy là có hòa bình trở lại. Sớm hay muộn gì cũng có. Nhất định phải có. Nhưng đừng nói ngắt là hòa bình ra sao chưa biết. Hòa bình là hòa bình. Chúng mình về Bắc mang theo hài cốt người thân, hoặc chính hài cốt của chúng mình cũng sẽ được về Bắc với mẹ cha khi hòa bình trở lại.
Một mai, anh ơi, một mai khi hòa bình. Em khóc. Em khóc đây. Anh tưởng tượng đi. Em đang khóc trên vai anh, em đang khóc trong vòng tay ôm của anh. Anh có cùng khóc với em không? Chúng ta khóc trước khi cùng khóc với nhau trên con tàu lắc lư ra Bắc, khóc cùng với bao oan hồn đang vất vưởng đi theo, chắc chắn có oan hồn bà nội của em.
Đêm nay, em khóc. Ông nội khóc. Cô Thoa khóc. Gia đình ở thành phố khóc bên chiếc hầm cát. Anh Đoàn khóc trong trại nhập ngũ. Anh Lý khóc lẻ loi trong Trung Tâm Chiêu Hồi. Và anh nữa, anh chưa biết tin, nhưng em biết cũng nhiều lần anh đã khóc trên ngọn đồi heo hút ngoài chiến trận. Chúng ta, mỗi người khóc cho kẻ chết, khóc cho kẻ sống và khóc cho nỗi đợi chờ.
Em đã viết lung tung quá, nhưng lung tung thì cũng đã thành một lá thư. Anh nhận được, nhớ giữ luôn lá thư này cho em, để một mai khi hòa bình trở lại, mình gói xương cốt bà nội đem ra Bắc nghe anh. Có lẽ em sắp ngất. Tay anh đâu? Em ngã vào tay anh đây này. Vòng tay anh ôm em thật chặt, chặt nữa, để không mất nhau, không rời nhau . Anh ơi! Em yêu anh mãi. Sống với anh mãi. Em.
. . .
Viên Trung Úy Đại Đội phó đưa lá thư lên soi nơi cửa sổ, nhìn nét chữ ký ẻo lả bị nhòa nhoẹt bởi những giọt nước mắt của người viết, rồi nói với viên Thiếu Úy Trung Đội trưởng:
“Mày biết đoán coi chữ ký, đoán coi cô này có tướng chết non không mày?”
“Theo kinh nghiệm thì chữ ký mềm mại như thế này là người có nhiều tình cảm, nhẹ nhàng, cũng dễ chết non. Nhưng coi hình thì thấy tướng mạo tươi tắn lắm mà. Tao cũng không biết nữa ”
“Cho tao điếu thuốc.”
Bao thuốc lá được quăng tới trước. Viên Trung Úy chụp lấy, rút một điếu. Hắn với tay:
“Cái Zippo của tao đâu rồi?”
“Mất mẹ nó rồi. Diêm đây này.”
Que diêm được bật lên, soi rõ mặt viên Trung Úy đang cúi xuống mồi lửa. Rồi tiện tay, hắn đưa luôn lá thư vào que diêm còn cháy dở, nói:
“Thôi để tao gửi luôn lá thư này xuống dưới cho thằng Hồ”
Một cái nhấp nháy, ánh sáng của ngày còn leo lét trên cửa sổ vụt tắt. Chiều đang tan trong sương mờ dày dặc ngoài đồi núi trùng điệp và bóng tối đã tràn ngập căn hầm.
Giữa bóng tối lạnh lẽo của mùa đông và của cuộc chiến tranh bất tận, một ngọn lửa bùng cháy.
Nhã Ca, 11-1968
(Một Mai Khi Hoà Bình, Chương kết)