- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Tôi đọc Thảo Trường

(đọc trong ngày ra mắt Những Miểng Vụn của Tiểu Thuyết của Thảo Trường – 31/8/08)

 

NMVTT

Đọc sách là một hành trình riêng tư, mỗi người tiếp cận cuốn sách theo một cách khác nhau, đi vào những ngõ ngách khác nhau, những tầng lớp khác nhau. Theo Angela Carter (1940-1992), đọc một cuốn sách là cách tự viết lại cho mình. Chúng ta mang đến cuốn tiểu thuyết đó tất cả những gì đã đọc từ trước, lịch sử của mình, và kinh nghiệm của mình về thế giới. Chúng ta đọc một cuốn sách với những điều kiện riêng, theo cách mà mình muốn.

Với tôi, đọc Những Miểng Vụn của Tiểu Thuyết (NMVCTT) còn là một cách dựng lại cho mình một lịch sử cá nhân và ký ức tập thể chứa đựng cá nhân mình trong đó.

Tôi đi vào thế giới những miểng vụn của nhà văn Thảo Trường với tư thế một người đi truy lùng quá khứ. Tôi cầm trên tay cuốn sách này, quá khứ của nó nặng chĩu, hơn nửa thế kỷ. Nhà văn Thảo Trường, vốn sống của ông khủng khiếp, 17 năm vừa tham dự chiến tranh Việt Nam vừa sáng tác, 16 năm 4 tháng 4 ngày trong những trại lao tù khổ sai, 15 năm lưu vong ngoài quê hương để viết về những kinh nghiệm sống của mình. Ba yếu tố chính làm nền tảng và chủ đề cho mọi truyện ngắn và tiểu thuyết của ông là chiến tranh, lao tù và hội nhập.

Tôi đọc Thảo Trường trong tâm trạng một người đi thăm lại những nơi chốn của tội ác và mở lại hồ sơ những cái chết oan ức. Hồ sơ những cuộc đời bị tật nguyền, với những chấn thương vĩnh viễn trong những người còn sống.

Tôi đọc Thảo Trường như đi thăm một hiện trường, đi thâu thập từng chứng cứ nhỏ nhặt nhất nhưng báo hiệu những phát hiện kinh hoàng nhất.

Tôi đọc Thảo Trường như một người Do Thái quay lại những trại tập trung thời Đức Quốc Xã, như một người Nga sống qua thời Xô Viết nhớ lại những quần đảo ngục tù. Chỉ khác có một điều, những người Do Thái có một nơi chốn cụ thể để nhìn rõ tận mắt tội ác đã thực sự xảy ra với họ. Còn với tôi, nơi chốn mà tôi thăm viếng ấy không tồn tại như một hiện hữu xác thực. Chúng ta người Việt Nam chưa được cái may mắn có những di tích được bảo tồn như một chứng cứ, như trại tập trung Auschwitz và Birkenau ở Ba Lan, hay viện bảo tàng diệt chủng Toul Sleng ở Phnom Penh để cả thế giới cùng nhìn, cùng chứng kiến, và cùng tưởng niệm. Đã có chưa một thứ tương tự, như một biểu tượng tinh thần, ngay trên đất nước Việt Nam về một cuộc chiến, về những nạn nhân của miền Nam, về những nạn nhân bị đàn áp của cộng sản Việt Nam nói chung? – Không có. Nó chỉ ở trong tâm tưởng và trong những hội chứng tâm lý hậu chiến tranh. Những chấn thương tâm lý sẽ ám ảnh mãi. Chừng nào một tội ác chưa được công khai hóa thì những cơn ác mộng vẫn tiếp tục tồn tại. Những trại giam người sau 1975, nơi đã giam giữ Thảo Trường và các đồng đội của ông, đồng nghiệp của ông, hiện nay đã được phi tang dấu tích. Những người tù đã nằm xuống ở một góc rừng nào đó, xương của họ đã hòa vào bụi đất. Và những người cai tù của một thời dã man nào đó, những lãnh đạo chỉ huy cuộc tàn sát tập thể dần mòn ấy cũng khoác những chiếc áo khác, đang đóng một vai trò khác trong tình hình thế giới hiện nay.

Thế giới đã xếp lại hồ sơ Việt Nam và tội ác cộng sản rồi chăng?

Có thể lắm. Chúng ta có những di tích thuyền nhân đang bị đập nát trên những hoang đảo để xóa sạch dấu tích cuộc vượt biển tang thương vĩ đại. Gần đây chúng ta còn có những đàn tràng giải oan để đánh bóng cho một chế độ đã và đang dựng nên những địa ngục trần gian kinh khiếp nhất ở quê hương. Thảo Trường, những nhà văn miền Nam, những người lính miền Nam đã sống trong cái địa ngục ấy, những địa ngục chưa được công khai toàn thế giới. Thứ địa ngục tồi tệ hơn tầng đầu địa ngục của Solzhenitsyn. Đó là thứ địa ngục thuộc vào tầng thấp nhất, nơi con người bị chính đồng loại mình đặt giá trị kém hơn súc vật (Đá Mục, Những Đứa Trẻ Đầu Thai Giữa Hàng Rào).

Tôi đọc Thảo Trường như đọc một bản cáo trạng viết từ địa ngục.

Một bản cáo trạng mỉa mai, chua xót, nhưng nhân bản. Một cái nhìn thấu đáo về chủ nghĩa cộng sản và tính chất “súc vật” của nó, như Thảo Trường nhận xét. Trong bản cáo trạng đó, thủ phạm đã phủi tay, gần như trắng án. Để đi tìm lại bóng dáng của những địa ngục đó, chỉ có cách thu lục những dấu tích còn tồn tại trong ký ức của những người còn sống sót. Trong lời khai của những nhân chứng.

Tôi đọc Thảo Trường như đọc lời khai của người chứng đầu tiên và cuối cùng.

Lời khai không thứ tự đầu đuôi, không mạch lạc hoàn chỉnh, không trọn vẹn 100% một câu chuyện. Có khi nó là 1%, có khi nó là 1000% câu chuyện. Lời khai của người chứng vì vậy giống những tuyến đường đi ngược chiều, đối nghịch, va chạm, phá hoại nhau.

Thảo Trường đã viết:

“Phải luôn luôn nhớ rằng hãy quên đi tất cả”

Câu này vừa ở đầu truyện, vừa tái hiện đều đặn trong Đá Mục. Mỗi lần ký ức làm nhân vật “ông lão” quặn đau, ông lại tự nhủ: Hãy quên đi tất cả.

Rồi trong một trả lời phỏng vấn với đài truyền hình VOCT, Thảo Trường nói: Tôi viết để “để đời”.

Vậy thì, Thảo Trường muốn chúng ta quên đi hay muốn để lại cho đời những kinh nghiệm của mình?

Thế giới đang bước vào thế kỷ 21 với những vấn nạn mới, các cường quốc đang bày những ván cờ mới, những thế lực đang dàn xếp theo xu hướng mới. Phương Tây đã hầu quên đi nạn đói kinh hoàng những năm 1932-33, khi Stalin chọn phương pháp bỏ đói làm thứ vũ khí thầm lặng để giết người Ukraine một cách không tốn kém, và giết được nhiều hơn Hitler sau này giết người Do Thái. Người ta có thể thiên vị tội ác này hơn tội ác khác, không phải vì mức độ nặng nhẹ, mà vì lăng kính chính trị mình chọn. Một lý do nữa, thế giới có thể chọn nhớ một tội ác này lâu hơn một tội ác kia, vì hình ảnh mà nó phô bày trước mắt. Những người khuynh tả Bernard Shaw, Beatrice và Sidney Webb, và PM Edouard Herriot, khi tham quan Ukraine vào thời điểm 1932-33 đã tuyên bố đây là những lời nói dối dựng đứng. Shaw nói, “tôi chẳng thấy ai thiếu dinh dưỡng ở nước Nga.” Walter Duranty, phóng viên tờ New York Times, được giải Pulitzer Prize với tường trình về Nga Sô, đã viết “những lời đồn về nạn đói chỉ là lối tuyên truyền độc địa.” Hơn bảy triệu người đã chết chung quanh họ, nhưng họ chọn không nhìn thấy. Những văn khố mật ở Nga đồng nghĩa với sự quên lãng đáng sợ, những trại tù thời Xô Viết bị cấm vào. Không có hình ảnh để trưng bày, không có phim tài liệu về những nạn nhân – trong nền văn hóa nghe-nhìn hiện nay – cũng đồng nghĩa với không hiện hữu. Dầu vậy, lương tâm không cho phép chúng ta lấy những bài học về Holocaust, về Gulag, về cuộc tàn sát Armenian, cuộc tàn sát Rwanda, cuộc chiến Bosnia, diệt chủng ở Cambodia, Cách Mạng Văn Hóa Trung Quốc, cuộc trả thù những người lính miền Nam Việt Nam… đem so sánh với nhau và xếp hạng mức độ kinh hoàng của tội ác. Trước lịch sử mọi nạn nhân đều đồng hạng.

Con người thường chọn lựa điều họ muốn nhớ, theo cách mà họ muốn, và gọi đó là lịch sử. Nếu không cẩn thận, lịch sử được chọn lọc đó sẽ quay lại, sẽ chạy lại mọi diễn biến trên đời sống chúng ta và tàn phá không phân biệt, không chọn lọc một ai. Trong lời mở đầu cuốn Night, tác giả Elie Wiesel, người được giải Nobel Hòa Bình năm 1986, từ góc nhìn của một nạn nhân trong cuộc, đã giải thích lý do ông viết về kinh nghiệm diệt chủng dân Do Thái như sau:

“Tôi chỉ biết rằng, nếu không có lời chứng này, cuộc đời người viết của tôi – hay chỉ đơn thuần là một cuộc đời, chấm hết – sẽ không thể như hiện nay: một nhân chứng tin tưởng vào trách nhiệm đạo đức của mình trong việc ngăn cản kẻ thù đạt được chiến thắng cuối cùng là tẩy xóa vĩnh viễn tội ác của họ khỏi ký ức nhân loại.”

Elie Wiesel đã định nghĩa hành động viết của ông, vừa với tư cách người còn sống sót, tác giả, người chứng, và người cảnh báo lương tri thế giới. Cũng như Wiesel, Thảo Trường không chấp nhận chuyện quên đi những kinh nghiệm và những nỗi đau của mình, cũng chính vì ý thức trách nhiệm đó, một trách nhiệm lớn lao hơn những ân oán cá nhân. Trong bài tham luận dành riêng cho trang mạng Hội Luận Văn Học, tôi đã viết: “Đối với người Việt nam, sau những lời kêu gọi hòa hợp hòa giải, sau những lời khuyên thức thời và những hứa hẹn rằng hãy quên đi quá khứ để vươn tới những tặng phẩm tương lai, họ vẫn không thể nào quên. Họ là những con người bị chấn thương – những vết thương không được nhìn nhận, không được chẩn đoán, không được chữa trị, sẽ không cách nào lành. Mức độ sưng tấy sẽ tiếp tục tỷ lệ thuận với thời gian. Người viết miền Nam Việt Nam, với kinh nghiệm chiến tranh, ngược đãi, tù đày, chết chóc, sau hơn 30 năm vẫn chưa có được cái may mắn của Wiesel để dõng dạc đứng lên làm chứng trước lương tâm thế giới. Cho đến giờ họ vẫn chỉ làm chứng với nhau, và với chính mình, và cố tìm ra ý nghĩa cho nỗi đau dai dẳng của mình. Để làm gì? Để như Wiesel nói: Nhân chứng bắt buộc chính mình phải cung khai. Cho tuổi trẻ hôm nay, cho những đứa bé sẽ sinh ra ngày mai. Hắn không thể để quá khứ của hắn trở thành tương lai của những thế hệ sau.”

Như vậy, nhà văn Thảo Trường, và những nhà văn cùng thế hệ với ông: Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Duyên Anh, Doãn Quốc Sỹ…, cách thức họ viết như ướp đông ký ức, để giữ cho những lời chứng không hư hoại. Hãy lắng nghe những lời chứng đó. Những lời chứng có khả năng vươn tới những thế hệ sau và khả năng ngăn ngừa sự lập lại của lịch sử. Cũng chính là thứ lịch sử mà Karl Marx đã nói: Lịch sử lập lại chính mình, lần đầu như một bi kịch, lần thứ hai như một trò hề. Chừng nào tiếng nói của nhân chứng chưa được lắng nghe, còn bị làm cho câm lặng, còn bị đánh tráo bởi những ngụy tạo và sự thờ ơ hay thỏa hiệp, thì chừng đó công lý vẫn chưa được thiết lập. Hãy lắng nghe tiếng nói của nhân chứng: hồi ức day dứt một nhà văn, tiếng nói âm thầm giữa những dòng chữ, tiếng gõ phím về đêm, tiếng thì thầm giữa những bụi tre gai, tiếng của đá mục, tiếng của những cơn sốt, tiếng của những miểng vụn vỡ lấp lánh.

Trong mỗi miểng vụn của tiểu thuyết này, chúng ta nhìn thấy phản chiếu của trăm ngàn miểng vụn khác. Mỗi miểng vụn chứa đựng cái toàn thể đã bị vỡ vụn, là lịch sử VN, là thân phận người di dân lưu lạc phát tán trên thế giới. Đây là một cuốn tiểu thuyết trong một hình thức mới, có lẽ ngoài ý muốn tác giả, nhưng lại đạt một hiệu quả không ngờ.. Từ Người Đàn Bà Mang Thai trên Kinh Đồng Tháp viết năm 1964 đến Khẩu Hiệu, Những Đứa trẻ Đầu Thai giữa Hàng Rào, qua Mây Trôi, Đá Mục, Miểng, Ông Bồ, Từ Dưới Đỉnh Đồi Nhìn Lên Chân Núi, viết trong những năm gần đây… Tất cả những mảnh vỡ, những số phận, những cái chết, những vết thương, những nỗi đau, những sự mất mát… đều ám chỉ một điều lớn lao hơn đã xảy ra cho cả một dân tộc. Có thể trong trường hợp này, hình thức những miểng vụn là cách tốt nhất để kể một câu chuyện – cặn kẽ, chi tiết, phóng lớn, với từng lát cắt của da thịt của sự sống được phân tích giảo nghiệm kỹ càng. Với tất cả những phức tạp, chồng chéo, uẩn khúc của lịch sử; không cách nào soi rọi, mổ xẻ một hiện tượng tốt hơn bằng cách đập vỡ nó ra, để nhìn xuyên suốt nó, nhìn tận mặt khuất kín của nó, nhìn những thứ ẩn sâu dưới lớp sơn bên ngoài. Như khi tìm thấy ở hiện trường, một sợi tóc đủ để nói lên một câu chuyện, một cái móng tay đủ để tố cáo một tội ác; thì ở đây, trong mỗi miểng vụn của Thảo Trường chúng ta đều nhìn thấy một tổng thể, tuy đã khúc xạ, đã phân mảnh, đã phát tán, nhưng vẫn mang trong nó cấu trúc di truyền chung, của một thứ DNA chung của một định mệnh dữ dội đã đổ ập lên đầu dân tộc Việt Nam chúng ta.

Những mảnh vụn còn nói lên tính bất định và bất khả tín của những câu chuyện chiến tranh; không có một sự thực tuyệt đối, không có một chính nghĩa cố định, lại càng không có câu chuyện lịch sử chính thống do một giới cầm quyền nhân danh và đòi độc quyền yêu nước yêu dân tộc.

“Trong một cuộc nội chiến đường đạn bắn là vô hình; nó đi xuyên qua trái tim con người.” Saint-Exupéry đã viết trong Cõi Người Ta như thế.

Như Thảo Trường đã viết trong Viên Đạn Bắn Vào Nhà Thục, viên đạn này mang nhãn hiệu Mỹ nhưng nó có thể đến từ bất cứ phe nào, vì phe nào cũng xài thứ đạn ấy được.

Tôi hình dung đời sống của một người tên Trần Duy Hinh, bị những đường đạn vô hình bắn đến từ nhiều nòng súng, làm cho đời sống ấy bị vỡ toang hoác, thành những mảnh vỡ. Và từ những mảnh vỡ ấy, chúng ta có chân dung nhà văn Thảo Trường, tận tụy dùng những ngày còn lại trong đời, gom góp lại thành Những Miểng Vụn của Tiểu Thuyết.

Vì vậy, tôi đọc Thảo Trường như đọc một tự sự tiểu thuyết. Vì giọng kể nhất quán và cá tính mạnh mẽ xuyên suốt các tiểu phẩm/ mà cũng là chương hồi, tùy theo cách chúng ta đọc. Vì tính cách thiết thân, gắn bó hữu cơ giữa kinh nghiệm của người viết và câu chuyện của tác phẩm. Đây còn là một nhật ký văn chương, viết với công thức 99% sự thực + 99% hư cấu. Hẳn thế, vì đời sống của nhà văn Thảo Trường và tác phẩm của ông là một. Vì ông là nhân chứng, và những lời kể của một nhân chứng chính là câu chuyện của đời họ và là lý do mà họ sống, lý do khiến họ không thể nào bỏ cuộc.

Thảo Trường viết để “để đời”, ông đã nói như vậy. Cái để đời, tôi tin rằng không phải chỉ là một cái danh, mà là để đời một hay nhiều bằng chứng, trong tư thế người viết, chứng nhân, nạn nhân, người dấn thân trọn vẹn, và giữ được mình trọn vẹn đến bây giờ. Một sự toàn vẹn sau cùng của nhân cách, trớ trêu thay, lại hiện hình từ những miểng vụn đau thương trải nghiệm trong đời sống.

Đặng Thơ Thơ

bài đã đăng của Đặng Thơ Thơ