Trang chính » Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 28, , Sáng Tác Email bài này

Những Bí Ẩn về chị Nhàn

 

ĐTBT

Đinh Từ Bích Thúy và các em trên sân thượng căn nhà Hàng Xanh, Tết 1975
 
 

Chị Nhàn vào gia đình tôi cuối năm 1974, khoảng nửa năm trước khi chúng tôi theo ông bà ngoại rời Việt Nam. Lúc đó tình hình bắt đầu căng thẳng. Sau khi bố tôi bị chính quyền Thiệu bắt vì viết báo với tư thế “đối lập,” chúng tôi đã rời căn nhà ở Hàng Xanh và về sống với ông bà ngoại ở căn hẻm đường Nguyễn Trãi đối diện trường Bác Ái, quận Năm, gần Chợ Lớn. Bà ngoại tôi, qua một vài người quen, đã mướn chị Nhàn để phụ giúp việc nhà, bây giờ có thêm sáu miệng ăn—mẹ tôi và năm chị em chúng tôi. Mẹ tôi cũng đang có bầu thằng em út lúc đó.

Chị Nhàn tay chân to bản, người cao lớn, gần thước bảy, ngực lép, với làn da ngăm ngăm tím. Khuôn mặt chị dài thon, mắt nâu màu cà phê, gò má thóp cao xương, mũi thẳng, môi mỏng, sắc tai tái. Có lẽ ở một xứ văn minh như nước Mỹ ngày hôm nay, chị sẽ được coi như một người đàn bà đẹp, một người mẫu thời trang như những cô “mô-đen” người Ê-thi-o-pia không chừng. Nhưng vào những năm trong thập niên 70s, khi mẫu người đàn bà đẹp–pha nhiều ảnh hưởng của Tây Phương–là mẫu người cân đối, có làn da trắng mịn (càng trắng càng đẹp), mặt đầy đặn và môi mọng đỏ như chị Phụng và chị Đẹt—là hai người giúp việc trước đó ở trong gia đình tôi, con gái Cần Thơ, đã xin thôi việc để đi làm Câu Lạc Bộ cho Mỹ–chị Nhàn bị bà ngoại tôi gọi là “con hộ pháp” và những bà hàng xóm thì gọi chị là “con chà và” đằng sau lưng chị. Chị ít nói ít cười, và chị nấu canh mặn chát, nhưng đối với tôi, một con bé tuổi 12 sắp sang 13 lúc đó—chị là cả một thế giới huyền hoặc. Chị vững chãi. Chị “bình chân như vại.”

Trong thời gian đó tôi là một con bé thích nổi loạn, và thường hay bất mãn. Tôi bất mãn với bài hát “Tuổi Mộng Mơ” của Phạm Duy được thịnh hành ở Sàigòn vào thời điểm 73-74, “em ước mơ mơ gì tuổi 12, tuổi 13, em ước mơ em được em được làm tiên nữ….” Tôi không ước mơ gì vớ vẩn như vậy cả. Ở tuổi 12, 13, tôi đã “già đời” hơn nhiều những cô bạn nhu mì cùng lớp. Tôi ngộp ngạt nóng bức trong tà áo trắng Trưng Vương trong trời Sàigòn mùa nắng, tôi khó chịu khi bà Tổng Giám Thị đi vạch áo nữ sinh để xem chúng tôi có mặc áo lót dưới áo dài “soa nhân tạo” qua mảnh nịt vú cứng như gỗ mua ở xạp chợ An Đông. Bà Tổng Giám Thị nói mát khi bà đi qua đám con gái choai choai ngồi tụ tập ở những xe sinh tố trước cửa trường nhẩn nha xi-rô cam đá nhận ngắm nghé bọn con trai Võ Trường Toản, “con gái đoan chính gì mà chỉ ranh chuyện quà vặt đàn đúm…” Thì đã sao. Tôi ghen với Lệ Hằng, nhà có 11 chị em gái đùm bọc lẫn nhau, san xẻ nhau những tấm áo, những mảnh jupe hòa thuận. Lệ Hằng gần út, được các chị lớn chăm sóc, không bị bơ vơ. Tôi thèm được ở trong cộng đồng khắng khít của đám con gái tươi như hoa. Tôi “cảm” Lệ Hằng và làm thơ lục bát gửi cho Lệ Hằng năm học Đệ Thất. Lệ Hằng gửi trả lại tôi bài thơ, viết vội vã những giòng mực tím, “Lệ Hằng xin lỗi Bích Thúy nghen. Lệ Hằng còn con nít lắm, không bi quan như Bích Thúy và không sâu xa đâu. Bích Thúy vui nghen, đừng giận.” Mẹ tôi nói tôi là con cả phải lo cho các em và phải hết sức chu đáo khi mình về ở nhờ nhà ông bà ngoại.

Ở lứa tuổi 12 sang 13, tôi không nghĩ mình “bi quan” hay “sâu xa” nhu Lệ Hằng đã kết luận, nhưng có lẽ tôi không hồn nhiên hay ríu rít như các bạn đồng tuổi. Ở lứa tuổi đó, tôi đã theo mẹ vào thăm bố ở khám Chí Hòa, và trước đó, vào những năm 72, 73, ở những khách sạn, ở ngôi nhà kín cổng cao tường mà ân nhân của bố đã nói được “Xịa” bảo vệ. Những năm đi trốn bố để râu quai nón che kín gần hết mặt, giống hiệp sĩ Nhật Bản. Các bạn tôi, có một lần thấy bố ở nhà, đã khen, “Trời, bố Bích Thúy nghệ sĩ ghê há.” Ừ thì tôi cứ để cho chúng bạn mơ mộng như vậy. Tôi nói “bố hiệp sĩ” ít có mặt ở nhà vì bố hay phải đi công tác ra ngoại quốc.

Trong sự nổi loạn, tôi cũng có những mơ mộng lẩn thẩn hiện sinh của tôi. Trong lớp tôi quen Hóa, một cô bạn nổi loạn khác. Cô có người anh sinh viên đại học Vạn Hạnh, đẹp trai như Alain Delon. Vào những ngày tháng cuối cùng trước khi Trưng Vương cho học sinh nghỉ hè sớm, khi thế giới người lớn bắt đầu chễnh mãng với tụi tôi, thỉnh thoảng Hóa và tôi trốn học, đi bộ từ cổng sau của Trưng Vương ra Sở Thú rồi đón xe buýt ra khu đại học Vạn Hạnh, chạy nghịch vòng vòng đài phun nước Tháp Rùa ở bùng binh trước đại học, và “ngắm” anh của Hóa và những sinh viên tóc dài chấm vai, sơ mi bỏ ngoài quần, hút thuốc lá phì phèo nói chuyện “quốc sự” bên những quyển sách không buồn mở.

Về nhà, tôi bắt đầu nhìn thấy những đồng đô la xanh ông ngoại đã mang về từ sở Mỹ. Ông làm việc ở văn phòng Defense Attaché Office (DAO) trong khu Tân Sơn Nhất, và ông bắt đầu mang những món tiềng lương đổi qua đồng đô-la. Lúc đi làm về, ông để tiền trên kệ sách, bàn giấy, công khai. Chắc chị Nhàn và ai đó vào nhà cũng nhìn thấy điều này. Tôi nhìn những đồng đô la xanh và bắt đầu mơ ước về một thế giới khác, một thế giới có bốn mùa, không oi bức như Việt Nam. Tôi lờ mờ hiểu được là những tháng ngày sinh sống ở căn nhà đường Nguyễn Trãi với ông bà sẽ là những chuỗi ngày hạn định. Tôi thành hồi hộp, đãng trí. Tôi bị bà ngoại mắng, “Con gái gì mà đầu óc lúc nào cũng đâu đâu, còn lề mề, chậm như rùa. Con gái phải phiên phiến đi chứ.” Tôi bực tức. Phiên phiến để làm gì chứ. Tôi không nhìn thấy tương lai của tôi trong căn hẻm khúc khuỷu ấy. Mẹ tôi nói, “con phải kiên nhẫn, hiền hòa. Con làm vì mẹ, thay mẹ, cho các em. Con phải nhanh nhẹn giúp đỡ ông bà vì nhà mình đông trẻ con.” Tôi phải như thế này như thế kia nhiều quá. Tại sao người ta lúc nào cũng bắt con gái phải thế này thế nọ. Tôi ra ngoài hè ngồi sưng mặt, cố nén khóc. Chị Nhàn đến ngồi cạnh. Một lúc sau, chị nói, “ Đàn bà con gái mình có sức mạnh, nhưng đừng để nó tiết ra ngoài nhiều quá, chỉ mệt cãi lộn với người khác. Nhịn không phải là mình thua thế, em. Rồi em sẽ biết cách làm mình được nhẹ nhõm.”

Từ lúc đó trở đi, tôi ít cãi, ít phản ứng lại bà ngoại và bắt đầu nhìn vào bên trong mình nhiều hơn. Chị Nhàn không phải là bà ngoại tôi hay mẹ tôi, cho nên chị không nói tôi phải thế này thế kia được, nhưng chị đã khuyên tôi, “rồi em sẽ biết cách ….” Biết như thế nào? Ở lứa tuổi đó, chưa ai bảo tôi như vậy cả.

Rồi mẹ vào nhà thương Triều Châu trong Chợ Lớn đẻ em trai út. Trong lúc mẹ vắng nhà, chị Nhàn và tôi lo cho các em khác ở nhà ông bà ngoại, sáng gọi tụi nó dậy, lo cho tụi nó ăn uống, sửa soạn quần áo đi học. Tôi và Từ Thứ, thằng em kế ngay tôi lên 10 học buổi chiều ở Võ Trường Toản, thường đi cùng xe buýt đến trường. Một hôm, trưa nắng chang chang, chúng tôi bị lóa mắt, thấy xe buýt tấp vào bến bên kia đường, chúng tôi cầm cặp ù té chạy băng qua con đường Trần Hưng Đạo rộng mênh mông để kịp bắt được xe. Từ Thứ chạy trước, không nhìn thấy chiếc xe gắn máy đang chạy đến phía nó. Tôi kêu lớn, “coi chừng!” Nhưng may quá, người đàn ông trên xe gắn máy đã nhanh trí, đưa chân mình ra hất em tôi qua lề đường phía xe búyt, để xe của ông khỏi đâm sầm vào Từ Thứ, rồi tiếp tục chạy thẳng. Em tôi lăn mấy vòng, nhưng chỉ bị xây xát chân tay, chứ không đập đầu vào đâu cả. Lấy hết sức, tôi kéo nhanh Từ Thứ lên vỉa hè để tránh xe búyt bắt đầu chuyển bánh (ông tài xe buýt—hàng ngày vẫn đến bến đón tụi tôi—và những người trên xe không ai xuống để hỏi han hai đứa bé.) Tôi lo em bị gẫy xương. Nhưng nó gượng đứng dậy, đầu gối, khuỷu tay sướt đầy máu, trấn an tôi, “Em không sao cả. Chị Bê (tên gọi nhà của tôi) đừng nói cho ai biết nhé. Em không muốn mẹ biết rồi lo.” Chúng tôi thất thểu kéo nhau về nhà ông bà, bỏ học chiều hôm đó. Chị Nhàn ra mở cửa. Lúc đó buổi trưa ông tôi còn đi làm và bà tôi đọc kinh ở trên lầu. Nhìn thấy những vết xước, vết bầm trên tay chân Từ Thứ, chị có vẻ ái ngại nhưng không hỏi han chúng tôi gì cả. Chị yên lặng giúp Từ Thứ rửa những vết thương bằng an-côn, bôi thuốc đỏ, rồi băng lại cẩn thận. Em tôi thay ra pyjama dài chân tay rồi đi ngủ một giấc cho đến chiều tối. Tôi nói với bà tôi là em bị cảm lúc ra bến xe buýt trưa hôm đó, cho nên tôi đã mang em về nhà nghỉ.

Sau một tuần lễ ở nhà thương Triều Châu, mẹ tôi mang em bé út về nhà ông bà. Thời gian dồn dập đến. Một buổi sáng, lúc cả lớp đi tập thể dục ở vận động trường gần đường Công Lý (mặc dù học lớp chiều, chúng tôi phải đi tập thể dục một buổi sáng trong tuần) chúng tôi nghe tin Dinh Độc Lập vừa bị bỏ bom. Những máy bay xà thấp chung quanh sân cỏ. Những tiếng nói khẩn cấp từ những loa phát thanh chung quanh sân. Chúng tôi phải vào hầm trú gần đó, ngồi lom khom ôm chặt lấy nhau. Một vài con bé yếu vía khóc. Thời gian đối với tôi lúc đó đã trở thành những giấc mơ quái đản. Những buổi chào cờ nghiêm trọng u uất trước khi vào lớp chiều, khi bà Tổng Giám thị nhắc đến tên của những thành phố bị thất thủ. Có phải chuyện chào cờ của nữ sinh chúng tôi rồi cũng là chuyện của quá khứ?

Một cuối tuần đầu tháng Tư 75, chị Nhàn đi biệt từ tối thứ Bẩy đến qua đêm Chủ Nhật. Thỉnh thoảng cuối tuần chị được bà ngoại hoặc mẹ tôi cho “nghỉ phép,” nhưng chưa bao giờ chị đi qua đêm cả, nói gì đến hai đêm. Mọi người trong nhà chúng tôi lao nhao nhưng không ai đi gọi cảnh sát. Bà ngoại tôi nói, “con hộ pháp đó thì ai làm hại được nó.” Mẹ tôi bảo, hay nó là gián điệp vi xi không chừng. Sáng sớm thứ Hai chị Nhàn về, với khuôn mặt lạnh lùng nhiều hơn là thiểu não. Không ai hỏi gì chị, có lẽ cũng chờ đợi lời phân bua của chị, có lẽ cũng quá mệt mỏi để còn ngạc nhiên trước những biến cố dồn dập trong đời sống. Nhưng chị không nói gì cả, mà vẫn tiếp tục những sinh hoạt trong ngày như bình thường, xách giỏ đi chợ, nấu cơm cho cả nhà, quét dọn bếp núc. Đến hôm thứ Năm trong tuần thì chị đi thật sự. Sáng dậy, mẹ tôi thấy lá thư của chị để trên bàn:

Ông bà và mợ Thức yêu quý,

Con xin lỗi ông bà và mợ là con bắt buộc phải ra đi. Một ngày nào đó khi có dịp con sẽ kể hết cho ông bà và mợ những chuyện mà bây giờ con chưa tiện nói ra. Con cũng biết mọi người lo lắng khi con đi biệt cuối tuần vừa rồi. Chuyện đó thì con xin thưa thẳng thừng là con bị bệnh yếu tim. Tối thứ Bảy con ra ngoài rồi bị té xỉu. Có người đưa con về nhà họ, nói con phải ở đó cho tới khỏe rồi hẵng về nhà ông bà. Con không có cách liên lạc nói cho ông bà và mợ đừng lo. Còn chuyện con đi ngày hôm nay là chuyện khác, không dính líu tới chuyện cuối tuần vừa rồi. Con cũng xin lỗi mợ con mới lãnh lương ba nghìn rưỡi đầu tháng rồi bây giờ bỏ đi không làm hết tháng. Con xin hứa với mợ con sẽ trả lại mợ hết khoản tiền này khi con gặp lại mợ.

Con chúc ông bà, mợ và các em được Phật Trời phù hộ cho an mạnh.

Nhàn.

Mẹ tôi chép miệng, “đúng con này là Việt Cộng rồi.” Người lớn mấy ngày sau khi chị Nhàn bỏ đi cũng thấy hơi rờn rợn, nhưng chúng tôi cũng không bàn tán chuyện này với hàng xóm, mà chỉ nói là chị Nhàn xin thôi việc về quê. Ông ngoại tôi tiếp tục chuẩn bị cho việc chúng tôi sẽ rời Việt Nam. Ông nhắn mọi người phải sẵn sàng bất cứ lúc nào. Ông xin số điện thoại của ông Ba người hàng xóm bụng phệ mà ông đã nhận xét “suốt năm chỉ nằm võng trương bụng ngoài hiên mà quên hết mặt vợ con trong nhà.” Ông nói riêng với bà và mẹ là khi đến giờ lên đường ông sẽ gọi số điện thoại nhà ông Ba và xin nói chuyện với mẹ tôi. Đó là dấu hiệu chúng tôi đã nhận được buổi trưa ngày 21 tháng Tư năm 1975.

***

Mãi về sau, và ngay cả bây giờ, tôi vẫn hoang mang về chị Nhàn. Có phải chị là “gián điệp vi xi” như mẹ tôi đã nghĩ? Nếu như vậy thì chị đã quan sát được những gì để thông báo cho đồng đội? Chúng tôi không phải là những con người có nhiều bí ẩn trong đời sống. Trong lúc chị Nhàn ở với chúng tôi, chúng tôi không nhắc nhiều đến bố, mà chỉ nói bố hay bận công tác phải ở ngoài nước thường xuyên. Tôi không coi chuyện đó là chuyện giấu diếm người ngoài, mà chỉ là chuyện phải thận trọng và cũng không phải là chuyện cho người khác tán gẫu hay thương hại để phải tuôn ra hết. Xã hội miền Nam thời đó đã làm cho con người phải gìn giữ, len lét. Ở lứa tuổi “mộng mơ” của tôi, tôi đã quá quen nhìn những mảng báo trang chính bị đục đen ngòm vào buổi sáng, và những đêm bố tôi không thể về nhà. Trong quyển truyện “tuổi hoa tím” mà bạn bè chúng tôi chuyền tay đọc, tôi đã đọc về một người con gái vì bị cưỡng hiếp mà phải treo cổ tự tử. Trong suốt thời niên thiếu, mẹ tôi nhắc hễ ra khỏi nhà chúng tôi phải nhìn trước nhìn sau phòng hờ bọn công an Thiệu đi theo biết chỗ bố trốn. Nguy hiểm rình rập chúng tôi khắp mọi nơi như mèo rình chuột, và lúc nào chúng tôi cũng phải đề phòng để chạy nhanh hơn nguy hiểm dù chỉ một bước.

Cho dù chị Nhàn có lục lọi khai phá tủ quần áo của mẹ tôi trong thời điểm này, thì điều đó sẽ giúp được chị những gì, ngoài sự kết luận rằng chúng tôi là những con người rởm, lãng mạn quá đáng? Mẹ tôi đã mang về nhà ông bà ngoại những áo dài lụa đẹp nhất của bà, may trong những năm “hạnh phúc nhất và phồn thịnh nhất” của đời sống hôn nhân bố mẹ. Những tà áo dài có design kiểu Pucci, với những đường xoáy nhộn nhịp, tươi sáng, hồng chói, hoặc màu gạch cua, trên nền đen hay nền xanh biếc. Những xấp thơ tình thời chưa cưới của bố mẹ. Những lá thơ không gửi mà chúng tôi viết cho bố tôi như một loại nhật ký, hy vọng một ngày nào đó bố tôi sẽ nhận được. Một lá thơ tôi viết cho bố, đề ngày 14 tháng Tư, 1975, đúng một tuần trước ngày chúng tôi rời Việt Nam:

Nếu chúng con và ông bà với mẹ rời Việt Nam thì chừng nào bố mới được thả?? Con nhớ một cảnh trong Doctor Zhivago, ông Zhivago sau khi được thả ra vội vàng về nhà tìm vợ con thì vợ con ông ấy đã qua Paris. Mà lúc ấy đang chiến tranh ở Nga, con thấy giống như bây giờ quá, con buồn nhất đoạn cuối, bao nhiêu năm sau, khi tình cờ gặp lại Lara ở một khu phố thì ông Zhivago xúc động mà chết luôn. Con mong rằng nếu một ngày nào mẹ và chúng con được gặp bố, chắc không bi thảm quá như đoạn cuối trong phim Doctor Zhivago bố nhỉ?

Nếu chị Nhàn đã biết chúng tôi sắp sửa ra đi, chị có báo cho đồng đội biết? Và biết lúc đó để làm gì? Hay cũng chỉ để kết luận (như đã phỏng đoán từ kế hoạch, hoặc chiến lược được bày ra) rằng chúng tôi và hàng xóm của ông bà ngoại tôi là những người không thể sống còn với thời điểm lúc đó, và cần một thay đổi hoàn toàn, chỉ có điều là sự “thay đổi hoàn toàn” mà chúng tôi mong muốn không phù hợp với cách nhìn và đường lối của đồng đội chị?

Tôi nhớ lại những người hàng xóm của ông bà ngoại tôi. Ông Ba thích đeo kính râm nằm võng phơi bụng ngáy um bên cạnh cây vú sữa trước cửa nhà, mặc để chị người làm bước qua bụng thường xuyên khi phải từ ngoài đi vào nhà. Chắc ông muốn quên đi cái chết của người con trai là anh Tiến, chết mấy năm trước vì nghiện thuốc xì ke? Ông có một cậu con trai khác tên là Hùng, mà hàng xóm đồn là trốn quân dịch. Một hôm tôi sang nhà ông Ba chơi với con gái út của ông là Mimi. Hùng đã chỉ cho tôi và Mimi xấp báo Playboy của anh ở trên gác, với những người đàn bà có khuôn mặt nghiêm nghị như cô giáo, đứng dạng chân trước bảng đen với thân thể lõa lồ và đôi giày đỏ chót với gót giày nhọn như mũi dao.

Tôi nhớ đến bà Bảy. Bà Bảy sùng đạo Thiên Chúa, trong nhà có hai bức tranh đã làm cho tôi có những cơn ác mộng: bên tay phải là bức tranh “Kẻ Chết Lành,” còn bên trái là bức “Kẻ Chết Dữ.” Trong “Kẻ Chết Lành,” người sắp chết thấy Thiên Đường Chúa Trời được mở rộng, với những thiên thần thổi kèn ca hát trông rất vui mắt, và thánh Phê Rô mở rộng vòng tay chuẩn bị đón linh hồn thánh thiện. Ngược lại, cảnh trong “Kẻ Chết Dữ” rất khiếp đảm, người chưa chết mà những con quỷ có đuôi lòng thòng như mỏ neo đã quay hướng đầu giường dốc về lò sưởi đang cháy bùng lửa địa ngục. Tuy sùng đạo nhưng bà Bảy thích đánh mà-chược và đánh cá sổ số. Bà tin rằng những giấc mơ của bà, với những con cua, con rồng, con rắn, cầu vồng, sẽ làm đời sống bà sung túc hơn.

Rồi bên cạnh gian nhà bà Bảy là gia đình anh chị Tư có ba đứa con gái, mà hai đứa tôi chơi thân từ hồi chưa ở dài hạn ở nhà ông bà là con Thu và con Xuân. Chị Tư bán chuối chiên ở đầu hẻm. Chị có lòng, thỉnh thoảng buổi sáng trên đường ra hẻm chị ghé biếu ông bà ngoại tôi những miếng chuối vừa chiên gói ghém trong giấy nhật trình. Ông ngoại tôi luôn lịch thiệp ân cần với chị Tư, nhưng đôi lúc ông ái ngại về những mẩu giấy nhật trình gói chuối chiên nhem nhúa (“biết đâu nó chẳng phải là giấy vệ sinh phơi khô?”) Anh Tư chán cảnh đời sa sút nhà toàn con gái, khi về nhà thường la hét tát bạt vợ con. Đến mỗi đêm thứ Sáu vợ con anh trả thù, khi anh đã say lướt khướt, chị Tư, Thu, Xuân và Chi thay phiên nhau đè nghiến, đánh đập anh, “Đồ vũ phu, cho mày chết nghen.” Chị Tư vừa nói vừa đạp anh chồng té chúi nhủi. Con Thu túm lấy tóc bố, chửi rủa, “Ba là đồ ác, ba vô dụng, ba ăn bám má con.” Hai con kia thừa thế nhào lên lưng bố đấm túi bụi. Anh Tư khật khừ, khóc sướt mướt, “Tha cho tui đi, má con nhà nó. Tha cho tui…”

Nếu chị Nhàn đúng là gián điệp vi-xi, thì tôi không hiểu những người trên của chị hay đồng chí bạn chị sẽ nghĩ gì khi chị kể cho họ nghe những mẩu chuyện về gia đình tôi, về những người hàng xóm của ông bà ngoại tôi vào thời điểm 74, 75? Đây là những mẩu chuyện đứt quãng, hỗn độn, những phác họa lôi thôi, nhập nhằng, của những con người nếu không mê muội thì cũng không hẳn là đương đầu với thực tại: hoặc nơm nớp, hoặc chai đá hoặc bất lực trước thực tại. Tôi nghĩ đến phim La Règle du Jeu của Jean Renoir, về một đám người thượng lưu và những người giúp việc của họ trong một ngôi nhà ở miền quê trong những ngày cuối cùng trước Đệ Nhị Thế Chiến. Như những nhân vật “trưởng giả” trong phim của Renoir, chúng tôi không biết gì về thế giới của chị, và tôi cũng không chắc, trong sáu tháng quan sát chúng tôi, chị đã am tường về thế giới của chúng tôi? Có lẽ chị sẽ kết luận rằng chúng tôi quá đồi trụy, quá buông thả, quá thờ ơ trước những nhiễu nhương của một xã hội bị quân Mỹ chiếm đóng?

Có lúc tôi nghĩ rằng hay là khi bỏ gia đình chúng tôi đi bất thình lình, chị đã bị khủng hoảng trong niềm tin của chị, vì chị đã nhìn thấy hết những phong phú trong sự khiếm khuyết của chúng tôi, và vì vậy chị không chấp nhận được một thiên đường mới sẽ diệt trừ những phong phú hỗn độn này? Tôi tưởng tượng chị dùng tiền lương dành dụm đổi ra những cây vàng, rồi tìm đường trốn thoát đồng đội chị, đến một nơi nào khác—không phải là Hoa Kỳ hay lãnh thổ Việt Nam, để chị có thể thực sự sống cho chính mình. Nhưng tôi nghĩ, sự phỏng đoán này của tôi cũng có phần hồ đồ và …lãng mạn rởm. Tôi không biết gì về những giấc mơ của chị, cho nên tôi không thể đàn áp lên vận mệnh về sau của chị bằng lăng kính méo mó của tôi.

Cuối cùng, chị Nhàn vẫn là một bí ẩn mà tôi không thể giải tỏa, chị là nhân vật huyền hoặc trong đoạn thời gian cuối cùng của quãng đời gia đình trước biến cố 75 ….

bài đã đăng của Đinh Từ Bích Thúy

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)