Thiệt tình! Đúng như P.T. Barnum đã nói: Cứ mỗi phút lại có một kẻ thua thiệt ra đời.”
Hắn là người lầm lì, ít nói; ai cũng biết điều đó nên chẳng ai bận tâm đến hắn. Suốt ngày, hắn mải mê chui rúc dưới những lườn xe, khom người trên những máy móc, và nếu người ta để mặc hắn, hắn sẽ làm miết cho tới nửa đêm. Bao nhiêu năm nay hắn không ăn trưa. Trong khi những người khác múc thức ăn bằng muỗm từ những đĩa nhỏ thì hắn nằm duỗi dài cái thân hình ốm nhom trên tấm ván gỗ nhíu mày đăm chiêu.
Chỉ có “bọn chủ cả,” như người thư ký phát lương, mới có thể làm hắn mở miệng. Và đây là điều thú vị. Ấy là thời điểm mọi người cùng chăm chú nhìn xem làm cách nào mà mặt hắn cắt không còn giọt máu.
“Bọn cướp cạn! Đừng đối xử với người ta như rác rưởi thế chứ!” vừa nói hắn vừa xé vụn tấm chi phiếu tiền lương. “Thà người ta làm không lương! Tiên sư mấy anh, bọn bóc lột!”
“Tới giờ cao điểm của chàng rồi đây!” người thợ máy ngồi vắt vẻo trên bộ phận tản nhiệt, cười lớn.
Mớ dụng cụ bị hắn ném xuống nền nhà phát ra một tiếng động khô, đặc. Con mắt xanh của hắn lóe lên và hắn chửi thề một cách tàn bạo.
Người thư ký kế toán, che dấu cái vẻ thích thú, tiếp tục tranh cãi với hắn, chọc ghẹo hắn; rồi khi thấy đã đủ, anh ta làm lại tấm chi phiếu tiền lương khác, lần này thì chính xác.
Hắn nhìn những con số đã được điều chỉnh, cười hả hê như thể vừa thắng trận.
Mùa đông nọ, hắn bắt được một con chim lông đen trên tuyết. Hắn sưởi ấm con chim thật lâu bên cạnh bộ phận tản nhiệt, làm cho chim một cái lồng và, để chú chim không phải hít thở mùi xăng nhớt độc hại, hắn treo cái lồng trên tường phòng thay quần áo công nhân.
Chú chim vỗ cánh loạt xoạt trong lồng; giờ tan sở, hắn thò ngón tay dầu mỡ qua khung sắt cho chim mổ nhẹ một hai cái.
Rồi, khi ánh nắng mùa xuân tháo gỡ lớp áo len mùa đông dày cộm khoác trên người đám công nhân làm ngoài trời, hắn thả cho chim bay đi.
Hắn nhìn dõi theo chú chim đang chậm chạp vỗ cánh cố nhắc mình lên trên những ống khói lò sưởi, về phía những đám mây mầu bạc và nói một cách giận dữ:
“Đi cho khuất mắt. Đúng ra mày đã chết một mình mày ở đâu đó rồi…”
Hắn đúng là một con người kỳ lạ.
Khi gặp gỡ các linh mục, hắn chào hỏi các vị ấy một cách kính trọng; đi ngang giáo đường, hắn bỏ mũ ra, nhưng trong lúc làm việc, hắn nguyền rủa Thượng đế không ngừng.
Vào Chủ nhật hắn mặc bộ đồ đẹp nhất mầu nâu sọc, thắt cà vạt tím đi nhà thờ. Đấy là tập quán có được từ hồi còn ở cô nhi viện và hắn giữ thói quen ấy. Hắn lắng nghe tiếng phong cầm, nhìn đăm đăm đám phụ nữ, rồi làm dấu thánh giá và bắt đầu cuộc tản bộ ngắm các cửa hàng. Xế trưa, hắn ăn món thịt bò hầm và thật nhiều bánh mì, đứng trước quầy hàng của một quán ăn. Rồi hắn về nhà và ngủ như chết tới sáng thứ Hai.
Năm tháng cứ thế trôi qua.
Thế nhưng một buổi chiều tháng Mười Một kia một điều kỳ diệu đã xảy ra.
Hắn đang mua ít thịt dồi trong chợ để ăn tối thì một gói gì đó rớt ngay trước mũi giầy hắn.
“Lạy Mẹ Đồng Trinh!” một cô gái la thất thanh và đứng chết trân nhìn những miếng thịt vung vãi trên mặt đất sình lầy.
Hắn ho một cách ngượng ngùng và nói:
“Ô, thôi lỡ rồi than khóc trên bình sữa đổ cũng đâu lấy lại được …”
“Không phải sữa và tôi cũng không than khóc gì hết, ông bạn ạ,” cô gái trả lời một cách bực bội. “Đó là phần ăn tối của tôi – bây giờ thì khỏi ăn …”
Họ đi bên nhau dưới mưa phùn và hắn cứ nhìn cô gái đăm đăm bởi trong đời, hắn chưa bao giờ trông thấy bất cứ thứ gì đẹp như vậy. Đột nhiên hắn nói:
“Nếu cô cho phép tôi mời cô đi ăn…” Rồi sững sờ vì sự liều lĩnh đột ngột của mình, hắn ngập ngừng, “nếu như, nếu… như cô không thấy bực mình.”
“Nói cho tôi biết – anh có gia đình chưa?” cô gái hỏi.
“Tôi?” hắn phản đối một cách sung sướng. “Làm sao cô có thể tưởng tượng một điều kỳ cục như thế nhỉ?”
Sau đó họ ăn chung món thịt bê hầm với dưa chuột muối và tráng miệng bằng mứt.
Hắn mở nút áo cổ và chống khuỷu tay lên bàn.
“Cô có biết tôi là loại người nào không? Nếu muốn biết, cô cứ việc hỏi. Hồi mới đi làm, tôi chỉ huy sáu bẩy người…”
“Anh làm nghề gì?” cô mỉm cười.
Hắn ngả người dựa vào lưng ghế.
“Thợ sửa đủ loại máy”. Nhưng cô gái không nói gì, hắn nói thêm một cách lơ đãng: “Máy chạy xăng, máy chạy dầu cặn, đủ loại máy mắc dịch – cái nào cũng sửa được.”
“Lương khá không?”
“Tôi lãnh lương cao. Và chẳng có ngán đứa chủ cả nào hết.”
Khi uống xong ly rượu thứ ba, hắn lùa những ngón tay vào tóc cô gái.
“Yêu ai bao giờ chưa?”
“Cứ vài tuần lại yêu một lần,” cô gái cười lớn.
Họ lặng im ngồi bên nhau thật lâu. Người bồi bàn mang ra thêm hai ly rượu.
“Tình yêu không phải chuyện giỡn chơi,” hắn nói, một cách nghiêm trang.
“Sao anh biết?”
Cả hai lại lặng im.
“Chuyện gia đình… con cái… cũng vậy.”
“Đúng rồi,” cô gái đồng ý.
“Buổi tối về nhà, tôi đổ đầy than vào cái bếp ngói cho tới khi thật nóng. Rồi tôi dựa vào nó…”
“Thế cũng được…”
“Vào mùa hè trái anh đào, trái dâu tây, trái mận… Cô có thể làm mứt – Ít là hai chục keo… Sau đó chỉ việc lấy từ trên kệ xuống ăn dần…”
“Nếu như anh có tiền, “cô gái đưa ly ra cụng vào ly hắn. Họ uống với nhau.
“Người này biết cách dành dụm mà…”
“Uống thêm chút nữa đi,” mắt cô gái sáng lên. “Anh là người đàng hoàng tử tế.”
Và cô dịu dàng vuốt ve bàn tay thô kệch của hắn.
Khi đặt những ly rượu xuống bàn, người bồi đã mỉm cười vì cái hôn vụng về của hắn trên bàn tay cô.
“Em có ai chưa?”
“Chẳng có ma nào – trên trời cũng như dưới đất. Em cứ lông bông một mình,” cô nói nhỏ và nâng ly. “Chúc mừng hai đứa mình!”
“Hai người thì chả khi nào lẻ loi. Chúa bao giờ cũng biết rõ việc làm của Ngài…”
“Nhưng mà tìm chỗ ở cũng khó,” cô thở dài.
“Em sống ở đâu?”
“Xa… xa lắm kìa,” cô trả lời một cách mơ hồ. “Một mình trong căn phòng…”
“Em có thể mua một căn hộ nhỏ rồi chia phòng, người ta bảo cũng kiếm được hai ngàn đồng…”
“Hai ngàn đồng!” cô gái bật cười sặc sụa.
“Anh hiểu rồi!” và hắn vỗ nhẹ lên ngực mình, nói bằng giọng khiêm tốn: “Người này biết cách dành dụm mà…”
“Anh cần chiếc nhẫn và một ít đồ dùng trong nhà, khăn trải giường…”
Hắn nhìn đăm đắm vào cặp mắt to mầu nâu của cô gái.
“Có một nhà thờ nho nhỏ gần đây, mình thuê chiếc áo cưới trắng và một bó hoa…”
“Còn anh?” cô dựa sát vào người hắn.
“Anh sẽ… mặc bồ đồ mầu nâu vẫn mặc ngày Chủ nhật… rồi mình sẽ mua chiếc bánh cưới thật to, đem về nhà ăn.”
“Vậy mà anh nói dành dụm?”
Hắn cười vang và trong niềm hạnh phúc mãnh liệt hắn thưởng người bồi bàn năm đồng.
Tay trong tay họ thong thả đếm bước trên đường phố.
Ngang qua cây cầu, phía sau căn nhà bằng đá của người thợ chụp hình lấy liền, nơi ngay cả chút ánh sáng của ngọn đèn đường xanh xao cũng không thể luồn qua, cô gái đứng lại. Cô ôm khuôn mặt gầy gò của hắn vào hai lòng bàn tay, nhìn đăm đăm vào mắt hắn một lúc lâu, rồi vòng tay xuống cổ hắn và cho hắn một nụ hôn mỏng mảnh.
Hắn ôm sát cô vào mình, run rẩy, và cô, như cánh chim đã tìm ra tổ ấm, bám lấy hắn, cười vui như đứa trẻ.
Rồi cô gỡ tay hắn ra và vuốt ve tóc hắn.
“Về được rồi, muộn rồi đó… mai mình phải thức sớm… Ngủ ngon và mơ thật đẹp nhé… Chỗ đó đó, gần rạp chiếu phim,” cô chỉ qua bên kia đường, “Chiều mai em sẽ chờ anh trong cái tiệm bánh nhỏ kia…”
Hắn đứng nhìn theo cô trong khi cô chạy băng qua đường. Mãi đến khi tiếng chân cô xa dần rồi tắt hẳn giữa những quầy trái cây, hắn mới quay bước về nhà.
Chỉ đến khi về ngang trạm xe ngừng phía tây hắn mới khám phá ra là cái ví của hắn đã mất rồi. Hắn moi tất cả mọi túi, kiểm tra từng phân vuông chiếc áo khoác ngoài cũng không thấy tăm hơi.
Hắn lùng sục khắp những con đường suốt buổi tối tháng Mười Một nhầy nhụa. Chiếc áo choàng đẫm bùn nặng trĩu, những sợi tóc lưa thưa dán lên mặt hắn và, với con mắt kinh hoàng, hắn tìm kiếm trong bầu trời vắng lời an ủi và trong những vũng nước đọng niềm hạnh phúc hắn vừa đánh mất.
Hai tuần liên tiếp hắn ngồi trong tiệm bánh suốt những buổi chiều lê thê.
Rồi hắn không đến đó nữa.
Dạo này hắn thường say sưa mỗi khi đi làm. Ai cũng biết hắn là người ít nói, thô lỗ, và không ai buồn để tâm đến hắn.
Người ta chỉ tiếc cái trò cười ngày trước.
Dù trong tấm chi phiếu tiền lương có sai chạy thế nào đi nữa, hắn cũng tiếp tục rị mọ dưới những gầm xe, hay khom người trên những máy móc mà không nói một lời.
Và đó là điều mà đám thợ máy không cách chi hiểu nổi.
Chuyển ngữ từ bản tiếng Anh trong Short Story International, Vol 3, number 12, February 1979.