Trang chính » Dịch Thuật, Sáng Tác, Sang Việt ngữ, Truyện ngắn Email bài này

Kính Mừng Maria Đầy Ơn Phúc

♦ Chuyển ngữ: 0 bình luận ♦ 24.08.2010

Hoàng Chính chuyển ngữ từ “Hail Mary Full of Grace” trong tập The Marble Mountain and Other Stories (London: Jonathan Cape Ltd., 1989).

 

Lisa St. Aubin de Terán – sinh ngày 2 tháng 10 năm 1953 – là tác giả người Anh với trên 20 tác phẩm đã xuất bản gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ và hồi ký. Bà đã nhận ba giải thưởng văn chương: giải Somerset Maugham cho tiểu thuyết Keepers of the House, giải John Llewellyn Rhys cho tác phẩm The Slow Train to Milan, và giải Eric Gregory cho thơ.

 

 

 

Ngay cả những người bạn của mẹ cũng sợ ánh mắt mẹ; con mắt băng giá nam cực. Mẹ có thể lột da con; xén tóc con; tước bỏ những ước muốn của con; nhưng rồi phần còn lại thì luôn luôn là những cục xương to, quá to. Mẹ à, con vẫn thường nghĩ mẹ là một bà phù thủy, mẹ thường bảo con gây trở ngại cho cuộc sống của mẹ: con của mẹ, thứ sinh vật ngoại lai không ai mong đợi bỗng dưng xuất hiện làm mẹ xấu hổ bằng chính sự hiện diện cùng với vẻ thô lậu của mái tóc nó. Tóc con mầu đỏ: mái tóc ô uế.

Mẹ có thân hình mỏng mảnh với chiều cao vừa phải, mẹ lại là một bà thầy biết tiên đoán tương lai, hậu vận. Từ trong nỗi cô đơn lớn dần của riêng mình, con chứng kiến nhiều người yêu thương mẹ, mà mẹ thì chẳng bao giờ cố gắng giật cần câu bắt lấy con cá hoặc ít ra cũng kết thân với họ. Mẹ thống trị bằng sự dửng dưng cùng những thoáng bùng phát của thứ dục vọng điên cuồng bên dưới cái vỏ ngoài băng giá. Bà ngoại thương yêu mẹ bất chấp những cơn giận dữ của mẹ. Làm như bà biết những ngõ ngách bí mật để luồn ra phía sau sự cay đắng của mẹ. Mẹ chấp nhận bà ngoại. Dù vậy, con chẳng biết mẹ có yêu thương ai không, thật khó mà biết được. Chỉ có sự căm ghét của mẹ là rõ ràng, và con nổi bật trong không gian ấy; như ngọn tháp bỏ hoang.

Mẹ kết hôn với bố năm 1919. Lúc ấy bố là người lính đang cố quên những gian khổ địa ngục của chiến tranh còn mẹ là cô gái đẹp được nuông chiều. Nếu như còn có ai mà mẹ ghét nhiều hơn ghét con thì người ấy phải là bố. Trong mắt nhìn của mình, mẹ không bao giờ tha thứ cho bố cái tội nặng nề nhất: đó là ông đã dẫn mẹ tới một nơi mà mẹ chán ngấy. Hầu như mẹ sợ sự buồn chán cũng như con sợ mẹ vậy. Và thế là mẹ bỏ bố con, bỏ cả Canada để trở về Jersey như một người tỵ nạn chỉ mang trong hành lý những quyền lực tra vấn của mẹ cùng một cái thai ngoài dự tính. Bà ngoại không bao giờ tha thứ hẳn được cái dự tính phá thai của mẹ. Bà ngoại bảo nhờ trời mà chuyến tàu của mẹ bị hoãn rồi phải đổi lộ trình để tránh cơn bão mùa đông. Mẹ đến muộn nên người ta không thể phá thai cho mẹ được nữa. Nhờ vậy mà con ra đời trong sự ngán ngẩm của mẹ, để lọt vào trong gia đình Công giáo của chúng ta.

Ông ngoại, người nuông chiều khiến mẹ hư hỏng, mới mất và gia đình bị tán gia bại sản vì những món nợ cờ bạc của ông, thế nhưng mẹ lại xem con như đầu mối cho tất cả mọi bất hạnh của mẹ. Mẹ đã quá cay cú về việc con chào đời tới mức không thèm đặt tên cho con. Chính bà ngoại là người đặt tên Joan cho con, mượn tên của bà Joan người được phong thánh năm đó, và Mary, tên Đức Mẹ đồng trinh, cũng là tên của mẹ. Con biết con không bao giờ có thể vượt được ra ngoài sự giận dữ để có thể hiểu thấu nỗi tuyệt vọng của mẹ.

Nếu con tiếp tục cào cấu niềm cay đắng của mình, tất cả sẽ chỉ dẫn tới cuộc phá thai bất thành, và sự ám chỉ của cái chết trong mắt mẹ. Trong những điềm ước đoán hậu vận của mẹ, chưa bao giờ có sự tiên đoán về chuyến du lịch đến một xứ sở xa xôi nào đó hay niềm hy vọng sẽ gặp gỡ những người đàn ông lạ mặt nhưng phong nhã; mẹ chỉ tiên đoán ra sự chết cùng với nơi chốn và thời gian nó sẽ trở về. Thay vì thu mình trong một cái vỏ, con sống trong túp lều vải lụp sụp; mà dường như mẹ thấy cần phải tước đoạt nó đi. Việc con sống lưu vong ngoài vùng những cảm xúc của mẹ vẫn chưa đủ: con còn phải đối đầu với những hình phạt nữa.

Nếu nhắm mắt thật chặt, con có thể hiểu phần nào cơn giận dữ của mẹ. Hẳn mẹ đã phải thấy sự tuyệt vọng khi không tài nào tránh được những cái chết mà mẹ có thể tiên đoán: những kẻ theo đuổi mẹ lần lượt chết đi trong khi đời sống riêng của con lại trải dài vô hạn phía trước. Có thể vì phải chứng kiến sáu mươi năm đời sống con mai phục trước mặt con, và chính mẹ, bị xích xiềng bởi sự kết hợp của sáu thập niên đã làm mẹ phẫn nộ. Giả dụ như con nhỏ bé và duyên dáng, với đôi mắt mầu bích ngọc như mắt mẹ, không biết mẹ có tha thứ cho con không. Nhưng sẽ chẳng ai có được đôi mắt đẹp như của mẹ, và con từ khi sinh ra đã to lớn và mang bản án phải sỡ hữu một thân hình kệch cỡm đến suốt đời.

Khi con lên năm tuổi, mẹ tái hôn. Người vùng Yorkshire, bố dượng con là một người đàn ông nhà quê nhưng lịch thiệp, đôi khi vẫn đến đón con trong chiếc xe Rolls-Royce đời mới nhất, tận cửa lớp học khiêu vũ của bà Sidebottom. Con nhớ bà ấy đã nằng nặc đòi gọi bà ấy là Seedybottome với cách phát âm nhấn mạnh ở vần cuối. Và con nhớ mẹ, chính mẹ, ngồi ngượng ngùng bên cạnh ông ta, với câu chào hỏi duy nhất đừng trố mắt nhìn như thế, con kia, cùng với cái dậm chân hờn dỗi trên mặt sàn chật hẹp lót thảm của chiếc xe. Con có thói quen trố mắt nhìn mỗi khi sợ hãi hoặc đang mong đợi điều gì. Mẹ thì chỉ nhìn trừng trừng thôi.

Trong cái đống suy sụp của gia đình, bà ngoại cố để dành một ít tiền. Mình sống nhờ vào chút tiền mọn ấy; trước hết tại căn nhà của một trong những cô giúp việc người Ái Nhĩ Lan, rồi, sau đó, ở London. Con nghĩ sự khinh miệt sẵn có của mẹ đã bị bẻ cong bởi sự nghèo túng của chúng ta. Tài sản bán đi, người giúp việc bị sa thải. Chỉ còn vài thứ đồ kỷ niệm được tống vào những chiếc rương, nhét lên căn gác với mẹ cùng nỗi đắng cay càng lúc càng lớn dần. Con còn quá nhỏ để có thể nhớ những năm tháng trước khi mẹ tái giá, nhưng con vẫn nhớ con không bao giờ được vào chung phòng với mẹ. Con nhớ giọng nói của mẹ, Đem con bé này đi khuất mắt tôi! và tia nhìn lạnh lẽo của mẹ.

Con là đứa con duy nhất của mẹ, con dê tế thần không thể tránh cho sự thất vọng của mẹ, và là kẻ tiếp nhận một cách vụng về sự căm ghét của mẹ. Con thường đấm nắm tay lên tường phòng ngủ để xin Chúa sai khiến cho mẹ thương con. Con đọc không biết bao nhiêu kinh Kính Mừng tới mức chúng dính trong đầu con, và bà ngoại bảo là thấy con đọc cả trong lúc ngủ. Vậy mà cũng chẳng thay đổi được gì, con vẫn là đứa trẻ đem con bé này đi khuất mắt tôi của mẹ mình, Mary, mẹ ơi. Đến khi có thể đọc được kinh Tin Kính, và ngay cả trước đó nữa, khi con đang mê mải giữa một chuỗi những lời tôi tin kính, thì con đã biết có tóc đỏ cũng là một cái tội, và nếu như mẹ không thương con, thì đó là lỗi của con. Con tin vào giáo hội Công giáo chí thánh, vào cha xứ O’Hare, và tin vào sự đáng tội của mình. Sau này, rất lâu sau này, thật lâu sau khi con thôi không còn tin vào Chúa nữa, thì con vẫn tin ở mẹ.

Khi mình dọn đi London, mẹ tham gia những buổi dạ tiệc cùng đám người ái mộ, còn con thì khoác lên người chiếc áo đầm xếp li mầu đen của những bà phước người Đức, bà ngoại bảo con rằng nữ tu viện là nơi tốt nhất. Sự phẫn nộ của mẹ dường như tăng gia tỷ lệ với chiều cao của con. Những đứa con gái khác vùng vẫy chống chỏi kỷ luật khắt khe của nhà trường, riêng con thì miễn nhiễm với sự tra tấn của họ. Dù có tàn bạo hay bốc đồng bao nhiêu, họ cũng không bằng một nửa mẹ. Suốt mười năm con ở trong tu viện, sống hầu hết luôn cả những ngày nghỉ lễ trong đó, theo yêu cầu đặc biệt của mẹ, trong khi mẹ tuốt lại những sợi chỉ trong đời sống xã hội rối rắm vì cái tai họa mà mẹ luôn luôn ám chỉ là sự có mặt của con trên cõi đời này. Con học thứ ngôn ngữ vụng về, khô khan của các bà phước. Và con học cách chấp nhận những cây thước bằng đồng gõ trên cục xương nắm tay mình mỗi khi trả lời sai những câu hỏi lắt léo của họ, những câu hỏi lừa lọc túa ra như bầy nhặng suốt mùa hạ. Con nhớ mẹ suốt thời kỳ con học cách chào kiểu Quốc Xã bằng cây gậy chơi băng cầu, và sắp xếp câu kệ của mình.

Chỉ lược qua những điều ấy cũng để lại trong miệng con vị chua vữa của xu hào hầm nát. Mười hai giờ rồi, giờ chiếc xe đẩy mang thức ăn đến trại bệnh. Món gà sốt sữa và bột báng: những thức ăn mềm thích hợp với vùng nhũn trên sống lưng con. Hầu như ngày nào con cũng cảm thấy chán ngấy các món ăn vô vị ấy. Nhưng bây giờ, nỗi cảm xúc về mẹ đã siết cứng lấy cổ họng con, khiến con cảm thấy mình không còn nuốt thức ăn được nữa. Trong quá khứ mẹ cũng đã thường ở đó, như lớp giấy muối xanh bọc những chiếc bánh quy, vị đắng bất ngờ bên dưới mỗi chiếc hộp. Mẹ mất lâu rồi mà ý nghĩ về mẹ vẫn làm ẩm ướt những thú vui của con; và ký ức về mắt nhìn của mẹ có thể làm bại liệt mọi thứ.

Lưng con bị đau; con nghĩ nó cũng đau giống như mẹ bị, vào cái đêm con chào đời. Ông bác sĩ đến trễ, lại đang say rượu và ông ta cố o ép thân hình mỏng manh của mẹ để lấy con ra. Ông ấy siết xương sọ của con bằng kềm muỗng: vết lõm vẫn còn đây. Con biết đó hoàn toàn là lỗi của con; mẹ đã nói với con như thế. Để tự vệ, con vẫn thường giả bộ thù ghét mẹ, nhưng con vẫn đọc kinh Kính Mừng sau mỗi lần xưng tội để đền tội căm ghét mẹ cho tới khi con lên mười tám tuổi. Con nhớ cả những thứ mà con chưa có dịp biết qua. Ngay cả dù mẹ không thể thương con; con vẫn muốn mẹ tha thứ. Nhưng mẹ không có thói quen ân hận về những điều mẹ làm; thay vào đó, ác cảm của mẹ tăng lên một cách vững chắc hệt như chứng ung thư trên xương sống của con.

Con bỏ nhà ra đi khi con thấy mình đã có thể thách thức mẹ. Vào ngày sinh nhật thứ mười tám, và cũng là lần cuối mẹ đánh con, mẹ cũng phải với lên mới đánh tới được như vẫn thường làm những tháng năm trước đó. Chiến tranh lan tới, con trở thành y tá. Con không thích việc làm này và cũng chẳng tìm thấy chút tự do nào ở nó. Con không phải lại cái bệnh viện giảng dạy ấy vào ngày chủ nhật, và mỗi chủ nhật con đều đi thăm bà ngoại trong viện dưỡng lão ở Chislehurst. Bà ngoại trở nên tật nguyền vì ung thư xương hông. Con thăm bà hàng tuần cho tới khi bà mất, nhưng con không bao giờ gặp lại mẹ.

Mẹ có thể gọi hồn người sống cũng như người chết về cho mình. Nhất là mẹ có thể sai khiến người ta làm điều gì mẹ muốn. Con muốn mẹ về với con bây giờ, mẹ à. Con muốn mẹ về với con nhưng con không có được thứ quyền lực mẹ vẫn có. Mẹ thường nói với bà ngoại, Mẹ có biết con cứ nghĩ vẩn vơ về người nọ người kia và nội trong một tuần lễ, cái người nọ người kia ấy sẽ chết. Bạn bè, thân nhân, và người lạ rơi vào lưới của mẹ. Mẹ không bao giờ thèm để ý tới. Mẹ là bà phù thủy, một bà phù thủy xinh đẹp và tàn bạo. Mình đối xử với nhau thật tồi tệ. Giờ này con có thể nhìn thấy mẹ, khăn ren và đôi mắt đầy kinh hoảng của mẹ, và nước hoa hồng của mẹ, sẵn sàng cho bữa tiệc tại nhà de Gruchy hoặc cuộc khiêu vũ tại nhà Mosley. Con nhớ mẹ nhấm nháp nước hoa cam để làm dịu thần kinh và gõ cái quạt lên mặt sơn nước bóng của bàn trang điểm với sự giận dữ trong khi người đầy tớ nữ đang chải tóc cho mẹ. Mẹ phải biết mẹ làm cô ta sợ hãi đến bực nào. Điều đó làm mẹ thích thú hay là mẹ cũng chẳng cần biết đến?

Nếu như cái bướu ở lưng con chỉ lệch qua bên phải một chút thôi thì người ta có thể cắt nó đi trọn vẹn; rồi chân con sẽ có thể cử động lại được, và vết lở trên lưng con sẽ khô lại. Phải như mẹ chỉ cần mỉm cười với con một lần, mẹ à, thì mọi sự hẳn đã khác. Nhưng mẹ đã không cười và mọi sự cũng không khác đi. Phải chăng cái nhìn trừng trừng của mẹ, đã như tia sáng laser, gắn chặt con xuống chiếc giường này? Có phải mẹ đang ở đâu đó trong căn phòng trại bệnh này với con không?

Con vẫn thường nghĩ đến mẹ, mẹ à: nếu con nhắm mắt lại, mỗi khi mệt mỏi, con vẫn thường nhìn thấy đôi mắt của mẹ. Con đã kết hôn bốn lần, mẹ cũng biết đấy, và cả bốn lần kết thúc giống hệt nhau, dù chiến tranh có dính líu đến chúng hay không, cả bốn lần đều xuyên cứng bởi nỗi sợ hãi bị khước từ của riêng mình. Bốn ông chồng, bốn đứa con nhưng chỉ có làn nước mắt mỏng của con là có thể che chở cho con khỏi sức mạnh quái ác của những điều ẩn náu trong tâm tư mẹ. Con khóc thật nhiều để che chở mình khỏi bị ám bởi cái nhìn trừng trừng trống vắng của mẹ.

Một đêm kia, vào năm 1953, con nằm thao thức trên giường và nghĩ rằng con đang nghe mẹ chết. Dường như con nghe tiếng mẹ gọi con, mẹ đào sâu vào óc não con bởi chỉ một mình mẹ có thể làm được điều đó. Con nằm nghiêng, ép bên tai còn nghe rõ xuống gối để xua đuổi mẹ. Con từ chối nghe tiếng mẹ gọi. Con nghĩ con thù ghét mẹ, thành ra con không thèm nghe, và bây giờ, bao nhiêu năm sau, con đang gọi mẹ. Con muốn gặp mẹ trước khi con chết, con muốn thấy cái điều gì đó mà bà ngoại đã thấy ẩn náu dưới sự cay đắng của mẹ.

Thật lâu sau chiến tranh con mới học được cách trầm tĩnh và tự kiềm chế mình. Từ trước khi nghe tin mẹ mất, con đã thôi không còn nắm tay đấm lên vách tường, nhưng ngay cả cái chết của mẹ cũng không làm nguôi nỗi lo âu nơi con. Con luôn cảm thấy đau khổ vì con không được giống mẹ. Chắc chắn là mẹ đã thương con nhiều hơn nếu dáng con nhỏ nhắn hơn và tính tình ít buồn bã một cách ngang bướng hơn. Dần dần, con lớn lên từ con bé Joan nhàm chán tội nghiệp thành một thứ gì đó được mọi người mến mộ. Người ta bảo con xinh đẹp nhưng con vẫn thấy mình cao lênh khênh và vụng về, lại không giống mẹ chút nào. Con đã cố gắng, nhưng con biết, ngay cả khi còn là đứa bé, rằng cố gắng cũng chưa đủ. Dầu vậy con vẫn đang sửa đổi, mẹ à, nhiều hơn là chỉ trông chờ vào kinh nguyện Kính Mừng Maria. Con sẽ buộc mình phải làm đúng ý mình dù có phải chết, như mẹ đã có thể làm.

Đôi khi con nghĩ tiếng thì thầm trong trại bệnh về đêm nghe đặm mầu lễ nghi Công giáo. Có lẽ vì thế mà con nghĩ nhiều đến mẹ. Mẹ đã là tôn giáo của con suốt bao nhiêu năm tháng. Một lần con hỏi cha O’Hare làm cách nào để tìm thấy ân đức trong ánh mắt nhân từ của Chúa, cha đã bảo con, ‘trước hết con phải tìm thấy ân đức trong mắt của mẹ con’. Chắc mẹ đã phải hài lòng lắm khi biết mẹ đã khước từ được con nhiều như thế nào. Đâu phải người đàn bà nào cũng thể làm mất niềm tin của kẻ khác như thế được đâu.

Con không muốn chết khi trong lòng còn thù ghét mẹ. Con không muốn chết trong tội lỗi. Sau sáu mươi năm cay đắng, trong tháng cuối cùng của những ngày nằm bệnh, đây là lần đầu tiên con nghĩ đến mẹ với lòng thương mến. Trước đây từ góc nhìn của riêng con, con chỉ nhìn thấy sự thù địch của mẹ con mình. Bây giờ nửa đêm thức giấc, con không thể gạt bỏ hình ảnh mẹ ra khỏi đầu óc. Đây, trên chiếc giường mỏng manh này, được đẩy bằng bánh xe từ cửa sổ tới bàn y tá, nằm ép chung với những người đàn bà đang chờ chết, con tìm lại được niềm tin ấy, sau bốn mươi năm trời thiếu vắng niềm tin. Con tin vào mẹ, người mẹ mà con đã căm ghét, người tạo ra được nhan sắc và sự thất vọng. Và con tin vào sự tha thứ cho những lỗi lầm.

Mẹ có tha thứ cho con được không, hở mẹ, người đã được chúc phúc giữa các người nữ? Ôi, để con không phải hổ thẹn. Ngay cả trong ngày lễ nghỉ, ở Selsey, khi mẹ nằm ngủ trên bãi biển, con cảm thấy mẹ mắng nhiếc con chỉ vì con đang sống. Luôn luôn đổ lỗi cho con, luôn luôn mea culpa, mẹ à. Từ phút giây này ngược về trước con hoàn toàn không biết làm cách nào để nhận được sự tha thứ nơi mẹ. Nhưng rồi con đã tập luyện những phép phù của mẹ, và con nghĩ con có thể nhìn thấy cái chết của mình; con cảm thấy bị cuốn về phía mẹ.

Bà ngoại mất vì ung thư ở hông. Mẹ chết trong viện tế bần, còn cô đơn hơn cả con vì con còn có cục bướu bên mình. Những năm trước, con nghĩ con sẽ tiếp tay hỏa táng mẹ, vui sướng mồi ngọn lửa vào đống củi thiêu mẹ bằng mái tóc bốc lửa của mình. Nhưng không còn nữa. Con đã thay đổi. Bây giờ con muốn tìm biết về mẹ. Con chưa bao giờ biết mẹ. Vì đâu mẹ có được phép phù? Có phải vì nhờ đôi mắt xanh biếc của mẹ, xanh tới mức chúng có thể làm tê liệt nhân gian? Hãy nói cho con biết đi, mẹ à. Con nghe tiếng thì thầm khắp trong trại bệnh, nhưng con không phân biệt được đâu là tiếng của mẹ. Nếu như con chết mẹ có tha thứ cho con không?

 

 

 

.

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)