- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Con gà ống

 

Tôi đi nghênh ngang giữa đám cỏ may, đầu tôi quay phải, quay trái, mắt tôi nhìn một cách kiêu ngạo, chân tôi nhấc lên cao, các ngón chân quắp lại rồi mở ra từ từ đặt xuống đất, rồi chân kia lại nhấc lên, các ngón chân quắp lại rồi mở ra từ từ đặt xuống đất, cứ như thế tôi đi, nghênh ngang, như môt chiến sĩ thời xưa.

Nắng lên cao chiếu xiên vào con mắt màu đồng thau của tôi, tôi nháy mắt một cái. Khỏi chói mắt, tôi lại mở to mắt, trừng trừng nhìn mọi vật. Những bông hoa dại nắng mở to màu tung ánh nắng, những bông hoa nằm trên những thân hoa mỏng manh. Các con bướm bay hỗn độn thành những điểm dài ngắn. Những đàn ve thi nhau kêu trong các lùm cây, vang từ cây này sang cây khác, gọi nhau, trả lời nhau, từ xa vang rồn rập lại, như một bản nhạc.

Một bàn tay con gái xinh xắn để trên cửa vườn. Có tiếng cười vui vẻ rồi cửa vườn mở ra, một cô gái trẻ tuổi bước vào. Theo sau là một người đàn ông trạc ngoài bốn mươi, quần áo màu xám nhạt, chân đi giầy da nhẹ, đeo đôi kính đen to che gần hết mặt.

Cô gái chợt dừng lại, để tay lên miệng, kêu lên:

“Trời ơi! Ðẹp quá! Tuấn có thấy thế không?”

Người đàn ông mỉm cười, tay đặt lên lưng cô gái:

“Ðẹp và trẻ như An vậy!”

An mở to mắt, gió làm rung nhẹ hàng mi, làm trong thêm màu của mắt. Các cây cỏ xanh cũng rung rung nhẹ, các bông hoa lắc lư trên nền trời cao xanh ngắt.

Từ xa, ngoài tiếng ve kêu, lại có tiếng gõ mõ tụng kinh nổi lên. Tiếng mõ đều đều chìm nổi trong tiếng ve.

Hai người nhìn nhau mỉm cười:

“Một cái vườn hoang đầy cỏ rậm!”

“Có ai vào đây không anh?”

“Vườn của nhà anh, ai dám vào? Ê! Có chú gà trẻ tuổi!”

Tuấn ném vào chân tôi một hòn sỏi. Tôi kêu “quác” một tiếng rồi vỗ cánh chạy. Nhưng tôi chạy không xa, tôi dừng lại cách họ vài chục thước rồi dương cổ dương mắt để xem họ sẽ làm trò gì.

Chàng bốn mươi tuổi nhìn tôi trừng trừng rồi xùy một tiếng để dọa tôi. Tôi giật mình nhẩy vài bước rồi lại đứng yên. Bỗng chàng trai phá lên cười to. Chàng nói thầm vào tai An:

“Em có thích ăn thịt gà không?”

“Có, nhưng chú gà kia đẹp trai quá, ăn hắn, tội nghiệp.”

“Em ăn gà ống bao giờ chưa?”

Tôi tò mò lắng tai nghe.

“Người ta bắt một con gà còn non, đút vào một cái ống tre, nuôi hắn ở trong đó. Khi hắn lớn lên, thân thể sẽ thuôn dài như cái ống, trụi thùi lủi không có tí lông nào cả.

An khoái trí cười:

“Trụi thùi lủi! Vâng, em sẽ ăn gà ống. Có ngon không anh?”

Tuấn lấy ngón tay xoáy vào má:

“Ngon tuyệt trần!”

Tôi bị trói hai chân, nằm cạnh Tuấn và An. Tiếng mõ vẫn đều đều gõ nhịp. Cô gái nằm ngửa, miệng ngậm cái cỏ, răng trắng sẽ nhấm lá cỏ xanh, chàng trai nằm sấp, tay chống vào cầm, ngắm cô gái:

“Anh yêu em.”

“Thế hả?”

“Ừ, anh yêu em”

“Yêu bằng ngần nào?”

“Bằng tất cả tuổi già của anh.”

“Chỉ nói bậy thôi. Dù anh có già cũng không sao. Em yêu các cụ già.”

Khuôn mặt cô gái hiền lành, đôi mắt khẽ nhắm lại, dịu như đứng trước bàn thờ Phật. Tiếng mõ đều đều như muốn ru cô gái vào cõi mộng.

“Em yêu anh!”

“Anh yêu em!”

Cô gái trắng trẻo nằm trên cỏ, ngon lành như một con sâu lạ.

Không hiểu những kiếp trước tôi đã làm nên tội tình gì ghê gớm mà kiếp này trời đầy tôi làm con gà ống. Tôi bị đút vào trong một cái ống tre, chân cánh bẹp dí, thân thể chật chội, khó thở, tức ngực, chóng mặt, rức đầu, lúc nào tôi cũng hâm hấp nóng như đang sốt, khi ăn nhiều thì ợ chua, không tiêu, đôi khi nước mắt trào ra, dãi chẩy quanh mỏ, thực y như tôi đang mang một chứng bệnh kỳ dị.

Nằm cạnh tôi là một con gà mái, chắc vào ống đã lâu, nên khi thấy tôi, cô chỉ nói: “Chào anh!”, rồi thản nhiên đớp mấy hột gạo trước mặt. Ít khi tôi được nhìn một cô gà xấu như cô ta. Cho đến bây giờ tôi cũng chưa biết tên cô ta là gì. Cứ tạm gọi là Lém.

Lém béo tròn, mắt chỉ còn hai cái khe mỏng. Mỏ Lém tái nhợt, lông của cô ta cũng vậy, bởi vì thiếu ánh mặt trời.

Tôi cựa quậy, thêm một lần nữa tôi hy vọng thoát khỏi cái ống. Tôi nguyền rủa loài người. Lém bảo tôi:

“Vô ích anh ạ! Anh cứ việc đợi ngày giải thoát. Ăn cũng là một cái thú.”

Tôi mỉa mai:

“Thế còn tình yêu?”

Lém nhún vai, tôi đoán là Lém nhún vai, nói:

“Ðôi khi tôi cũng muốn yêu. Bây giờ tôi khinh tình yêu xác thịt, tôi có nhiều thì giờ để mơ mộng tới yêu. Tôi hoàn toàn yêu bằng tinh thần”

Tôi cười:

“Lúc cô ngứa, làm thế nào gãi?”

Lém lại nhún vai:

“Ðổi cảm giác ngứa thành một cảm giác dễ chịu và cảm giác đó tan dần khắp thân thể.”

“Trời xanh, những đoá hoa, gió mát?”

“Trời xanh đối với tôi đẹp hơn trước. Tôi ăn, tôi sống sung sướng hơn ngày xưa.”

Tôi tức giận không nói nữa. Lém lim dim mắt ngủ, hay mơ mộng. Tôi há to mỏ kêu quác quác ầm lên.

An chạy vào, vẫn đẹp như tiên, tóc rủ xuống vai, trần truồng. An quỳ xuống cạnh tôi, các ngón tay vuốt ve mào tôi, miệng thì thầm nói:

“Tội nghiệp chú bé!”

Ðầu tôi áp vào vú An, tròn trĩnh, ấm áp. Tay An ép đầu tôi vào ngực nàng. Tôi hơi tức thở, tôi khe khẽ ngó ngoáy đầu để thoát khỏi bàn tay cô gái. Bàn tay An buông lỏng dần ra, miệng An vẫn thì thầm những tiếng ngọt ngào, đôi mắt An nhìn tôi đăm đăm. Tôi mổ nhẹ lên ngực An vì trông ngon lành quá.

Tôi để mỏ chạy quanh ngực An, như một bộ hành đi quanh cái đồi cỏ. An từ từ đứng dậy, thân thể của nàng chạy trước mắt tôi, thong thả như không bao giờ hết. Khi đám cỏ tóc tiên lên tới nơi, tôi hôn lên đó, say mê như được trở về vườn cũ của tôi.

Tôi yêu An từ ngày hôm nay.

Một ngày hai lần một bà vào cho chúng tôi ăn. Bà già lắm, mắt kém, đi chậm chạp, mồm lẩm bẩm nói chuyện một mình, đổ gạo thì khi xa quá, khi đổ lên đầu chúng tôi. Trước khi đi ra, bà thường cho chúng tôi mỗi đứa một cái tát rồi mắng:

“Ðồ ăn hại!”

Và khi tôi mổ một cái thực đau vào tay bà, bà lại lẩm bẩm:

“À, thấy bà già thì bắt nạt? Rồi thì biết tay bà. Tiên sư cả họ nhà gà!”

Tiếp theo là những tiếng tôi không thể hiểu nổi. Ðại khái là “ppp-chchtt!” nghe như hơi nước tức mình thoát khỏi nồi cơm.

Chỗ chúng tôi nằm là một cái lò sưởi bằng đá hoa, rất thấp, rất sạch sẽ vì bà già luôn luôn quét dọn. Chúng tôi là một trong những đồ trang hoàng cho căn phòng khách rộng mênh mông, kỳ dị và trắng xóa.

Nằm cạnh Lém, ít khi tôi nhìn về phía nàng. Lém chỉ là một con gà mái béo tròn, tính tình ngoắt ngoéo, hay thù vặt và làm bộ. Mỗi lần tôi nhìn Lém thì Lém lại quay mặt đi, vênh mặt lên, như tôi đang thèm muốn nàng lắm. Một hôm mải ăn, tôi vô tình mổ sang đống gạo của Lém, Lém quay phắt đầu lại:

“Ê hay chửa! người ta là con gái đứng đắn!”

Tôi giật mình ra khỏi sự đãng trí. May cho Lém là tôi bị kẹt trong ống. Nếu ở ngoài vườn thì tôi đã nhẩy phắt lên lưng Lém cho hết làm bộ.

Cuộc đời cứ như vậy, bé nhỏ, tù hãm, ăn ngủ, vô nghĩa lý, trôi qua dần.

Năm đó mùa đông đến sớm, nhưng là một mùa đông đẹp, khô ráo. Một buổi sáng chủ nhật nhàn rỗi, một buổi sáng chủ nhật thư thả, thời gian dừng lại trên nắng vàng, trên hè phố, trên cành cây. Ngoài phố loài người ríu rít đi lại, quần áo chủ nhật mới đẹp, quấn quít, các cánh tay khoác nhau, yêu nhau. Một vài cô ở trèo lên cửa sổ lau kính và dưới đường vài cậu trai và vài ông già đứng lại, ngước đầu lên nhìn đôi chân song song. Một đàn trẻ con chạy ào ra công viên, kêu hét rầm rĩ, rồi biến mất, như đàn chim sẻ, làm các cô gái cuống quít đi tìm. Các bà già rộng lượng, đi thong thả, hiền từ nhìn cuộc đời thái bình và bình thản.

Nằm trong ống, tôi thấy tức thở hơn mọi khi. Tôi đã lớn nên ống càng chật hơn. Tôi cảm thấy thân thể tôi không thể nở bề ngang đuợc kéo dài ra theo chiều cái ống. Tôi không cảm thấy chân tôi đâu nữa. Tự nhiên tôi vỗ cánh một cách tưởng tượng, rồi tôi muốn gáy thành “cô-cô-ri-côôô!” nhưng ngực tôi bẹp nên tôi chỉ gáy thành “pi-pi-pi i!”. Tôi phì cười, cười to, sặc sụa, lăn lóc. Cái ống tuột khỏi cái kệ, lăn trên lò sưởi rồi rơi xuống đất, vỡ toang ra.

Tôi trần trùi trụi, ngơ ngác nằm trên mặt đá hoa lạnh. Sự bất ngờ làm tôi choáng váng một lúc.

Tôi đã tự do! Bây giờ phải trốn mau về thiên nhiên, bay về rừng núi xa thẳm để quên hết.

Tôi cố cử động đôi chân. Mấy ngón bắt đầu xòe ra đóng lại, rồi đôi đùi tách ra khỏi thân thể. Tôi cọ quậy, quay tròn, nằm nghiệng, lăn phải, lăn trái, tôi chống mỏ xuống đất để gượng đứng dậy. Và tôi thong thả đứng lên hai chân tôi, run rẩy, nhưng tôi đứng được.

Lém nằm trên lò sưởi bấy giờ mới lên tiếng:

“Ði đâu thế anh?”

“Trở về vườn, chạy, nhẩy, yêu, sống.”

“Ðừng lo anh ạ, đã có số mệnh lo cho chúng ta. Số mệnh xếp đặt mọi sự đâu vào đấy.”

TÂM SỰ CỦA AN

Năm nay tôi đã 16 tuổi mà vẫn còn trinh. Ðiều này ám ảnh tôi suốt ngày. Không phải tôi cho rằng trinh tiết là quan trọng, nhưng tôi rất lãng mạn nên tôi muốn mất trinh một cách lãng mạn, để ngày sau còn có thể nhớ tới lúc đó một cách sung sướng. Theo ý tôi trước hết phải chọn người. Những cậu trai trạc tuổi tôi không làm xong việc. Họ ít tiền, không có kinh nghiệm, không có phương tiện và nhất là họ ích kỷ, chỉ nghĩ đến sự khoái lạc của họ. Nhiều cô bạn tôi đã kể lại những kinh nghiệm của họ, và tôi thất vọng. Vậy tại sao tôi lại không chọn một ngưòi đàn ông trạc bốn mươi? Ðẹp trai, nếu có ít tóc bạc thì càng hay, có vợ rồi cũng được, có lẽ tôi thích ông ta có vợ rồi.

Tôi bắt đầu lựa trong đám bạn của cha tôi. Ít ra một lần một tuần cha tôi thường mời khách đến nhà ăn cơm. Tôi vẫn được cha mẹ tôi chiều nên tôi vẫn được dự vào các bữa ăn đó. Không những thế, cha tôi lại hãnh diện có một cô gái xinh như tôi.

Một buổi tối tôi đã sửa soạn xong, đang ngồi ở phòng khách để đón khách thì có chuông gọi cửa. Cô ở lon ton chạy ra, rồi có tiếng mở cửa. Cô ở báo:

“Ông Tuấn.”

Tuấn hiện ra trong khung cửa. Tôi mỉm cười nhìn Tuấn từ đầu đến chân. Tuấn trạc bốn mươi, cao và mảnh khảnh, khuôn mặt sành sỏi và nụ cười quyến rũ. Tôi nói:

“Mời ông ngồi chơi, cha mẹ tôi về chậm.”

Tuấn thong thả ngồi xuống, mắt chàng đã nhìn rất nhanh, một cách lơ đãng tự nhiên, khắp người tôi.

Tuấn ngồi bắt chéo chân, rút bao thuốc lá ra mời tôi:

“Cô hút thuốc? Cha mẹ cô cho phép cô hút thuốc?”

Tôi mỉm cười. Tuấn hơi nheo mắt sau làn khói và lại một lần nữa mắt Tuấn nhìn vào đầu gối tôi. Tuấn nói:

“Ba cô vẫn thường nói đến cô, tôi tưởng cô chỉ là cô bé vài ba tuổi…”

“Tôi gọi ba tôi là cha…”

Tuấn ngạc nhiên không biết nói gì. Tôi tiếp theo:

“Tôi không thích gọi cha tôi là ba. Ba là gì? Ba, bốn, năm?”

Tuấn cười to:

“Còn tôi, tôi gọi cha tôi là ông cụ!”

“Ông cụ nghe cũng hay. Các bạn tôi khi nói đến cha mẹ họ thường gọi là ông cụ, bà cụ.”

Tôi nhìn ngón tay Tuấn, thấy có cái nhẫn cưới:

“Thưa ông, bà Tuấn có đến không ạ?”

“Nhà tôi bận chút việc, sẽ đến chậm mười lăm phút, tức là nửa giờ.”

Tôi cười:

“Ông xét xử đàn bà một cách khe khắt quá. Sự chậm trễ làm tăng cái đẹp của sự gặp gỡ, ông không thấy thế?”

Cô ở mang mấy chén trà ra, Tuấn đã liếc nhanh trên thân thể cô ta, và đôi mắt hơi chậm lên đôi chân thon thon của cô ở. Có lẽ Tuấn cho tôi còn nhỏ quá nên không giữ gìn, có lẽ tại tôi để ý nhận xét nên thấy rõ quá, có lẽ tôi tưởng tượng nhiều. Tôi nâng chén:

“Mời ông xơi trà.”

“Mời cô.”

“Trong khi đợi mọi người, ông có muốn nghe chút nhạc? Ông thích nhạc gì? Một cái gì vui vui, tre trẻ?”

CHUYẾN ÐI RA BIỂN SAU ÐÊM TẾT

Tôi cúi xuống mặt An, thong thả đến nỗi tôi đủ thì giờ nhận thấy không khí yên lặng, tiếng động xa xôi của tỉnh thành, những đồ vật bình thản trong buồng, trên tường bức tranh hình dung những cô gái ngày xưa béo tròn đang tắm trên bờ suối dưới những vòm cây um tùm. Khuôn mặt An không động, đôi mắt mở to nhìn thẳng vào tôi. Tôi nhận rõ màu trắng dịu của da An, đôi mắt sáng như hai hòn bi bằng thủy tinh, hai con mắt giống như hai món đồ chơi lạ chứ không phải là những con mắt. Môi tôi êm hẳn đi, như một ngày không mưa mà cũng không nắng, bâng khuâng như khi trở lại hồi còn bé bẩy tám tuổi chạy nhông đốt pháo giữa một ngày tết vắng tanh, ở một khu phố buồn, lạnh.

Chúng tôi ra khỏi tỉnh thành và bắt đầu vào một con đường lớn.

Tiếng xe chạy đều đều. Cây cối thong thả quay mình chạy vội về phía sau. Vài cái nhà trơ trọi trên cánh đồng. Phía xa là đồi, vài cây thông có tàn mọc thành hàng thẳng băng. Không khí của ngày tết vẫn nằm đây, trong xe, giữa tôi và An, làn tóc óng ánh, khuôn mặt trẻ, đôi mắt bình thản dưới hàng mi dài, đôi lông mày ngoan lành, hai bàn tay nhỏ chắp trên đùi, mùi thơm rộng rãi như có trầm, có sáp, có xạ, mùi xa lạ của các ngọn nến lung lay.

An mỉm cười, hơi quay lại, đôi mắt nhìn tôi như muốn hỏi gì lại thôi. An lại ngồi nhìn thẳng ra trước mặt. Ánh sáng trắng nhợt phản chiếu từ các mảng mây nửa xám nửa trắng lên khuôn mặt An, khuôn mặt đón nhận sự mát mẻ của trời vừa mưa xong. Nụ cười vẫn còn đọng trên môi An, môi hơi hồng, hơi mệt mỏi vì đêm qua tôi thức khuya uống rượu nói chuyện nhiều.

“An vẫn muốn ra biển chứ?”

“Vâng.”

“Mùa đông biển hoang vắng, gió lạnh, sóng gào trắng bọt”

“Vâng.”

“Và An mới có 16 tuổi!”

“Vâng.”

“Em ngoan quá, bao giờ cũng vâng!”

“Vâng.”

“Hay em mệt vì chuyện đêm qua?”

“Vâng.”

“Ðã mệt lại còn ra biển đứng trơ vơ trên bãi cát, em sẽ buồn thêm.”

“Vâng.”

An phá ra cười. Tiếng cười trong trẻo, tư nhiên, ròn tan như thủy tinh vỡ. Ðôi vai bé nhỏ khẽ run lên. Cánh tay trần của An tròn trĩnh, ôm choàng lấy cổ tôi, làm chiếc xe chạy loạng choạng.

TÂM SỰ CỦA TUẤN

Bây giờ vào cuối tháng ba, trời đã trong và có nắng. Lá cây đã trở lại màu xanh, xanh trong, xanh nhạt, rung trước gió nhẹ, thân cây màu nâu sẫm tươi như hoa, hoa ướt những giọt sương sớm còn lại.

Trên công viên lát đá trắng đã đầy người. Một nhóm khách du lịch đeo máy ảnh ngơ ngác nhìn, ngắm, chụp, nói chuyện. Hai cô bé học trò mặc sạch sẽ dắt tay nhau vừa đi vừa nhẩy. Vài chiếc xe buýt nối đuôi nhau đậu cạnh lề đường.

Tôi bỏ tay vào túi quần, thong thả trèo lên các bực đá trắng, để đến chỗ hẹn. Gió thổi tung mái tóc bốn mươi tuổi của tôi, quần áo màu sáng sủa, cra-vat xám nhạt, giầy nhẹ. Tôi đeo một đôi kính đen to, che gần hết mặt.

Tôi dừng lại cạnh một bể nước, tay vẫn còn trong túi quần, nhìn quanh để kiếm An. Chưa thấy An đến, tôi lấy tẩu thuốc ra, nhồi thuốc lá vào, thong thả, nhìn suối nước ào ào xuống bể nước, cho tẩu thuốc lên miệng, châm lửa, hút mấy hơi dài, khói thuốc xanh nhạt bay nhanh trong không khí thơm ngọt.

Một cậu bé con, chừng năm tuổi, không biết ở đâu chạy ra, nhất định đẩy tôi xuống bể nước. Tôi vẫn đứng trơ trơ, đôi kính đen phản chiếu ánh mặt trời, trời xanh, lá cây, xe cộ, mọi người.

Cậu bé cáu kỉnh đấm vào đùi tôi. Một cô gái chừng 19 tuổi, chắc là ngoại quốc và là người coi cậu bé, cười với tôi rồi lôi cậu bé đi. Cậu bé bướng bỉnh đứng lại.

“Cho tôi hút pip! Một hơi thôi!”

Ðôi kính đen của tôi vẫn nhìn thẳng ra xa, nhưng mắt tôi liếc xuống cô gái đang tuổi dậy thì, ngực nở nang, háng rộng, chân thon, tóc nâu, mắt nâu, trông có vẻ là người Ý.

Cô gái nói với cậu bé:

“Vieni! Non fare lo scemo!” (Lại đây! Ðừng có làm thằng điên!)

Cậu bé:

“Cho tôi hút thuốc với, một hơi thôi!

Cô gái:

“Xin lỗi ông! Thằng nhỏ cứng đầu lắm!”

Tôi đưa tẩu thuốc cho cậu bé. Cậu chụp ngay lấy, hút một hơi dài, ho chẩy cả nước mắt, rồi khóc.

Cô gái nhìn tôi một cách trách móc, lôi cậu bé đi mất, lẫn vào các thân cây, vào vườn cho trẻ con.

Tôi nhìn cô gái, chân cô ta ngon lành, tôi nghĩ vẩn vơ.

Nhiều cô gái đi ngang qua tôi. Tôi nhìn họ sau đôi kính đen, nghĩ vẩn vơ.

Dưới kia An đang đi lên, gió tung tóc nàng. An đi từng bước, từng bực, thong thả, An đi lên, nhịp nhàng, đôi đùi cử động, tôi bay tung, An đi lên, khuôn mặt ngước lên, về phía tôi, An giơ tay vẫy, bàn tay bé nhỏ, cánh tay mỏng mảnh, trẻ trung, đúng với cái tuổi mười sáu của nàng, miệng cười tươi, chân bước vội hơn, tay trái An vẫn cầm tập sách.

Tôi bỏ tay khỏi tượng đá, từ cao bước xuống. An nhìn lên, tôi nhìn xuống cùng bước. Tự nhiên tôi nghe thấy nhạc của Vivaldi, bài Bốn mùa, nhẹ nhàng dâng lên.

An đứng cạnh tôi:

“Em đến chậm phải không?”

Tôi giơ cái đồng hồ đen sì ở cổ tay tôi:

“Chậm năm phút. Ba má em mạnh giỏi chứ?”

An nhún vai:

“Các cụ lúc nào cũng mạnh. Cám ơn anh. Thôi, đi chơi đi anh.”

An giơ tay vẫy trong nắng, tay kia vẫn ôm chồng sách. Bàn tay thon, ngón tay hồng nhỏ nhắn, ngực còn non mới nhô sau lần áo, má còn lông tơ dịu, môi không son đều đặn.

Tôi thản nhiên nhìn An từ đầu đến chân:

“Em đẹp quá!”

Vài người tò mò dừng lại nhìn chúng tôi. An khoác tay tôi, nói:

“Ba cho con đi ăn cà-rem!”

Chúng tôi đi lẫn vào đám đông.

An nằm sấp trên giường, phía sau nàng là khung cửa sổ đầy ánh sáng làm khuôn mặt An dịu, mát mẻ trên vải trắng xóa, tóc An rủ xuống đôi vai tròn.

Tôi nghiêng đầu nhìn An không chán, vuốt ve khuôn mặt An bằng cái nhìn, môi An hơi mỉm cười, đôi mắt phản chiếu bóng tối sâu, êm và gọn gàng giữ tôi lại chặt chẽ. Ðùi An man mát để nhẹ lên da tôi.

Tôi để An nằm trên giường, như một cành cây non còn lộc xanh, búp mới nhô, và tôi thong thả đi trên sàn gạch lạnh màu xanh đậm lấp lánh ánh mặt trời. Tôi đi từng bước chậm, nhỏ, như đang theo một đám rước. Tôi đi như thế không biết bao nhiêu lâu và tôi mở cửa buồng tắm, bước vào, cầm lấy cái khăn bông trắng dài quấn lên vai, tay giơ cao bàn chải đánh răng dưới các tia nắng chiếu qua không khí từ cao xuống.

An phá ra cười:

“Anh làm trò gì thế?”

“Anh đánh răng để lát nữa hôn em cho thơm.”

An tung khăn giường trắng ra khỏi người nàng, đứng xuống gạch, đôi chân song song, đôi chân vẫn còn con gái, hơi mỏng mảnh. Hai cánh tay An khoanh trước ngực nhưng cũng không che hết…

Tôi nói:

“Ở cái đồi phía xa, trước cửa nhà anh, có một ông hàng xóm có cái ống nhòm dài. Hắn hay chiếu ống nhòm vào nhà anh, nếu em cứ đứng thế, hắn sẽ chết vì khoái, anh sẽ khổ vì ghen.”

“Sao anh biết hắn có ống nhòm? Em chỉ nhìn thấy cái nhà bé tí xíu xa lắc xa lơ, có một cái cửa sổ nhỏ bằng cái tem.”

“Nhưng trong cái tem đó có ông già cầm ống nhòm. Anh biết vì một hôm anh cũng nghịch lấy ống nhòm nhìn sang bên đó.”

Tôi mở máy nước, nước ào ào chẩy xuống người tôi. An cũng chạy đến đứng cạnh tôi. Nước rơi như mưa. Chỉ có tiếng nước rào rào. Những hạt nước bắn tung lên vai An, trên da An hơi se lại vì lạnh. An để đầu gục vào ngực tôi, tôi nghĩ vẩn vơ.

Buổi tối, An ngồi co chân trong ghế đọc báo:

“Gọi nhập ngũ từng đợt thanh niên đang được miễn dịch, hoãn dịch.”

“Dùng lựu đạn định khủng bố, hai Việt Cộng bị bắt quả tang.”

“Một nữ sinh tự thiêu trước mặt hàng trăm tá điền sau khi bị Việt Cộng bắt cóc một tháng.”

“Khám phá một tổ chức chuyên làm giấy tờ giả mạo.”

“Dậy khiêu vũ, học đủ các điệu… 500 đồng.”

An hỏi Tuấn:

“Với 500 đồng anh sống được bao nhiêu lâu?”

Tuấn đang lật con gà trong đĩa để cắt nhỏ. Tuấn trả lời:

“Nửa ngày. Một bao thuốc lá đã 40 đồng rồi.”

An chun mũi ngửi:

“Con gà ống của anh thơm tệ!”

“Chú bé định trốn, trốn thế nào được. Còn cô gà mái nữa, một tháng nữa thì ăn được”

“Anh sẽ lại cho em ăn? Em thích ăn gà ống. Kể cũng tội nghiệp…”

“Tội nghiệp cái gì?”

“Tội nghiệp cho chú gà.”

Tuấn cười, vuốt má An.

Trên má An một giọt nước mắt từ từ chẩy. Tuấn ngẩn người ra nhìn An:

“Làm sao thế em? Lại đây ăn chứ, không ăn nguội hết cả.”

An vẫn ngồi im. Giọt nước mắt rơi xuống áo An, thấm vào trong vải.

Tuấn hơi bực mình, ngồi dựa vào lưng ghế:

“Ăn đi An. Rồi em dẫn anh về quê chơi.”

“Vâng, về quê nhà em, bên cạnh sông Ác, nơi không có chiến tranh, nơi chỉ có mặt trời và các bài ca.”

Hai người ăn ngon miệng hết con gà ống, uống hết một lít rưỡi rượu hồng, ăn tráng miệng bằng hai cốc dâu có ngâm rượu Kirsch, rồi uống cà-phê. Họ nằm dài trên thảm êm, tay cầm điếu thuốc lá, âm nhạc từ góc phòng đưa tới.

An với lấy tờ báo, đọc tiếp:

“Hạn chế lưu thông trên sông Nhà Bè. Vì lý do an ninh, toà Tỉnh trưởng Gia Ðịnh cấm tất cả mọi sự lưu thông trên các sông rạch kể dưới đây thuộc xã Nhơn Ðức và Long Ðức, quận Nhà Bè, tỉnh Gia Ðịnh, đến khi có lệnh mới: Rạch Bà Lào, Rạch Ðôi, Sông Soi Rạp, Rạch Ðập Nậu. Rạch Tôm, Rạch Mương Chuối, Rạch Rơi, Rạch Ðĩa, Rạch Ông Lớn, Rạch Cây Thơ, Rạch Cây Khô, Rạch Nạp Giao.”

Tuấn hỏi An:

“Em có tin gì hay hơn tin đó?”

“Bán xe Alfa Romeo, xe Italie, danh tiếng nhất Âu châu, hiệu xe thượng hạng, 4 cửa, mui sắt, mới tinh, EB số lớn…”

An phá ra cười:

“Xe có những bốn cửa, mà mui lại bằng sắt. Xe thượng hạng nhất Âu châu là phải”

Tuấn bình phẩm:

“Khi em cười to, môi em trông xinh lạ và tiếng cười của em thật tự nhiên”

*

Ánh đèn của rạp chiếu bóng chiếu hắt ra mặt đường. An cùng một nhóm bạn đứng xếp hàng để lấy vé. Tối hôm ấy không đông lắm vì trời mưa. Hai thanh niên thi nhau kể chuyện hài hước, và An, sau mỗi câu chuyện lại phá ra cười ròn tan, mắt An lóng lánh dưới ánh đèn, má hơi ửng hồng, tiếng cười tự nhiên, tự do bay đến tai mọi người, vui vẻ.

An không nhớ tới Tuấn, chàng trai bốn mươi. An không nhớ tới con gà ống, tới đêm đầu tiên ngủ lại nhà Tuấn. Năm nay An lên 18 tuổi.

Tường Hùng

(Paris 3-5-1965)

 

 

 

 

bài đã đăng của Tường Hùng