Trang chính » Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 27, Sáng Tác, Thơ Email bài này

Bát Cú 6-trong-1, Tại Sao Không?

 

Năm 2003 Nhà Xuất Bản Văn Học phát hành quyển “HÀN MẶC TỬ – THƠ và ĐỜI” do ông Lữ Huy Nguyên sưu tầm và tuyển chọn, “căn cứ vào các tài liệu của Chế Lan Viên, Quách Tấn, Quỳnh Giao, và Trần thị Huyền Trang”, ở trang 10 có bài thất ngôn bát cú “Cửa Sổ Đêm Khuya”, trích từ “Lệ Thanh Thi Tập”:


CỬA SỔ ĐÊM KHUYA


Hoa
cười nguyệt rọi cửa lồng gương
Lạ cảnh buồn thêm nỗi vấn vương

Tha thướt liễu in hồ gợn sóng
Hững hờ mai thoảng gió đưa hương

Xưa người nhớ cảnh tình lai láng
Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng

Qua lại yến ngàn dâu ủ rũ

Hòa đàn sẵn có dế bên tường

Bên dưới bài thơ là hơn nửa trang chú thích, nguyên văn:

Bài này có thể đọc 6 cách: xuôi, ngược, bỏ 2 chữ sau đọc xuôi, đọc ngược, bỏ 2 chữ trước đọc xuôi, đọc ngược. Dẫn ra vài cách để làm ví dụ:

Bỏ 2 chữ đầu mỗi dòng thơ, rồi đọc xuôi:


Nguyệt rọi cửa lồng gương

Buồn thêm nỗi vấn vương

Liễu in hồ gợn sóng

Mai thoảng gió đưa hương

Nhớ cảnh tình lai láng

Ngâm thơ rượu bẽ bàng

Yến ngàn dâu ủ rũ

Sẵn có dế bên tường
Hay bỏ 2 chữ cuối mỗi dòng thơ, rồi đọc ngược:


Dế có sẵn đàn hòa

Dâu ngàn yến lại qua

Rượu thơ ngâm bạn vắng

Tình cảnh nhớ người xưa

Gió thoảng mai hờ hững

Hồ in liễu thướt tha

Nỗi thêm buồn cảnh lạ

Cửa rọi nguyệt cười hoa

Độc giả có thể thấy ngay chú thích này là hoàn toàn sai, vì rõ ràng 2 bài ngũ ngôn trên chỉ có thể đọc theo 1 chiều như đã dẫn, chứ không thể theo chiều nào khác nữa: Các chữ cuối của các câu nhất, nhị, tứ, lục,bát, đọc ngược từ dưới lên, theo chiều từ trái sang phải, cụ thể là các chữ SẴN – YẾN – NHỚ – LIỄU – NGUYỆT (ở bài ngũ ngôn thứ nhất), cũng như các chữ CỬA – NỖI – GIÓ – RƯỢU – DẾ (bài hai), không hề hiệp vận.
Tiếng Việt, với khả năng hy hữu cho phép đảo ngược trật tự các từ trong câu mà vẫn có nghĩa trong một số trường hợp, được vận dụng để tạo nên những văn bản gây ngạc nhiên thú vị, đặc biệt là với thơ vần. Ý tưởng làm ra một bài thơ với 6 cách đọc, như được mô tả trong phần chú thích trên của NXB Văn Học, thật sự là một ý tưởng mới và thách thức, song rất tiếc bài thơ dùng để minh họa nó đã không đạt yêu cầu. Dẫu sao, một ý tưởng (nghệ thuật) như thế không phải để cho chúng ta bỏ mặc cách uổng phí; thực hiện nó cho trọn là điều rất đáng làm, nhất là đối với những kẻ có lòng yêu tiếng Việt. Và, một người bạn của tôi, Pierre Bùi, đã làm nó; anh này đã viết 3 bài Bát Cú 6-trong-1, cho phép đọc 6 cách, chính xác như đã mô tả. Tôi mạn phép dẫn dưới đây:


Bài 1:

MÙA SAY

Qua ngày gió mãi gọi hồn ơi

Biết có ai tìm lại hỏi ai

Loe nắng ngõ hồng phơi lá rụng

Bạt mưa thềm trắng giãi sương trôi

Xa trời đỏ héo chờ năm tháng
Vắng cảnh vàng phai đợi phút giây

Thơ thẩn ngó hoài ta cửa trước

Mùa sang tỏa lạnh khói non ngoài

Bài 2:

LẶNG VẮNG

Đêm về ngả bóng đợi kia rồi

Mặc những đời rong ruổi nổi trôi

Nằm lại nữa tàn sương phách ấy

Dậy chưa thôi lạnh khói hồn ai

Âm vang nhã nhạc hoài bừng vỡ
Ngắt lặng trầm hương mãi thoảng rơi

Tìm đến đã vàng trăng khuất nẻo

Hiên ngoài trở giấc gọi lòng nguôi

Bài 3:

X HUẾ

Điên chừ ngả ngốn quậy mi coi
Mót quá tau mò tới đặng chơi
Lỳn vọc mô răng hở Chúa
Kặk mơn khôông phải vậy a Trời
Rêm
mou rứa cạ hoài eng khoái
Quíu đýt ri đeo mãi đòi
Ghiền nữa nớ làm ni róng riết
Thèm ai ngọ với ngoạy chau ơi

Hai bài đầu anh bạn tôi làm đã lâu, chỉ bài thứ ba là mới làm, nhưng không gửi báo nào, vì xem chúng không hợp thời nữa; tuy vậy, Tết rồi tình cờ đọc được ấn phẩm nói trên của NXB Văn Học, với lời chú thích tắc trách của người làm sách, anh ta đã đồng ý để tôi nêu nhận xét phản hồi, cũng như dẫn lại những bài “xiếc thơ” ấy, làm thí dụ minh họa.


BÙI HOẰNG VỊ

Saigon, 3/2007

bài đã đăng của Bùi Hoằng Vị

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)