Trang chính » Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 27, Sáng Tác, Trích đoạn tiểu thuyết Email bài này

Thư Tình Viết Muộn

0 bình luận ♦ 31.05.2007

 

Trích đoạn truyện dài mới xuất bản Thư Tình Viết Muộn

“I frequently think of the same silly thing over and over for hours. Tôi thường nghĩ hoài về một điều ngu ngốc nào đó.”

“Anh đọc lại hộ tôi.”

“Anh thường nghĩ hoài về một điều ngu ngốc nào đó.” Người thông dịch nháy mắt với tôi sau câu nói.

Tôi cau mày, “Biết thế nào là ngu ngốc bây giờ?”

“Thì cái gì mà bị người ta coi là ngu ngốc đó.”

“Người ta nào?”

“Người đời.”

“Nhiều khi người ta nghĩ mình ngu ngốc nhưng chính người ta mới ngu ngốc.” Tôi bắt bẻ.

Người đàn ông gãi cằm, không trả lời.

Tôi hỏi hắn, “Anh thấy sao?”

Hắn rùn vai, “Tôi không thấy sao hết.”

“Thế nào mới là ngu ngốc chứ?”

Người đàn ông lặng thinh, nhìn xuống những dòng chữ li ti.

Tôi nặn óc suy nghĩ. Đời sống này chả biết đâu là phải đâu là trái. Điều ngu ngốc hôm nay biết đâu lại là điều khôn khéo ngày mai. Tại sao người ta phải đặt những câu hỏi lắt léo làm gì vậy.

Tôi sửa lại thế ngồi, nhìn thẳng vào mắt người thông dịch, “Phải người ta gài bẫy tôi không vậy?”

“Gài bẫy anh làm gì?”

“Để bỏ tôi vào nhà thương điên.”

Hàm răng trên của người đàn ông cắn lấy môi dưới. Hắn ta có những chiếc răng cửa trắng bóng. Dù cặp môi thì thâm đen như môi kẻ ghiền thuốc lá lâu năm.

“Tôi nghĩ không phải vậy đâu.”

“Sao anh biết? Anh có phải bác sĩ tâm thần không?”

“Không.”

“Hay anh làm cảnh sát chìm?”

“Không phải.” Người đàn ông trả lời vội vã. Hàm răng trên thôi cắn môi dưới. Những chiếc răng trắng muốt biến đi khỏi tầm nhìn mệt mỏi của tôi.

“Vậy sao anh biết họ sẽ không bỏ tôi vào nhà thương điên?”

“Tôi đoán vậy.”

“Đoán. Đoán.” Tôi lắc đầu.

“Anh làm sao vậy?” Người thông dịch nhìn xoáy vào mắt tôi. Lúc này tôi không biết tôi đang làm sao, hay đang bị gì nữa. Tôi chỉ thấy nhức đầu. Những bức tường nghiêng ngả. Cặp bóng đèn nê-ông trên trần nhà xoay chậm rãi như hai cánh quạt một chiếc máy bay lên thẳng. Tôi sắp cất cánh. Tôi sắp bay lên, lẫn lộn vào mây trời. Tôi sắp thành mây, tôi cần những cơn gió. Gió đưa tôi về thành phố ấy, nơi cô ấy đang một mình tay bế tay bồng.

Sao cứ nghĩ đến cô ấy là lòng tôi ấm lại. Tôi muốn tha thứ cho cả cuộc đời.

“Anh không trả lời người ta mới chuyển vào nhà thương điên. Biết chưa!” Người thông dịch gằn giọng.

“Anh đọc lại câu hỏi giùm.”

Người thông dịch đọc lại câu hỏi trong bản tiếng Anh dầy đặc những chữ. Tôi nghe ra sự nhẫn nhịn trong giọng nói của anh ta.

“Anh thường nghĩ hoài về một điều ngu ngốc nào đó.”

“Đúng.”

“Rồi. Câu kế tiếp.”

Hắn nhìn vào trang giấy, “Đôi khi chân tôi mất năng lực tới mức tôi không còn bước đi được.”

Hắn có moi móc gì tôi không đây. Tôi ngước lên, nhìn xoáy vào mắt hắn. Hắn còn trẻ. Chắc không ngoài bốn mươi. Đuôi mắt có ít nhiều những nếp nhăn. Những nếp nhăn từ hai bên thái dương chụm lại, dán vào nhau ở đuôi mắt. Những nếp nhăn vẽ thành hình nan quạt. Cái nan quạt chỉ hiện lên đậm nét khi hắn cười. Khi hắn nghiêm trang, trông hắn trẻ hơn nhiều.

Nhưng dù trẻ hay già, hắn cũng đâu có quyền mỉa mai tôi. Làm sao hắn biết hai chân tôi đã rụng ra từng khúc rời khi nhân viên tiệm quần áo phụ nữ gọi tôi lại. Vì vậy mà bọn họ đã bắt được tôi. Vì vậy mà cả một kế hoạch sụp đổ, cả một chương trình tan vỡ. Và bây giờ tôi ngồi đây, nghe người ta mỉa mai, moi móc.

“Có không?”

Tôi gật đầu, buông xuôi.

“Tốt. Câu kế.”

“Thì câu kế.”

“Không có gì lôi cuốn được tôi.”

Không có gì lôi cuốn được tôi. Không có gì lôi cuốn được tôi. Không có gì lôi cuốn được tôi. Ừ. Không có gì lôi cuốn được tôi ngoài cô ấy. Tôi đã nghiêng ngả vì cô ấy. Cô ấy bảo tôi chết, tôi cũng dám chết, miễn là cô ấy vui.

“Có thứ gì lôi cuốn được anh không?” Gã thông dịch hỏi lại.

“Từ từ đã.” Tôi gắt. Bởi hắn vừa mới cắt đứt khúc phim đong đưa chiếc áo ngực ren đen phơi chơ vơ trên xà ngang, chỗ treo cái màn nhựa mỏng ngăn đôi phòng tắm nhà cô ấy.

“Có không?”

“Có chứ.” Tôi quả quyết.

“Thứ gì?”

“Đủ mọi thứ.”

“Đủ mọi thứ?”

Tôi muốn đấm cho hắn một cái. Nhưng cánh tay tôi mỏi nhừ. Và cái còng nặng trĩu ở cổ tay kéo lê vai tôi xuống. Nên tôi lười biếng gật đầu.

Hắn hí hoáy ghi câu trả lời vào trang giấy.

“Câu kế tiếp: tôi không bao giờ cố tình làm ai buồn.”

“Câu này hay đấy.” Tôi gật gù, trong đầu nặng trĩu hình ảnh cô ấy. Người như vậy làm sao ai nỡ làm buồn cho được, trừ cái thằng chồng chết tiệt kia.

“Đúng không anh?” người thông dịch như lây cái vui của tôi.

“Đúng! Quá đúng!”

Hắn lại hí hoáy đánh dấu câu trả lời vào trang giấy.

“Câu tiếp: đa số người ta đều lương thiện.”

Tôi ngọ ngoạy cổ tay. Cái còng tụt xuống, lộ ra một vết đỏ hằn trên da như lằn roi. Cô ấy mà nhìn thấy những vết lằn này, thế nào cũng cuống lên đi tìm chai dầu nhị thiên đường. Người như thế làm sao không thương cho được.

“Đa số người ta thì lương thiện, đúng không?” Người thông dịch lập lại câu hỏi.

Tôi nhìn thẳng vào mắt hắn, “Anh có lương thiện không?”

Người đàn ông chần chừ như phỏng đoán những ý tưởng chôn sâu dưới cái câu tôi mới nói. Rồi hắn trả lời nhẹ bâng, “Có chứ.”

“Vậy trả lời có giùm tôi.”

“Nghĩa là khi nói đa số người ta thì lương thiện thì anh cho là đúng hay sai?”

“Anh trả lời giùm đi.” Tôi lì lợm.

“Đa số người ta thì lương thiện. Đúng không?”

“Đúng.”

Hắn lại hí hoáy đánh dấu câu trả lời.

Bỗng dưng tôi tự hỏi mình có thật hắn ghi câu trả lời đúng như tôi nói. Bà Nhiêu hàng xóm vẫn hay ví von bút sa gà chết. Ấy là chuyện quê nhà. Nơi cái xứ sở người và thú đôi khi ngủ chung một chỗ, dẫu gà phải có chuồng, và người nên có nhà có cửa. Viết sai đi một chữ, mạng gà cũng toi theo. Bây giờ tôi ngồi đây. Hai tay chắp lại, trông nhờ chút ân huệ của lòng từ tâm nơi người đàn ông xa lạ, những mong hắn ta sẽ viết đúng những gì tôi nói. Tôi không muốn bị ném vào nhà thương điên chỉ vì sai lầm của người khác.

“Từ trước đến giờ anh có viết đúng theo những gì tôi nói không?” Tôi nhìn thẳng vào mắt hắn để nói cho hết những điều tôi nghĩ.

Hắn sựng người lên như bị ai nắm tóc kéo ngược ra sau. “Anh hỏi gì kỳ vậy?”

“Chẳng kỳ gì hết. Ai biết được là anh có ghi đúng như tôi trả lời không đây. Tôi không điên anh làm cho tôi điên thì sao.”

“Anh nói gì kỳ vậy?”

“Không kỳ gì hết.”

Môi người đàn ông mím lại. Những nếp nhăn vẽ nan quạt hai đuôi con mắt. Hắn già thêm vài tuổi. “Anh làm vậy không điên người ta cũng nghĩ là anh điên.”

Tôi nhìn quanh. Người cảnh sát ngồi sau chiếc bàn nhìn tôi chăm chăm. Nãy giờ tôi không thèm ngó tới hắn. Thành ra lúc bắt gặp tia nhìn của tôi, hắn nhướng cặp chân mày, hỏi gì đó. Người thông dịch trả lời bằng tiếng Anh. Tôi lắp bắp biện hộ cho riêng tôi. Tôi bảo tôi không tin người thông dịch. Tôi nói bằng tiếng Việt, vội vã bởi tôi biết sẽ không đủ thời gian cho tôi nói hết những điều mình nghĩ. Tôi phải nói ra hết. Người cảnh sát đứng dậy. Khẩu súng lục bên hông phải lúc lắc. Cây ba toong bên hông trái cũng lúc lắc. Hắn đứng cao tưởng chừng sắp chạm vào trần nhà. Tôi nói. Người thông dịch nói. Người cảnh sát tròn con mắt đứng nghe. Những ngón tay khổng lồ của anh ta co vào duỗi ra, bứt rứt. Sau cùng người thông dịch đứng dậy, xếp xấp giấy lại, trao cho người cảnh sát.

“Mai mốt có người khác dịch cho anh. Tôi thua rồi!”

Hắn nói trước khi xoay lưng lách ra khỏi căn phòng nhỏ như chiếc hộp đựng đồ chơi trẻ con.

Viên cai tù gọi tôi ra phòng thẩm vấn. Một người đàn bà đợi tôi trong đó. Người đàn bà gật đầu, tôi gật đầu chào lại. Cặp mắt kính trễ xuống trên sống mũi chị ta sau cái gật đầu. Những vạt tóc thả ngang vai chao chao. Khuôn mặt dễ có cảm tình. Phải vậy chứ.

“Tôi là thông dịch viên.” Giọng nói dịu dàng. Dĩ nhiên là không bằng cô ấy.

À, có thông dịch viên khác rồi. Cái nhà nước này hẳn cũng khổ tâm vì tôi.

“Chào chị.”

“Hôm nay mình sẽ làm tiếp mấy chục câu hỏi.”

Tôi ngồi xuống ghế. Dễ dãi gật đầu.

“Lần trước tới đâu rồi nhỉ. Để tôi coi lại xem tới câu nào rồi.” Người đàn bà vừa nói vừa thấm nước bọt vào đầu ngón tay trỏ và lật những trang giấy. Tôi nhìn những ngón tay mảnh dẻ. Những ngón tay suông đuột. Những ngón tay bận bịu với với giấy tờ, bút mực, không một dấu vết của cực nhọc, gian truân.

“Tới khúc lương thiện.” Tôi nhắc. Đôi mắt sau cặp mắt kính ngước lên. Được quá, tôi thầm nghĩ. Mắt đẹp. Những câu hỏi vớ vẩn hẳn sẽ dễ nghe hơn. Những câu thẩm vấn nghe sẽ bớt gắt gao, những câu gài bẫy sẽ không còn hằn học. Và tôi hẳn sẽ dễ lọt vào cái bẫy dịu dàng của con mắt hiền sau cặp mắt kính hình bầu dục trên khuôn mặt gầy gầy, thon thả; tôi sẽ dễ gật đầu khi bắt gặp cái mím môi nhẫn nhịn của người thiếu phụ. Nhưng tôi tin người đàn bà này sẽ không gài bẫy tôi. Người đàn bà này sẽ không cố tình đẩy tôi vào trại tù năm bảy năm trời.

“Lương thiện… gì anh?”

“Tới câu hỏi mình có lương thiện không ấy mà.”

Những ngón tay lật nhanh từng trang giấy. “Phải rồi. Đây rồi. Câu kế tiếp. I seem to hear an unknown voice wherever I go. Tôi dường như nghe được tiếng nói lạ dù tôi đi bất cứ nơi đâu.”

Đọc và dịch xong, đôi mắt ngước lên nhìn tôi, chờ đợi.

“Tôi không nghe gì hết.” Tôi nhanh nhảu trả lời. Người đàn bà hài lòng đặt bút lên trang giấy. “Khoan! Chị chờ một tí nhá.”

Những ngón tay thuôn sựng lại. Bao nhiêu đêm tôi đã chìm vào giấc ngủ với lời ru ngọt ngào của một người đàn bà mới lớn. Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi. Cô ấy hay ru con bé Amy như thế. Còn gì nữa nhỉ. Gì mà anh ham vợ bé bỏ bè con thơ.

Ngay cả lúc này, tôi còn nghe được giọng cười trẻ con của cô ấy trong vắt như tuổi thơ.

Và tiếng khóc của con bé Amy lẫn tiếng càu nhàu của thằng anh nó.

“Có chứ. Tôi nghe tiếng nói hoài.” Tôi trả lời cho đôi mắt sau cặp mắt kính.

“Tiếng người quen hay người lạ?”

“Quen.” Tôi chần chừ một giây. “Thân, người thân.”

Đôi môi mỏng mỉm cười, “Vậy thì không kể. Tiếng nói lạ mới kể.”

Tôi gật đầu dễ dãi, “Sao cũng được.”

Người đàn bà hí hoáy đánh dấu vào câu trả lời.

Một lát, chị ngẩng đầu lên. Dòng tóc dạt qua hai bên vai.

“Tôi sẽ không làm điều gì liều lĩnh mà không có mục đích. Câu kế tiếp đó.”

“Đúng.” Tôi trả lời thật vội. Bởi khi không tiếng chửi thề của một gã đàn ông vang vọng trong đầu tôi. Tao bảo lãnh mày qua đây đâu phải để mày đua đòi. Tiếng chửi thề của thằng chồng cô ấy. Giờ này không biết nó lưu lạc phương nào.

“Nghĩa là anh sẽ không làm điều gì liều lĩnh mà không có mục đích.”

“Đúng.”

Đúng, bởi cô ấy là người duy nhất có thể xúi giục tôi liều mạng.

“Tôi giữ khoảng cách với mọi người.”

Tôi gật đầu.

“Tôi không bị đau nhức gì hết.”

Tôi nghĩ đến những khớp xương mười ngón tay. Tôi nghĩ đến cái lưng đôi lúc bẻ tôi gẫy gập thân mình.

“Đau chứ. Sáng sớm thức dậy, không nhúc nhích gì được cô ơi.”

Tôi nhận ra mình vừa đổi cách xưng hô.

Người đàn bà loay hoay ghi câu trả lời.

“Câu kế nghe. There is not much to be interested in anymore. Chẳng còn gì đáng quan tâm trên đời.”

Tôi ngước nhìn người đàn bà. Nhìn cặp lông mày tỉa kỹ, mảnh như đường chỉ. Nhìn những sợi tóc loe hoe trước trán. Có chứ. Cuộc sống còn có những thứ đáng quan tâm. Mai mốt đây ra ngoài, tôi sẽ bắt trùn, tôi sẽ đi tìm việc làm. Ít nhất cũng mua được cho cô ấy cái áo đầm mà cô ấy trầm trồ lúc coi tờ báo quảng cáo quần áo phụ nữ hôm lễ Giáng sinh.

“Có không anh?”

“Có chứ. Có bao nhiêu thứ quan trọng.” Tôi nói, chắc như người đang nắm bắt được những ngày vui, những thay đổi tươi sáng cho đời sống mình.

Some movies make me quite happy or sad. Nhiều cuốn phim làm tôi buồn quá hoặc vui quá. Đúng với anh không?”

Tôi nhìn mảnh tơ nhện mỏng đang lượn lờ ở góc tường đá, cười một mình. Nhớ lắm cái lần tôi ngồi coi phim ở phòng khách với hai đứa bé trong lúc cô ấy loay hoay dọn dẹp dưới bếp, lâu lâu lại chạy lên ngó màn ảnh một tí xem người ta hẹn hò, đưa đón, hành hạ, hại ngầm… nhau tới đoạn nào. Cuốn phim tình cảm. Có chia ly, ngăn cách. Rửa xong mấy cái bát hai đứa nhỏ bày ra xong, cô ấy đứng dựa sa lông, ngay sau lưng tôi. Ngồi im nghe. Gì vậy. Đừng nhúc nhích, có sợi tóc bạc. Cái đau nhói một chút nhẹ trên da đầu. Ngón tay rụt rè không dám chạm vào chân tóc, không dám xới lên những sợi rễ tre cằn. Rồi lặng thinh. Tôi lắng nghe tiếng thở từ rất xa vẳng lại. Chợt có tiếng sụt sùi. Tôi quay lại, bắt gặp những giọt nước loang hai con mắt. Phim chi buồn thấy mồ. Câu than thở chạy tội. Ừ thì chuyện phim hôm ấy buồn thật. Người ta buồn làm tôi cũng buồn lây. Mau nước mắt vậy đó. Thiên hạ bảo rằng những ai có đôi mắt sũng nước, đời sẽ buồn nhiều hơn vui.

“Ghi sao đây anh?” Người đàn bà lôi tôi về phòng thẩm vấn của trại giam với tiếng thổi hơi nóng phì phò trên trần nhà.

Tôi bối rối, “Cô đọc lại giùm câu hỏi, xin lỗi, tôi quên mất rồi.”

Người đàn bà kiên nhẫn đọc lại câu hỏi. Và tôi trả lời là có. Là đúng vậy. Phim buồn làm tôi buồn lây. Người ta buồn, tôi cũng buồn lây.

No one gets away with insulting me. Sỉ nhục tôi thì tôi sẽ không bỏ qua.”

“Không đúng đâu cô à.”

“Nghĩa là anh sẽ bỏ qua?”

Đúng vậy. Tôi gật đầu. Tôi không bận tâm chuyện hơn thua với thiên hạ nhưng đụng chạm đến cô ấy thì đừng hòng tôi bỏ qua. Tôi nhún vai cười một mình. Người thông dịch nhìn tôi, ngơ ngác.

I like to speak to strangers. Tôi thích nói chuyện với người lạ.”

“Để làm gì chứ?”

“Nghĩa là không?”

“Đúng vậy.”

My future is cheery. Tương lai tôi sáng sủa.”

“Thì lúc này lúc kia.” Tôi chỉ nghĩ tới tương lai những lúc cô ấy vui. Khi cô ấy buồn, tôi chỉ nghĩ tới hiện tại, mong làm cô ấy hết buồn.

“Nghĩa là sao.”

“Thì cứ cho là không đúng đi.”

“Thì đúng.” Người đàn bà ghi câu trả lời lên trang giấy. Tôi nhìn những ngón tay xương. Tôi nhìn vệt lông mày cạo sửa mảnh như sợi chỉ.

“Nghỉ được chưa cô?”

Ông luật sư buông thân mình xuống ghế một cách lười biếng. “Nghĩ kỹ đi.” Ông ta vừa nói vừa gãi cằm. Những sợi râu như đám râu ngô phơi già con nắng.

Người thông dịch ngồi ở chiếc ghế bên cạnh tôi. Người cảnh sát đứng sát khung cửa đóng kín muốn như bít luôn cái lối thoát cuối cùng và duy nhất của tôi tới mức không khí cũng không lọt vào được. Người thông dịch chăm chú bắt từng câu nói của ông luật sư, dịch lại cho tôi nghe.

“Hãy nói thật với tôi. Tôi không muốn lúc biện hộ trước tòa, lại bị những cú bất ngờ.”

“Cú bất ngờ gì?” Tôi hỏi người thông dịch.

Luật sư và thông dịch viên nói chuyện với nhau. Tôi ngồi ngây ra đó. Họ phải đi cùng với nhau thành cặp, còn tôi đã có người cảnh sát.

“Bất ngờ là bây giờ anh nói thế này, lúc ra tòa anh đổi ý, nói thế kia. Luật sư không biết đường nào mà biện hộ.”

Tôi gật gù. Thì ra vậy.

“Bây giờ nói thật cho tôi biết. Anh lấy mấy thứ ấy để làm gì?”

Tôi cúi nhìn nền nhà. Cái mầu đỏ thẫm gãi lên tròng con mắt làm xốn xang như người đau mắt hột. Chân bàn gỗ nâu có những vết trầy, chắc gây ra lúc được người ta di chuyển từ nơi này qua nơi khác. Trong góc nhìn rã rời, tôi thấy cả hai mũi giầy của người cảnh sát. Mầu da đen bóng. Có một vết lấm ở mũi giầy bên trái. Vết lấm nhỏ như dấu ngón tay ai đó chạm phải. Cúi đầu thêm chút nữa, tôi thấy đường viền khung cửa chữ nhật.

“Anh lấy cho anh hay cho ai?”

Người thông dịch lập lại câu nói của ông lụât sư.

Tôi trả lời, mắt vẫn dán vào những vết trầy ở chân bàn, “Tôi thấy có gì khác nhau đâu!”

“Khác chứ,” Ông luật sư như chỉ chờ có thế, vội tuôn ra một chuỗi âm thanh hùng hồn.

Người thông dịch cũng xôn xao hùa theo. “Lấy cho ai thì nhẹ tội hơn là lấy cho mình. Tôi có thể biện luận rằng anh thương ai đó nghèo túng mà lấy đồ về cho, còn lấy cho anh thì khác.”

Tôi ngẩng đầu lên, nhìn qua người thông dịch, “Khác cái gì?”

“Anh là đàn ông hay đàn bà?”

Tôi ngỡ ngàng nhìn người đàn ông. Hắn ta có dịch bậy không đây. Bộ hắn muốn chọc quê tôi hay sao vậy. Hắn không thấy tôi là đàn ông sờ sờ ra đây sao. Đàn ông với tất cả những ham muốn khát khao của con vật giống đực; những con vật mải mê chinh phục, những con vật chỉ biết chiếm đoạt hung hăng mà không biết giữ gìn, che chở.

“Trả lời đi chứ. Anh là nam hay nữ?”

“Nam, đàn ông, man.” Tôi gằn giọng, chêm cả tiếng Anh vào cho ông luật sư nghe.

Ông luật sư ngồi thẳng người trên ghế, hai bàn tay đặt lên nhau trên mặt bàn, hoan hỉ, “Đấy nhé. Đàn ông đâu có cần áo nịt ngực và quần lót phụ nữ.” Bra, pantyhose. Hai chữ tôi nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần rồi.

“Thì sao?” Tôi ngang ngạnh.

Nụ cười nở ra làm sáng hẳn khuôn mặt rậm râu, sâu mắt của ông luật sư.

“Đàn ông xài mấy thứ đó là có vấn đề, là lệch lạc tâm lý.”

Tôi ngẩn người suy nghĩ. Cái chân bàn trầy trụa lại khập khiễng bước đi trong mắt nhìn. Sao mà phức tạp đến như vậy nhỉ.

Ông luật sư vẫn ung dung. Người thông dịch thì hỉ hả, “Lấy cho người khác có thể coi như làm việc thiện. Lấy cho mình là lệch lạc tâm lý. Là pervert, là antisocial behaviour, là chống lại xã hội; phải vào bệnh viện tâm thần lâu lắm.”

Bệnh viện tâm thần à. Lố nhố những bóng người hiện ra trong óc tôi. Áo quần rách rưới, thân thể hôi mốc. Chân dép, chân giầy. Nói năng lảm nhảm như loài bò nhai hoài mớ cỏ khô. Không điên mà ở chung với đám ấy hẳn khám phá vô số điều hay. Có thời giờ, tôi cũng muốn vào hẳn trong dưỡng trí viện sống ít lâu xem đời sống trong ấy nó ra làm sao. Nhưng đấy là chuyện xa vời, bây giờ không thể để người ta nhốt mình vào trong ấy. Tôi có ít ra cũng một người để sống với; để lo cho, và để chia sẻ đời mình.

“Anh hiểu rõ chưa?”

Tôi lặng lẽ gật đầu.

“Nhớ là lấy cho người khác có thể cãi vòng vo được, còn lấy cho mình thì khó giải thích lắm đó.”

Tôi lại gật đầu.

“Nghĩ kỹ đi.”

“Ông có bao giờ coi phim con heo không?”

Sau câu dịch sỗ sàng của người thông dịch, hai người đàn ông nhìn tôi chăm chú. Tôi biết người cảnh sát đứng sau lưng tôi cũng nghiêng đầu nhìn. Không nhìn sao được. Bởi cái câu làm mặt tôi nóng bừng như bất thần lên cơn sốt.

“Con heo?” Tôi lúng túng với cả câu hỏi lẫn câu trả lời.

“Phim bậy bạ đó.” Người thông dịch giải thích.

Tôi thả tia nhìn qua vai người luật sư, tìm kiếm vu vơ một câu trả lời thỏa đáng trên đường viền quanh những vuông gạch mầu kem trên tường.

“Có không?”

Bỗng dưng tôi quay đầu nhìn người cảnh sát. Người cảnh sát nhìn ông luật sư. Hai người nói với nhau gì đó rồi người cảnh sát gật đầu, mở hé cánh cửa, lách ra ngoài.

“Bây giờ anh có thể thoải mái trả lời.” Ông luật sư nheo mắt với tôi.

Tôi lí nhí cám ơn bằng thứ tiếng Anh vụng về.

“Có coi phim con heo không?”

Tôi nhớ cuốn băng hình thằng T. cho mượn. Những người lính thuỷ da trắng và bọn đàn bà Châu Á. Cuốn phim chắc đã được sang đi sang lại hàng trăm lần bởi những đường cong nếp gấp của da thịt không còn sắc nét, nhưng vẫn gợi lên cái thèm muốn đuối người.

Tôi có nên kể cho người ngoài nghe về cuốn phim bí mật ấy không đây.

“Chắc có chứ nhỉ?”

Ai đó đẩy nhẹ đầu tôi xuống thành cái gật đầu tự thú.

Ông luật sư thở phào.

Người thông dịch không dấu được nét hân hoan trong ánh mắt.

“Tôi hỏi vì biết thế nào công tố viện cũng hỏi trước tòa.”

Tôi gật đầu. Lần này thì chính tôi chọn cái động tác đơn giản ấy.

“Câu này quan trọng. Anh có bao giờ bắt bạn gái hay vợ anh làm mấy trò giống trong phim không?”

No.” Tôi bật vội câu trả lời bằng tiếng Anh.

Khi không hình ảnh cô ấy ùa về trí nhớ. Thơm ngát những ngăn tình. Đi đứng hồn nhiên như trẻ thơ; nói cười tíu tít như chim mới tập xoải đôi cánh non đo đếm bầu trời. Môi hồng lúc nào cũng hơi dẩu ra một tí, như dấu một câu chào. Và mắt long lanh ngàn lời không thể nói. Tôi chỉ có, chỉ còn cô ấy. Và cô ấy mỏng mảnh như ước mơ, ai dám làm hoen ố.

“Không bao giờ.” Tôi cam kết với hình ảnh cô ấy đổ đầy trí nhớ.

“Tốt. Bây giờ trở lại câu hỏi ban nãy.”

“Câu hỏi nào?” Tôi ngơ ngác. Người ta luôn luôn đẩy tôi từ bỡ ngỡ này tới lo âu khác.

“Câu ban đầu. Anh lấy đồ trong tiệm cho mình hay cho ai?”

Tôi cúi đầu suy nghĩ. Ý tưởng xoắn lấy nhau trong óc. Đâu có thể làm hại người ta như vậy được. Cô ấy không có tội tình gì. Khai ra, người ta nghĩ cô ấy là bạn gái và ai cấm người ta nghĩ tôi đã từng làm chuyện phim ảnh tồi tệ với người con gái mỏng manh như tơ trời.

“Cho ai?”

Tôi muốn trả lời một lần cuối cùng là cho tôi, nhưng sao tôi bỗng ngại ngần.

 

 

 

 

 

bài đã đăng của Hoàng Chính

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)