LTS: Năm 1965 làm người đọc nghĩ đến Những Ý Nghĩa về Từ “Lịch Sử” (The Multiple Meanings of the Word “History”) của Milan Kundera trong Tấm Màn (The Curtain). Theo Kundera, lịch sử của nghệ thuật, của văn chương và thi ca được coi là “lịch sử của những giá trị đời sống” (history of values). Lịch sử này nói về tất cả những cần thiết và ước ao trong đời sống chúng ta, và không như ý niệm lịch sử chú trọng về tấm mức thời gian hay tiến hóa của một dân tộc, lịch sử của những giá trị đời sống là lịch sử của nội tâm—của những giấc mơ và giây phút lắng đọng, lúc nào cũng ở trong hiện tại, khó bị quên lãng, và không bị lỗi thời. Năm 1965 so sánh lịch sử của thời gian và tiến hóa (đời sống lại đều đặn như đồng hồ…/ con cái ta mỗi ngày một lớn/và đời ta mỗi ngày mỗi thống khổ) với lịch sử của nội tâm một người đàn bà (mặt trời bốn mùa, tuổi trẻ, tình yêu ngông cuồng/cây sầu đông và tiếng guốc….) Mặc dù người đàn bà không muốn nhắc lại những giấc mơ “như chiếc đầu máy (tàu hỏa) đã ngủ quên trên đường sắt rỉ,” trong cử chỉ nhắc nhở lại những hạnh phúc cũ đã tái tạo lại những giá trị của đời sống tưởng rằng bị lãng quên vùi dập.
Năm 1965
Mùa xuân đã qua
Mùa hạ cũng qua dần
trong mắt em hạnh phúc thôi vồn vã
đời sống lại đều đặn như đồng hồ
duỗi hết tay chân suốt ngày dục dã
Căn nhà mỗi ngày mỗi quen
cửa sổ mỗi ngày mỗi mở
bữa cơm mỗi ngày một đầy
con cái ta mỗi ngày một lớn
và đời ta mỗi ngày mỗi thống khổ
trong trí nhớ bắt đầu thiu
cũng đừng cố vùng vẫy
Anh cũng đã biết chải đầu
biết thắt cà vạt, biết bắt tay
mỗi buổi sáng thành phố đông
dậy bảy giờ, đạp xe nổ
và quay cuồng trong sở làm
biết ngồi biết nhịn
và những ngày tháng cũ của ta
vẫn vô cùng im lặng
Hãy để yên và đừng nhắc tới
đồng tiền và lương tâm
sự mệt mỏi vô tận
Đừng nhắc tới và cũng đừng tưởng nhớ
thảm cỏ xưa, dấu chân xanh
tập thư tình cũ
thời anh biết em
Đừng nhắc tới và cũng đừng than thở
thành phố xưa, đường về
những toa tầu đã nổ
và chiếc đầu máy đã ngủ quên
trên đường sắt rỉ
Đừng nhắc tới và cũng đừng nhớ nữa
mặt trời bốn mùa, tuổi trẻ, tình yêu ngông cuồng
cây sầu đông và tiếng guốc
những buổi chiều buổi mai
những ngày đêm không thiết ngó
Đừng nhắc tới và cũng đừng mơ ước
vì con cái chúng ta
sẽ tìm thấy
sẽ đọc
sẽ bắt đầu diễn lại.
(Nguồn: Nhã Ca Thơ (Vietbook, USA: 1999), tr. 91-93)