- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Định vị về gia đình trong tiểu thuyết Pháp “ Hạt cơ bản”

 

 

Định vị về gia đình trong tiểu thuyết Pháp “ Hạt cơ bản”

tiếp cận như là biểu tượng về bối cảnh toàn cầu hoá ở vị trí Việt Nam

1. Giả thuyết hay khái niệm cá nhân, đứa trẻ, gia đình, xã hội theo quan điểm phân tâm học (1).

Theo quan điểm được khởi xướng từ Freud, gia đình là nơi đứa trẻ xây dựng tính chủ thể của nó. Thoát ra khỏi gia đình, đi vào xã hội, đứa trẻ/chủ thể người này lặp lại những liên hệ của nó đã có được trong gia đình nó. Liên hệ đã được xây dựng này tạo dựng cho đứa trẻ một hiểu biết tối thiểu cho nó xây dựng vị trí của nó trong xã hội sau này. Khi vượt ra khỏi khuôn khổ gia đình và xây dựng được thành công vị trí hiểu biết của nó trong xã hội, ông bố và bà mẹ trong quá khứ gia đình trở thành một biểu tượng định khuôn tạo nên sự thuyên chuyển mang tính chất tiến hoá, chuyển giao thế hệ. Chi tiết này quả đã trở thành một tham chiếu hiển nhiên trong phân tâm học và tâm lý trị liệu. Vào thời điểm 3-5 tuổi, khi đứa trẻ trải qua mặc cảm Oedipe xác định cho nó những điểm mốc chuyển giao cơ bản của hạt nhân gia đình. Sau đó, đứa trẻ tới trường và gặp những người lớn khác, vị trí hiểu biết của ông bố bà mẹ lúc này thực sự đóng vai trò cơ bản nền tảng đầu tiên của nó trong quá trình định hướng và vận hành hiểu biết đầu tư vào thế giới. Tất nhiên quá trình chuyển giao sau gia đình là nhà trường, đứa trẻ trải qua một loạt quá trình đồng nhất hoá để có thể tiến triển đầy đủ và trưởng thành.

Ở trong mối quan hệ gia đình, cấu trúc tâm trí của đứa trẻ xác định bởi sự thật gia đình. Với nền tảng của nó, nơi bà mẹ giữ chức năng cung cấp những chăm sóc nuôi dưỡng tối thiểu cơ bản đầu tiên. Chăm sóc ban đầu này được đảm bảo cho một sự an toàn đầy đủ về khả năng sống sót và bảo vệ sẽ giúp vận hành nên cấu trúc tâm trí. Đứa trẻ sẽ được tạo nên bởi sự thật của cặp vợ chồng và gia đình, nơi ham muốn của bà mẹ và ông bố đặt nên đứa trẻ như sự tái tạo tâm trí của họ được vận hành.Chức năng của người cha được hiện diện ở đây là vị trí điều luật về một bà mẹ tốt hoàn hảo có nguy cơ nuốt chửng đứa trẻ ở vị trí đối tượng hoàn toàn của ham muốn. Tiếp cận ở đây cần phải phân biệt chức năng bà mẹ ( nguyên thuỷ )theo cách tượng trưng và chức năng của bà mẹ thực/ sinh học trong việc chăm sóc cho những năm sinh trưởng đầu tiên của đứa trẻ. Tương tự như vậy, cần phải phân biệt khái niệm chức năng ông bố tượng trưng và chức hình ảnh ông bố sinh học. Tiếp diễn quá trình đứa trẻ đảm bảo cho sự sinh trưởng và vận hành tâm trí ở nôi hạt nhân gia đình những năm đầu tiên ( 3-6 tuổi ) này là khả năng đồng nhất hoá, nội nhập hoá hay thống hợp hoá không ngừng của đứa trẻ trong quá trình trưởng thành tại trường học và nghề nghiệp sau này ngoài xã hội. Sau đó, khả năng này được xác định bởi đứa trẻ trưởng thành đó tái tạo lại những thành quả nó có được bằng việc xây dựng một gia đình cho riêng nó. Quá trình này được xác đinh như là quá trình tiến triển của cái tôi chủ thể.

2. Định vị mô hình gia đình được kể trong câu chuyện.

Tiểu thuyết “Hạt cơ bản” là một cuốn sách hết sức quan trọng và được đánh giá cao tại Pháp và châu Âu, hiển nhiên nó mang nhiều tầng lớp ý nghĩa mà độc giả hoặc người phê bình có thể tiếp cận ở nhiều góc cạnh khác nhau. Với tôi, trong bài tiểu luận này, chọn tiếp cận về khái niệm gia đình theo quan điểm phân tâm học, những chi tiết văn bản trong tiểu thuyết dùng để phân tích đều nằm trong 100 trang đầu của cuốn truyện(2). Những tầng ý nghĩa thú vị hơn được triển khai về cuộc sống tình cảm/tình dục của hai nhân vật chính là nội dung chính của tác phẩm khiến nó hết sức hấp dẫn và thu hút, tuy nhiên rất tiếc tôi không chọn phân tích xa hơn. Chi tiết này, nếu như có dịp tôi sẽ viết ở một bài tiểu luận khác.

Trở lại chủ đề của tiểu luận, tôi cho rằng, tiểu thuyết “ Hạt cơ bản”, hiển nhiên đặt chủ đề cho câu hỏi về chức năng của gia đình trong việc tạo dựng cá nhân/bản sắc cá nhân trong mối quan hệ với xã hội.Chức năng gia đình này được hiển hiện khi mà tiến trình trưởng thành của đứa trẻ được diễn tiến theo trục thời gian tuyến tính và câu chuyện được kể bởi quan sát bên ngoài nó và câu chuyện được kể/được ý thức bởi nó. Tiêu đề của tiểu thuyết được tác giả đặt tên cho nỗi ám ảnh của một trong hai nhân vật chính của cuốn truyện Michel – nhà sinh học. Trong buổi tham dự lễ cưới của cậu em ruột cùng cha khác mẹ Bruno, nghe lời rảng của vị linh mục về ý nghĩa của hôn nhân, anh đã phát hiện ra nỗi ám ảnh chuyên môn sinh học phân tử của mình, có mối liên quan kỳ quặc với ý nghĩa của lời giảng trong kinh thánh của cha xứ về hôn nhân. Như vậy,vấn đề ở đây đặt ra bởi cuốn tiểu thuyết này là, chức năng của gia đình đã được vận hành như thế nào, cho câu hỏi về đứa trẻ vượt ra khỏi gia đình và trở thành người của xã hội- tại sao đau khổ – làm sao được trở nên hạnh phúc và được tái tạo lại ở trong xã hội đó như một sự tiến triển tốt, và bởi điều gì ??

Câu hỏi của người kể cuốn truyện đã đưa ra một câu trả lời ngay sau đó một cách hết sức bi quan về nền văn minh phương tây. Lối tiếp cận trực diện/biểu hiện ở đây là tiếp cận sinh học, trở nên hoàn toàn trống rỗng và bi đát một cách hiển nhiên.

Hai nhân vật chính trong cuốn truyện, được sinh ra và trưởng thành trong một gia đình bất thường. Sự bất thường đã trở thành bình thường ở xã hội Phương Tây được diễn đạt một cách lạnh lùng. Bối cảnh thời gian câu chuyện được kể rất rộng, bao gồm 3 thế hệ, bắt đầu từ đầu thế kỷ 19 cho đến nay:

-Thế hệ 1: Gia đình ông bà. Một gia đình bị phá huỷ bởi bà mẹ Janine và buộc phải đối mặt bằng cách họ xây dựng lại. Ông bà ngoại nuôi Bruno và ông bà nội nuôi Michel.Gia đình tái cấu trúc trong sự phân định tiếp nối với gia đình thực/gia đình sinh học của nhân vật chính không sao thiết lập.

-Thế hệ 2. Gia đình bố mẹ thực/ông bố bà mẹ sinh học. Với Bruno, là một sự buộc phải chấp nhận mà cậu không muốn liên quan, thù nghịch, chối bỏ và lập lờ ham muốn loạn luân ( tr 97). Với Michel trống rỗng, đó là món quà không chờ đợi, phủ nhận và thờ ơ mà anh sẽ phá bỏ một nửa” bà mang đến một món quà là chiếc máy quay đĩa cùng với nhiều đĩa nhạc của Rolling Stones. Cậu cầm tất cả không nói một lời.Cậu sẽ giữ chiếc máy nhưng vài ngày sau sẽ phá toàn bộ đĩa. ( tr 88).

Thế hệ 3. Gia đình tái tạo lại do chính nhân vật tạo dựng nên sau này.

-ở Michel, nó là một sự thêm vào, tống vào,không thể ham muốn không thể được xây dựng. Giống như chiếc cát xét không có đĩa mà cậu nhận được một cách thụ động bởi bà mẹ Janine.

-ở Bruno, nó được xây dựng bởi tình huống sơ xuất và trở nên thù ngịch, chán nghét, không sao nội nhập được, trở nên tâm thần bởi sự cố gắng của Bruno trong việc đồng nhất hoá với ông bố bác sỹ phẫu thuật.

Một gia đình bình thường, tự nhiên được đặt như một giả thiết ngầm ở đây dành cho tình huống được diễn đạt bởi bà nội nhà sinh học- câu kết luận khinh bỉ dành cho bà mẹ cậu ,“ bà mẹ trái tự nhiên” Gia đình bình thường được xây dựng bởi thế hệ của ông bà nhà sinh học và nhà văn- kẻ giáo viên tâm thần còn giữ được. Đó là gia đình của ông bố kiếm tiền và lao động nuôi gia đình. Bà mẹ làm việc nhà, sinh con và chăm sóc chúng trong tình yêu thương ở tại một ngôi nhà ở một nền đất cố định nhiều năm, nhiều trăm năm bên cạnh ông bà nội ngoại và họ hàng. Gia đình của ông bà nội ngoại 2 nhân vật chính Michel, Bruno này đã đảm bảo được điều này. Tuy nhiên dường như có một trục trặc, thất bại nào đó trong việc khi bà mẹ Janine trưởng thành mà bà ta đã không sao nội nhập hoá được khi bà xây dựng gia đình của mình và có con. Dường như mối liên hệ mà bà có được từ gia đình ấu thơ của bà không đủ sức để bà có thể mang ra lý giải cho một bối cảnh xã hội rộng lớn sau này. Bruno, nhà văn- kẻ tâm thần được sinh ra minh chứng cho điều này. Bà không mong muốn đứa trẻ đó, “đứa trẻ sinh ra do sơ xuất”,và ngay sau đó, nó bị từ chối. Vị trí của nó được tạo dựng như là sự cạnh tranh, phá vỡ sự tự do cá nhân của ông bố và bà mẹ nó. Ngay lúc này, nền tảng sự thật gắn kết của cặp đôi vợ chồng được xác định trong sự lập lờ không thể chịu đựng. Chỉ có thể lựa chọn duy nhất gắn kết cặp đôi tạo thành cái gọi là gia đình là tình dục, điều này buộc phải ý thức. Và cái sự thật không thể ý thức đó thêm vào, mọc ra thình lình một là đứa trẻ chứng minh một điều có vẻ không chỉ có vậy. Vì thế, ngay sau đó, nó được ý thức “chung bà mẹ và ông bố”gạt ra cho lý do, câu hỏi duy nhất còn lại trơ tráo : tình dục có/không phải là điều gắn kết 2 người, một cặp vợ chồng hiện đại ? “ sự nhàm chán của việc nuôi dạy một đứa trẻ có ít điểm chung với lý tưởng về tự do cá nhân nơi họ” (tr 43). Bruno vừa khi sinh ra đã được quyết định gửi cho bà ngoại nuôi. Khi Bruno được gửi cho bà ngoại nuôi, bà mẹ sinh học Janine đã vô thức chất vấn lại bà mẹ của chính bà, bà từ chối chức năng làm mẹ- sự nuôi của mình dành cho Bruno. Sự tình nuôi dưỡng của bà mẹ bà, có thể là một câu hỏi bà dội lại buộc mẹ bà- bà ngoại của Bruno phải thừa nhận một cách đau đớn( tr 60). Bà ngoại Bruno đã nhận ra bằng cái chết của chính bà, một bà mẹ với những món ăn đầy đủ dưỡng chất và luôn hoàn hảo.Nước Pháp là nước Algérie, với bà điều đó là hiển nhiên không có gì thắc mắc.Bà đã không thể hiểu tại sao, con gái bà lại thù nghét bà vì điều đó đến thế. Với cái chết của bà, bà buộc con gái phải thừa nhận vị trí này. Nhưng, những sự kiện xã hội lôi cuốn trí thông minh của Janine,có lẽ đã vượt quá xa những mối dây liên hệ mà bà có được trong gia đình để bà muốn phủ nhận sự tồn tại của nó, bằng cái chết của bố – bà không tham dự và sau cái chết của bà mẹ một ngày bà mới trở về để đón con trai. Tình huống này là một cơ hội tiến triển đủ cho phép Bruno, lúc đó đồng nhất hoá hình ảnh gia đình sinh học của mình bù lấp vào câu hỏi của sự hiện diện/ vắng mặt, lập lờ tiếp nối của bà mẹ, ông bố và gia đình.

Đối diện với câu hỏi của bà mẹ Janine về ý nghĩa của mối liên hệ tạo nên gia đình. Sau khi, do sơ xuất buộc bà phải đối diện bằng Bruno và bà đã đầu hàng, từ chối nuôi dưỡng cậu bé như một sự thất bại không thừa nhận. 2 năm sau, nhà sinh học được sinh ra, tình huống đứa trẻ được ham muốn- không phải một đứa trẻ do sơ xuất. Tuy nhiên, dành cho câu hỏi gắn kết bởi 2 cá nhân người trưởng thành gắn kết bởi tình dục – tự do cá nhân như một gia đình có thêm đứa trẻ dành cho họ, trở nên không sao chịu đựng nổi bởi ông bố- người chồng thứ 2 của Janine. Sự giống của đứa trẻ với anh- một minh chứng hiển nhiên cho ham muốn không thể còn lại của anh dành cho vợ- sự chung thuỷ – giả thiết tiếp theo về gắn kết giữa cặp đôi vắng mặt trong cặp đôi Janine – người chồng thứ nhất. Và điều này là một đòi hỏi không thể chấp nhận, Janine đã không thể đóng vai một bà mẹ – một thực tế mà cô không muốn ý thức ở Bruno bây giờ là một thực tế rõ ràng không thể thừa nhận với Michel. Đứa trẻ được sinh ra, Janine vẫn duy trì bên cạnh tự do cá nhân – tình dục phóng đãng của mình.Ông bố nhà điện ảnh- chất vấn Janine như thể một sự tình bắt quả tang một cách bất lực (trang 47). Ông mang nhà sinh học khi vừa 2 tuổi về nhà ông bà nội nuôi nó- bố mẹ của ông.

Như vậy, nhà sinh học được sinh ra ở vị trí một bà mẹ sinh học/bà mẹ thực bị từ chối, bị vắng mặt. Một siêu tôi quá cứng nhắc, một ông bố mờ nhạt, thua trận và mất tích sau điều luật khắt khe không thương tiếc dành cho bà mẹ. Bà nội, tiếc thay trở nên qúa hoàn hảo bằng cách không cho nhà sinh học bất cứ một lối cách nào thống hợp bà mẹ thực/bà mẹ thay thế ở một tình huống tiến triển. Sau khi đã trưởng thành, 14 tuổi, nhà sinh học gặp lại mẹ mình với lý do của người anh có mặt được đề nghị, 2 h đồng hồ cho vị trí nuôi dưỡng của bà nội được chứng minh hiển nhiên và toàn thắng, 2h đồng hồ bà đi chợ, cho phép bà mẹ Janine nói chuyện với cậu.

3.Những liên hệ xã hội trục trặc, đau khổ sau này của đứa trẻ trưởng thành minh chứng và ăn khớp như là một sự thất bại từ trong nền tảng liên hệ gia đình sơ khởi của nó. Một mối liên hệ từ gia đình tới xã hội gắn kết một cách mỏng mảnh bằng cố gắng thành công và bất an bởi nhân vật Bruno.

Sự thất bại của Janine trong chức năng làm mẹ được tác giả lý giải như bà, một đại diện/triệu chứng/ vật chứng biểu hiện then chốt cho tinh thần/thế hệ 68 ở xã hội Phương Tây. ý nghĩa của Phong trào này bắt đầu từ ý tưởng của thế hệ trẻ/thanh niên/sinh viên Phương Tây dành cho cuộc chiến tranh tại Việt nam đại diện bởi Mỹ Pháp Liên Xô, Trung Quốc xảy ra khốc liệt và giai dẳng ở Việt nam và các nước thế giới thứ 3 mà họ không sao hiểu nổi với khẩu hiệu “ làm tình thay vì chiến tranh”. Ở đây, Phương Tây dành cho một biểu tượng ông bố bà mẹ xấu/ ác hoàn hảo/quá tốt nuốt chửng đứa con. Một ông bố bà mẹ không sao chấp nhận nổi, không sao vượt qua nổi. Cuộc chiến tranh ở Việt nam như một biểu tượng được nội nhập hoá dành cho chính bản thân họ, trong mối liên hệ với gia đình đặt câu hỏi đảo ngược lại, không sao trở nên trưởng thành. Ham muốn của Janine ở tình trạng tinh thần 68, bao gồm cả một sự vận hành vượt qua bên ngoài sự chuẩn bị của bà mẹ sinh ra bà. Đối chất lại nghi ngờ về một thế giới bao chứa tình trạng Algéri- Pháp mà bà ngoại Bruno không có câu trả lời đầy đủ- không sao hiểu nổi của xã hội cho tình trạng mà bà tham dự vào một cách cuồng nhiệt- tinh thần 68. Ham muốn này, có thể đã ở vị trí gián tiếp nuốt chửng Michel trong sự thờ ơ xã hội( không mang tính người) mà Bruno nhận thấy và chỉ ra ở em trai mình. Michel ở bên trong sự an toàn của tình yêu hoàn hảo của người mẹ-bà nội một cách tự nhiên, anh toàn bị một vị trí xã hội ở bên trong sự vận hành bởi nền tảng khoa học lâu đời của Châu âu, một nhà sinh học. Tuy nhiên, từ chối một người mẹ thực và không thể đồng nhất hoá hình ảnh người cha quá mờ nhạt, anh không thể xây dựng lại hình ảnh của mình trong mối quan hệ gia đình bằng việc ham muốn gia đình và sau đó là ham muốn một đứa con.Trái lại Bruno, ở vị trí đối tượng cho thiếu hụt nơi ham muốn trực diện nhất của bà mẹ Janine, anh hoàn thành quá trình cá nhân hoá ở cấu trúc tà dâm một cách khá xuất sắc ( thực ra Freud chia tất cả mọi người chỉ có 3 loại cấu trúc tâm trí là : nhiễu tâm, loạn tâm và tà dâm). Sự vận hành tâm trí của Bruno từ những mối liên hệ được xây dựng từ gia đình anh, sau đó hướng tới xã hội là một sự vận hành hoàn hảo. Anh lấy một cô vợ -vú to- một định vị tình dục cho sự gắn kết cặp đôi- gia đình lý tưởng mà mẹ anh đã từng chứng minh thất bại. Bruno- nhà văn chứng minh nam tính của mình bằng nỗi mặc cảm giải mã tinh thần 68 của bà mẹ. Anh hoàn thành mặc cảm Oedip khi đồng nhất và chứng minh tính cá nhân riêng biệt với ông bố- kẻ đã chiếm được mọi cô gái xinh đẹp bằng cách lôi một cô bạn béo 17 tuổi vừa gặp trên bãi biển về nhà ông. Một cô bạn có hình dung giống như hình ảnh của chính anh- không phải ông bố- một cô bạn cơ thể xấu- một hình ảnh Bruno xấu- đối nghịch và thoát khỏi ham muốn nuốt chửng của bà mẹ -ông bố sở hữu và muốn và tạo dựng những cơ thể đẹp. Vấn đề của Bruno có lẽ nằm ở chỗ, hình ảnh gia đình thực mà anh có được tìm cách đồng nhất hoá sau khi bà chết. Đối diện với gia đình thực của mình, đó là “một sự kiện kỳ quặc, không sao hiểu nổi”, giống như sự ra đời ngẫu nhiên thừa mứa của anh dành cho bà mẹ và ông bố vậy. Lúc gặp lại gia đình mình sau khi bà chết, Bruno “ cảm thấy không trực tiếp liên quan” ( tr 63). Sự kỳ quặc và không trực tiếp liên quan này quả thực không phải vậy, nó đã trực tiếp tác động tới anh với việc không thể phân định được một bối cảnh bên ngoài mà bà chưa chuẩn bị cho Bruno.Tình huống hành hạ súc vật của những đứa trẻ cùng tuổi với anh tại trường trung học sau thời điểm chuyển lên sống với bố mẹ,nếu như anh được ở cùng với họ ngay từ nhỏ, tinh thần 68 của bà có lẽ sẽ chuẩn bị tốt cho Bruno phòng vệ phản ứng, hiểu và vượt qua tình huống này. Không có một bước đệm cho sự đồng nhất hoá/nội nhập hoá trong quãng thời gian này, là một trong những lý do quan trọng anh không thể đối diện với con trai sau này khi nó bước vào tuôỉ niên thiếu. Tình huống không kiểm soát tình trạng tà dâm trước cô học sinh xinh đẹp tại trường trung học sau đó là lý do khiến anh phải vào bệnh viện tâm thần minh chứng cho điều này. Điều này, được diễn giải như là sự phân biệt thế hệ, mẹ/bà mà Bruno không sao rành rẽ, nơi sự thống hợp mà anh bị gãy khúc trong phân định bà ngoại/bà mẹ.Bà mẹ sinh học Janine- kẻ không/có phải là mẹ cậu bé Bruno. Sự không phân định bà mẹ thực/bà mẹ sinh học và bà mẹ tượng trưng được diễn đạt trong tình huống lập lờ loạn luân mà bà mẹ buộc phải diễn đạt bằng câu từ trước cậu con trai( tr 97). Tình huống Bruno 17 tuổi chủ động vén, dòm âm đạo mẹ, đang nằm cùng người tình trẻ, được anh diễn đạt lại như là sự tình ngưng cắt được ý bởi ham muốn loạn luân của chính bà mẹ bằng giải pháp tình dục với những cậu trai trẻ.

Điều này, được minh chứng cho vị trí hiểu biết của hiện thực tâm trí nhân vật Bruno- nhà văn- kẻ sa đoạ dành cho ham muốn của bà mẹ anh ta trở nên được nối tiếp và tiến triển bằng gia đình của anh. Bruno với việc tạo dựng gia đình của riêng mình với một đứa con trai dù sao vẫn còn có được như một sự minh chứng xâm lấn đối chất cho trường hợp đạo đức u buồn và bế tắc nơi Michel.

Tôi cho rằng là lý do quan trọng cho câu kết luận bế tắc phần cuốn cuốn sách dành cho văn minh Phương Tây, kết quả của phong trào 68, sau thời điểm 1975 tạo nên tình huống quan trọng của toàn cầu hoá, nội nhập toàn nhân loại với cả tiến trình lịch sử của nhân loại cùng trên một lộ trình chung. Ba thế hệ được kể trong câu chuyện của nhà sinh học, từ đầu bao gồm 2 cuộc chiến tranh thế giới khốc liệt với tâm điểm là Châu Âu bắt đầu từ tình trạng tư bản hoá và khoa hoá/khai thác thuộc địa. Điều này đã là một minh chứng hiển nhiên của cuộc hoàn thành Âu hoá mang tính toàn cầu. Khi mà tình trạng Âu hoá tại một số nước Phương Đông như Nhật bản, Hàn Quốc hạt nhân cơ bản của gia đình vẫn còn lưu giữ. Thực tế của ngành lịch sử và khảo cổ đã chứng minh, không có một dân tộc nào đặc quyền cho văn minh của mình. Văn minh, văn hoá đó là một tình trạng tự nhiên lan toả, nó lưu giữ, phát triển hoặc tận diệt ở những đâu đó, những thời gian nào, âu cũng là những lẽ thường đã xảy ra. Sự tiến triển, phát triển luôn tuân theo những quy luật khắc nghiệt của chân lý/ sự đúng được xác nhận,và điều này luôn rất công bằng ở bất cứ đâu.

4. Vị trí một người viết văn Việt nam trước tác phẩm của một nhà văn Pháp.

Tôi cho rằng mỗi một tác phẩm văn học thì có mã khoá dành cho hiểu biết ( có ích hoặc có hại, hoặc không ) của một nhóm người hay một bối cảnh nhất định nào đó, không phải duy nhất cho mọi bối cảnh, mọi nhóm người.

Hiểu biết của tôi về Lịch sử Việt nam, lịch sử thế giới và nước Pháp không có rõ ràng. Tuy nhiên, tiếp cận từ vị trí cá nhân của tôi, như là một người viết, tôi cho rằng đây là một trong những cuốn sách hết sức đặc biệt ảnh hưởng tới những nhận định của tôi về thực tế. Thực tế này như là tình huống định vị Việt nam trong bối cảnh toàn cầu. Ý nghĩa của cuộc chiến tranh, hoặc lịch sử mà Việt nam đã trải qua trong sự nội nhập hoá văn minh Phương Tây, và lắm lấy nó một cách chủ động bằng trí tuệ và tinh thần. Với sự thắng thế của văn minh Phương Tây đã như là một sự tình hiển nhiên cần phải chấp nhận và học hỏi. Câu hỏi mà Việt nam, ở vị trí là một nước bị xâm lăng dành tự do độc lập từ cuộc chiến tranh 30, 60 năm trước. Cuộc chiến tranh đặt ra nhức nhối bởi một tình huống bị động xâm lấn vật chất/khách quan bởi nền văn minh Phương Tây với đại diện đầu tiên là nước Pháp.

Và tiểu luận này, vì thế, dành tặng cho sự xâm lấn của môn tâm lý học trị liệu bởi người Pháp mà tôi có được. Điều này, dành cho một đường viền cho bản sắc /vị trí Việt nam trước văn minh Tây Phương(3).

 

Nguyễn thị Thuý Quỳnh
Hà nội 28.12.2006
(Bài viết có sửa chữa.18.3.07)

Chú thích.

(1) Trích dẫn

“ giả thuyết căn bản của Freud là bản chất của những liên hệ xã hội, cũng như sợi dây gắn bó chúng ta với những tập thể rộng lớn hơn gia đình không khác gì bản chất của những liên hệ gắn bó chúng ta với gia đình. Có thể nói những liên hệ xã hội và văn hoá và những thái độ cá nhân của chúng ta đối với định chế xã hội và văn hoá, đối với những người đại diện cho chúng đều rập khuôn theo những liên hệ gia đình và những thái độ của chúng ta có trong tương quan với cha mẹ…” (J.P. Charie, Phân tâm học, bản dịch của Lê Thanh Hoàng Dân, nxb Trẻ, SG 1972 , tr 101)

“ Chức năng của cái cặn bã mà gia đình vợ chồng bảo vệ đồng thời duy trì trong sự tiến hoá của các xã hội đem lại giá trị cho cái không thể giản lược của sự thuyên chuyển-cái diễn ra từ một cấp độ khác với sự thuyên chuyển của đời sống theo sự thoả mãn các nhu cầu- và cả cái diễn ra từ một sự xây dựng của chủ thể, bao gồm mối quan hệ với một ham muốn không phải là không tên…” ( 2 điều ghi nhận về đứa trẻ, Jacque Lacan,1969.Jenny Aubry công bố năm 1983.Bản dịch của Nguyễn Minh Đức do bà Fédérique F.Berger nhà phân tâm học tại Hà nội đề nghị ).

(2) Trích dẫn từ bản dịch của tiểu thuyết Hạt cơ bản được dịch ra tiếng Việt, Người dịch Cao Việt Dũng. Nxb Đà nẵng 12.06.

(3)Người viết bài tiểu luận là nhà tâm lý học(lâm sang/ trị liệu) tốt nghiệp tại Việt nam.

* (Bài viết là đơn đặt hàng của nhà sách Kiến Thức. Bài viết hoàn thành cho buổi giới thiệu bản dịch cuốn sách “ Hạt cơ bản” tại Trung tâm văn hoá Pháp L’espace tại Hà nội ngày 12.1.2007.Trong buổi giới thiệu sách, bài viết được phát cho người tham dự).