Trang chính » Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 21, Sáng Tác, Truyện thình lình Email bài này

Lỗ Vận với Tôi

 
* Dựa trên truyện My Lawrence của Claudia Smith

Lời Giới Thiệu: Trước đây ở miền Nam, trong khoảng thập niên 1960-1970, nhà văn Hoàng Hải Thủy đã nổi tiếng về thể phóng tác truyện ngoại quốc để thích ứng với khuôn khổ văn hóa, xã hội, tình cảm và ngôn ngữ Việt Nam. Những truyện phóng tác nổi tiếng của ông là Chiếc Hôn Tử Biệt (A Kiss before Dying của Ira Levin); Kiều Giang (Jane Eyre của Charlotte Bronte); Đỉnh Gió Hú (Wuthering Heights của Emily Bronte); Tiếng Cười Trong Đêm (Laughter in The Dark của Vladimir Nabokov) v.v…

Thể thức phóng tác thường bao gồm ba loại văn chương: dịch thuật, phê bình, và sáng tác, trong trọn một tác phẩm. Qua khung dịch thuật, tác giả truyện phóng tác vay mượn cấu trúc/diễn tiến truyện của tác phẩm từ nguyên bản, nhưng qua thể phê bình và sáng tác tác giả xây dựng lại nhân vật, thêm thắt những tình cảm và đặc điểm phong phú từ khía cạnh văn hóa, xã hội, lịch sử, và ngôn ngữ cho thích hợp hoặc gần gũi hơn với độc giả của môi trường đã được chuyển hóa. Ở những trường đại học Mỹ hiện nay, những lớp dạy về dịch thuật văn chương thường bao gồm hai phần, (1) phần dịch sát văn chương nguyên bản và (2) phần phóng tác, hoặc “đối chiếu” lại văn chương nguyên bản. Khi đã thấm nhuần căn bản dịch sát, các sinh viên được dịp trổ tài sáng tác và suy luận văn chương trong những bài phóng tác thử nghiệm.

Nới rộng vấn đề, truyện phóng tác là cách thức dân chủ, bình dân, hữu hiệu, trong quá trình mang những tư tưởng mới từ nước ngoài vào giòng tư tưởng Việt Nam. Phóng tác là một cách phá biên cương với tư thế đột kích tương đối ôn hòa. Tiểu thuyết Gánh Hàng Hoa của Nhất Linh có thể coi như một phóng tác từ phim City Lights của Charlie Chaplin. Trong phim của Chaplin, Charlot “cầu bơ cầu bất” phải chứng tỏ tình yêu cho cô gái bán hoa mù tưởng lầm Charlot là công tử nhà giàu. Nhất Linh đảo ngược lại tình huống này trong Gánh Hàng Hoa, cho Minh, nhân vật chính, thành mù lòa. Minh, có học thức nhưng nông cạn (vì vậy “mù quáng” cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), phải chứng minh tình yêu của anh cho vợ là Liên, cô gái bán hoa giàu tình cảm nhưng thua kém chồng về mặt học thức và địa vị xã hội. Văn, bạn nhà giầu cao thượng của Minh, là ông bạn trưởng giả (chỉ cao thượng khi say rượu) của Charlot trong phim City Lights.

Có lúc những tác giả Việt Nam “phóng tác” bằng cách trà trộn nhiều truyền thống, nhiều thể loại văn chương và khía cạnh nghệ thuật trong một tác phẩm. Tác phẩm của họ lúc đó trở thành mô phỏng hoặc pastiche (một thể văn mà bây giờ chúng ta gọi là “hậu hiện đại” nhưng đã hiện hữu trong môi trường văn chương Việt Nam từ đầu thế kỷ 20). Giòng Sông Thanh Thủy của Nhất Linh có thể coi là một tiểu thuyết luận đề mô phỏng, trà trộn nỗi buồn của Đỗ Phủ với triết lý tự quyết của Johann Gotlieb Fichte và những tiểu thuyết tâm lý hiện thực của André Gide. Tiểu thuyết Tắt Lửa Lòng của Nguyễn Công Hoan, về sau được nhiều đoàn cải lương “phóng tác” thành Truyện Tình Lan và Điệp, có vài điểm trùng hợp với Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng (cũng là một “phóng tác” từ tích cổ của Trang Tử), tự nó là một cách phê bình và “dịch lại” truyền thống lãng mạn hiện thực trong tiểu thuyết Âu Châu của thế kỷ 19 cho độc giả Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Trong Tắt Lửa Lòng, cảnh “chú tiểu” Lan hấp hối lúc cuối truyện, với “mặt mũi đen đủi, xấu xí, hốc hác, lưỡng quyền và hàm răng vêu lên xám ngoẹt”[2] gần như trở thành một đầu lâu, đã dựa trên đoạn cuối trong La Dame aux Camélias của Alexandre Dumas fils. Trong tiểu thuyết Pháp, Armand, vì muốn được giải thoát ra khỏi nỗi ám ảnh và tình cảm lãng mạn quá độ của chàng từ cái chết của Marguerite, đã sai người quật mồ Marguerite. Ngay sau đó, Armand đối diện với một hình ảnh tận cùng của kiếp người: cái đầu lâu trắng hếu và nắm xương tàn của người yêu.

Lỗ Vận với Tôi dưới đây là một truyện phóng tác. Trong khuôn khổ chủ đề nữ quyền, truyện cũng là một thử nghiệm trong cách bầy tỏ giới tính qua ngôn ngữ và văn chương, dùng bối cảnh khoa học giả tưởng. Nhưng nếu nhìn bao quát, thì đề tài truyện cũng là một cách đối thoại với mối ưu tư dai dẳng trong văn chương, đã hiện hữu từ thời đại Xuân Thu của Trang Tử: ý niệm nan giải giữa phù du và vĩnh cửu.

 

Lỗ Vận với Tôi

Tặng DLK

Tôi nằm trên giường, nhìn nhân dụng của tôi đang sửa soạn cho một ngày mới. Chàng tắm, dùng vòi nước hoa sen. Rồi chàng chải đầu, chăm chú nhìn gương, mái tóc chàng đen sẫm, như tóc vẽ. Chàng đi đôi giầy kiểu “mũi cánh chim” (wing tips) mà tôi đã mua cho chàng tuần trước. Chàng mặc áo sơ mi màu xanh lục. Mầu tôi thích vì nó làm nổi bật làn da ngăm hồng của chàng. Sáng nào cũng vậy, sau khi pha cà phê cho tôi, chàng nắn nót viết cho tôi mấy giòng chữ trước khi chàng đi làm. “Anh Thư, chúc chị một ngày thật đẹp. Em sẽ mau về để làm chị vui.” Những chữ chàng viết ngày nào cũng như ngày nào. Chúng chỉ thay đổi có một lần từ dạo trước. Năm ngoái, chàng viết trịnh trọng, “Tôi sẽ về để phụng sự bà.”
Chúng tôi sẽ dọn nhà về ở vùng quê vào năm sau. Lỗ Vận là tên gọi nhân dụng của tôi, mặc dù họ không gọi chàng bằng cái tên đó ở sở làm. Họ gọi chàng là ông Lâm, tên họ của tôi. Mới đầu họ làm ngơ, không nói chuyện với chàng—chàng chỉ là cộng sự nhân dụng thứ nhì mà sở đã mướn. Giờ thì nhân viên trong sở đã quen quen, chào đón chàng rất tự nhiên. Xếp chàng nói với tôi rằng tháng trước có lúc ông quên bẵng, định rủ chàng đi uống bia sau giờ làm việc.
Lỗ Vận vừa được thăng chức, hay đúng hơn, tôi được thăng chức, vì trên mặt pháp lý, tiền lương của Lỗ Vận là của tôi. Lỗ Vận là kế toán viên cho tổ hợp luật sư Hồ, Trư Khẩu trong Chợ Lớn. Dù sao thì tiền thăng lương của chúng tôi cũng làm cho cuộc sống lứa đôi đuợc nhàn hạ hơn. Về ở nhà quê, Lỗ Vận chỉ cần lái xe cấp tốc bỏ túi để đi làm trong Chợ Lớn—loại xe bắt đầu thông dụng ở thời điểm này. Người lái xe, khi đến đích, chỉ cần xếp gọn xe bỏ vào cặp mang theo, rồi ung dung vào ống thang máy đi lên văn phòng làm việc.
Chúng tôi đã quyết định bán nhà trong thành phố từ hơn sáu tháng trước. Tôi đã nảy ra ý định này khi nhìn thấy Lỗ Vận thích chiếu đi chiếu lại những hình ảnh về đồng quê từ những tạp chí tuyến xạ như Nhà, Địa Ốc Thẩm Mỹ, Đất Hoang Vàng Ngọc và Giấc Mơ Hoa Kỳ. Tôi chiếu cho chàng xem những bức tranh họa về đồng quê miền Nam nước Pháp của Cézanne, Van Gogh, Bonnard, hay những bức tranh linh ảo về miền biển phía Bắc nước Pháp, của Manet, Monet, Renoir và Courbet, nhưng chàng chỉ muốn xem những hình ảnh từ tạp chí địa ốc.
“Em có muốn mình đi xem những chỗ này không?” Tôi hỏi chàng.
“Em nhìn thấy mấy chỗ này ngay ở đây rồi,” chàng trả lời, tay trỏ vào những bức ảnh chiếu lên không gian trong phòng. Đầu óc chàng chỉ hiểu được những ý niệm ngay trước mắt. Họ bảo chàng sẽ thay đổi dần dần, khi chàng hấp thụ thêm ở đời sống hàng ngày.
“Hay mình làm một chuyến đi chơi, đến những chỗ này, bằng xe điện khứ hồi,” tôi nói. Chàng nhìn tôi thật lâu. Chàng thường làm như vậy khi chàng muốn hiểu rõ ý của tôi.
“Chị muốn em đi chơi cùng với chị, đi về những vùng quê chiếu lên đây?” chàng vừa nói vừa trỏ tay vào khoảng trống, rồi lại nhìn tôi. Chàng có vẻ không tự tin cho lắm.
“Đúng vậy, em cưng. Mình sẽ đi chơi,” tôi âu yếm nói với chàng, “Em thích không? Một dịp đi nghỉ hè. Chị với em.”
Tôi đã mất bé Bảo Ngọc từ ba năm về trước. Lúc đầu, tôi tưởng những nét ngây thơ, chân thật của Lỗ Vận đã làm tôi yêu chàng. Chàng cũng có thể được coi như cậu con trai nhân dụng bé bỏng của tôi. Lẽ dĩ nhiên là tôi yêu chàng. Tôi chưa bao giờ nói với ai điều này. Kể cả chàng. Nói như vậy chỉ làm chàng hoang mang, nhất là nếu tôi nói với một vẻ thành khẩn, nghiêm trọng. Tôi chỉ nói như vậy với chàng trên giường ngủ.
Đó là một bí mật mà họ không nói cho tôi biết khi tôi mua chàng về, là chàng có thể làm được chuyện đó. Thật sự thì cũng có nhiều bà bạn thì thầm tai tôi, là có những loại nhân dụng được chế ra chỉ để làm kẹo bồng tay và chuyên về chuyện này, với hàng ngàn tư thế sáng tạo đã được trang bị trong nhu liệu. Đó là loại dâm bô xa xỉ (càng nhiều tư thế ngoắt ngoéo càng đắt tiền) phiên âm theo tiếng Anh (lóng) là đam-bi hoặc đâm bi (dam-b). Tôi không coi dâm bô cùng nghĩa với nhân dụng. Dâm bô chỉ là những con búp bê thổi phồng, huy hoàng nhưng đần độn.
Không có đạo luật nào chống điều tôi làm với Lỗ Vận trong phòng ngủ, nhưng tôi biết nhiều người sẽ cho tôi là bệnh hoạn. Thỉnh thoảng tôi cũng tự hỏi mình điều này. Có phải đây là chuyện nhân diễn lén lút làm mỗi ngày với nhân dụng của họ? Hay đây là một chuyện hết sức đặc biệt, và kỳ diệu, giữa tôi và Lỗ Vận?
Bạn có thể nghĩ tôi chỉ bấm một vài nút trên người chàng để tự động cho chàng bật ra dục tính hoặc chỗ cương cứng. Có lẽ bạn tưởng tượng tôi sẽ trở nên rạo rực rồi sai khiến chàng rần, mò, hút, xoáy động tôi bằng những dụng cụ đã được ráp ghép vào chàng. Nhưng thực sự không phải vậy. Mọi chuyện xảy ra từ từ, gần như hồn nhiên. Một lúc nào đó, tôi và chàng bắt đầu thân mật hơn. Thỉnh thoảng tôi thử đùa với chàng, hay đổi xuống giọng ngọt ngào, ân cần. Mới đầu chàng chỉ thộn mặt, hay ngồi nhìn tôi không chớp mắt. Độ năm, sáu lần liên tục như vậy, chàng mù mờ hiểu, rồi đến một ngày, chàng tự đổi cách xưng hô. Bây giờ chàng xưng “em” và gọi tôi là “chị.”
Thật sự thì chuyện cũng giản dị thôi. Năm ngoái tôi bị cúm nặng. Chàng xin phép sở làm cho ở nhà để chăm sóc cho tôi. Chàng ngồi trực bên cạnh giường đến khi tôi giảm sốt. Chàng xức dầu xanh trên thái dương, trên cổ tôi. Chàng bóp trán, xoa lưng, vuốt vai cho tôi khỏi nhức. Chàng cầm khư khư một lon nhựa bên cạnh giường, qua một đêm dài, không nói năng hay than phiền, đề phòng trường hợp tôi buồn nôn mà không chạy kịp vào buồng tắm.
Hơn một tuần sau tôi đỡ hẳn, nhưng chưa muốn chàng đi làm trở lại. Trong thời gian ở nhà, ngoài những lúc lo lắng cho tôi chàng đi chợ liên miên, lặn lội đến chợ trời hữu cơ ở tận Phú Thọ mua đủ vật liệu làm cho tôi đủ những món ngon cầu kỳ mà tôi đã đọc được trong sách vở. Lúc còn bệnh, sót ruột, tôi nói với chàng tôi muốn ăn bún chả Hà Thành và món bún thang mà Thạch Lam tả trong Hà Nội 36 Phố Phường, vì ở thời điểm này thức ăn bán ở siêu thị và những chỗ thanh lịch không còn mùi vị hay thể chất nữa. Chung quanh chúng tôi là những quán ăn hơi: thức ăn đã được biến chế thành những núi bọt đủ màu sắc, trong những đĩa chén nhân tạo cực đẹp. Ở giữa thế kỷ 22, trên nước Việt Nam với gần bốn nghìn rưỡi năm văn hiến, những nhu cầu cuộc sống đã dần dần biến thành lý thuyết. Chỉ còn Bắc Hàn là vẫn lạc hậu. Tôi vẫn phải com-măng dưa chua cải kim chi, cá khô, và tất cả những thứ nặng mùi tít tận ở Bắc Hàn. Cả thế giới bên ngoài đã biến thành một đế quốc Đài Loan khổng lồ, sạch sẽ, văn minh, với nhân dụng tạp chủng nhập cảng từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Hoa và Ấn Độ.
Hôm đó tôi đòi ăn phở tái nhúng và miến xào cua với nấm Đông Cô. Chàng đi chợ về với thịt bò tươi còn loang máu, cua cái mẩy gạch và nấm Đông Cô còn dính bụi đất. Chàng không sợ máu và những tinh tiết khác của súc diễn hoặc nhân diễn. Chàng cũng không màng đất bụi, những mùi vị khó chịu—tất cả là đặc điểm trong nhu liệu thực hữu cơ (virtual organic) của chàng. Tôi đã chọn chàng vì chàng là mô đen trên đà lỗi thời. Không phải tôi ham giá rẻ, nhưng tôi thích như vậy. Sự lỗi thời của chàng làm cho chàng đặc biệt hơn những loại nhân dụng thời thượng, nhan nhản khác. Sau đời chế tạo của chàng họ sẽ không tái bản mô đen thực hữu cơ nữa.
Tôi biết từ lâu nay chàng chỉ muốn làm tôi vui. Có thể chàng hiểu tôi mà chưa kiếm được ngôn ngữ để cho tôi biết rõ lòng chàng. Tôi ngồi trên ghế bành, nhìn ra cảnh trời mưa bên ngoài. Chàng hỏi tôi, “Bà Anh Thư, sao bà không bật đèn lên cho sáng?”
Tôi chưa trả lời chàng. Chàng cẩn thận để thức ăn mới mua về trên bàn tròn trong bếp, rồi ra ghế ngồi khoanh tay, im lặng, chờ đợi. Hồi đầu khi mới có chàng, tôi hơi sợ khi chàng ngồi lặng im như pho tượng hàng giờ, và không nói hay nhúc nhích cho đến khi tôi lên tiếng. Bây giờ tôi thích như vậy. Sự hiện diện không hối hả của chàng làm tôi yên lòng. Như một cách tĩnh tâm.
Một lúc sau, tôi nói, “Tôi không sao đâu, Lỗ Vận. Tôi thấy người khỏe rồi.”
“Bà có điều gì buồn?” Chàng hỏi, nhưng giọng chàng không thay đổi.
“Có lẽ vậy. Hễ lúc nào trời mưa, tôi lại nhớ đến chồng con tôi.”
“Chồng bà, ông Lỗ Vận, và cậu bé Bảo Ngọc, đã qua đời thảm khốc trong một vụ tai nạn xe cộ ngày 20 tháng 11 năm 2152.” Lỗ Vận nói như đang đọc từ một bản tin tuyến xạ.
Tôi gật đầu. Một lúc thật lâu, Lỗ Vận lên tiếng, “Tôi chia buồn với bà. Tôi muốn bà được hạnh phúc.”
Lỗ Vận không bật đèn lên. Chàng vào bếp. Tôi nghe ngóng trong khi chàng lần lượt lấy hết thức ăn ra khỏi giỏ đi chợ, rồi lúi húi kéo xoong, chảo ra khỏi ngăn kéo dưới lò bếp. Tôi mở khung kính cửa sổ, hít dài vào buồng phổi không khí mùa mưa trà trộn với mùi đất đường nhựa. Mùa xuân sắp đến rồi. Có lẽ tôi sẽ trồng thêm hoa cho mảnh vườn trước cửa. Hoa trang. Hoa nhài. Hoa huệ đốm. Hoa hồng màu cam Brigitte.
Lỗ Vận không biết là có những lúc chàng vắng nhà, nhất là khoảng thời gian đầu khi chàng mới về nhà với tôi, hơn một năm sau tai nạn, tôi chỉ ngồi nhìn ra cửa sổ hàng giờ, quên cả ăn uống. Lúc đó con người tôi khô khốc. Mắt, môi, cổ họng và lồng ngực tôi ráo hoảnh. Lúc đó tôi nhìn đời mình qua hai khung cửa: trước tai nạn, và sau tai nạn. Trong giây phút này, một ý nghĩ chợt đến với tôi. Nhân dụng linh tính được thời gian rất tài tình. Lỗ Vận không bao giờ chậm trễ, và chàng cũng không bao giờ nuối tiếc thời gian như tôi, như bao nhân diễn khác đã nuối tiếc. Dai dẳng. Đời đời. Nuối tiếc là nhân diễn.
Cuối cùng tôi đi vào bếp, đứng nhìn Lỗ Vận sửa soạn bữa cơm chiều. Nếu chàng là Lỗ Vận nguyên thủy của tôi, có lẽ tôi sẽ cố nói cho chàng hiểu nỗi buồn của tôi. Lỗ Vận không nhìn lên, mà chăm chú, thận trọng mở yếm cua, gỡ thịt cua và gạch cua ra khỏi mai cua rồi bỏ vào bát thủy tinh. Tôi bước nhẹ đến sau lưng chàng. Mắt tôi cùng tầm với gáy chàng. Tôi nhìn lâu vào xoáy tóc chàng. Nhìn lâu và bất động như một nhân dụng. Xoáy tóc chàng hoàn hảo quá. Thật kỳ diệu từng sợi tóc đen, từng sợi tóc như thật. Ngay cả nốt ruồi son phía bên trái gáy. Nhưng chàng không có hơi hướm như Lỗ Vận nguyên thủy của tôi. Tôi nhớ đến câu thơ của vua Tự Đức khóc nàng cung phi xấu số từ 300 năm trước:
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi

Nếu tôi bấu cắn vào da thịt Lỗ Vận, chàng sẽ cảm thấy đau, họ bảo thế. Họ cũng bảo tôi rằng chàng sẽ không phản ứng, dù bị đau, trừ phi tôi muốn chàng có phản ứng.
Tôi thổi vào bên gáy, bên tai chàng, thổi rất nhẹ. Tôi đợi. Chàng dừng tay, xoay người lại, nhìn tôi. Nhìn tôi với đôi mắt nâu thẫm của chàng. Nâu thẫm nhưng hình như có những tóe vệt nhỏ màu xanh—màu xanh của lá, của cỏ ngả màu đêm. Chàng ôm vai tôi rồi hôn tôi. Không phải là một nụ hôn nhẹ nhàng. Tôi để ngón tay mình lên cổ chàng, cảm nhận mạch sống ở đó. Mạch đập nhịp nhàng. Tôi tưởng tượng máu chàng đỏ tươi, uốn chảy, đi khắp thân thể chàng, những hồng huyết cầu linh hoạt dưới làn da nâu. Làn da nóng. Làn da với những nốt ruồi, những tàn nhang, những đường gân xanh nhạt. Thớ thịt chắc sau làn da đàn ông không mùi. Làn da nhân tạo.
Đêm hôm đó tôi khóc. Chàng gượng nhẹ khuôn mặt tôi trong bàn tay chàng, với tay kia chàng dùng những ngón tay vẽ đường nét trán, lông mày, khóe mắt, sống mũi, lưỡng quyền, và đôi môi tôi. Rồi chàng lại hôn tôi. Chàng không ngủ, và nhìn tôi không chớp mắt. Cuối cùng, tôi phải bảo chàng, “Khuya rồi. Lỗ Vận đừng nhìn tôi chằm chằm như vậy. Nằm xuống cạnh tôi. Hãy nhắm mắt lại, như tôi làm đây. Ôm tôi như vầy.”
Độ vài tuần sau đó, một buổi sáng, chàng thay đổi cách xưng hô. Xưng em, gọi tôi là chị. Và từ đó đêm nào chàng cũng ôm tôi, nhè nhẹ ru tôi ngủ mà không đợi tôi hỏi. Một lần tôi hỏi chàng nếu chàng cảm thấy hạnh phúc về những chuyện chúng tôi làm.
“Tất cả những chuyện tụi mình làm?”
“Chuyện giao cấu,” tôi giải nghĩa, ‘vì nó không phải là chuyện nhân dụng như em làm với những người đàn bà như chị.”
“Em không sướng được, chị Anh Thư,” chàng đáp. Sự co thắt của dương vật, chuyện xuất tinh, là những điều mới mẻ cho chàng. Chàng cũng chỉ biết về khía cạnh này từ đêm hôm đó. Trước đó chưa ai nói cho chàng biết điều này. Bây giờ chàng vẫn chưa quen. Chàng nói chàng cảm thấy như người bị lỡ bước rồi trôi hụt trước cực điểm.
“Chắc em cảm thấy hơi là lạ, một cảm giác bất an?” tôi hỏi chàng.
“Em không sướng nhưng em thỏa mãn. Chàng xoay người, trịnh trọng nói với tôi, “em chỉ thấy thỏa mãn khi em làm chị hạnh phúc.”
“Như vậy thì em cũng hạnh phúc, phải không?” Tôi bật cười. Chàng đã tiến bộ nhiều trong cách diễn tả tình cảm, nhưng có lẽ chàng chưa hiểu cách tôi đùa. Tiếng Việt có nhiều Hán tự về những trạng thái hạnh phúc, từ dương đến âm, từ thẳng đứng đến xoải dài: khoái, hưng, cường, thịnh, thỏa, toại, hậu, lạc, mãn. Viên mãn. Hạnh phúc tròn trĩnh. Hạnh phúc tạo sinh ra những hạnh phúc khác. Hạnh phúc giữa thể thức và nội dung. Giữa nhân dụng và nhân diễn. Nhưng hạnh phúc có vượt qua nỗi “sướng” của hiện tại không?
Tôi hỏi chàng, chàng sẽ làm gì khi tôi qua đời, rồi họ có bán chàng lại cho người khác? Rồi tôi có nên để lại di chúc cho chàng, để chàng được nhàn hạ sau này? Rồi chàng có sống độc lập được không khi tôi vắng bóng?
Chàng nói chàng sẽ “tự đóng mình xuống để nằm nghỉ với tôi.” Có nghĩa là chàng sẽ lập trình để tắt đi thiết bị khi tôi chết. Chàng nói chàng đi với tôi. Mãi mãi. Tôi thích cách chàng dùng giới từ “với.” Chàng không nói, “Em thuộc về chị.” Nhưng dù sao tôi vẫn khuyên, “Em không phải làm như vậy.” Chàng đáp, “Em ước gì mình đừng nói về chuyện này nữa.” Đó là lần duy nhất mà tôi thấy chàng gần như bực tức với tôi.
Bây giờ tôi tự nấu ăn cho mình. Tôi nấu những món ăn giản dị. Rau luộc, muối vừng đen, đậu phụ rán, canh cải ngọt. Lúc tôi ăn, chàng không ăn mà chỉ nhìn tôi ăn. Tôi nói với chàng, “Em thấy không. Khi em mới đến với chị, chị không ăn uống, mà cũng chẳng nói năng gì. Lúc đó chị như người đang ngủ. Bây giờ chị đã thức dậy. Em đã đánh thức chị dậy. Bây giờ chị làm được nhiều chuyện.”
“Chị có nhiều tài đặc biệt, em biết.”
“Lúc trước chị không nghĩ như vậy, vì anh ấy lo hết cho chị. Sau ngày anh ấy mất, sáng ngủ dậy, chị cũng không biết làm giường chiếu sao cho gọn ghẽ. Chị tự nhủ, tại sao những chuyện thật đơn giản trong đời, chỉ cần một tai biến, tự dưng đổ tung, rã rời. Chị sống trong hỗn độn, và chị đã tưởng mình không bao giờ thoát ra khỏi trạng thái ấy.”
Tôi chưa bao giờ nói nhiều với chàng như vậy. Chàng lặng yên nhìn tôi. Một lúc sau, chàng nói, nửa như hỏi tôi, nửa như tự kết luận, “Ông Lỗ Vận trước đây. Hẳn ông ấy nghĩ chị có nhiều tài? Ông ấy là chồng chị, thì chắc chắn ông ấy phải nghĩ chị là người đặc biệt.”
“Em nói đúng. Anh ấy nghĩ chị thông minh, dễ thương, và là một người mẹ tốt. Anh ấy để lại hết cho chị. Những gì chị có ngày hôm nay, là của anh ấy . . . .”
Chàng ngắt lời tôi, “Chị có tài nói chuyện rất hay. Chị biết cách giải nghĩa cho em thế nào là nhân diễn.”
Những lúc gần đây chàng bắt đầu đọc thơ văn. Tự chàng muốn tìm hiểu, vì tôi không đòi hỏi chàng phải có kiến thức văn chương. Khi đọc, chàng ngồi yên hàng giờ, suy nghĩ. Thỉnh thoảng chàng đọc quyển Đại Từ Điển Tiếng Việt tôi để trên kệ sách. Đó là quyển tự điển đã có trong gia đình tôi gần 140 năm nay, được chuyền từ đời này sang đời khác, từ khi ông tổ tôi, người đã lập nghiệp ở tận Hoa Kỳ, về nước gây dựng sau cuộc cách mạng Xã Hội Tư Bản 2020.
Lỗ Vận có thể thuộc lòng nhiều từ rất nhanh. Nhưng tôi vẫn chưa tin chàng hiểu hết nghĩa của từng chữ. Một hôm, chàng mang đến cho tôi bài thơ Đài Khán Xuân của Hồ Xuân Hương và nhờ tôi giảng cho chàng. Tôi nói đài khán Xuân là đài được xây lên từ đời vua Lê chúa Trịnh để hoàng tộc ngắm mùa Xuân, gần 600 năm trước, đến đời Hồ Xuân Hương vào cuối triều nhà Lê ở thế kỷ 18 chỉ còn lại cái nền trơ trụi. Tôi đọc lên cho chàng nghe bài thơ cổ:
Êm ái, chiều xuân tới khán đài,
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai.
Ba hồi chiêu mộ chuông gầm sóng,
Một vũng tang thương nước lộn trời.
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn,
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi.
Nào nào cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây, chín rõ mười.
Chàng lập lại hai câu cuối của bài thơ, “Nào nào cực lạc là đâu tá, cực lạc là đây, chín rõ mười.” Rồi tự dưng chàng nói với tôi, “Tóc chị không đen như màu đêm, mà thẫm hơn mầu mạch nha và ấm hơn mầu đất.”
“Em nghĩ chị cũng xinh?” Chàng vẫn chưa biết tán tỉnh như bọn nhân diễn, có lẽ không bao giờ chàng sẽ tán tỉnh tôi.
“Chị không xinh như những cô gái em thấy trong báo tuyến xạ hay trong phim ba chiều, nhưng em vui khi em nhìn thấy mặt chị. Em thấy thỏa mãn khi em nhìn chị. Em chỉ muốn nhìn mặt chị thôi.” Chàng đáp.
“Thế em thích nhìn mặt chị hơn nhìn mặt những người đàn bà khác?”
“Em thích mặt chị, trên hết mọi khuôn mặt khác.”
Không có nhiều nhân dụng hay nhân diễn như chàng trên đời này. Cũng chẳng sao. Tôi đã có chàng. Chàng với tôi. Tôi với chàng. Như thế đã quá đủ. Rồi chúng tôi sẽ về nhà quê, trồng bí, trồng ngô, củ cải, cây thì là, tía tô, kinh giới. Chúng tôi sẽ nuôi gà, vịt, đào ao, thả bèo, nuôi cá. Lỗ Vận nguyên thủy của tôi đã lớn lên ở nhà quê.
Tôi đã kiếm được một ngôi nhà lý tưởng cho cả hai chúng tôi. Một ngôi nhà thoáng gió, nhiều cửa, nhìn ra vườn rau. Tôi sẽ tước rau bí, làm món rau xào tỏi. Những đốt rau bí khi xào sẽ dòn và ngọt. Hoa bí vàng với vị bùi bùi. Những lá bí xanh đậm, như những vệt xanh nâu trong mắt Lỗ Vận, sờ sần sật, nhai đậm đà cuối lưỡi. Tôi cũng sẽ làm món đậu phụ bung sốt cà chua với kinh giới và tía tô. Những thức ăn mát ruột. Với Lỗ Vận, đời sống là mâm cỗ đầy, nghi ngút, thâm trầm. Dù trong khoảnh khắc cũng là một tế vật hiếm, cho chúng tôi.
——————————————————————————–

Chú Thích:

[1] Truyện của Claudia Smith đã xuất bản lần đầu trên webzine Juked năm 2005, với tựa đề “Rô Bô của Tôi” (“My Robot”). Truyện được tái bản với tựa “My Lawrence” trong tuyển tập Thình Lình Mới: Những Truyện Ngăn Ngắn từ Mỹ Châu và Xa Hơn Nữa (New Sudden Fiction: Short Short Stories from America and Beyond), chủ biên Robert Shapard & James Thomas (W.W. Norton: 2007), trang 105-116.

[2] Nguyễn Công Hoan, Tắt Lửa Lòng, trích từ Văn Chương Lãng Mạn Việt Nam (1930-1945) (NXB Khoa Học Xã Hội, Việt Nam: 1998), tr. 236.

 

bài đã đăng của Đinh Từ Bích Thúy

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)