Trang chính » Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 20, Dịch Thuật, Sáng Tác, Sang Việt ngữ, Tùy bút Email bài này

Cái phòng riêng

Trịnh Y Thư chuyển ngữ


Trích đoạn tác phẩm A Room of One’s Own


Nhưng các bạn có thể vặn hỏi lại tôi chúng tôi yêu cầu bà nói chuyện về người nữ và văn học—chuyện đó dính dáng gì đến cái phòng riêng tây nào ở đây? Tôi sẽ cố giải thích điều này cho các bạn rõ. Khi các bạn yêu cầu tôi phát biểu về người nữ và văn học, tôi ra ngồi bên bờ sông và bắt đầu suy nghiệm ý nghĩa những từ ngữ đó là gì. Chúng có thể chỉ giản dị là đôi ba chú giải về Fanny Burney; thêm vài điều nữa về Jane Austen; một đoạn tưởng mộ chị em nhà Bronté và bức phác hoạ khu Giáo đường Haworth nằm dưới tuyết; đôi ba điều minh triết nếu có thể về Mitford; một ám chỉ đầy ngưỡng mộ đến George Eliot; đoạn nữa nhắc đến Gaskell và ta có thể tự bảo thế là hoàn tất. Nhưng nếu nhìn kĩ hơn, những từ ngữ đó xem ra chẳng đơn giản như vậy. Nhan đề người nữ và văn học có thể có nghĩa là—và có lẽ chính các bạn muốn nó mang ý nghĩa như thế—phụ nữ và cái gì là phụ nữ; hoặc phụ nữ và những sáng tác văn học do họ viết; hoặc phụ nữ và những sáng tác văn học viết về họ; hoặc, bằng cách nào đó, cả ba ý nghĩa trên pha trộn lẫn nhau và các bạn muốn tôi trình bày đề tài từ góc độ đó. Nhưng ngay khi tôi thử tra xét chủ thể qua phương cách này, có vẻ là phương cách thú vị nhất, tôi đã nhanh chóng nhận thấy nó vướng phải trở ngại khá nghiêm trọng. Tôi sẽ chẳng bao giờ đạt đến kết luận nào. Tôi sẽ chẳng bao giờ thoả đáp yêu cầu, theo chỗ tôi hiểu, bổn phận thứ nhất của thuyết giảng viên—gửi đến các bạn sau giờ đồng hồ giảng dạy một khối ròng chân lí để tóm lược những gì trên trang tập vở của các bạn và đặt nó vĩnh viễn lên mặt lò sưởi. Điều duy nhất tôi có thể làm được là gửi đến các bạn ý kiến của riêng tôi dựa trên một điểm nhỏ—người đàn bà muốn viết văn chị ta phải có tiền và một căn phòng riêng; và như thế, các bạn sẽ thấy, vấn đề trọng đại nơi bản chất chân thực của người đàn bà và của văn học không có đáp án. Tôi đã không chu toàn bổn phận tìm ra kết luận cho hai tra vấn đó—người nữ và sáng tác văn học, với tôi, vẫn bế tắc. Nhưng để bổ khuyết vào thiếu sót này, tôi sẽ cố làm những gì tôi làm được để trình bày cho các bạn thấy do đâu tôi có ý nghĩ người phụ nữ muốn viết văn phải có tiền và một căn phòng riêng. Trước mặt các bạn tôi sẽ triển khai triệt để, với vốn liếng khả năng của tôi, chuỗi tư tưởng từ đó kết tinh ý nghĩ này trong tôi. Có lẽ nếu tôi phơi trần những ý tưởng, những định kiến đằng sau lời phát biểu, các bạn sẽ thấy phần nào chi phối lên con người phụ nữ, phần nào lên sáng tác văn học. Dù sao chăng nữa, khi vấn đề gây nhiều tranh cãi—và bất cứ câu hỏi nào về tính dục đều thế—người ta chẳng thể nào hi vọng nói lên hết sự thật. Người ta chỉ có thể trình bày đường lối qua đó ý kiến định hình và tồn lưu nơi con người mình mà thôi. Người ta chỉ có thể cho thính giả cơ hội đi đến kết luận riêng của họ trong lúc họ tường tận quan sát những hạn chế, định kiến, phong cách đặc trưng trong tư chất của người nói chuyện. Sáng tác văn học nơi đây như dung chứa sự thật nhiều hơn là dữ kiện. Do đó tôi xin đưa ra đề nghị, trong lúc sử dụng mọi tuỳ nghi và phóng túng của kẻ viết tiểu thuyết, tôi sẽ kể các bạn nghe câu chuyện xảy ra hai ngày trước khi tôi đặt chân đến đây—cong mình xuống bởi sức nặng của đề tài các bạn đặt lên vai tôi—tôi suy nghiệm và ứng xử với nó như thế nào trong đời sống thường nhật của tôi. Tôi không cần nhắc nhở những gì tôi sắp miêu tả ra đây đều không hề hiện hữu; Oxbridge là một giả tưởng; Furnham cũng thế; “tôi” chỉ là định danh tùy tiện dùng cho kẻ nào đó không có thật. Từ đôi môi tôi sẽ tuôn ra những lời ngoa ngôn, nhưng có lẽ cũng có sự thật đâu đó lẫn lộn; chính các bạn phải là người biết tìm kiếm đâu là sự thật và tự quyết định có gì đáng lưu lại không. Không làm được như thế, dĩ nhiên các bạn sẽ ném toàn bộ câu chuyện vào sọt rác và quên phứt nó ngay thôi.

Tôi ngồi đây (gọi tôi là Mary Beton, Mary Seton, Mary Carmichael hay bất kì cái tên nào cũng được—nó chẳng quan hệ chút nào) bên bờ sông cách đây một hai tuần gì đó, thời tiết tháng mười êm ả, nhưng đầu óc lại rối mù. Sợi dây tròng cổ tôi nhắc đến, người nữ và sáng tạo văn học, sự cần thiết phải đi đến kết luận cho đề tài gây không biết bao nhiêu định kiến và đam mê, kéo đầu tôi gục xuống chạm mặt đất. Bên phải bên trái nơi tôi ngồi, mấy bụi cây chói vàng, thẫm đỏ, rực sắc màu, hình như cũng đang cháy đỏ với nồng độ của lửa. Bờ sông bên kia, những cây liễu rủ đang khóc than, tóc ngang bờ vai buông lửng.

Mặt sông phản chiếu những gì nó thu hình được, góc trời xanh, cây cầu bắc ngang, vòm cây cháy đỏ, và sau khi anh sinh viên chèo con thuyền lướt qua vũng bóng hình lung linh, nó đóng lại như thể chẳng hề có ai đi qua. Tại nơi đó, người ta có thể ngồi hàng giờ đầu óc lan man những ý tưởng không đâu. Ý tưởng—gọi nó bằng cái tên cao cấp hơn là nó xứng đáng nhận lãnh—bỗng sa xuống dòng nước. Nó đong đưa, phút này qua phút khác, lúc chỗ này lúc chỗ kia, lúc giữa vũng sắc hình lung linh phản chiếu, lúc nơi những đám cỏ dại, lúc cho nước hất tung lên lúc để nhận chìm xuống, cho đến khi—các bạn biết rồi kết quả của sự giằng qua kéo lại như thế—một khối ý tưởng đột nhiên bùng lên ở phía cuối: đoạn chăm chú kéo nó vào, cẩn trọng trải nó ra. Hỡi ơi! Nằm trên thảm cỏ cái ý tưởng này của tôi trông nhỏ bé, tầm thường xiết bao; thứ cá người đánh cá giỏi vứt trả lại xuống nước để nó có thể lớn lên và ngày nào đó bõ công nấu thành món ăn. Lúc này tôi sẽ không quấy rầy các bạn với ý tưởng đó làm gì, mặc dù nếu chịu khó nhìn kĩ các bạn sẽ tự mình tìm ra nó giữa những điều tôi sắp sửa nói đây.

Tuy bé nhỏ tầm nhường nhưng nó vẫn hàm chứa bản chất kì bí của riêng nó—cài lại trong đầu, lập tức nó trở nên khích động vô cùng, và trọng đại nữa; trong khi nó vụt tới vụt lui, chớp chỗ này loé chỗ nọ, không biết bao nhiêu ý nghĩ cứ tuôn ra trùng trùng điệp điệp đến nỗi tôi chẳng thể nào ngồi yên. Thế là tôi thấy mình băng băng đi thật nhanh xuyên qua bãi cỏ. Ngay tức khắc có bóng người đàn ông nhô lên chận đầu tôi. Thoạt tiên tôi chưa nhận ra cử chỉ khoát tay của con người kì dị mặc áo khoác cắt ngang và sơ mi buổi tối là hướng về tôi. Sắc diện ông ta lộ vẻ hoảng hốt và tức giận ghê lắm. Bản năng chứ không phải lí lẽ đã giúp tôi hiểu ra; ông ta là giám thị trong trường; còn tôi là một phụ nữ. Đây là thảm cỏ xanh, ngoài kia là lối đi. Chỉ có Giảng sư và Học giả mới được phép giẫm lên thảm cỏ; lối đi trải sỏi là nơi dành cho tôi. Những ý tưởng đó thoáng qua. Trong lúc tôi đổi hướng bước về phía lối đi, hai cánh tay ông giám thị cũng từ từ buông xuống, sắc mặt ông ta trở lại bình thường, và mặc dù đi bộ trên cỏ êm ái hơn đá sỏi, tôi thấy chẳng việc gì phải làm to chuyện. Lời cáo buộc duy nhất tôi có thể tố các ngài Giảng sư và Học giả cái trường đại học nào đó là để bảo vệ thảm cỏ của họ, một chuyện không thay đổi cả ba trăm năm nay, họ đã làm con cá nhỏ của tôi trốn mất biệt.

Giờ đây tôi không tài nào nhớ nổi ý nghĩ gì đã khiến tôi cả gan vi phạm điều cấm kị trong khuôn viên trường như thế. Lòng bình an trôi xuống như đám mây từ thiên đường, bởi nếu có lòng bình an nào thì chắc nó phải ngự trị nơi khoảng sân tứ giác của Oxbridge một buổi sáng tháng mười. Tản bộ xuyên qua những học viện, những dinh thự cổ xưa, cái sần sùi của hiện tại như nhẹ bổng trôi đi; thân thể như được bao phủ bởi cái tủ kính kì diệu không âm thanh nào có thể xuyên qua nổi, và khối óc, không bị nhiễu loạn bởi bất kì sự kiện nào (ngoại trừ người ta lại vi phạm giẫm lên bãi cỏ), được tự do an ngơi với bất kì suy niệm nào hài hoà với thời khắc lúc đó. Tình cờ, vài trí nhớ rời về bài tiểu luận nào đó viết về chuyến trở lại viếng thăm Oxbridge trong kì nghỉ hè dài hạn khiến tôi chạnh nhớ đến Charles Lamb–Saint Charles, Thackery nói, đặt lá thư của Lamb lên trán. Thật thế, trong số tất cả những người đã mất (ý nghĩ nào đến với tôi, tôi sẽ chia sẻ với các bạn), Lamb là một trong những người đồng điệu nhất; một người mà người ta có thể nói, “Ông hãy cho tôi biết cách nào ông viết được những bài tiểu luận đó?” Bởi tiểu luận của ông còn vượt trội hơn cả Max Beerbohm, tôi cho thế, với tất cả sự toàn bích, nhờ cái chớp nhoáng hoang dại của tưởng tượng, thiên tài hiển lộ giữa tác phẩm như ánh chớp để lại tì vết và sự bất toàn, nhưng lại lấp lánh nét thi vị của thi ca. Thế rồi cách đây chừng một trăm năm Lamb về Oxbridge. Chắc chắn ông có viết một tiểu luận–tôi quên mất nhan đề bài viết–về bản thảo một bài thơ của Milton ông tận mắt trông thấy ngay tại nơi đây. Có lẽ là bài thơ Lycidas, và Lamb viết ông đã bị sốc như thế nào khi nghĩ có thể nào một từ trong bài thơ, bất kì từ nào, có khả năng là một từ khác hay không. Ý tưởng Milton nhuận sắc bài thơ, với ông, giống như chuyện phạm thánh. Điều này khiến tôi nhớ tôi cũng hay giải khuây bằng cách đoán từ nào có thể bị Milton sửa đổi và tại sao. Thế rồi tôi chợt nhớ ra điều nữa là chính bản thảo bài thơ đó, bản Lamb tận mắt nhìn thấy, nằm cách đây chỉ vài trăm thước, người ta có thể đi theo bước chân của Lamb băng ngang khoảng sân tứ giác để vào cái thư viện danh tiếng nơi tàng trữ món bảo vật trân quý. Hơn nữa, tôi cũng nhớ thêm, trong lúc tôi chuẩn bị thi hành công tác này, cũng chính tại thư viện này lưu giữ bản thảo tác phẩm Esmond của Thackery. Giới phê bình thường nói Esmond là tiểu thuyết toàn bích nhất của Thackery. Nhưng sự mô phỏng văn phong, bắt chước văn phong thế kỉ mười tám, chính là trở ngại của tác phẩm, tôi nhớ như vậy; ngoại trừ văn phong thế kỉ mười tám là tự nhiên với Thackery—một dữ kiện mà người ta có thể minh chứng bằng cách duyệt xét bản thảo và tận mắt nhìn thấy những sửa chữa đó giúp ích cho văn phong hay cảm xúc. Nhưng rồi người ta lại phải quyết định cái gì là văn phong, cái gì là ý nghĩa, một câu hỏi mà—nhưng tôi đã thật sự đến sát cửa thư viện rồi. Chắc tôi có mở cửa, bởi ngay lập tức xuất hiện, như một thiên thần trấn bảo chặn đường với cái áo choàng đen phất phới chứ không phải đôi cánh trắng, người đàn ông lịch sự, mái tóc bạc trắng; ông từ tốn cất giọng trầm trầm bảo tôi, trong lúc vẫy tôi lại, là phụ nữ chỉ được phép đặt chân vào thư viện khi nào có Giảng sư đại học đi kèm hoặc trong tay có thư giới thiệu.

bài đã đăng của Virginia Woolf

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)