Trang chính » Biên Khảo, Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 18, Tham luận Email bài này

Bài đề dẫn của hội thảo

Khác với các cuộc hội thảo về chính trị thường nhắm đến việc tìm kiếm sự đồng tình và đồng thuận trong quan điểm cũng như trong kế hoạch hành động, mục tiêu chính của các cuộc hội thảo về văn học thực sự, ngược lại, chủ yếu là để mỗi người tự giác hơn về sự khác biệt của mình. Lý do rất đơn giản: trong lãnh vực văn học, những vấn đề mà mọi người đồng ý với nhau thường rất ít có ý nghĩa. Đó là những điểm bắt đầu chứ không phải là những điểm kết thúc. Từ những chỗ bắt đầu ấy, mỗi người phải tìm các câu trả lời riêng. Sự thành công hay thất bại của cuộc hội thảo hôm nay, như vậy, tuỳ thuộc vào những câu trả lời mà mỗi người tự tìm ra cho mình. Nói cách khác nữa, chúng ta không nên chờ đợi bất cứ điều gì trong một cuộc thảo luận như thế này trừ những điều chính bản thân chúng ta tìm kiếm và phát hiện được. Mọi ý kiến, đến từ bất cứ ai, do đó, đều chỉ là những gợi ý.
Nhưng tại sao đề tài hội thảo lại là văn học hải ngoại?

Nguyễn Hưng Quốc

Nguyễn Hưng Quốc

Thật ra, cũng không có gì khó hiểu. Sự phản tỉnh và tự đánh giá bao giờ cũng là những sự cần thiết cho bất cứ một nỗ lực tự hoàn thiện nào. Đối với một tập thể, điều đó lại càng quan trọng. Đối với một tập thể lưu vong, còn hơn là một sự quan trọng, đó là một thiết yếu: bản chất của một nền văn học lưu vong là sự bất an. Bất an về những gì được viết ra và những gì còn lại. Bất an về cả sự hiện hữu của cái gọi là văn học lưu vong; về số mệnh của nó trong tương lai gần cũng như tương lai xa. Bất an về mọi mặt. Không bất an cũng không được. Xã hội chung quanh thường xuyên nhắc nhở chúng ta: văn học lưu vong là chuyện bên lề, mong manh, nhỏ nhoi và hết sức phù phiếm. Quê gốc, nơi chúng ta bỏ lại và không ngớt nghĩ đến, cũng nhắc nhở chúng ta: “họ” mới là chính mạch và thuộc về lịch sử. Thái độ kỳ thị ấy bàng bạc ở mọi nơi và mọi lúc. Nó bộc lộ công khai, không cần giấu giếm. Sách báo xuất bản ở hải ngoại: cấm.[1] Mọi phê bình về văn học hải ngoại từ góc độ mỹ học: cấm. Thậm chí cả những trích dẫn từ nhiều cây bút ở hải ngoại: cũng bị cấm nốt.

Càng bất an càng thao thức. Bởi vậy hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên nếu hôm nay chúng ta lại quay trở lại cái đề tài chúng ta đã từng bàn cãi nhiều lần: thành tựu và tiềm năng của văn học hải ngoại. Dĩ nhiên, đây không phải là lần cuối cùng. Sẽ không bao giờ có cái lần cuối cùng ấy cả. Bởi không bao giờ chúng ta có được câu trả lời rõ ràng và dứt khoát về vấn đề này. Nó sẽ được đặt ra nữa, một lúc nào đó, trong tương lai. Chắc chắn.
Chỉ có điều là lần này, chúng ta sẽ không bàn đến những khía cạnh tiêu cực, những khó khăn, những trắc trở và những bế tắc của văn học hải ngoại. Từ lâu, đã có nhiều người bàn đến những chuyện ấy rồi. Điều kiện sống vừa phân tán vừa tự cô lập với môi trường chung quanh, tình trạng lão hoá của cả tác giả lẫn độc giả, tinh thần hoài hương và hoài cổ nặng nề, cảm giác bị hụt hẫng, chơi vơi ở khoảng giữa các nền văn hoá, mặc cảm vừa tự tôn lại vừa tự ti khi đối sánh với người trong nước, v.v… tất cả, với những mức độ khác nhau, đều có thật. Đó là số mệnh của mọi nền văn học lưu vong, không riêng gì của Việt Nam. Nhưng chính vì thế, việc đào sâu những khía cạnh ấy chỉ có ý nghĩa nhận thức nhưng lại không có ý nghĩa thực tiễn: Chúng ta biết tất cả những hạn chế ấy, nhưng với tư cách cá nhân cũng như tư cách tập thể, chúng ta không thể làm gì khác được. Mọi người đã cố gắng hết sức. Nhưng dù cố gắng đến mấy cũng có những giới hạn không thể vượt qua được.
Hơn nữa, những nhận xét về các khía cạnh tiêu cực của văn học hải ngoại, tuy đúng, nhưng chưa chắc đã đúng hẳn. Một là, hầu hết những nhận xét ấy đều dừng lại ở khía cạnh sinh hoạt; mà văn học không phải chỉ là việc xuất bản hay phát hành. Các con số liên quan đến nhà xuất bản và lượng phát hành của mỗi đầu sách không tiết lộ gì nhiều về giá trị của một nền văn học. Ở miền Bắc, trước 1975, người ta thường rất tự hào về số ấn bản của các tác phẩm văn học (thường là vài chục ngàn); bây giờ nhìn lại: những con số ấy thật vô nghĩa. Cả một nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa kéo dài suốt mấy chục năm không để lại bất kỳ một tác phẩm có giá trị nào. Hai là, tình hình sinh hoạt văn học thay đổi rất nhanh. Nhiều điều tưởng là đúng cách đây mấy năm, nay không còn đúng nữa. Cách đây mấy năm, việc đóng cửa một tạp chí văn học hay việc giảm sút số báo phát hành được nhìn như một tai hoạ, nhưng hiện nay, giả dụ (giả dụ thôi!) tất cả các tạp chí văn học hải ngoại đều bị đóng cửa thì, thành thực mà nói, chúng ta cũng không mất mát điều gì quá trầm trọng. Bởi vì đã có internet thay thế. Và càng ngày internet sẽ càng đóng vai trò quan trọng.
Bỏ qua những khía cạnh tiêu cực với những khó khăn, những trắc trở, những bế tắc, chúng ta sẽ tập trung chủ yếu vào hai khía cạnh chính: tiềm năng và thành tựu.
Tiềm năng chứ không phải là triển vọng. Nói đến “triển vọng”, giống như chuyện bói toán, rất phiêu hốt. Văn học vẫn thường phát triển theo những cách thức rất riêng, chủ yếu dựa vào tài năng đột phá của một số cá nhân và do đó, rất khó tiên đoán. Chúng ta chỉ cố gắng phát hiện và phân tích những tiềm năng mà cộng đồng văn học Việt Nam ở hải ngoại, từ tác giả đến độc giả, có sẵn. Những tiềm năng gắn liền với điều kiện sinh sống, chủ yếu là điều kiện sống xuyên quốc gia (transnational), xuyên văn hoá (transcultural), thậm chí, xuyên thời gian – lúc nào cũng lơ lửng giữa quá khứ và hiện tại, giữa ký ức và dự phóng – của những người lưu vong. Những tiềm năng ấy được phát huy đến đâu và chịu những sự tác động nào từ ngoại giới? Nhìn từ tiềm năng và một số biểu hiện của tiềm năng ấy, chúng ta sẽ thấy hình như cái gọi là văn học hải ngoại chỉ là một khái niệm khá mơ hồ và trừu tượng. Từ những ký ức văn hoá khác nhau do những nơi xuất phát khác nhau đến những ảnh hưởng khác nhau từ những nền văn hoá và quốc gia định cư khác nhau, văn học hải ngoại cứ càng ngày càng phân hoá: một lúc nào đó sẽ có không phải một mà là NHIỀU nền văn học Việt Nam hải ngoại khác nhau. Tất cả, cùng với văn học trong nước, hình thành nên cái tôi hình dung là Khối Thịnh Vượng Chung của Văn Học Việt Nam (Commonwealth of Vietnamese literature), ở đó, không chừng chỉ có một thứ tiền tệ chung: tiếng Việt. Mà ngay cả tiếng Việt ấy cũng chưa chắc đã giống nhau hẳn.
Chỉ có một số tiềm năng biến thành hiện thực và được xem là thành tựu. Nói đến thành tựu của văn học hải ngoại thực chất là đặt văn học hải ngoại trong tương quan so sánh với văn học trong nước.[2] Có thể so sánh trên nhiều bình diện, từ (a) sinh hoạt đến (b) chất lượng tác phẩm trong từng thể loại, (c) kỹ thuật và ý thức mỹ học mới được khai mở, nhờ đó, cách nhìn về văn học trở thành rộng hơn và thoáng hơn, cũng như (d) những đóng góp có tính chất lịch sử và văn hoá của văn học hải ngoại đối với nền văn học Việt Nam đương đại nói chung.

Về phương diện sinh hoạt
, có vài hiện tượng cần lưu ý: ở trong nước, kể từ sau 1975, không có tạp chí sáng tác văn học nào có tuổi thọ cao hơn tạp chí Văn (từ 1982) hay Văn Học (từ 1985)[3] ở hải ngoại;[4] không có tạp chí nào dành riêng cho một thể loại như tạp chí Thơ,[5] không có websites nào chuyên về văn học như Tiền Vệ, Da Màu, Gio-O, Tạp chí Thơ, Thơ Tân Hình Thức.[6] Hiện nay, tất cả những websites về văn học đều nằm ở hải ngoại. Ở trong nước, với hơn 80 triệu dân, với một Hội Nhà Văn có gần 1000 hội viên, không hề có một website nào về văn học cả. Tuyệt đối không. Chỉ có vài websites thiên về tin tức văn học; và thường chỉ đăng lại tin tức từ các báo khác[7] chứ không có website nào chuyên về văn học đúng nghĩa. Trong tình trạng đó, quan hệ giữa văn học hải ngoại và văn học trong nước thế nào cũng sẽ thay đổi. Dần dần, từ từ, chậm chạp, nhưng không thể không thay đổi.

Về phương diện thể loại
, trong khi thể tuỳ bút tiếp tục được phát triển ở miền Nam và ở hải ngoại sau 1975, ở miền Bắc, ngược lại, trừ Nguyễn Tuân, không có người nào nổi lên như một nhà tuỳ bút. Mà Nguyễn Tuân, sau 1954, cũng ngả sang viết ký hơn là viết tuỳ bút. Tại sao? Sau 1975, nhiều nhà văn miền Bắc ôm ấp giấc mộng viết tiểu thuyết trường thiên, nhưng cuối cùng, không mấy người thực hiện được. Ngược lại, ở hải ngoại, tiểu thuyết trường thiên lại nở rộ, trong đó một mình Nguyễn Mộng Giác đã có hai bộ: Sông Côn mùa lũMùa biển động. Tại sao? Truyện thật/cực ngắn cũng thế. Người đi tiên phong là một nhà văn ở hải ngoại: Võ Phiến với tập Truyện thật ngắn xuất bản năm 1991.[8] Hai năm sau, một số cuộc thi truyện thật ngắn được tổ chức trong nước, nhưng tất cả chỉ loé lên như một phong trào ngắn ngủi. Rồi thôi. Những diễn đàn văn học kiên trì cổ vũ cho thể loại này đều nằm ở hải ngoại: trước, Tiền Vệ; sau, Da Màu. Tại sao? Hồi ký cũng là một thể loại đáng chú ý. Hơn nữa, đó lại là hồi ký của những người không có quyền chức gì trong xã hội, hồi ký của những sĩ quan cấp uý, của những người thua trận và phải chịu đựng bao nhiêu nhục nhằn, những người có tham vọng phục hồi những góc khuất, tối và bị bỏ quên của lịch sử. Có ý nghĩa văn hoá nào đằng sau hiện tượng ấy? Trong các thể loại thơ, truyện ngắn và truyện dài, ở hải ngoại cũng có không ít thành tựu. Những thành tựu đó là gì?
Về nhận thức mỹ học và kỹ thuật cũng như phong cách sáng tác, ở đâu phong cách sáng tác hiện thực thần kỳ (magical realism) được thử nghiệm đầu tiên? Ở hải ngoại! Ở đâu tư tưởng nữ quyền được đề cao một cách quyết liệt và với sự tự giác cao nhất? Ở hải ngoại! Ở đâu cái riêng tư, kể cả trong đời sống tình dục, của con người được khám phá nhiều nhất? Ở hải ngoại! Ở đâu chủ nghĩa hậu hiện đại được quảng bá sớm và với nhiều nhiệt tình nhất? Cũng ở hải ngoại!

Về phương diện văn hoá
, văn học hải ngoại không những là kho lưu trữ và nơi nghiên cứu văn học miền Nam trước đây mà còn là một môi giới giữa văn học miền Nam và văn học miền Bắc, qua đó, làm chất xúc tác cho nhiều nỗ lực đổi mới và hiện đại hoá văn học trong nước. Văn học cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bản sắc lưu vong của cộng đồng người Việt ở hải ngoại.
V.v… và v.v…
Có hai vấn đề tôi xin được nói thêm là:
Thứ nhất, đáng lẽ việc tổng kết các thành tựu và phân tích các tiềm năng của văn học hải ngoại này, trước hết, là nhiệm vụ của giới phê bình. Tuy nhiên, có lẽ ai cũng biết là lực lượng phê bình văn học ở hải ngoại rất mỏng và họ có cả hàng ngàn lý do để ngại ngần trước công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và hứa hẹn nhiều bạc bẽo ấy. Hơn nữa, một sinh hoạt văn học phong phú, đa dạng và rất mực phân tán như nền văn học hải ngoại chắn chắn là sẽ vượt ra ngoài khả năng bao quát của bất cứ một nhà phê bình nào. Do đó, họ chưa viết, chúng ta đã biết là những gì họ viết ra đều bất cập. Không ai có thể bù lấp hoàn toàn những bất cập ấy. May ra, chỉ bù lấp phần nào. Và ai sẽ đảm nhiệm vai trò bù lấp ấy? – Chính giới sáng tác! Trong tình hình phê bình hiện nay, nếu giới sáng tác không tự nói về mình, sẽ không có ai nói về họ cả. Có khi, vĩnh viễn.
Thứ hai, chúng ta không nên chờ đợi chính quyền hay giới cầm bút trong nước công nhận những thành tựu của văn học hải ngoại. Do nhiều lý do, kể cả lý do chính trị, văn hoá và tâm lý, chính quyền và phần lớn giới cầm bút ở trong nước chưa sẵn sàng cho một sự công nhận như vậy đâu. Mà không phải họ chỉ không công nhận văn học hải ngoại. Xin lưu ý: cả nền văn học rất dồi dào hương sắc ở miền Nam từ 1954 đến 1975 cũng vẫn chưa được công nhận. Theo tôi, trong lãnh vực này, chúng ta không nên có ảo tưởng. Nhưng cũng chẳng có gì để phải quá bận tâm. Chính quyền cũng như những cây bút thân chính quyền, thật ra, có khả năng rất hạn chế trong việc ngăn chận sức sống của một nền văn học ngoài luồng. Sau mấy chục năm bị trù dập, Thơ Mới và Tự Lực văn đoàn vẫn sống mạnh và càng ngày càng toả sáng. Sau bao nhiêu chiến dịch tịch thu sách và đốt sách, những tên tuổi lớn của văn học miền Nam vẫn có sức cuốn hút kỳ lạ không những đối với độc giả gốc miền Nam mà còn ngay cả các độc giả ở miền Bắc, sinh ra và lớn lên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.[9]
Những điều tôi vừa trình bày chỉ là một số gợi ý và gợi hứng để chúng ta cùng thảo luận mà thôi.[10]
Nguyễn Hưng Quốc

[1] Tác phẩm của một số cây bút ở hải ngoại đã được xuất bản hoặc tái bản trong nước. Tuy nhiên, số lượng còn cực ít; nếu giới hạn trong số những cây bút tương đối có tiếng tăm, con số có lẽ chưa tới một chục. Như một trò biểu diễn hơn là một sự thừa nhận.
[2] So sánh ở đây chỉ là một biện pháp đánh giá chứ không phải là kỳ thị hay phân biệt.
[3] Tiền thân của tạp chí Văn HọcVăn Học Nghệ Thuật ra từ 1978 và tồn tại đến 1979, sau số 13.
[4] Trong nước, tạp chí Tác Phẩm Mới của Hội Nhà Văn ra năm 1969, đến 1976 thì đình bản. Đến 1987 mới tục bản, thoạt đầu, với tên Tác Phẩm Văn Học, sau, Tác Phẩm Mới, và gần đây, tạp chí Nhà Văn. Tạp chí Sông Hương ra năm 1983, nhưng hai tháng mới ra một số, tổng số báo, đến nay, vẫn thua tạp chí Văn Học ở California.
[5] Tạp chí Thơ ở trong nước chỉ ra đời từ tháng 1.2006.
[6] Ba websites sau ít bài vở và mức độ cập nhật cũng chậm hơn.
[7] Như eVan và Văn Nghệ Đồng Bằng Sông Cửu Long.
[8] Trước đó, Mai Thảo có một truyện ngắn nhan đề là “Một truyện rất ngắn” in trong tập Một đêm thứ bảy, Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ, 1988, tr. 120-1.
[9] Gần đây trên talawas có chuyên mục “Sách xuất bản tại miền Nam trước 1975”. Đã tái bản nhiều tác phẩm của Phạm Công Thiện, Nguyễn Hữu Hiệu, Đỗ Long Vân, Đặng Tiến, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, v.v… Hầu hết các thành viên trong Ban Biên Tập talawas đều ra đi từ miền Bắc.
[10] Lược ghi bài nói chuyện của Nguyễn Hưng Quốc trong cuộc hội luận về tiềm năng và thành tưu của văn học hải ngoại được tổ chức tại toà soạn Việt Bao, Nam California, chiều Thứ Bảy 27.1.2007.

bài đã đăng của Nguyễn Hưng Quốc

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)