- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Rạp chiếu bóng

Kinh Đô là tên của một rạp chiếu bóng trong thành phố tôi lớn lên. Tôi sinh vào năm 1965. Tôi suýt chào đời trong rạp Kinh Đô. Mẹ tôi lúc ấy đang xem một cuốn phim. Về sau tôi mới biết đó là một cuốn phim Nhật khá là buồn bã. Thực ra bà ngủ suốt gần hết buổi xem phim. Nếu tôi không đạp túi bụi vào bụng dưới của mẹ để tìm lối ra thì bà vẫn còn vùi trong một giấc mơ nào đấy.Thay vì vậy, bà hốt hoảng bỏ chạy ra ngoài, ngã nhào vào một chiếc xích lô, thúc hối chạy về nhà thương Phao Lồ. Bác xích lô đạp toát mồ hôi nhưng rồi tôi chào đời ở một con hẻm khuất. Mẹ tôi bảo trước khi sinh tôi bà vẫn ngủ mơ thấy sẽ sinh con trên một đoạn đường chạy loạn. Nó chỉ gần đúng. Lúc ấy thành phố nơi tôi chào đời không một tiếng súng. Dù về sau tôi tình cờ biết ra rằng ấy đúng là ngày những người lính mơ rin viễn chinh của Mỹ cũng vừa từ những con tàu há mồm đổ bộ lên bãi Tiên Sa Đà Nẵng. Với mẹ nó là một ngày mùa hạ. Với tôi, từng được tắm trong biển ấy, sẽ nói, ấy là ngày nước biển ấm, như bọc nước như máu những bà mẹ lâm bồn. Cuốc xe đạp chí tử không tới được Nhà thương Phao Lồ. Bác xích lô trở thành bà mụ cầm lấy kéo mẹ tôi có sẵn cắt nắm nhau. Tôi không khóc, ngó láo liên rồi ngủ, trên bậc thềm một căn nhà ai đi vắng cuối con hẽm cụt trên đường tới Phao Lồ. Bác xích lô sau đó chở mẹ con tôi về nhà, cầm lấy nắm bạc mẹ tôi dúi vào tay ra đi (chứ còn biết làm gì), còn mẹ con tôi thì ôm nhau ngủ. Ngủ, ngủ, cho tới khi dì Út tôi đi choàng vòng hoa cho lính mơ rin về. Dì bảo tôi có mùi máu tanh tanh thơm thơm. Đây là người sau này bỏ nhà đi không trở lại, giữa bao tin đồn trong con xóm. Kẻ thì bảo dì đã vào Sài Gòn làm nghề bán ba. Kẻ thì bảo dì đã xuất ngoại theo một nhân vật quyền thế nào đấy. Có tin dì nhảy núi sau ngày miền Trung toan ly khai, và chắc là đã bỏ mạng trong một mật khu đằng sau dãy núi đồi khô cháy có tên là Trường Sơn. Mẹ đi làm thư ký cho một công ty của Pháp (một ông Pháp già còn muốn nán lại Đông Dương) và về tới nhà là chống chọi lại với căn bệnh thụy miên. Ngủ và mơ và ngủ. Những giấc ngủ ngắn và dài ấy chấm hết một ngày vào năm 1986. Tôi nhớ lại ngày ấy cả căn nhà trống trơn chỉ có một chiếc giường, và trên tường đầu giường có một bức tranh hình tượng tôi không rõ là Mẹ Ma-ri-a hay Mẹ Quán Thế Âm. Căn phòng tẻ lặng có màu trắng pha một sắc xanh nhạt cúa những cồn cát. Tôi đi kiếm một bác xích lô, như ngày nào. Chúng tôi đi ra khỏi nhà, đi về hướng những cồn cát. Bác xích lô nói cô phải đốt hương cho ấm. Ngày gần tới lễ giáng sinh mưa bụi rơi trắng cánh đồi cát, tôi đốt hương. Xong lễ, tôi đi ngược vào phố. Tôi đi tới dãy phố nơi có rạp Kinh Đô ngày trước đứng đó nhìn mông lung. Tôi đứng dưới bầu trời chiều thấp cho tới khi một bóng công an tới đuổi đi. Tôi đi qua những căn nhà thắp đèn dầu vàng chập choạng. Những đường hẻm nhỏ hai người đi ngược chiều phải lách nhau. Một căn nhà lầu bỗng dưng thu hút mắt tôi. Căn nhà lầu hai tầng có cầu thang xi măng lộ thiên bên hông như căn lầu mẹ tôi vẫn tả, nơi mẹ ghé xuống để bác xích lô cắt sợi nhau lòng thòng bê bết. Căn lầu tối, không đèn đuốc. Tôi đứng trên hiên thềm và đột nhiên như nhớ lại, cũng là lần đầu, tựa đề cuốn phim mà mẹ đã xem một buổi chiều tháng Năm 1965. Người đàn bà cồn cát.

bài đã đăng của Thường Quán