Là nữ tác gia Mỹ (sinh 1931) được giải Nobel Văn chương năm 1993, tác phẩm của Toni Morrison khai thác kinh nghiệm và vai trò của phụ nữ da đen trong một xã hội phân biệt chủng tộc và do nam giới thống trị. Trung tâm của những câu chuyện đa tầng và phức tạp của bà chính là di sản văn hóa Mỹ gốc Phi độc đáo. Morrison từng là thành viên của cả Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia (National Council on the Arts) và Viện Hàn lâm Văn học & Nghệ thuật Hoa Kỳ (American Academy and Institute of Arts and Letters).
Tên thật là Chloe Anthony Wofford. Toni Morrison sinh ở Lorain, Ohio, nơi cha mẹ bà chuyển đến để trốn thoát những vấn đề phân biệt chủng tộc ở phía nam. Gia đình bà là những người dân nhập cư, hai bên nội ngoại đều gốc tá điền. Morrison lớn lên trong cộng đồng da đen ở Lorain. Morrison đã trải qua tuổi thơ ở vùng Midwest và đọc ngấu nghiến từ Jane Austen tới Tolstoy. Người cha, George Wofford, làm nghề thợ hàn, đã kể cho Morrison nghe nhiều chuyện dân gian của cộng đồng da đen, chuyển giao lại cái di sản Mỹ gốc Phi cho một thế hệ khác. Năm 1949, Morrison ghi danh vào Howard University ở Washington DC – đại học danh tiếng nhất của người da đen. Ở đây, Morrison đã đổi cái tục danh “Chloe” của mình thành “Toni” – có lần bà đã giài thích là nhiều người khó phát âm cái tên “Chloe.” Morrison tiếp tục học tại Cornell University ở Ithaca, New York, và nhận bằng Thạc sĩ năm 1955 với luận án về hành vi tự sát trong những tác phẩm của các văn hào William Faulkner và Virginia Woolf.
Trong những năm 1955-57, Morrison là giảng viên ngữ văn tại Texas Southern University ở Houston và giảng dạy trong Khoa ngữ văn của Đại học Howard. Năm 1964, bà chuyển đến Syracuse, New York là biên tập viên sách giáo khoa. Sau 18 tháng, bà lại chuyển đến tổng văn phòng New York của nhà xuất bản Random House. Ở đây bà biên tập sách của những tác giả da đen như Toni Cade Bambara và Gayl Jones. Bà cũng tiếp tục giảng dạy ở hai chi nhánh của State University of New York. Năm 1984, bà được bổ nhiệm làm chủ tịch Quỹ nhân văn Albert Schweitzer của Đại học New York ở Albany, nơi bà bồi dưỡng cho các nhà văn trẻ trong chương trình học bổng 2 năm.
Vừa dạy ở Howard University vừa nuôi nấng 2 con, Morrison vừa viết cuốn tiểu thuyết đầu tay The Bluest Eye (tạm dịch Mắt Biếc, 1970). Cuốn sách ra đời đã xác định cái nhân thân mới của Morrison nhưng rồi chính bà năm 1992 lại chối bỏ nó: “Tôi thật sự là Chloe Anthony Wofford. Đó mới là tôi. Tôi đã từng viết dưới cái tên của kẻ khác. Bây giờ tôi viết những điều riêng tư với tư cách Chloe Wofford. Tôi ân hận đã tự gọi mình là Toni Morrison khi xuất bản tiểu thuyết đầu tiên The Bluest Eye. Câu chuyện lấy bối cảnh một cộng đồng ở một thành phố nhỏ miền Midwest. Mọi nhân vật đều là người da đen. Cuốn này phần nào dựa theo câu chuyện Morrison đã viết năm 1966 cho một nhóm nhà văn mà bà đã gia nhập sau khi đổ vỡ cuộc hôn nhân kéo dài 6 năm với kiến trúc sư Harold Morrison người Jamaica. Nàng Pecola Breedlove, nhân vật trung tâm, đêm đêm cầu nguyện có được nhan sắc mắt xanh của nữ tài tử Shirley Temple. Nàng ta tin rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp giá như có được đôi mắt màu xanh xinh đẹp. Người dẫn chuyện, Claudia MacTeer, cố tìm hiểu nguyên nhân hủy diệt Pecola. Trước năm 1983, Morrison không xuất bản truyện ngắn. Truyện Recitatif (Hát nói), viết về một tình bạn khác màu da, xuất hiện lần đầu tiên trong tập Imamu Amiri and Amina Baraka’s Confirmation (1983) – một hợp tuyển văn chương nữ da đen.
Sula (1973) mô tả 2 người bạn nữ da đen cùng cộng đồng của họ ở Medallion, Ohio. Tiểu thuyết này kể lại cuộc đời của Sula – một tâm hồn tự do bị cộng đồng xem là mối đe dọa – và của người bạn thân thương Nel, từ thuở ấu thơ đến tuổi trưởng thành và cái chết của họ. Cuốn này giành được giải thưởng National Book Critics Award. Thế giới bắt đầu chú ý đến Morrison khi bà xuất bản cuốn Song of Solomon (Bài ca Solomon, 1977) – một biên niên sử dòng họ ngang tầm với cuốn Roots (Cội rễ) của Alex Haley. Đó là tác phẩm chính được tuyển chọn vào Book-of-the-Month Club và cuốn tiểu thuyết đầu tiên của một tác giả da đen được chọn kể từ cuốn Native Son (Đứa con bản xứ) của Richard Wright năm 1949. Viết từ quan điểm của một người đàn ông, câu chuyện đề cập đến những nỗ lực của nhân vật Milkman Dead giành lại “tài sản tổ tiên” – một hầm giấu vàng.
Sau thành công của Song of Solomon, Morrison mua một ngôi nhà 4 tầng gần Nyack, N.Y. Năm 1987 bà được phong danh hiệu Robert F. Goheen Professor trong Hội đồng Nhân văn của Đại học Princeton. Năm 1988 Morrison nhận giải thưởng Pulitzer cho tiểu thuyết Beloved (Thương, 1987) sau một lá thư ngỏ do 48 nhà văn da đen lỗi lạc đồng ký tên, đăng trên tạp chí New York Times Book Review vào tháng Giêng. Tuy nhiên, tiểu thuyết này lại không đoạt được giải thưởng National Book Award năm 1987 và nhiều nhà văn quả quyết rằng Morrison chưa hề có vinh dự được giải National Book Award hay Pulitzer.
Beloved lấy cảm hứng từ câu chuyện có thực của một nữ nô lệ Mỹ đen, Margaret Garner. Cô ta cùng người chồng Robert chạy trốn khỏi một đồn điền ở Kentucky và tìm nơi trú ẩn ở Ohio. Khi các chủ nô bắt được họ, cô ta đã giết chết đứa con thơ của mình để cứu đứa trẻ khỏi cảnh nô lệ mà cô đã tìm cách trốn thoát. Morrison sau này kể lại rằng, “Lúc đầu tôi nghĩ rằng không thể nào viết được nhưng tôi bực tức và lo âu là một chuyện như thế mà lại nằm ngoài tầm với của nghệ thuật.” Nhân vật chính Sethe cố giết hết hai đứa con của mình, nhưng rồi chỉ giết được một đứa trẻ sơ sinh chưa kịp đặt tên mà chỉ gọi là “Beloved.” Cái chữ ấy được ghi trên mộ chí của đứa bé, Sethe không có đủ tiền để trả cho đủ hai chữ “Dearly Beloved” (Yêu Thương). Ngôi nhà của Sethe nơi cô sống cùng con gái nhỏ Denver bị hồn ma đứa con sơ sinh đã chết ám ảnh. Sethe nghĩ: “Ai mà ngờ đứa bé nhỏ xíu lại chứa chất quá nhiều phẫn nộ đến thế?” Paul D. – người Sethe quen từ thời nô lệ – ghé thăm cô và tìm cách xua đuổi hồn ma đi một thời gian. “Với một người đàn bà từng là nô lệ, yêu thương bất cứ thứ gì đến thế đều nguy hiểm, nhất là khi cô ta đã quyết dồn hết tình yêu cho những đứa con. Tốt nhất là chỉ yêu mỗi thứ một ít.” Thời gian trôi đi, Beloved ngày càng dữ tợn hơn và mê hoặc cả Paul D. Rồi Denver bỏ nhà đi. Người ta tìm thấy Sethe ở nông trại với thân thể trần truồng của một Beloved bụng chửa vượt mặt. Bùa mê tan biến, và Beloved biến mất. Paul D. trở lại chăm sóc Sethe. Truyện này được dựng thành phim năm 1998. Đạo diễn Jonathan Demme đã sử dụng rất nhiều kỹ xảo và quan tâm đến khía cạnh kinh dị của cốt truyện. Oprah Winfrey thủ vai Sethe; cô đã mua quyền chuyển thể điện ảnh ngay sau khi cuốn sách này xuất bản. Ba nhà văn Akosua Busia, Richard LaGravenese, và Adam Brooks cùng viết kịch bản. “Nếu có bộ phim nào bị đè bẹp bởi chính sức nặng khoa trương của nó thì đó là phim Beloved. Ngay cả nhạc nền của nhà soạn nhạc Rachel Portman, thống lĩnh bằng một giọng solo rên xiết không cùng, cũng bị sa lầy trong chính sự chân thành của nó. Đối với Winfrey, đó là một việc làm vì say mê không chút nao núng, và cô ta đã tung hết mọi nguồn tài lực của các chương trình truyền hình lẫn danh tiếng quốc tế của cô để quáng bá nó.” (trích Novels into Film (Tiểu thuyết chuyển thành phim) của John C. Tibbetts và James M. Welsh – 1999).
Trong Jazz (1992), Joe – người chồng không chung thủy của Violet – giết Dorcas trong một cơn nóng giận. Cách thuật chuyện tản mạn đi theo các nguyên nhân và hậu quả của vụ giết người. Tiểu thuyết đầu tiên của Morrison sau khi nhận giải Nobel là Paradise (Thiên đường, 1998). Một lần nữa Morrison lại lấy bối cảnh câu chuyện là một cộng đồng nhỏ, lần này là ở Ruby, Oklahoma. Chín người đàn ông tấn công một nơi từng là trường nữ sinh có biệt danh “Tu viện” bây giờ là nơi trú ngụ của những người đàn bà trái chứng đang chạy trốn những ngươi chồng hay người tình ngược đãi, hay chạy trốn những quá khứ bất hạnh. Di chuyển tự do giữa các thời đại, Morrison xem xét sự hình thành của Ruby, một thành phố toàn dân da đen và những bối cảnh của đám đàn bà tu viện và lũ đàn ông quyết lòng giết họ. “Cuốn sách đúc kết quanh cái ý tưởng thiên đàng ở đâu, ai thuộc vế nơi đó,” – Morrison nói trong một bài phỏng vấn trên tờ The New York Times (8/1/1998). “Mọi thiên đường đều được miêu tả như những biệt khu của giống đực trong khi kẻ xâm phạm luôn là một người đàn bà, không được bảo vệ nhưng lại đáng sợ. Khi chúng ta tự tập hợp lại và trở nên mạnh mẽ thì đó là lúc chúng ta bị tấn công.”
Tiểu thuyết thứ 8 của Morison, Love (Tình yêu, 2003), cũng di chuyển tự do trong thời gian giống cuốn Paradise. Truyện khắc họa Bill Cosey, một chủ khách sạn có sức thu hút, đã chết từ lâu nhưng không bị lãng quên, và 2 người đàn bà – người vợ góa của ông ta và cô cháu nội sống trong cơ ngơi của ông. Michiko Kakutani viết trên tờ The New York Times (31/10/2003) rằng, “Truyện này đọc toàn bộ giống như một phim truyền hình nhiều tập kiểu gothic, nhân vật được đưa vào theo ý đồ, những người đàn bà cay nghiệt và những người đàn ông ích kỷ, trục lợi: đàn bà sa vào những trò cấu xé dữ tợn như phim hoạt hình; đàn ông thì lang chạ lung tung và đi chơi nhà thổ.” Còn Jonathan Yardley trên tờ Washington Post (26/10/2003) thì than phiền rằng tiểu thuyết này “đưa ra một tuyên ngôn lộ liễu” – một quan điểm mà nữ tác giả đầy ý thức chính trị này đã trả lời trong một bài phỏng vấn từ năm 1974: “Tôi không tin rằng bất kỳ nghệ sĩ đích thực nào xưa nay mà lại phi chính trị. Có thể họ đã từng vô tình trước một nghịch cảnh này hay một nghịch cảnh khác nhưng họ luôn có tính chính trị bởi vì nghệ sĩ là thế – một chính khách.”
có thể nói rỏ đến phần “hình tượng người phụ nữ da đên trong tiểu thuyết mắt biếc của Toni morisson” không? mình thấy phần đó rất hay và muốn hiểu sâu sắc hơn nhưng chưa tìm thấy nhiều tài liệu cho phần này. cảm ơn nhiều !