- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

giao thừa của chú M

Tối ba mốt, chú M. nhận được ít ra là năm sáu cuộc điện thoại với những nội dung na ná như nhau: Hoặc là bác, hoặc là anh sang uống chén rượu với chúng em cho vui. Anh em mình làm bữa tất niên. Song chú từ chối tất cả với lý do là anh cũng vừa làm xong cỗ để cúng các cụ rồi. Cảm ơn các bạn nhá. Chú nói vậy. Thôi, chúng mình để dịp khác…
 
Nhưng đến gần giao thừa, khi cũng vẫn số đó và thêm mấy người khác lại gọi đến rủ xuống trung tâm đốt pháo… thì chú M. không thể chối được nữa. Vì bản thân chú cũng đã mua rất nhiều pháo, và chú cũng muốn xuống cái sân chung ở dưới kia để cùng đốt, cùng vui cùng mọi người lắm. Thế là ai gọi đến chú cũng nhận lời, và mặc dù lúc đó trời mưa khá lớn, chú cũng vẫn cứ mặc thêm áo, đội mũ, cầm ô rồi xách cái túi to đùng đựng các loại pháo, bước như chạy xuống đất một cách vui vẻ.
 
Đốt pháo xong, như mọi năm, mọi người lại tụ tập trong quán nhà ông C., để gọi là uống chén rượu nhẹ, chào đón năm mới. Và ở đây, chú M. lại một lần nữa được anh em bà con xúm lại mời. Ai cũng rất chân thành, vào những dịp lễ tết như thế này, thấy chú có một thân một mình thì mời về nhà chơi. Họ làm thế, vì muốn chú được vui thôi, chứ chẳng ai có ý gì khác.
 
Chú M. nhận lời mời của B. Trong số rất nhiều lời mời, chú thấy đến với gia đình này là có ý nghĩa hơn cả. Vì, cứ theo như lời B. nói thì: Bác đến chơi, nhưng cũng là để giúp chúng em nữa. Bác chỉ việc ngồi nói chuyện với ông chồng bà ấy giùm em thôi. Ông ấy vừa nói tiếng miền Nam lại vừa nói nhanh quá, nói nhiều quá, chúng em chẳng hiểu gì cả.
 
Chú M. với ông chồng bà chị họ của B. quả là tâm đầu ý hợp. Chẳng gì thì vốn liếng tiếng tăm của chú cũng dày hơn tất cả số anh chị em ở đây. Và chẳng gì thì chú cũng tốt nghiệp một trường đại học ở đất này, nghĩa là thuộc dạng có hiểu biết. Vâng, thì cứ cho là như thế.
 
Cả đứa con gái khoảng năm sáu tuổi, gọi ông người khách nói tiếng miền Nam này là baba cũng tỏ ra rất thân mật, quyến luyến chú M. Một cách tế nhị, lúc không có mặt của cả B. và ông ta, chú M. hỏi vợ B:
– Con gái của ông ấy đấy hả cô?
Thì vợ B. lắc đầu:
– Đâu phải. Con riêng của bà ấy đấy bác ạ. Lúc ông ấy về đón thì nó đã được ba tuổi rồi. Nhưng mà nó quý ông ấy lắm. Cứ như là bố thật ấy.
– Thế còn bố của nó đâu?
– Em cũng chẳng biết nữa. Người thì nói là chết rồi, người thì nói thế nọ thế kia… Chẳng biết đằng nào mà lần.
– Còn bà ấy đâu? Hãy còn ngủ à?
– Vâng. Chắc cũng phải đến trưa mới dậy. Bà ấy hãy còn mệt. Người đâu mà đến là lạ. Cứ ngồi lên xe là say.
Vợ B. còn nói thêm :
– Bà ấy đẹp lắm bác ạ. Tí nữa rồi bác sẽ thấy. Ở đây chẳng có cô nào đẹp bằng đâu.
 
Bữa trưa đã xong xuôi, mọi người đã ngồi hết vào bàn thì bà chị họ của B. mới xuất hiện. Quả như lời vợ B. nói, một thiếu phụ tuyệt đẹp bước vào với lời chào và lời xin lỗi :
– Cả nhà bỏ qua cho. Tôi mệt quá. Lần nào cũng say, nhưng chưa có lần nào say nặng như lần này. Chẳng biết tại sao lại như vậy.
Xong, chị ngồi vào ghế. Nhưng cũng cùng lúc đó, từ ghế bên kia, chú M. đột ngột đứng lên, ấp úng mãi mới nói được một câu:
– Cả nhà… Tôi xin lỗi… Tôi có việc gấp phải về ngay bây giờ… Cả nhà cứ ăn trước, đừng đợi tôi.
Rồi chú quầy quả bước đi trong sự ngạc nhiên của mọi người. Ngoài bà chị họ của B. Mặc dù giây phút này, chị cũng đang ngỡ ngàng, thảng thốt… Nhưng đấy là vì một lý do khác. Một lý do mà chị biết chỉ có chú M. mới hiểu.
./.
 
02 – 01 – 07
nhp

bài đã đăng của Nguyễn Hoài Phương