- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Lời quá khứ độ lượng

Tôi và Nguyện chia tay nhau không nhiều nước mắt. Sau bảy năm sống chung, chúng tôi mới nhận ra những khác biệt. Nguyện thích bộc bạch, tâm sự, tôi hiếm khi. Nguyện có nhu cầu đời sống cao, gần như phí phạm, tôi nghĩ rằng mình đơn giản, cần kiệm mà dưới mắt Nguyện, tôi là một người keo kiết.
Thật ra lý do chúng tôi quyết định xa nhau không có gì đậm nét. Nó mơ hồ như vết rạn mỏng manh trên một món cổ ngoạn quí giá mà cả hai đều cố gắng gìn giữ. Do ai, từ đâu, tôi cũng không rõ. Nỗi lạnh nhạt khởi sự từ chuyện gối chăn thưa thớt, rồi gần như dứt hẳn. Giữa chúng tôi, hằng đêm, là một cách đoạn mênh mông. Thỉnh thoảng mộng mị choàng tay ôm theo thói quen, tỉnh giấc lại rụt rè rút tay về. Chiếc gối ôm, chung nhau khi trước, giờ tôi dành hẳn cho Nguyện. Cả những cơn mơ san sớt mỗi sáng cũng không còn. Hơi ấm chia sẻ dường như đã thay màu mà không ai trong chúng tôi muốn pha chế lại.
Tôi bảo sẽ về sống chung với mẹ, Nguyện chấp thuận ngay với nụ cười lạnh:
– Em nghĩ mẹ cần có anh bên cạnh.
Tôi không nói gì thêm, lặng lẽ xếp quần áo vào túi ny-lông. Tôi chỉ đem theo những thứ thật cần thiết và dăm ba món riêng tư. Hôm tôi ra đi, không có mặt Nguyện. Tháng tư, thời tiết chớm xuân, hoa lá rộ nở. Sáng tinh sương, chim muông ríu rít tưng bừng. Nắng mới rón rén nhoài qua rèm sáo lấp lửng. Tôi không cho Nguyện biết trước ngày tôi đi. Nàng cũng không hỏi. Điều này khiến tôi mỗi khi nhớ lại, không khỏi xót xa. Dù sao tiết trời rộn ràng đã làm bước chân tôi bớt nặng.
Mẹ ngạc nhiên quá đỗi trước biến cố này. Bà chất vấn nguyên nhân. Tôi đáp gọn, vì không hợp tính nhau. Mẹ chau mày đôi co, vậy sao sống chung tới bảy năm? Tôi cười, giấu đôi mắt đượm buồn. Mẹ tôi, một người thuộc thế hệ hôn nhân mối mai, làm sao hiểu được rằng tôi và Nguyện, ai cũng có ít nhiều nhu cầu riêng, khó san sẻ. Tâm tính tôi vốn giàu tình cảm, càng thêm phức tạp. Tôi có những khát khao không thể nói ra. Cá tính Nguyện cứng cỏi, hiếm khi phục tòng ai. Cái tính mà thuở đầu tôi cho là có thể đắp đổi cho bản chất mềm mỏng của tôi, giờ đây mới thấy ra đó là chiếc mặt nạ che chắn tính lì lợm, cố chấp. Nhưng chưa lần nào tôi buông lời trách cứ. Chỉ im lặng. Cho tới lúc, giữa hai chúng tôi là một nỗi im lặng lớn.
Chỗ trọ của mẹ chỉ có hai phòng và một mái gác chứa đồ cũ. Những cuối tuần, tôi dọn dẹp, sửa soạn lại căn gác làm phòng riêng. Nơi này, trước khi gặp Nguyện, đã có thời là chỗ trú của tôi mỗi khi thích một mình. Gác nằm dưới mái ngói, khoét ba ô nhỏ lắp kính làm cửa sổ. Một mở ra hướng tây, hai trông về phương đông, vì vậy căn gác tương đối sáng sủa. Tôi thích ngồi ngắm vệt nắng xê xuyển dần theo thời khắc, và để tâm tư bay nhảy mông lung.
Tàn xuân, mái gác trở nên tươm tất. Mảnh tường trống, tôi tô vôi vàng chanh. Tủ giường bằng gỗ phong màu sáng. Sàn lót thảm rêu nhạt. Những tranh hoa tự tay vẽ lấy được tôi nâng niu đóng khung treo lên. Rất nhiều lúc, tôi nghĩ mình có thể sống như thế, suốt đời. Với mẹ.
Đã một lần tôi tỏ bày ý nghĩ này cho mẹ biết trong một bữa cơm ngon. Tiếng mẹ tôi cười, ấm áp biết bao. Bà không nói gì, đưa tay gắp miếng đậu kho lạt cho vào chén cơm tôi. Những món ăn mẹ nấu rất vừa miệng tôi. Bà rành rẽ ý thích từng đứa con. Những người khác giờ đã lập gia đình, ra riêng, mẹ chỉ còn mỗi mình tôi kề cận. Tôi tha hồ tắm mát trong dòng sông thơm ngát này, cho tới một hôm mẹ êm giọng hỏi tôi về những dự tính tương lai.
– Con chưa tính toán gì rõ ràng, mẹ ạ!
– Trưa nay Nguyện có gọi điện hỏi thăm.
Ngực trái tôi nhói lên nỗi gì rất lạ.
– Có gì lạ không mẹ?
Tôi gắng giọng thản nhiên. Ánh mắt mẹ sáng chút dọ dẫm:
– Cô ấy hỏi, đời sống con lúc này ra sao?
Tôi chép miệng:
– Nguyện biết con đi làm ban ngày, sao không đợi tối hẵng gọi?
Mẹ thở ra:
– Có lẽ cô ấy muốn chuyện vãn riêng với mẹ.
– Mẹ cứ nói thẳng, con chịu đựng được mà.
– Nguyện nhắc con nhớ ngày 22 tháng 5.
Tôi mím môi, ngày chúng tôi quen nhau.
– Được rồi, con sẽ vi thư cho Nguyện.
Lá vi thư tôi viết, ngắn gọn vài dòng: ‘‘Ngày này, làm sao anh quên được. Nhưng giờ đây, anh đang tìm cách sắp xếp lại thời khoá biểu đời sống mình. Có nghĩa là anh sẽ bôi xoá đi những gì phải quên, và đón nhận những thử thách mới.’’ Tôi có ý chờ Nguyện hồi âm. Nhưng không thấy. Rồi tôi quen dần với ngày tháng bình thản bên mẹ.
Mẹ tôi, với số tuổi xấp xỉ lục tuần, vẫn còn nhiều nét sắc sảo. Góa bụa đã lâu, nhưng mẹ vẫn ở vậy. Bà một mực cố gắng hoà nhập vào đời sống bản xứ. Mẹ học thêm ngoại ngữ, làm đồ gốm và nấu nướng các món tây phương. Dịp đó, bà quen được vài người bản xứ khác phái. Đôi ba cái tên thỉnh thoảng được mẹ nhắc tới trong vài câu chuyện. Rất nhợt nhạt, như thể họ chỉ là những người láng giềng quen mặt.
Mẹ và tôi, theo truyền thống đông phương cố hữu, khó có thể chuyện trò phóng khoáng về những vấn đề tình cảm. Tuy nhiên tôi vẫn cố gắng tháo gỡ những định kiến, những điều cấm kỵ bằng cách mềm mỏng khơi chuyện. Tôi nghĩ rằng, mẹ không phải là một người hẹp hòi. Nhân thể, qua đó, tôi ao ước biết thêm những chi tiết về gia đình. Nhất là về cha tôi.
Tôi gần gũi mẹ hơn cha. Ai cũng bảo tôi có dáng dấp giống cha, nhưng tính tình giống mẹ. Có nghĩa tôi là kẻ mềm yếu và nghèo nàn lý trí. Hẳn vì vậy mà khi cha tôi đưa cả gia đình sang đây, lúc tôi đã thông thạo ngôn ngữ bản xứ, lập tức ông cho tôi vào nội trú. Năm ấy tôi vừa lên chín.
Tôi không bao giờ quên cái hôm cuối hạ, cha mẹ cùng với người chị kế thân thiết tôi nhất đưa tôi tới cư xá trường. Dọc đường cha mở băng cát-sét nhạc cổ truyền việt nam. Tiếng đàn tranh hoà cùng đàn nguyệt, đàn bầu réo rắt, thê thiết. Cha có thói quen nghe loại âm nhạc này khi lái xe. Tôi đoán ông chỉ mở máy cho có, vì khi đó ông không ngừng căn dặn tôi những điều phải lưu tâm: Nhớ tuân lời các giám thị, lễ phép với thầy cô, vui tính với bạn bè. Và nhất là phải dạn dĩ. Nơi này, không phải như xứ mình, muốn gì cứ việc thẳng thắn lên tiếng, nếu không sẽ bị thiệt thòi. Cha tôi có giọng nói dõng dạc, và tiếng cười sang sảng, khoẻ mạnh. Ông không phải là một người khó khăn, nhỏ nhặt; ông chỉ không chấp nhận cá tính tôi, nửa phần nhiễm sắc thể của ông.
Trường nội trú toạ lạc trong một khuôn viên rộng, nhiều vườn cỏ và cổ thụ. Có cả một hồ nước, mùa này dày đặc thuỷ thảo. Hè sắp cạn mà nắng vẫn chan chứa, lấp lánh khắp nơi. Trên cỏ, lác đác đó đây lá khô rụng sớm. Cây cối đã chuyển màu lục sẫm, không còn lẫn sắc hoa chen chúc thuở đầu hè. Cảnh trí gây cho tôi cảm xúc bất an khó tả. Tôi biết, kể từ hôm nay tôi mới thực sự có mặt trong đời sống này.
Có điều lạ, lúc chia tay, tôi không nhỏ một giọt nước mắt nào.
*
Tôi hỏi mẹ có thích đi nghỉ hè chung với tôi năm nay? Ánh mắt mẹ nhìn tôi hoang mang tới độ nực cười.
– Con có giỡn chơi không đó?
Tôi bật cười tràng dài, đáp gọn:
– Thật mà. Mẹ thích đi đâu?
Giọng mẹ mau mắn như sợ tôi đổi ý:
– Nơi nào có nắng, biển và cây cảnh đẹp.
– Đảo Madeira thuộc Bồ-đào-nha có thời tiết bốn mùa ấm áp.
Mẹ giục giã:
– Thì đi!
– Người ta gọi Madeira là ‘‘đảo Hoa’’, đất nham thạch đã thuần, rất tốt cho hoa trái.
Mẹ hăm hở:
– Để sáng mai mẹ ra thư viện mượn sách về đọc.
Rồi bà thấp giọng tư lự:
– …Mà chỗ đó con tới lần nào chưa?
Tôi nói dối:
– Chưa mẹ ạ! Bạn đồng nghiệp của con đi rồi, họ thích lắm.
Làm sao tôi tẩy xoá được hai tuần nghỉ mát Madeira với Nguyện thuở chúng tôi còn khắng khít nhau như bút mực. Phố nhỏ Funchal và ngõ ngách lát đá xanh. Hoa viên đồi Monte với xe trượt bằng gỗ đan mây có người đẩy. Những buổi du ngoạn ven biển đông, tây; xe trườn chậm đường dốc một chiều, bên phải là vực nước biển tung toé sóng thiên thanh, bên trái là vách núi ẩm ướt dựng đứng, bám thạch thảo xoè cánh màu gạch cua; có đoạn nước nguồn tuôn đổ lào rào nóc xe. Một tối hội xuân lộ thiên bắn pháo bông kín trời. Những khuya trăng sáng, tôi và Nguyện chia nhau hơi ấm mộng mị, ầm ì tiếng sóng đập đùa bãi đá núi. Mỗi bình minh, hải âu lao cánh oeng oét ngoài ban-công khách sạn bám lưng chừng vách đá. Tiếng lũ mèo hoang đói tình rên rỉ ma quái, đuổi nhau rậm rật mái ngói đỏ. Và hoa trái nhiệt đới, ôi tưng bừng lan, sứ, phượng tím… và đu đủ, mẵng cầu… Chúng tôi tươi rói xuân xanh với những toan tính tạp sắc. Nhất định sẽ hưởng già tại đây. Nhất định mỗi ba năm lại tới đây nghỉ hè. Nhất định lần sau sẽ làm một chuyến bộ hành dọc rãnh nước mạch Levadas từ núi cao xuống đồng bằng. Nhất định sẽ…
Bây giờ, tất cả đã thuộc về quá khứ.
*
Nguyện trả lời vi thư tôi chậm. Nàng muốn gặp tôi để bàn chuyện giải quyết vài thứ giấy tờ. Chúng tôi hẹn nhau tại quán nước Le Chat Noir sau giờ làm việc. Lúc tôi tới, chưa thấy Nguyện. Tôi chọn chỗ ngồi bên ngoài, cạnh giàn tường vi trổ bông đỏ lựu. Nắng tô nghiêng nhiều mảnh hình học sáng rỡ. Quán nước nằm trong góc phố khuất chỗ buôn bán sầm uất, là điểm hẹn của dân bản xứ phóng khoáng.
Tôi gọi một ly bia, tia nhìn chểnh mảng ngước lên vành cung bắc ngang lối đi trải đá xanh mấp mô. Màu gạch đỏ tươi phảng phất lối kiến trúc sống động những phố nhỏ địa trung hải, gợi nhớ trong tôi thứ cảnh sắc hè nào đã xa. Phải rồi, quán ăn ven bãi đen thẫm cát hoả sơn Madeira. Lối đi tráng xi-măng dọc đê đá, xây cách khoảng cổng vòng cung gạch nung đỏ au, trang hoàng hoa giả màu hồng tái. Tuần trước là hội hoa, người chủ quán cho chúng tôi biết như vậy, có cộ hoa rềnh rang và vũ nhạc ngoài trời.
Nguyện tới, kề mặt hôn phớt lên má tôi rồi bắc ghế ngồi đối diện. Nàng tháo kính mát cho vào túi xách. Người hầu bàn trờ tới, Nguyện gọi ly cam vắt. Câu chuyện mở đầu bằng những lời thăm hỏi sức khoẻ, chỗ làm chỗ ở, và những thay đổi trong số bạn quen chung. Như thông lệ, Nguyện kể lể, thỉnh thoảng cao giọng chì chiết, tôi bình thản lắng nghe, đôi khi thêm thắt ý kiến với nhiều thận trọng. Gương mặt người đàn bà trẻ điểm trang mỏng, tỉ mỉ, màu son môi hợp với màu áo phơn phớt cánh sen. Dường như không có gì khác lạ, chỉ mỗi không gian hoán vị. Tự dưng tôi tiếc rẻ cho hồi tưởng chính tôi đã níu kéo không cần thiết. Tiếng sóng Madeira thôi bồn chồn, vẳng lại thứ tạp âm thành phố dan díu chân người, chật chội quán xá và bụi bặm giao thông.
Tuy vậy, tôi vẫn không ngớt liên tưởng mảnh trời quá khứ đã ban phát cho tôi cảnh sắc huy hoàng, làm tăng hương vị ngày tháng. Trí nhớ tôi độ lượng không ngờ.
Tôi thố lộ khi câu chuyện giữa chúng tôi không còn gì để nói:
– Anh đã mua vé đi Madeira với mẹ.
Vẻ mặt Nguyện thoáng ngạc nhiên. Nàng gằn giọng:
– Với mẹ anh?
– Tại sao không?
Tôi nhìn ngón tay Nguyện mân mê vành ly, những móng cắt khéo vờn nhẹ vành thuỷ tinh rịn hơi lạnh:
– Cho em gửi lời thăm hoa viên Blandy và ăn hộ em món cá Espada lăn bột chiên với chuối.
Tôi chùng lòng:
– Lâu rồi anh không đi xa với mẹ.
Nguyện chớp mắt, thở hắt:
– Anh có biết tính anh giống tính mẹ lắm không?
Tôi cười thay vì gật đầu. Giọng Nguyện chậm lại như đắn đo:
– Thứ em mong đợi ở người bạn đời không gì khác hơn là bản lĩnh. Trong bảy năm sống chung, anh không làm chuyện gì quấy mà ngược lại, anh chăm sóc em rất mực chu đáo. Anh điều động hoàn toàn trong đời sống lứa đôi, nhưng… nhưng cách chủ động của anh giống như của một người mẹ lo cho con gái, khiến em nhiều lúc phải tự hỏi lại vai trò mình.
Hai má tôi nóng bừng, không biết vì hơi men hay vì mấy lời Nguyện vừa bộc phát. Tôi im lặng để không nói ra điều nông nổi. Tôi thấy hai mắt Nguyện hoe đỏ. Tâm tư tôi bối rối cùng cực, không biết phải làm gì, nói sao cho đúng. Cái bản sắc nhu mì của tôi đã đánh bật tiêu tán thứ bản lĩnh nam tính.
Nguyện buông tiếng ngắn gọn:
– Em xin lỗi anh.
Rồi xô ghế đứng lên, móc ví lấy kính mát, đặt tờ giấy năm đồng xuống bàn, bước đi không từ giã. Tôi vẫn chưa hết bỡ ngỡ, chết điếng như vừa chứng kiến tấn kịch sống động tới độ phũ phàng. Tôi? Bản lĩnh đàn ông? Với Nguyện? Chuyện lạ lùng này, mãi bây giờ Nguyện mới tiết lộ. Sao không nói trước để tôi suy xét lại? Dẫu gì đi nữa, tôi cũng không phải là hạng đàn ông nhỏ nhen.
Tôi nâng ly, một hơi cạn sạch. Suốt đêm hôm đó tôi nằm nghe đồng hồ phòng khách bên dưới điểm tiếng thời khắc thong thả. Khi chim muông bình minh rộn rã ngoài kia, tôi mới thiếp vào giấc ngủ khó.
Tôi thấy mình thảnh thơi tìm nhặt đá sỏi trên cát. Sóng nước lùa vào, quấn quýt gót chân. Sỏi đá reo lăn lách cách, không ngơi nghỉ. Đêm, âm thanh giòn giã đều đặn ấy là giai điệu ru tôi và Nguyện vào giấc mộng phẳng lì. Đêm Madeira lúc trăng lên huyễn ảo soi vạch cửa trổ ra ban-công, ánh sáng tấu khúc tình tự lên da thịt chúng tôi. Những vòng tay khép chặt. Khoảng trống tham lam đón lấy, thốc tháo bừng lên như bốc hơi, rồi rơi xuống vùng sâu thẳm cảm xúc. Hai thân thể sóng đôi, ẩm mồ hôi mặn mòi tinh tuý đại tây dương. Đêm chất ngất tới lúc bầy hải âu léo réo báo rạng đông.
*
Khung cảnh mở ra trước mắt tôi khi tới nơi vẫn như nhiều năm về trước. Phi đạo phơi lưng sóng soải bên mặt biển nhấp nhô xanh rì. Nắng hực hỡ. Gió phất phới chéo khăn mẹ quấn đầu. Xe đưa hành khách về khách sạn ngang qua quãng đường có phượng tím che lối. Nét mặt mẹ rạng ngời sinh lực. Tôi chỉ bà quang cảnh những vòm ngói đỏ loé nắng xa xa bên sườn núi uốn khúc lộ trình. Sắc đỏ xoi xói, đẹp mắt, đặc thù Madeira. Mẹ tôi cho đó là thứ tình đất gắn bó con người với thiên nhiên và quê nhà. Tôi tìm tay mẹ, siết lại. Bất giác tôi nhận ra mình thực sự hiện hữu vì có người khác và ngoại cảnh.
Lúc đặt mua vé máy bay và chọn khách sạn, tôi để mẹ tự quyết định. Tôi ngỡ ngàng vô cùng khi bà chọn đúng chỗ trọ mà trước kia tôi và Nguyện rất ưng ý, khách sạn Bãi Cá Voi ‘‘Orca Praia’’, cách phố chính Funchal khoảng mười lăm phút xe buýt. Khách sạn có lối kiến trúc lạ mắt, bám vào sườn đá trông ra biển như một ổ chim hải yến. Từ ngoài vào quầy nhận phòng, phải đi thang máy xuống tầng dưới.
Tự dưng tôi cứ in trí, mình sẽ thấy lại căn phòng số 613 với những góc cạnh và những hư hao quen thuộc. Bồn tắm có vòi nước nóng lạnh ngược ngạo. Cửa tủ áo bên trái khó lòng đóng chặt. Hộc bàn đêm cạnh cửa ban-công có núm kéo xộc xệch. Đèn đọc sách đầu giường gắn lệch… Nhưng không, mẹ và tôi ở tầng dưới cùng, cách hồ bơi và bãi tắm chỉ một quãng dốc uốn cong.
Năm ấy tôi chưa biết bơi, Nguyện thì thông thạo như rái cá. Chiều nàng, tôi ghi danh học bơi. Giờ đây tôi không còn e dè chỗ nước sâu, cũng như bớt hứng thú hơn thuở đầu bì bõm. Tôi đọc sách, phơi nắng và tìm cách tĩnh tâm. Mẹ biết tôi còn nặng lòng vì những mất mát, nên để yên tôi ngơi nghỉ. Thật ra bà cũng không phải là người linh hoạt. Trước kia vì không có láng giềng đồng hương để lân la, giờ cha tôi mất và bầy con mỗi đứa một nơi xa, mẹ tôi càng ít nói. Mỗi khi nghĩ lại, tôi không khỏi quặn lòng chua xót. Đó cũng là lý do tại sao tôi muốn đi nghỉ mát chung với bà lần này.
Cuốn sách tôi mang theo ghi lại những buổi hội thoại giữa Dalai Lama và giới y sĩ tây phương. Họ muốn tìm hiểu triết lý Phật giáo, đặc biệt là phương pháp thiền tập, để áp dụng vào y học, hy vọng cải tiến cách chữa trị các chứng bệnh do tâm thần gây ra. Chính Nguyện khuyên tôi nên đọc quyển sách này, khi nghe tôi than phiền vu vơ về chứng bi quan. Tôi rất đỗi ngạc nhiên, vì có bao giờ nàng chăm đọc sách, lại là một cuốn sách thần học chuyên môn. Nguyện trách, chỉ tại tôi không để ý tới sở thích của nàng đó thôi. Oan cho tôi! Gia đình Nguyện theo Thiên chúa giáo, Nguyện phóng khoáng, từ chối niềm tin vào một đấng sáng tạo. Thoảng hoặc chúng tôi luận bàn về tôn giáo. Không ai biết rốt ráo, cũng không ai xướng giọng thuyết phục. Có điều rõ rệt, Nguyện tin tưởng tuyệt đối ở sức mạnh siêu nhiên. Chẳng hiểu từ đâu, nàng rất mực rành rẽ và rắp tâm tin vào hiệu lực của đá quý. Mỗi loại đá, một tính lực. Nguyện bảo tuổi tôi hợp với hắc thạch Onyx và đá đỏ Carneol. Tôi ậm ừ nghe qua rồi bỏ. Tưởng quên, không ngờ những chi tiết vụn vặt ấy vẫn bám níu trí nhớ tôi. Cho tới lần nọ, loanh quanh phố chính mùa hè, tôi dừng chân bên sạp bán đá quý lộ thiên. Tôi chọn mua một chuỗi hạt Onyx, phân vân như thể có ma lực xúi giục.
Những ngày nghỉ hè thảnh thơi, tôi thường rảo bộ một mình dọc bãi biển. Hoài niệm dâng lên. Sau hốc đá khuất, chiều xuống, không còn thấy hai đứa con gái bản xứ ngồi âu yếm nhau. Cả anh thanh niên, dăm ba hoàng hôn trong tuần, lại ra đứng chỗ nước cạn, huơ tay ra điệu như phân bua cùng đại dương. Tôi lo cho anh. Lúc bóng tối chập chùng bủa xuống, vẫn thấy anh ta đứng đó. Điều anh muốn giãi bày trước thiên nhiên bao la, với thượng đế, hẳn nhiều rối rắm.
Giờ đây, tôi tự hỏi, hai đứa con gái và anh thanh niên kia ra sao, cuộc sống có lành lặn, suôn sẻ?
Tôi ghi lại những ý nghĩ này trong một tờ thư viết cho Nguyện. Xong, đọc lại, tôi thấy không cần thiết gửi đi, gấp lại để đó. Mẹ tươi tắn kể chuyện gặp bạn quen trọ cùng khách sạn: ông Horst, người học chung lớp nấu ăn với mẹ tại trường bình dân học vụ. Ông đi nghỉ mát một mình. Không đợi tôi hỏi, mẹ đã giải thích:
– Ông ấy cũng goá bụa, con ạ!
Không phải câu trả lời điều tôi muốn hỏi, nhưng tôi không nói ra. Tia mắt mẹ rực rỡ đã giải toả phần nào thắc mắc trong tôi. Chỉ vài buổi tắm nắng, nước da mẹ đã trở màu nâu mởn. Mẹ bảo, sáng mai ông Horst mời mẹ đi viếng hoa viên trên đồi Monte, sau đó tới ăn trưa tại một quán cơm đặc sản trong phố cổ. Mẹ nói thêm, ông ta chỉ mời mỗi mình mẹ, rồi quay mặt cười khẽ, có lẽ để giấu đôi má ửng đỏ. Tôi lưỡng lự giây lát trước khi quyết định ngày mai sẽ cuốc bộ ra phố bằng lối đi ngoằn ngoèo dọc bãi biển. Tôi và Nguyện đã một lần phiêu lưu, nhưng bỏ dở vì xa quá.
Con đường có đoạn đầy đá xanh chênh vênh, có đoạn xuyên núi, trơn ướt, bóng điện thắp tù mù. Nhiều quãng dốc, bậc cấp cheo leo. Chỗ đó, ngoảnh lại, thấy ngôi khách sạn nhiều tầng nhoài ra vách đá, trông tựa một khối thủ công khéo léo. Những tấm ảnh với hậu cảnh kỳ vĩ này, tôi không mang theo khi chia tay Nguyện. Lúc đó tôi thật sự muốn chặt bỏ quá khứ, khoá trái cánh cửa bước vào bất kỳ không gian nào váng vất hình bóng Nguyện. Tự ái tôi bị thương tổn sâu đậm với nhiều phế tích mà tôi nghĩ khó lành vết. Chúng nhói buốt theo từng bước chân tôi, rồi nhẹ dần theo nắng ngày lên cao. Tôi tự hỏi tại sao mình trở lại nơi đây? Có kẻ sát nhân nào không tìm về phạm trường một lần? Lương tâm và cảm tính, điều liên hệ mơ hồ, nhưng mạnh bạo tới độ gây ra những khủng hoảng. Tôi rơi vào khoảng đen khủng khiếp này bằng tốc độ tỷ lệ thuận với tính nhạy cảm nữ tính. Những lúc một mình, tôi vẽ nó ra trong tâm tưởng, rồi phóng mình vào mê đắm.
*
Lúc tôi về phòng, tưởng mẹ đã yên giấc. Không, bà trở lưng, thì thầm chúc tôi ngủ ngon. Tôi hỏi, mẹ không ngủ được sao? Mẹ ừ hử, ban chiều mẹ uống cà-phê hơi nhiều. Tôi xoay mặt vào vách. Hai giường ngủ kê song song, cách nhau chiếc bàn đêm. Cửa ban-công không khép kín. Trăng biển nhàn nhạt tràn vào. Sóng xô bãi, lào rào đá sỏi. Đều đều, không ngơi.
Sáng ra, mẹ trang điểm lâu hơn lệ thường. Chúng tôi quen thức sớm, vào phòng điểm tâm chỉ mới lác đác người. Dãy bàn ăn trông ra vùng biển trống. Dưới đó, nhỏ như vệt mực, một người đang thơi thả vung từng sải tay lên mặt nước phẳng phiu. Lát sau, có người đàn ông da trắng tới xin phép được ngồi chung. Mẹ cười tươi, giới thiệu:
– Lộc, con trai tôi. Ông Horst, bạn nấu ăn của mẹ.
Chúng tôi bắt tay nhau. Người đàn ông kéo ghế ngồi cạnh mẹ, tươi cười:
– Mẹ cậu tỉa hoa cà-rốt sắc sảo nhất lớp.
Mẹ rạng rỡ:
– Nhờ con dao năm mươi xu mua ở chợ trời.
Tôi bắt chuyện:
– Mẹ tôi kể nhiều về ông. Hôm qua ông bắt cóc bà ấy đi những đâu?
– Công viên đồi Monte, ăn bữa trưa trong phố cổ, quanh quẩn trong chợ hoa trái, rồi ăn tối và đi dạo hải cảng…
Mẹ góp lời:
– Coi như gần trọn Funchal, mệt đừ!
Bữa điểm tâm kéo dài lâu hơn mọi ngày. Như thường lệ, sau đó chúng tôi thay quần áo, mang khăn, kem chống nắng, thuốc gội đầu, chai nước suối và vài thứ trái cây xuống hồ bơi ven biển. Hôm nay có thêm ông Horst, phải cần ba tán dù mới che kín. Mẹ nằm giữa. Tóc mẹ vấn cao, kính nâu che mắt. Với số tuổi ấy, trông mẹ vẫn thanh mảnh trong bộ áo tắm đen lốm đốm nhiều khối huyết dụ tựa những cánh hồng Baccara. Ông Horst cao vừa, người đầy đặn, tóc ngắn màu tro, ngực phớt lông mịn, ánh trắng làn da nâu sạm. Dáng đi ông đôi khi ngập ngừng, như thể bước chân biết suy tư. Ông có nét quyết rũ chững chạc của một thân cổ thụ sần sùi, cành lá chằng chịt, dày dạn phong sương. Điều này trái khoáy với chuyện ông ghi tên học lớp làm bếp. Tôi nói ra ý nghĩ này cho mẹ nghe, lúc không có mặt ông Horst. Mẹ cười xuề xoà:
– Ông ấy thích ăn uống, chịu khó nấu nướng, vả lại học cho qua giờ giấc.
– Ông không có việc làm sao mẹ?
– Ông về hưu non, con à. Mẹ chưa hỏi lý do.
Tôi ngần ngừ:
– Mẹ thấy ông Horst ra sao?
Mẹ không trả lời ngay. Tôi thong thả đếm một, hai, ba…
– Chữ ‘‘thấy’’ trong tiếng Việt mình ngộ nghĩnh quá chừng, đôi khi ám chỉ mắt nhìn của cảm xúc. Với ông Horst, mẹ trò chuyện rất thoải mái, không vướng víu cảm giác mặc cảm của kẻ ăn nhờ ở tạm. Mẹ cho rằng ông ta là một người rộng lượng. Còn con, con nghĩ sao về ông?
Bị hỏi ngược, tôi vấp váp tìm cách trả lời:
– Chữ ‘‘nghĩ’’ mẹ dùng rất thích hợp… Con chỉ mới biết ông hơn nửa ngày. Cảm giác đầu tiên tốt đẹp. Ông có vẻ đơn giản.
– Đúng hơn, ông Horst là một người chân thành, nhưng không nhàm chán. Nhiều người nghĩ gì nói đấy, cũng chân thật, nhưng thiếu cá tính.
Tôi bạo dạn tìm hiểu:
– Cảm tình của mẹ dành cho ông được bao nhiêu phần trăm?
Mẹ tháo kính mát, khoé mắt trẻ trung, tinh nghịch:
– Bao nhiêu thì đủ để thành bạn đời?
Tôi làm tỉnh:
– Tuổi mẹ với ông, 55 phần trăm đủ rồi.
Mẹ đập vai tôi đau điếng, cao giọng:
– Cậu xem thường người cao niên.
Tôi lý luận:
– Hai người cộng lại, 110 phần trăm, dư sức trăm năm hạnh phúc, không cần răng giả.
Mẹ cười ngúc ngoắc, vén tóc, xoay nằm hướng khác. Tôi chậm rãi thoa kem lên bả vai đã chớm nóng rát. Hương thuốc mơn man khướu giác. Tôi nhoẻn miệng thấy lại ánh mắt, giọng cười bối rối rất đỗi xuân thì của mẹ, vui trọn vẹn với thứ cảm quan có màu cam ngập nắng Madeira. Tôi nghĩ rằng, mình không những hiểu mẹ, mà còn cảm nhận được tâm trạng thầm kín của bà, lúc này, với ông Horst.
*
Liên tiếp nhiều ngày sau, mẹ thường xuyên vắng mặt. Tôi chấp nhận điều này dễ dàng không ngờ. Mẹ tôi, một người đã tận tụy hy sinh cho gia đình trong quá khứ, giờ đây xứng đáng được hưởng phần hạnh phúc muộn màng này. Tôi vui với ý so sánh, ‘‘đại lộ hoàng hôn’’ đang mở lối thênh thang chờ đón mẹ. Khoảng thời gian này tôi thường một mình, nhưng không cô đơn. Tôi uống say hương sắc của thời tiết. Tôi tận hưởng thú vui chụp ảnh hoa. Tôi ôm ấp quá khứ, tiêu hoá và bài tiết nó bằng tâm tư bình thản, tự nhiên như bộ máy sinh thực. Tôi dần dà sạch trơn như thiền sinh tiếp nhận hạnh tịnh độ.
Một tối, mẹ tôi trở lại phòng trễ, rất trễ. Tôi có thói quen, không bao giờ hỏi bà đi đâu, với ai, bao giờ về. Dẫu vậy, lúc chuyến xe buýt cuối cùng từ phố chính ngang qua khách sạn, không dừng lại, tôi đâm lo. Tay đêm úp xuống thong thả. Chân trời ngoài khơi đặc sệt, tím bầm. Trăng Madeira mọc lên nửa vành sữa đục. Tuyệt nhiên không thấy tinh tú. Sóng biển vẫn đều đặn xô bờ, sủi trắng giấc ngủ tôi lo âu. Hiện tượng kỳ lạ chập chờn tâm thức tôi, sâu thẳm vùng tối đen hai mắt khép kín. Cảm quan tôi tan vào, thẩm nhập cảm quan mẹ, tụ lại giao điểm mạnh mẽ của thịt da và trí tuệ. Mẹ tôi đắm đuối vòng tay siết lấy bờ vai ông Horst. Như Nguyện đã nhiều lần bấu chặt vai tôi. Như Nguyện đã ướt mắt tỏ bày, anh điều động hoàn toàn trong đời sống lứa dôi, nhưng cách chủ động của anh giống như của một người mẹ lo cho con gái… Tôi, giống như một người mẹ? Sao lại có chuyện kỳ lạ ấy? Lẽ nào…
Người đàn ông, không phải cha tôi, cúi mặt, lướt môi ve vuốt ngấn cổ mẹ. Chân râu cứng gây gấy, kích cảm mọc gai. Mồ hôi mới ngọt đằm. Ngón chân cong hẫng vùng mênh mông, như dấu ấn sớt chia trên cát mịn. Ôi, những dấu hằn của quá khứ tôi, quá khứ mẹ và quá khứ những liên hệ trùng vây. Tôi bứt rứt với cơn ấm lạnh cảm tính chưa liền da nối thịt.
Tiếng mở cửa nhẹ, rón rén nhưng đủ lay tôi thức. Tôi đoán chừng đã quá nửa đêm. Tôi nhắm mắt tưởng lại những ảo giác mới nãy. Hương vị gối chăn còn tươi rói nếp nhăn. Tôi dọ dẫm theo những tiếng động trong phòng vệ sinh. Vòi sen tuôn nước lào rào. Những va chạm lách cách bồn men sứ, và tiếng chân ngắn, đục trên nền thảm. Không gian thoảng mùi thơm của kem dưỡng da, gợi nhớ khắc khoải những thói quen của Nguyện hằng đêm. Chăn nệm loạt soạt. Nhịp thở mẹ mỏng như cánh đập loài bướm đêm. Không dưng khoé mắt tôi rịn ướt. Cớ gì vậy? Những đốm xám đố kỵ dâng lên tâm tưởng. Nỗi mất mát thâm tình theo sóng Madeira đập ran rát vào da thịt tương thân. Tôi ôm lấy chiếc bóng đe dọa của quá khứ, biết mình tuyệt vọng không ngăn nổi mùa nước lũ tương lai.
(tháng 5.2005)

 

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng