Trang chính » Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 16, Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Chuyện cổ kể lại

[với chú thích: ngôn từ trong truyện là của tác giả, vốn không sống trong thời phong kiến, nên mong lột tả được ngôn ngữ nhân vật thời ấy

 

Về làng
Đời Lý (hay Trần) gì đấy, một triều đại thái bình (hiếm thấy trong sử Việt), có vua đi về làng thăm lại làng xưa. Vua xa giá đến đâu dân các làng đổ ùn đến đó để đón vua. Về tới làng vua chỉ còn sức xin một bát rượu làng để uống rồi đi ngơi. Chưa kịp cởi áo ngoài, quan hành khiển vào tâu có ông già tướng mạo khá phương phi một mực rạp đầu lạy xin được chầu vua. Chuyện tiếp riêng thứ dân là không có trong chương trình, vua lại đã đường trường ngựa thiên lý oải, lốc xốc xương xẩu, muốn nhắm con mắt mong một giấc mơ trưa như thời thiếu niên còn ở loanh quanh phong thổ này. Quan hành khiển nói: “Thần đã can bác ấy nhưng trông cốt cách cũng là người phải có chuyện chi cấp thiết mới nài nì như vậy.” Vua tròng áo ngoài vào trở lại bảo quan hành khiển: “Thế, người ta đã cậy mình mà tới.”
Một ông lão mặt mũi sáng láng đi vào rạp đầu bái vua rồi thân mật hỏi:
“Thưa ngài, thần nghĩ là mình cũng có gàn dở, giờ trưa ai lại làm việc trái trở đến yết bái Vua, xin ngài thông cảm.”
Vua mời trà ông lão: Thế bác đây là người làng này à?”
Ông lão nói “không dám, xin mời ngài.” Thấm giọng bằng một ngụm trà Thái ông thưa vua: “Thưa ngài, thần đây mà chắc Bệ hạ không nhìn ra quả xưa kia hay đi đánh bi đánh đáo với Bệ Hạ ở sân đình ta.”
Vua nhìn kỹ ông lão sắc mặt vui lên thấy được: “Ôi, vậy a, giờ thì ta hơi nhớ ra rồi đây… vậy, bây giờ bạn làm nghề chi, sinh sống ra sao, có bị quan viên hà khắc ép uổng chi không ?”
Ông lão thấy vua đơn giản vui thì nói tiếp: “Thần giờ mắt cũng luống tuổi, lam nham cả rồi, nhưng quả nhiên trông ngài cũng chẳng khác xưa chi mấy .”
Vua phì cười: “Sao mà chẳng khác xưa chi mấy, bạn giỡn chơi.”
Vua nhìn vào chân dung người đối diện quả nhiên không nhớ nổi người xưa, nhưng cũng nói thực một cái quan sát của mình: “Bác có tướng mạo tốt tươi lắm, trông bảnh bao hơn ta nhiều”
Ông lão thưa: “Không dám thưa ngài, xưa có câu trông mưa như thần tử trông gặp long nhan, được gặp Bệ Hạ đây thần như thế là mãn nguyện.”
Nói thế nhưng khi đứng dậy lấy chiếc nón lá từ tay quan hành khiển, vẫn đứng im theo dõi mãi giờ, ông lão tuồng vẫn còn quyến luyến chưa muốn đi. Vua cũng chưa rời chỗ, hỏi thêm một câu:
“Cảm ơn bác bạn, biết đâu chúng ta còn gặp nhau … À mà quên hỏi mai giờ, bác bạn đây sinh sống có được an túc không vậy a.”
Ông lão thưa: “Thưa Bệ Hạ cuộc sống cũng nhờ Trời Đất cho mưa thuận gió hoà, lại thêm kể ra công đức Bệ Hạ triều thần cắt tô giảm thuế nên kể ra cũng chẳng có chi để kêu ca. Nếu Bệ hạ không chấp thì thần xin phép được hỏi Bệ Hạ một câu hỏi một, vốn là thứ cứ khiến lấn cấn tuổi già này.”
Vua bật cười: “Ta cũng có nhiều câu hỏi lấn cấn, chứ có phải chỉ có bác bạn mô. Nhưng mà bác bạn cứ nói cho ta nghe, liệu đây có hiểu ra gì với gì không.”
Ông lão thưa: “Thưa, thế thì thần hỏi đây. Vốn Bệ Hạ và hạ thần đây nghe trong làng tộc kể lại thì vốn sinh cùng ngày, cùng giờ, lại cùng một vốn đất làng, số tử vi tựa vào sao trời ngày sinh tháng đẻ, giống hệt nhau, thế mà sao Bệ hạ làm vua một nước, trông nom trăm họ, còn thần chỉ một vuông ruộng vườn khí thanh bạch. Chỗ này có phải là tử vi số sách gì đấy quá trật?”
Vua như được vỡ lẽ nên đâm ra hơi luýnh quýnh trong niềm thú vị mời ông lão ngồi nán thêm, kêu quan hành khiển cho thêm bình trà nữa và hỏi han: “Vậy bác bạn đây trồng trọt cây trái gì ở vườn? Làng ta đất đai cũng tàm tạm chứ không được phong nhiêu mấy, tôi vốn biết.”
Ông lão thưa: “Thưa Bệ Hạ, nhà tôi chỉ có nửa sào ruộng, một giàn tiêu, vài cây quả, dăm luống rau, với một chỗ cuối vườn thay vì chuồng trại lớn lao, thần đây có được một lứa trăm tổ ong mật.”
Vua nghe tới đây quàng vai ông lão bảo: “Thế thì bác bạn này, tử vi gì đấy kể cũng đúng đấy.”
Ông lão nhìn vua: “Trật đúng ra sao thưa ạ?”
Vua: “Ta nói nếu bác bạn nghe được thì từ đây trở đi chắc cũng không còn sẽ than thở trời đất gì nữa đâu a.”
Ông lão: “Dạ, có dám đâu. Xin Bệ Hạ bảo ban cho.”
Vua: “Ông bạn không thấy thực a. Ta được giao cho một trăm họ để trong nom, sao cho đừng sai quấy, ai nấy an vui, trên dưới phú túc, và nhờ Giời mà được vậy, còn bác bạn thì cũng thế được giao ban cho trăm nước chứa chan ong mật mà chăm mà lo, vậy có là như nhau không?”
Ông lão nhận là phải, uống với vua thêm chén trà rồi xin kiếu. Vua nhờ quan hành khiển gởi theo bác bạn một chai rượu ngâm tàm.
DC
05/01/2007

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)