Trang chính » Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 12, Sáng Tác, Trích đoạn tiểu thuyết Email bài này

Mặt Trời Mù

 

CHƯƠNG 1

 

1.
Nhờ một may mắn, được người anh họ giúp đỡ, đưa Cả rời khỏi quê hương, nếu không, có lẽ Cả cũng đã bỏ thây trong vụ đói năm Ất Dậu ở Bắc Việt.
Cả là con trưởng một gia đình có sáu anh em, sống trong cảnh nghèo khổ. Giới bình dân VN có một lối nói mỉa mai, chua xót: “nghèo rớt mồng tơi”. Hẳn là gia đình Cả đã lâm vào cảnh nghèo đó. Họ nghèo xác xơ. Một cảnh nghèo mà không ai còn có thể tưởng tượng hơn thế nữa.
Ở thôn quê mà họ không có lấy một tấc đất, cả nhà chỉ có một công việc duy nhất để kiếm sống là làm thuê. Nhà có tất cả tám người, cha mẹ và sáu anh em, thì đã hết sáu người đi làm, chỉ có hai đứa nhỏ nhất là không phải đi làm. Họ không làm thuê để kiếm tiền vì chẳng ai thuê trả tiền cho họ, và họ cũng không thể mong mỏi được như vậy. Trong cuộc đời của họ, làm thuê để được nhà chủ cho ăn cơm đã là một sự may mắn. Được người ta thuê, đối với họ đã là một niềm vui, một hạnh phúc.
Mỗi ngày, từ mờ sáng họ đã lo thức dậy và chia nhau tứ tán mỗi người mỗi ngã đi tìm công việc, cũng có nghĩa là đi kiếm cơm sống qua ngày hôm đó. Trước hết họ đi quanh trong làng xem các nhà quen có việc gì cần gọi họ không. Nếu không họ sẽ đi rảo sang các làng bên cạnh. Gặp nhau trên đường họ lặng lẽ đưa mắt nhìn nhau rồi lại cắm cúi đi, chẳng phải là họ không muốn bày tỏ niềm thân ái, nhưng cả hai cùng buồn, cùng cảm thấy nỗi âu lo hiện ra trên nét mặt nhau, còn một việc khác ám ảnh họ nặng nề, cần thiết hơn là thời gian dừng lại trong giây lát để trao đổi vài câu chuyện. Không, việc ấy chẳng muộn, bụng no mới là điều cần kíp, rồi sau đó, chiều trở về, họ có một thời gian rảnh rỗi trước mặt, của một buổi tối để hàn huyên. Còn gặp nhau trên các nẻo đường là một điều không có gì đáng vui, vì lẽ họ biết rằng người thân chưa tìm thấy việc làm và như vậy thì bụng chưa có cơm. Họ đâm lo lắng thêm, nỗi lo của mình và thêm cả của người thân vừa gặp gỡ nữa. Không gặp nhau họ còn yên tâm hơn, lòng còn nuôi chút hy vọng là những người kia đã tìm thấy công việc, có cơm ăn, và nếu không may, cả ngày không có việc làm, họ trở về ăn mớ cơm của người có việc mang về.
Tuy nhiên, đôi khi gặp những đứa em, Cả không giữ được mình không nói một đôi điều. Cả kéo em đến dưới một gốc cây, ngồi xuống phe phẩy chiếc nón lá rách quạt gương mặt đẫm ướt mồ hôi:
– Sao? Chưa ai thuê làm à? Cả hỏi đứa em. Đứa em không nhìn anh, mắt ngó mong ra ngoài trời nắng như đang mơ mộng:
– Chưa. Nó đáp. Còn anh? Rồi nó nhìn anh, hai anh em cùng mỉm cười, cảm thấy câu hỏi và câu trả lời đều thừa thãi.
– Qua nhà bà Cả Phụng chưa? Cả lại hỏi.
– Rồi. Từ sớm.
– Hôm nay nhà bà ấy không có công việc gì à?
– Không.
– Hôm qua thấy có đống củi.
– Bà ấy nói người nhà bà ấy làm được, không dư cơm.
Rồi cả hai anh em im lặng. Đứa này nhìn đứa kia. Cuối cùng chia tay, tiếp tục đi sau khi đã cho nhau biết những nhà nào chúng đã ghé hỏi việc để đỡ mất công vào.
Họ đi, đi mãi cho đến khi nào tìm ra công việc để làm. Không ai thuê mướn thì cũng phải cầu cạnh, năn nỉ được người ta thuê mướn, để xin bữa cơm, vì nếu không, cuối ngày họ sẽ trở về với bụng đói. Nhưng không phải ngày nào họ cũng tìm được việc làm. Có những hôm hoặc cha, mẹ, hay chính Cả đành trở về với bụng trống. Họ đi từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, những lời năn nỉ van xin đều không đem lại kết quả, đói lả, họ lê bước trở về. Con đường quen thuộc trở nên xa dịu vợi. Không còn nỗi bất hạnh nào lớn lao hơn đối với họ trong những ngày đó. Buổi sáng, sau một đêm nghỉ ngơi, sức khoẻ hồi phục họ ra đi với tay mạnh, chân vững và lòng tràn đầy hy vọng. Nhưng cơn nắng ngày thiêu rụi dần sức lực và niềm tin, khi trưa đến mà họ vẫn còn dẫm chân trần trên những nẻo đường mặt đất trắng cháy bỏng. Mồ hôi vã đầm đìa, cơn mệt mỏi len vào các thớ thịt. Nhưng họ chưa nản chí, niềm hy vọng của họ luôn luôn còn lấp ló trước khi lụn tắt theo ánh nắng ngày tàn. Phải, niềm hy vọng của họ luôn luôn nhen nhúm cùng với mặt trời: ánh sáng rực rỡ của những tia nắng vàng đầu ngày và rồi viên mãn vào lúc đứng ngọ, rồi lịm tắt theo ánh hoàng hôn. Họ đi, mắt láu liên nhìn vào những ngôi nhà hai bên đường để ý những dấu hiệu, tai họ lắng nghe những tiếng gọi nhỏ muốn họ dừng chân. Đối với họ, đó là những dấu hiệu, những tiếng gọi của hạnh phúc, của niềm vui, họ không có quyền lơ đễnh để trôi qua mà không nhanh nhẹn đáp lại với tấm lòng rộn rã luôn luôn rộng mở.

2.
Thường ngày cha mẹ Cả đi làm chung, bà mang theo đứa con còn bú – trong khi làm việc nó lê la bò chơi trên đất – nhưng hôm qua nó đau nên bà phải ở nhà, ông đi làm một mình. Vậy là chẳng những ông phải làm để kiếm cơm cho mình, còn phải dành phần cơm đem về cho vợ. Nhưng hôm đó thật không may, trong làng không ai thuê ông làm việc gì cả. Thoạt tiên ông vào những nhà quen nhưng người ta đều từ chối. Cả làng bên cạnh cũng không tìm thấy ai thuê làm. Nhưng bề nào ông cũng phải tìm cho ra vì nếu không, chẳng những ông đói mà cả vợ ông cũng không có cơm ăn nữa. Ông quả quyết băng qua cánh đồng làng ra đường cái quan liên tỉnh.
Quanh năm suốt tháng ở trong lũy tre làng, không khí thành phố đã khiến ông ngỡ ngàng hết sức. Ông tránh những đường lớn xe cộ tấp nập lúc nào cũng như sắp đâm sầm vào ông. Ông chọn những đường nhỏ, đi cẩn thận sát vào lề, mỗi lần nghe tiếng còi ông đều dừng lại quay mặt ra đường nhìn chừng chiếc xe đang chạy tới, thụt lại mấy bước, chờ cho chiếc xe qua hẳn, ông nhìn theo một lúc rồi mới tiếp tục đi.
Trời đang mùa hè, nắng bụi thành phố lẫn với khói xe, không quen ông cảm thấy chóng mệt. Những nhà ông vừa ghé vào đều không cần mướn người làm. Quen sống trong khung cảnh thôn xóm nên lần đầu tiên phải bước vào một ngôi nhà ở thành phố ông vô cùng ái ngại. Song ông cũng lấy hết can đảm bước vào ngôi nhà đầu tiên, có cửa mở. Ông gõ cửa rồi khép nép đứng chờ. Một chú bé độ sáu tuổi từ trong nhà chạy vụt ra, nhìn ông đầy nghi ngờ:
– Ông hỏi ai? Mắt lom lom, giọng nó đầy thách thức.
– Ba má em có nhà không?
– Không. Ông hỏi chi? Ba má đi làm rồi, các anh chị đi học rồi. Tôi trông nhà, ông đừng vào đây ăn trộm. Nó đứng án ngay cửa nhà, mắt không rời ông.
Ông mỉm cười, nhìn sang hai bên xem có ai nghe lời đứa bé vừa nói với ông không. Lòng ông hổ thẹn. Nhưng ông mỉm cười hiền lành, đưa tay lên vuốt tóc nó. Đứa bé vội vàng thụt lùi vào trong, đưa tay lên gạt tay ông ra, phủi tóc mấy lượt:
– Ông này kỳ hả, muốn tôi la lên không? Bắt nạt trẻ con hả? Đi đi, không tôi réo ông Cò.
Ông Cò. Phải. Ông không sợ gì lời dọa nạt ngây thơ của đứa trẻ, nhưng nghe hai tiếng ông Cò lòng ông cũng thấy ngại. Ông có nghe nhiều người đã dính dáng đến ông Cò và đó không phải là chuyện vui vẻ gì. Ông lại mỉm cười với đứa trẻ rồi quay đi. Được vài bước ông nhìn lại thấy nó vẫn còn hướng theo ông, nhưng gương mặt trẻ thơ rạng rỡ niềm đắc thắng.
Nhà thứ hai ông ghé vào có cửa nẻo hẳn hoi. Trên hai cánh cổng sắt đóng chặt rất chắc chắn có treo một tấm bảng nhỏ vẽ đầu một con chó lè chiếc lưỡi đỏ lòm, những chiếc răng trắng nhọn. Bên trong cổng là khoảng sân rộng, ngôi nhà tọa lạc ở giữa, có hai lối đi dẫn ra phía sau, đều tráng xi-măng kẽ thành những ô vuông trồng một thứ cỏ xanh mịn. Giữa sân, một bồn hoa hình tròn trồng đủ các loại hoa đang nở, đẹp rực rỡ, giữa bồn hoa một cây trúc đào vươn lên chi chít những cành xanh mơn mởn những chiếc lá thon dài đuôi nhọn.
Ông đứng trước cổng chờ một lúc lâu. Bên trong không có người. Ông len mặt vào giữa hai song sắt ho lên mấy tiếng, rồi lại đợi. Thình lình, một con chó đen to lớn ông chưa từng thấy, hai mắt vàng khè chạy xổ ra, chồm lên cổng sắt muốn vồ lấy mặt ông. Ông lùi ra vài bước, lòng chưa hết kinh hãi. Nó ló cái mõm dài ra giữa hai song sắt chen ra như ông lúc nãy, miệng há to, tìm cách chui ra. Nó sủa những tiếng ồm ồm một cách hung hãn.
Một cô gái ăn mặt gọn gàng từ nhà sau vội chạy ra.
– Lu Lu! Lu Lu! Cô ta gọi chó.
Con chó không nghe vẫn đứng lừ nhìn ông chằm chặp. Cô gái đến nơi đập tay vào người nó mới đứng xuống, cao đến ngang hông cô gái. Miệng nó vẫn há, chiếc lưỡi đỏ dài thòng qua một bên mép. Cô gái đuổi nó vào nhưng nó chỉ lùi lại vài bước, đôi mắt vàng vẫn không rời khỏi ông.
Giọng nhã nhặn nhưng lạnh lùng, cô gái hỏi ông qua song sắt:
– Bác hỏi ai?
Rụt rè ông tiến tới, nhìn cô gái một lúc ông mới nói được.
– Thưa cô tôi tìm việc làm…
Cô gái mỉm cười, vẻ nhạo báng không cố ý:
– Không có đâu bác ạ. Bác đi hỏi những nhà khác xem.
– Thưa cô cho tôi tưới hoa. Ông liếc nhìn bồn hoa rồi nói, giọng không mấy tin tưởng.
Cô gái trả lời gấp gáp:
– Hoa mới tưới lúc sáng. Chiều lại có người tưới.
Ông năn nỉ:
– Thưa cô, cỏ vườn mọc cao rồi. Hay cô cho tôi làm cỏ vậy. Cô gái nhìn ông có vẻ không hài lòng:
– Ngày mai có người làm rồi. Người giúp việc trong nhà thiếu gì. Đó là công việc của bác làm vườn.
– Thưa cô, có việc gì khác không?
– Không. Thôi bác đi hỏi thăm chỗ khác, tôi còn vào làm việc.
Cô gái trở vào, nhưng con chó vẫn còn đứng canh chừng. Khi ông quay lưng đi rồi con chó lại chồm lên, thò cái mõm dài ra đưa mắt nhìn theo ông.
 

3.
Ông bước đi dưới trời nắng, lòng thất vọng. Câu trả lời của cô gái ám ảnh ông: “Đó là công việc của bác làm vườn”. Thì ra những nhà giàu có thuê riêng một người để lo công việc trồng hoa. Buổi trưa, ông ghé lại một máy nước vốc nước uống rồi lại tiếp tục đi, tiếp tục hỏi thăm, mồ hôi tuôn như xối, mãi đến khi mặt trời nghiêng bóng. Ông buồn rầu và lo lắng, nhưng có một điều đè nặng lòng ông từ khi ông bước chân lên thành phố là giữa họ ông cảm thấy hoàn toàn lạc lõng. Mọi người đều chỉ lo lắng, bận rộn đến công việc của họ, không ai để ý đến sự có mặt của ông, thảng hoặc nếu có người nhìn ông thì cũng chỉ là những cái nhìn vô hồn, như ông là một đồ vật và cái tình người họ biểu lộ ra trong ánh mắt là sự nghi ngờ, dò hỏi. Quang cảnh thì rộn rịp, sầm uất, đầy tiếng động, nhưng giữa họ ông cảm thấy trơ trọi hơn khi ông đứng giữa cánh đồng ruộng trong buổi chiều về.
Ông tự hứa là chỉ lỡ một lần đó thôi, không bao giờ ông bước chân lên thành phố nữa. Đó không phải là chỗ của ông. Ông đã mệt lả, bước đi với mắt hoa, chân lỏng lẻo. Thỉnh thoảng ông phải dừng lại nhắm nghiền hai mắt một lúc, lấy lại quân bình cơ thể rồi mới tiếp tục bước đi. Chiếc bóng ông in trên mặt đường nhựa ngã mỗi lúc mỗi dài.
Cuối cùng ông lại vào một nhà hỏi việc, ông thấy rõ công việc mà chủ nhà đang cần người, lòng ông tràn trề hy vọng: một đống gỗ có lẽ xe mới đổ xuống trước nhà choán cả lối ra vào. Lần này ông lại gặp một cậu bé, lớn hơn đứa nhỏ ông gặp sáng nay vài tuổi. Nhưng trái hẳn với cậu bé trước, nó đứng chơi trên đống gỗ và thoạt đầu trông thấy ông dừng lại nhìn nó, nó bỗng mỉm cười. Xong không chú ý đến lại tiếp tục trò chơi, nhảy từ những khúc gỗ thấp lên những khúc ở cao hơn, nhảy cả hai chân một lần. Khi ông tiến đến gần, cậu bé ngừng chơi, ngước lên hỏi, giọng dịu dàng.
– Bác muốn hỏi thăm gì cháu ạ?
Ông nhìn chú bé rồi nhìn vào đống gỗ, lưỡng lự nói:
– Bố mẹ cháu có nhà không?
– Dạ! Bố cháu đi làm chưa về. Mẹ cháu đang ở bếp. Bác cần gì cháu gọi.
Nói xong nó nhanh nhẹn phóng xuống đất chạy biến vào nhà. Tiếng nó từ trong nhà vọng ra.
– Mẹ ơi mẹ, có ông nào muốn gặp. Mau lên mẹ.
Tiếng người mẹ trả lời, trong trẻo.
– Vâng, để tôi ra, gớm, làm gì mà nhắng lên thế?
Hai mẹ con cùng đi ra. Cậu bé nắm lấy tay bà, đưa tay chỉ ông.
– Đấy, có bác này hỏi thăm mẹ.
Người đàn bà ngoài ba mươi tuổi, trắng trẻo, gương mặt phúc hậu mà ông đã nhìn thấy qua ở cậu con trai. Bà mặc chiếc áo cánh trắng quần đen, tóc vấn khăn, răng nhuộm. Người đàn bà chào ông trước khiến ông bối rối, vội cúi người xuống:
– Lạy bác ạ.
Giọng nói dịu dàng trong trẻo mà ông vừa mới nghe, bà hỏi:
– Bác hỏi thăm việc gì ạ?
Ông đứng vòng hai tay ôm chiếc nón lá rách tơi úp lên trước bụng.
Ông nhìn đống gỗ, ái ngại mở lời:
– Bác có việc gì xin cho nhà cháu làm giúp bác.
Người đàn bà cười rất tươi:
– Tiếc quá, nhà tôi không có việc gì cho bác làm… Bác hỏi thăm vài nhà bên cạnh xem.
Ông nhìn đống gỗ, rồi nhìn lên người đàn bà, ánh mắt van lơn tuyệt vọng. Ông muốn van nài nhưng những lời nói mắc lại nơi cổ họng nghẹn ngào của ông. Khi ông nhớ đến hình ảnh vợ ông đã nhịn đói từ sáng nay lại cho con bú, chờ buổi chiều ông đem cơm về. Ông đứng yên, hết nhìn đống gỗ rồi lại nhìn lên hai mẹ con chủ nhà.
Hiểu ý ông, người đàn bà nói:
– Có đống gỗ này đây, ông nhà tôi mới mua, nhưng ông dặn đừng thuê ai làm, mai ông sẽ mượn phu ở sở về khuân vào nhà.
Mắt ông bỗng nhiên tối sầm lại như mặt trời vừa biến mất. Và ông, chỉ còn một mình ông đứng cô quạnh trên mặt đất. Ông không còn biết hai chân ông đang tựa trên đất hay đang lơ lửng giữa trời.
– Thôi bác cảm phiền vậy nhé. Cái giọng rất mực dịu dàng và dễ thương của người đàn bà ông chỉ còn nghe văng vẳng.

4.
Hai mẹ con cùng quay vào. Đứa bé còn nhìn lui ông. Bỗng nó kéo người mẹ dừng lại, thầm thì:
– Tội nghiệp bác ấy mẹ ạ. Trông bác buồn quá. Mẹ cho bác làm việc cho mình đi, nha.
Người mẹ quay ra nhìn ông, ngần ngừ.
Nghe tiếng chân họ trở lại, ông mừng rỡ mở mắt ra, người đàn bà gọi ông:
– Này bác. Tôi bằng lòng để bác làm đấy, nhưng bác tính công bao nhiêu?
Mắt ông sáng lên, mặt trời vừa trở lại trong vũ trụ, trong mắt ông và trong trái tim thoi thóp của ông. Sự mừng rỡ đến bất ngờ cũng làm ông nghẹn ngào. Quen làm ăn cơm, ông không còn ý niệm về giá cả nữa, ông vội vàng nói với giọng ấp úng.
– Bẩm. Bẩm. Nhà cháu không dám lấy tiền đâu ạ. Chỉ xin bác được ăn vài bát cơm thừa thôi ạ. Dạ… cơm nguội.
Người đàn bà ngạc nhiên:
– Sao vậy? Thế bác làm công không bao giờ lấy tiền à.
– Bẩm bác, vâng ạ. Nhà cháu chỉ xin được ăn cơm.
Đến phiên người đàn bà bối rối:
– Chiều nay nhà tôi không còn cơm nguội. Gạo lúc này thua lắm nên chỉ nấu vừa ăn thôi… À, tôi vừa mới luộc nồi khoai xong. Bác dùng tạm khoai vậy nhé.
– Bẩm bác, vâng. Khoai luộc cũng được.
Trước khi vào nhà, người đàn bà nhìn gương mặt tái mét và hai cánh tay run lên nhẹ nhẹ của ông dò hỏi:
– Này, trông bác như người đang cơn bệnh thế kia, liệu có làm được việc không?
– Ông hốt hoảng ngẩng mặt lên, lấy lại thần sắc.
– Bẩm… nhà cháu khỏe lắm. Nhà cháu làm việc được, bác khỏi lo.
Rồi ông vội nở một nụ cười không ra hình dáng gì cho bà chủ nhà yên lòng.
Làm việc được một lúc, ông nghe chân tay bủn rủn. Các khớp xương như rời ra mỗi thứ mỗi nơi còn dính lỏng lẻo trên thân thể ông nhờ có lớp da. Mồ hôi vã ra dầm dề, mắt hoa lên, miệng khô đắng, muốn nuốt chút nước bọt không có. Ông ngồi lên đống gỗ thở dốc.
Cậu bé cũng hăng hái phụ giúp ông một tay, cậu vác những khúc gỗ nhỏ. Vừa làm việc vừa để ý nhìn ông. Ngay khi trông thấy mặt ông xanh ngắt, cậu đã vội chạy vào nhà thông báo.
Người đàn bà vội vã đi ra.
– Bác lên cơn đau đấy hả? Giọng bà vẫn dịu dàng. Rõ khổ. Lúc nãy tôi hỏi bác bảo không. Bây giờ biết làm thế nào?
Ông vội ngẩng đầu lên van lơn nhìn bà, giọng ông run lên như sắp khóc và rồi ông đã khóc, nước mắt ướt đầm hai má.
– Bẩm… bác… Lạy bác thương cho.
– Thì tôi thương bác. Lúc nãy tôi đã lo là bác đau.
– Bẩm… Không ạ… nhà cháu không đau. Chẳng nói dấu bác làm gì… Nhà cháu đói quá nên lả người đi như vậy. Nhà cháu ở quê lên đây từ sáng sớm, đi tìm việc làm khắp nơi nhưng chẳng ai thuê. Từ sáng nhà cháu chưa có gì vào bụng. May gặp bác đây, nếu không chắc nhà cháu không trở về làng nổi. Xin bác cho nhà cháu ăn chút gì, xong nhà cháu làm việc mạnh lắm.
– Rõ khổ thân. Người đàn bà trách móc thân mật. Thế sao lúc nãy tôi hỏi bác lại không nói, để đến bây giờ ra nông nỗi này. Con đưa bác vào nhà giúp mẹ.
Đứa bé vội vàng nắm lấy tay ông nâng dậy. Ông nói:
– Thôi, cám ơn cậu, không dám phiền cậu, tôi còn đi một mình được.
Ông cố giữ vững người bước đi. Đứa bé theo sau ông vẫn để một tay đỡ lưng ông, cậu sợ ông ngã.
Người đàn bà đem ra một đĩa khoai lớn đặt lên bàn:
– Bác cứ dùng tự nhiên nhé. Cứ ăn tha hồ. Nhưng bác đang bụng đói, không nên ăn nhiều, không tốt.
Ông không ngồi ở bàn, bê đĩa khoai xuống ngồi nơi ngạch cửa ra vào nhà bếp. Những củ khoai nóng bốc khói thơm phức mà vừa mới trông thấy nước miếng ông đã tràn ra khóe miệng.
Ông cầm lấy những củ khoai còn nóng hổi, không cần thổi đưa lên miệng cắn những miếng lớn, không nhai, chỉ trệu trạo qua lại rồi nuốt trửng. Hết củ này đến củ khác, chỉ thoáng cái đã hết nửa đĩa.

5.
Cậu bé cũng ngồi sà xuống bên cạnh, nhìn ông ăn một cách kinh ngạc. Nhiều lần cậu muốn hỏi nhưng thấy ông đang ăn ngon lành quá cậu ráng đè nén cơn tò mò. Cuối cùng không dằn được, cậu lên tiếng:
– Sao ăn mà bác không nhai kỹ?
– Nhai kỹ mau đói. Nuốt lửng như vậy lâu tiêu, lâu đói hơn.
– Không phải. Thầy cháu nói ăn phải nhai kỹ, không sẽ có hại cho bao tử.
– Thầy cậu nói đúng. Khi ăn cậu cần phải nhai kỹ. Nhưng đối với tôi thì lời thầy không đúng, tôi không cần phải nhai kỹ.
– Bác không sợ hại bao tử à?
– Bao tử tôi khác bao tử cậu. Bao tử tôi càng nhai kỹ càng có hại, không nhai ít có hại hơn.
– Bác nói không đúng. Cậu bé cãi lại, cậu không sao hiểu được.
– Bác cũng là người, cháu cũng là người, sao bao tử bác khác bao tử cháu?
– Khác chứ. Tôi lớn còn cậu nhỏ.
– Vậy khi cháu lớn bằng bác cháu cũng ăn không cần nhai như bác?
– Có lẽ vậy. Nhưng cũng không chắc. Tôi khác, còn cậu khác. Có thể khi lớn rồi cậu vẫn ăn còn phải nhai kỹ.
– Tại sao?
– Ngay từ lúc nhỏ tôi đã quen ăn không nhai.
– Bao tử bác bằng sắt à?
– Tôi cũng không rõ. Cha mẹ tôi cũng ăn như vậy.
Câu chuyện đến đó thì đĩa khoai cũng vừa hết và bà chủ nhà bưng ra cho ông một ly trà nóng. Ông đỡ lấy uống cạn rồi lại xin cậu bé thêm một gáo nước lạnh đầy.
Cậu bé đem câu chuyện thuật lại cho mẹ nghe. Người đàn bà nhìn ông cười:
– Sao bác lại ăn uống kỳ vậy? Bác không sợ khó tiêu à? Coi chừng có ngày bác đau bao tử.
– Bẩm bác, đối với nhà cháu khó tiêu lại càng tốt. Cứ thấy bụng no hoài. Nhà cháu chỉ sợ thức ăn tiêu mau quá.
– Bác muốn ăn thêm nữa không?
– Bẩm, cám ơn bác nhà cháu vừa no.
Thật ra ông đã no quá đáng rồi, đi muốn không nổi. Ông nghĩ thầm: “Chả bù lúc nãy đói cũng đi không muốn nổi”
– Tôi sẽ gói cho bác đem về ngày mai ăn.
– Bẩm, cám ơn bà. Bụng cháu cũng muốn xin thêm. Nhà cháu cả ngày nay cũng nhịn đói ở quê. Con đau nên phải ở nhà trông không đi làm thuê được.
– Vậy tôi gói sẵn để đây nhá. Chốc nữa xong việc bác mang về cho bác ấy dùng.
Ông lại cảm ơn bận nữa. Ông nghĩ thầm: “Người đàn bà này có lòng tốt. Giá đời ông và vợ con ông chỉ còn có ngày mai nữa thôi thì hẳn là sẽ sung sướng, giản dị biết bao. Nhưng không những chỉ có ngày mai mà còn ngày mốt, bữa kia và những ngày tiếp theo nữa. Biết thế nào mà lường. Nên ông vẫn cứ ăn theo lối nuốt trọng để ngăn ngừa cơn đói lâu trở lại chừng nào hay chừng ấy”.
*
Khi ông băng qua cánh đồng làng khô nứt nẻ thì trời đã tối hẳn. Khí trời mát dịu, nền trời xanh lấp lánh ngôi sao hôm. Mặt trăng cũng vừa lên khỏi lũy tre đen, dọi chiếc bóng ông ngã trên những gốc rạ mới. Mùi rơm khô thoang thoảng. Bụng ông no nên chân ông vững. Ông ôm một gói lớn khoai luộc, lại thêm hai ổ bánh mì. Lòng ông nôn nao, chân bước hối hả. Giờ này Cả và mấy đứa con nhỏ của ông hẳn đã trở về. Không biết chúng có được no lòng hay không. Chúng có mang được gì về cho mẹ chúng ăn không? Nhưng không sao, ông có nhiều thức ăn đây rồi, mẹ nó tha hồ ăn sau một ngày nhịn đói chờ trông. Bà chủ nhà thật là người nhân đức đã cho ăn còn gói cho mang về, sai đứa con mua thêm hai ổ bánh mì và dúi cho một đồng bạc nữa. Ngày hôm nay tưởng xui xẻo cuối cùng lại hóa may mắn. Người đời bụng dạ họ thật khó lường, nhưng đâu phải họ xấu xa gì, cũng còn có người tốt đấy chứ. Nhưng dẫu thế nào thì ông cũng không nên trở lại thành phố nữa. Có nên trở lại nữa không? Ông lưỡng lự. Không. Dầu rằng mình gặp may nhưng ông nhất định không trở lại. Thành phố có cái vẻ gì xa lạ đối với ông mà ở đó ông cảm thấy cuộc đời ông trơ trọi.
Vào đến con đường làng rợp bóng tre ông thấy lòng êm ả, như được vỗ về trong cái không khí mát lạnh quen thuộc của thôn quê với sự yên lặng mông mênh gần gũi, thân mật. Ông lắng nghe những tiếng động mơ hồ, tiếng lá tre xào xạc, tiếng côn trùng trong các bụi rậm và cuối cùng là tiếng chân nện lên mặt đất bước chân rảo của ông. Ông quên hẳn sự mệt nhọc của một ngày lang thang trên những con đường nhựa nóng lột da bàn chân, giòng xe cộ, tiếng huyên náo không dứt, quên luôn cái cảm giác lạc lõng, bị bỏ rơi của ngày qua, như đó chỉ là một giấc mộng không may của đêm dài bị xóa tan bởi ánh nắng của một bình minh rực rỡ. Ông thở mạnh không khí êm dịu của màn sương tan loãng, lòng ông cùng với bước chân ông điểm nhịp nhàng theo một nhịp điệu của một điệp khúc trở về, sung sướng như một người bị lạc ra khỏi giòng đời sống, tưởng rằng không bao giờ còn được trở lại nữa, nay đang trên đường quay về.
 

6.
Bỏ con đường làng, ông đi theo một lối mòn dẫn về nhà. Cái lối mòn dài vài trăm thước hai bên cỏ mọc cao, do những bước chân của những người trong gia đình ông làm thành, thoạt đầu dẫm trên cỏ mà đi. Được nửa khoảng đường ông dừng lại, quay người sang bên lề cỏ tiểu tiện, gói quà vẫn kẹp chặt trong nách. Ông cảm thấy người ông nhẹ nhàng dần và cuối cùng đưa đến một cảm giác lâng lâng. Ông bước đi, trong bụi cỏ tiếng một con dế đá gáy vang, một âm thanh lanh lảnh trong vắt, sắc như một mép dao mài xuyên qua màn đêm.
Nhà ông kia rồi, ở cuối con đường mòn, giữa một bãi cỏ bên bờ ruộng, độc nhất, không sân, không cửa nẻo, tường ngăn, muốn ra vào lối nào cũng được.

7.
Hẳn là chúng ta dùng mấy tiếng “nhà tranh vách đất” để dễ tưởng tượng ra những căn nhà thấp, nghèo nàn ở thôn quê, để phân biệt với những ngôi biệt thự, tường cao vách thẳng ở thành phố. Nhưng với mấy chữ “nhà tranh vách đất” chúng ta không thể hình dung gì được về căn nhà của ông. Đó chỉ là một căn chòi, tồi tàn hơn một căn chòi, duy chỉ một gian mỗi bề chưa quá ba thước, ghép thành bằng hai cột tre chính ở giữa, bốn cột ở bốn bên và những rui mè. Hai mái lợp rơm mót sau mỗi vụ mùa – rách trống một vài chỗ, đêm ngủ trông lên thấy sao.
Thực ra đó chỉ là một nơi có để mỗi đêm vợ chồng con cái trở về ngủ vùi trên một ổ rơm suốt bốn mùa. Ban ngày thì tứ tán mỗi người mỗi nơi, ở ngoài đường hay ở nhà người. Cũng vì vậy mà trong nhà không thấy có những vật dụng thông thường. Bếp nhà người mà chén đũa cũng của nhà người. Năm khi mười họa cái bếp ở một góc chòi mới lại được có tí lửa, thổi cháo cho người đau bằng cơm nguội mang về. Vài cái mảnh gáo dừa làm bát và đũa thì bẻ mấy nhánh tre xanh, dùng xong vất đi.
Quần áo họ cũng giản dị như căn nhà không vách dựng của họ. Trong nhà chỉ có ba người lớn nhất là có đủ cả một bộ áo và quần: cha mẹ và Cả. Ba đứa em kế thì chỉ có quần đùi và một cái áo thay phiên nhau mặc. Hai đứa nhỏ nhất lấy da thịt trời cho làm đẹp. Chúng ốm tong teo. Nhìn vào chúng người ta chỉ thấy cái đầu to và cái bụng ỏng.
Đêm đến, cha con chồng vợ đều ngủ chung trên ổ rơm choán gần hết cả gian nhà. Mùa hè thì nằm trên rơm, mùa đông chui xuống dưới rơm, loi nhoi lúc nhúc như một tổ chuột.
 

8.
– Bu mày ơi! Còn cách nhà mươi bước ông đã lên tiếng gọi. Giọng ông cao, rõ ràng vang vang trong khung cảnh tịch mịch trống trải. Bu mày ơi! Ông lại gọi vợ, trở nên thân mật hơn nữa và ngấm ngầm trong lòng ông dâng lên một niềm hãnh diện sung sướng. Hẳn là ông sẽ được vợ khen ngợi công khó của ông ngày hôm nay. Ông đưa cho vợ một đồng bạc. Và lũ con ông trố mắt kinh ngạc với thứ thức ăn mà chúng chưa bao giờ trông thấy: hai ổ bánh mì! Trong nhà im lìm, mọi người đều đã ngủ.
– Bu nó à, ông đã đứng hẳn trong nhà. Dậy mà ăn đi chứ. Ngủ gì mà sớm thế. Ông càu nhàu cho ra vẻ.
Thật ra ngủ sớm hơn nữa cũng là việc thường. Cả ngày đi làm mệt mỏi, mọi người chỉ mong về nhà để được ngủ lấy sức, sáng mai còn phải làm việc. Nhưng hôm nay thì khác, ông nghĩ thế. Ông tưởng rằng người nhà phải thức để chờ ông về, đem quà bánh về và kể cho mọi người nghe những điều mắt thấy tai nghe trong một ngày ông mạo hiểm lên tỉnh.
Mấy đứa con rục rịch thức dậy:
– Thầy đã về đó hả. Cả hỏi rồi bật dậy. Thầy có mang gì về ăn không?
– Có đấy, dậy mà ăn. Giọng ông vừa có vẻ trách móc, âu yếm và tỏ ra là một người có uy quyền đáng tin cậy. Lại không tìm thấy việc làm nữa phải không?
– Vâng. Con đói quá nằm mãi không ngủ được, chỉ ngong ngóng mong thầy về, con vừa thiếp đi một lát vì mệt quá thì thầy về đến nơi đó.
– Đây, khoai luộc, bánh mì, muốn ăn thứ gì thì ăn.
– Cái gì thầy? Cả ngạc nhiên hỏi. Bánh mì là bánh gì?
– Thì đấy, nó giống cái thoi. Hẳn là làm bằng bột củ mì nướng lên thôi.
Mấy đứa em Cả cũng đã dậy và nhao nhao đòi ăn. Luôn luôn lúc nào chúng cũng đói.
Ông vội nói:
– Chừa phần cho bu mày đấy, chớ ăn hết. Em đau đã bớt chưa?
Đang nhai Cả ngừng lại trả lời:
– Em chết rồi.
 

9.
– Chết rồi! Ông hốt hoảng. Chết hồi nào?
– Con cũng không rõ. Về mới hay.
Vợ ông cũng đã trở dậy nhưng còn nằm yên, khóc nức nở.
– Bu nó, bu nó! Ông lay vai bà. Con nó chết bao giờ?
– Lúc xế chiều. Lúc ông đi rồi nó làm kinh mấy lượt. Tôi hú hồn hú vía đem ra ông Lang nhờ xem mạch bốc thuốc. Ông đòi tiền công tiền thuốc những một đồng. Tôi khất nợ ông không chịu, cất thuốc đi, bốc một gói “thuốc lá” nói tính hai hào, đem về cho con uống khi nào có thì mang trả. Tôi để cái đĩ trông em, chạy sang nhà bà Cả mượn cái niêu sắc thuốc, lúc về thì nó đã chết.
– Tôi có một đồng đây. Trong cơn bối rối ông vội nói. Mò vào túi lấy ra đồng bạc dúi vào tay vợ.
Bà cầm lấy, nín khóc nhưng không tỏ vẻ mừng rỡ.
– Bây giờ thì tiền với bạc làm gì nữa!
Ông tự giận mình. Nếu ông mang về sớm có lẽ con ông không chết. Nhưng ông nhớ ra lúc đó ông đang còn lang thang trên những con đường nắng, đã ai thuê làm đâu. Ông thở dài.
– Thế bu mày để nó đâu?
– Đây, tôi còn ôm nó đây.
 

10.
Ông bê đứa bé cứng đờ ra khỏi lòng bà. Nó trần truồng nhưng còn ấm hơi mẹ. Ông lấy chiếc áo của Cả mặc vào cho nó như quàng một miếng vải, đoạn lấy rơm bó kín lại.
– Trời không để nó ở với vợ chồng mình. Trời bắt nó về, cái số mình vô phúc là thế. Ông khuyên lơn vợ. Thôi bu mày đừng buồn rồi sinh ốm ra. Hãy ăn đi đã, tôi có mang về khoai luộc và bánh mì đấy. Ăn đi cho có sức. Mai tôi sang bà Cả mượn cái cuốc mang nó ra nghĩa địa làng ta, chôn nó cạnh các anh các chị nó.

bài đã đăng của Kinh Dương Vương

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)