- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

cái thú của tôi

 

Đọc văn, đọc thơ là cái thú tinh thần tao nhã. Xưa nay ai cũng nói thế.

Riêng tôi, nói các bạn đừng cười, trong những gì tôi đọc thì thích nhất vẫn là đọc tác phẩm của mình. Đó là một tật xấu, tôi biết. Biết mà không bỏ được.

Tôi không phải là người viết mới. Bài tôi viết đã được đăng nhiều lần trên nhiều báo khác nhau rồi. Thế mà hễ số báo nào biết là có bài mới viết sắp đăng, tôi vẫn cứ hồi hộp đợi. Ngày nào cũng hong hóng trông người đưa thư, lòng thấp thỏm không yên, y như đợi người tình thuở đầu đời mới biết yêu. Báo đến rồi, xé vội xé vàng xem thử bài mình đăng ở đâu. Có được đặt ở một vị trí tương đối có giá không, hay là bị đẩy đến một nơi không mấy người thèm để ý?

Đây rồi, tên mình đây rồi! Bài mình viết đây rồi! Bài nằm ở giữa, thôi thì cũng được. Thế là tôi bắt đầu lật tới lật lui tờ báo trong lúc mắt thì ngắm nghía cái tên mình, ngắm nghía cái tựa đề mình đặt. Sao mà nó dễ thương chi lạ! Nó lung linh, run rẩy, nhảy múa trước mắt mình như một vật trân quý. Ngắm chán, rồi bắt đầu đọc. Say sưa. Cảm động. Trời, bài mình viết đây sao? Hay tệ! Những con chữ và những chuỗi câu trôi đi, lướt qua trước mắt trên tờ giấy trắng tinh, mang theo con tim khối óc của mình. Càng đọc, càng say sưa, càng đắm mình trong cái thế giới nhỏ nhoi nhưng vĩ đại của mình. Càng đọc càng cảm thấy thương mình chi lạ. Thương cái tựa đề, thương cách dùng chữ. Thương câu này ngắn câu kia dài. Thương từ dấu chấm dấu phết cho đến cách xuống giòng. Thương cái ý, cái tình mình trải ra trên trang giấy. Rồi thương những lúc bỏ công ra ngồi cặm cụi viết, cặm cụi đánh máy, cặm cụi sửa. Đọc đến một đoạn nào ưng ý, gấp sách lại, nhắm mắt bồi hồi, tận hưởng cảm giác lâng lâng của một đứa trẻ con được thưởng quà.

Cuối bài, tần ngần ngắm lại tên tôi. Không chán. Vâng, tôi đó. Tôi sở hữu nó. Nó là tôi. Tôi là nó. Ngắm chán, tôi lật trở lên đầu bài, đọc tiếp. Lại bồi hồi, xao xuyến. Hết, đọc lại. Ngày hôm sau, dở ra, đọc tiếp. Đôi khi, suốt cả tuần, tôi chỉ còn một cái thú: đọc bài của mình với một nỗi tự hào bất tận. Tôi mê tôi đến thế thì thôi! Tôi mê văn mình đến nỗi chỉ thấy bài mình. Lật lui lật tới, vẫn chỉ thấy bài mình nằm chình ình ra đó. Dường như cả tờ báo, chỉ có một mình bài của tôi. Chỉ có bài tôi mới đáng đọc. Còn các bài khác thì thôi. Quên. Quên luôn. Có khi quên hẳn chẳng bao giờ đọc tới.

Bạn đừng vội cho rằng tôi thuộc cái “tip” nác-xi-xít (narcissism), chỉ biết yêu mình. Đúng ra, có phải tôi yêu tôi đâu! Tôi chỉ yêu văn tôi thôi. Nghĩa là yêu cái sản phẩm mình làm ra. Yêu những hình ảnh, ý tưởng mình gầy dựng nên bằng con chữ. Yêu chính nỗ lực của mình. Nghĩa là yêu tình cảm của tôi. Nghĩa là yêu cuộc đời tôi. Nghĩa là yêu những nhân vật tôi bịa ra. Nghĩa là yêu những người tôi từng biết, từng gặp, từng ghét, từng thương. Yêu những ngõ ngách tâm hồn. Yêu những khuất tất không tỏ. Yêu những bất hạnh. Yêu những đớn đau. Yêu những xúc cảm.

Bạn đừng vội trách. Hãy tưởng tượng bạn có một đứa con mới sinh, kết quả của một mối tình mặn nồng. Bạn cư xử với nó như thế nào? Chắc chắn là bạn sẵn sàng hy sinh tất cả cho nó, phải không nào? Bạn bồng ẵm, hôn hít, rờ rịt, ngắm nghía suốt ngày suốt đêm, phải không nào? Bạn thấy cái gì của nó cũng đẹp, từ con mắt, lỗ tai, đầu tóc cho tới ngón tay ngón chân, phải không nào? Từ câu nói bập bẹ cho đến những bước đi chập chững, phải không nào? Ai chê con bạn xấu, bạn giận. Ai khen con bạn đẹp, bạn mừng. Nó thích gì bạn cũng cho. Nó đòi gì bạn cũng chìu. Khi nó đau, bạn đau theo. Khi nó khóc, bạn hốt hoảng. Con người hàng xóm có đẹp đến đâu, bạn nào có cảm giác. Làm sao mà bằng con bạn được, phải không? Sao vậy? Câu trả lời thật đơn giản: đó là con tôi.

Cũng vậy, tác phẩm của tôi, chính là con tôi. Mỗi một tác phẩm là một đứa con, vừa tinh thần, vừa vật chất. Nó là kết quả của một sự cọ xát giữa tôi và cuộc đời. Là một hôn phối. Một vật vã. Một tìm kiếm. Một trăn trở. Nó cũng phải trải qua những tháng ngày thai nghén. Những đau đáu khai sinh. Khi ra đời, nó bắt đầu va chạm với thế giới và chịu đựng đủ thứ phản ứng: chê, khen, dè bỉu, thậm chí bị chưởi rủa. Như đứa con, nghe ai khen thì vui. Nghe ai chê thì buồn, thì giận. Được khen, đôi khi sung sướng đến quên ăn bỏ ngủ. Bị chê, chán nản đến độ đau khổ không thua gì tình phụ. Bạn không tin tôi sao? Cứ thử ngồi trước mặt tôi mà chê tác phẩm của tôi đi! Bạn tưởng tôi lịch sự à? Bạn tưởng tôi rộng lượng à? Không đâu, bạn. Bạn có thể nợ tôi dăm ba trăm, quên không trả. Bạn có thể chê tôi không đẹp trai. Bạn có thể than phiền tôi đủ thứ này nọ. Nhưng coi chừng, đừng có mà chê văn tôi! Văn tôi là nhất.

Trên kia, tôi có nói không phải tôi yêu tôi mà là yêu văn tôi. Y như thể văn tôi khác tôi. Đúng ra, chỉ là một cách nói. Văn tôi là cái gì vậy? Chả là tôi hay sao? Nó là của tôi. Thuộc về tôi. Một phần tôi. Là óc não tôi. Là da thịt tôi. Tóm lại, tác phẩm là một thành phần của bản thân tôi. Tôi xin nói rõ như thế này: một thành phần của tôi thì có nghĩa là tôi.

Có khi nào bạn tự hỏi: tôi là gì? Riêng tôi, tôi nhiều lần tự vấn mình bằng một câu hỏi ngây ngô như thế. Khi bạn nhìn tôi, bạn sẽ chỉ thấy tôi là một thân xác hay một vật thể di động: một sinh vật. Như con mèo, con ngựa, con chim. Không chỉ là như thế. Tôi là một hiện hữu, bạn ạ. Một hiện sinh, bạn ạ. Bản thân tôi, ngoài cái thể xác này, tôi còn có thể nới rộng tôi ra đến vô cùng. Trên thì tràn tới tận thiên đàng. Và dưới không chừng chạm đến địa ngục. Bởi tôi có thể nói: vợ tôi, con tôi, nhà tôi, bạn tôi, nước tôi, phe tôi, đảng tôi, thành phố tôi, thế giới tôi và …văn tôi. Nói vợ tôi nghĩa là vợ của tôi/ bạn tôi = bạn của tôi/nước tôi = nước của tôi/ đảng tôi = đảng của tôi/ thế giới tôi = thế giới của tôi. Bạn lưu ý nhé: của! Cái chữ đơn giản gồm chỉ có ba chữ cái ấy quan trọng lắm đó nhe. Không chừng chỉ vì giành nhau chữ đó mà thế giới sinh ra chiến tranh triền miên không dứt, chứ không phải chuyện đùa đâu.

Thậm chí ngay cả khi một người nào đó chết đi, chỉ có thân xác ông/bà/hắn ta biến mất, chứ những cái của ông/bà/hắn ta vẫn còn tồn tại. Có những cái chết khiến cho “cái tôi” của họ lớn hơn thành phần bản thân của họ nhiều. Những người anh hùng hay vĩ nhân chẳng hạn. Rõ ràng là họ mang bản thân vượt xa thân xác họ, thân phận họ và đất nước họ rất nhiều. Người ta chả mệnh danh họ là những người “đi vào lịch sử” đó hay sao!

Tôi tầm thường, nhỏ nhoi, yếu đuối, không thể và không biết làm anh hùng nên chẳng dám so sánh với ai. Tôi chỉ tìm cách nới rộng tôi ra một chút bằng cách: viết. Vậy, vì văn tôi là… tôi, thì nếu tôi chỉ yêu văn tôi, có gì bạn phải ngạc nhiên?

***

Nhưng, những giờ phút ngất ngây đó không kéo dài mãi. Một hôm, tôi đau đớn nhận ra một điều khác thường: những gì mình viết ra không có gì hay. Tôi bàng hoàng tự hỏi: văn của tôi mà như thế đó sao?

Tôi không nói ngoa đâu! Thường thì một tác phẩm ra đời, có người khen hay, có người chê dở, tùy theo quan điểm văn chương hay trình độ hay cảm quan riêng, là sự thường. Riêng tôi, sự thể có khác. Trước đây, tôi thích nó vì nó là của tôi. Bây giờ, đột nhiên tôi khám phá ra cái của tôi đó dường như có nhiều điều trục trặc. Thế mới kỳ! Đọc đi đọc lại, tôi mất hết cảm giác hưng phấn của những ngày đầu khi bài viết mới được hoàn tất. Thoạt tiên, cái “không hay” chỉ là một ý chung chung. Dần dần, tôi tìm ra nhiều điều không hay khác. Câu chuyện, ý tưởng, hình ảnh lủng ca lủng củng, chẳng có một chút gì hấp dẫn. Câu kéo rời rạc, chỗ thì dài dòng, chỗ lại thiếu hụt, nhiều câu trùng ý và sai cả văn phạm. Lạ thật! Tôi ngờ rằng một ai đó đã viết chứ không phải mình. Tự hỏi: sao mà mình, lúc đó, lại có thể viết như thế này nhỉ?

Bởi vậy, hễ đọc lại là muốn sửa: sửa câu, sửa chữ, sửa ý. Thậm chí muốn sửa hết cả tác phẩm của mình. Tôi cảm thấy dị ứng với những gì mình đã viết. Có khi nào bạn đọc lại những lá thư tình bạn viết cho người yêu mà mối tình đã đổ vỡ? Đấy, bạn sẽ thấy những lời lẽ trìu mến, nồng nàn mà bạn đã từng say sưa viết ngày nào, lúc này bỗng trở thành vô duyên lạ lùng!

Chưa hết. Càng đọc những bài viết xa hơn trong quá khứ, tôi lại càng thấy chúng lạc loài hơn. Hơi văn, ý tứ, hình ảnh… cũ càng, chuệch choạc. Tôi cảm thấy xa lạ với chính chữ nghĩa của mình. Y như một ngày nào đó, bạn khám phá ra rằng, đứa con mà bạn đã từng yêu quý như vàng như ngọc bây giờ khác hẳn. Nó không đẹp như người khác, không giỏi giang như người khác, không mềm mỏng như người khác… Nó độc lập. Nó có phận riêng của nó, chừng như bạn không thể nào can thiệp được. Nó không còn là của bạn nữa.

Những gì tôi viết cũng thế, đã có phận riêng của nó rồi. Lúc đầu, tôi vẫn tưởng tôi có quyền làm gì nó thì làm. Nghĩa là sửa, là xóa, là viết lại. Không đâu. Nó đã thành hình. Đã chào đời. Nó là của tôi nhưng không phải của tôi. Vậy tôi có quyền gì thay đổi số phận của nó chứ!?

Thôi thì để cho nó bình yên trôi vào quá khứ. Và tự nguyện sẽ viết một cái gì hay hơn. Tôi không có tính hiếu đại, muốn sáng tác ra một cái gì để đời, vĩnh viễn có giá trị. Hơn nữa, tôi vốn không tin tính “vĩnh viễn” của bất cứ cái gì trên đời này, nói gì đến văn chương là thứ mà bản chất là vô thường! Nhưng tôi muốn mình phải viết hay như người khác, như những ai mình đã từng tâm phục. Tôi muốn viết một tác phẩm lớn. Lớn, vâng. Tôi muốn trở thành văn hào, thi hào hay một nhà phê bình được mọi người ngưỡng mộ. Vâng, muốn lắm.

Nhưng làm sao bây giờ?

Để thành một nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo, nhà phê bình… thì không có gì khó. Cứ viết truyện thì thành nhà văn, cứ làm thơ thì thành nhà thơ, cứ viết biên khảo thì thành nhà phê bình. Dễ ợt, phải không bạn? Khổ nỗi, không có sách nào chỉ cho mình cách để trở thành văn hào hay thi hào cả. Mà dường như không ai trong số những người đã được phong tặng danh xưng đó nghĩ rằng mình viết để trở thành văn hay thi hào. Danh xưng là cái đến sau, chứ tôi độ chừng rằng trong khi viết thì có lẽ họ cũng làm một việc như bạn, như tôi: cắm cúi viết. Mà văn, thi hào thì để làm gì nhỉ?

Thành thử, tất cả điều tôi muốn bây giờ giản dị hơn nhiều: cố gắng viết hay hơn chính mình. Tôi muốn hơn chính tôi, bạn ạ. Muốn vượt qua tôi. Muốn thách đố với khả năng tôi. Muốn trở thành đối thủ của tôi. Hay ít nhất cũng tìm cách khác tôi. Tóm lại, cố gắng đừng lập lại chính mình. Chính vì thế mà tôi thích viết, viết hoài.

Vậy bạn đừng ngạc nhiên, tại sao đến bây giờ, tôi vẫn còn viết. Cứ viết. Tôi muốn duy trì cái thú của tôi: thưởng thức bài viết của mình khi nó còn tinh khôi, chưa cọ xát với đời. Dẫu biết rằng những gì tôi viết hôm nay, sẽ là điều tôi không muốn đọc vào một lúc nào đó.
Sau này.

 
                         (Trích “Từ Ảo đến Thực”)

bài đã đăng của Trần Doãn Nho