- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Nhà Có Khách

Lâu lắm nhà mới lại có khách. Mà khách đây lại là anh Nh, tức mục sư có tên Tây là Giô, tức nhà thơ có bút danh là Hải Đăng, nhà báo có bút danh Đức Thắng… ở tận Berlin về chơi và chỉ chơi được có một buổi chiều với một đêm, đến sáng hôm sau đã phải đi rồi thì phải tiếp đón sao đó cho thật chu đáo.

Xác định như thế, nên mặc dù đã lôi ở cửa hàng về ngay từ lúc chiều, đến gần hai chục cân vừa thịt lợn vừa thịt bò, nghĩa là thừa sức làm cỗ làm bàn cho hơn bốn chục người ăn một cách phủ phê mà cô em gái của tôi vẫn cảm thấy chưa yên tâm lắm. Quanh ra quanh vào, nghĩ đi nghĩ lại một hồi rồi nó lại lên xe, phóng tít ra ngoại ô, đến một trang trại vốn là chỗ quen biết cũ, mua thêm luôn một lô đến năm sáu con vừa vịt vừa gà, một xô dễ đến dăm bảy con cá chép và một lồng đến hơn chục con chim bồ câu nữa. Về đến nhà, vừa khệ nệ bê mấy thùng carton nhốt mấy thứ gia cầm, thủy cầm hãy còn kêu quang quác và giãy sùng sục ấy từ cốp xe vào bếp, nó vừa thở vừa nói như hát:

– Chẳng mấy khi mục sư về chơi. Hôm nay anh em mình cho ổng đi một lúc tới bến bằng cả tầu bay, tầu thủy, tầu ngầm lẫn xe tăng đại bác luôn một thể…

Dạo này bọn trẻ chỗ tôi thích bày đặt chơi chữ. Nhất là trong khoản ăn uống. Bao giờ chúng nó cũng phải vòng vo chán chê rồi mới đi vào vấn đề. Chẳng hạn, vào một ngày cuối tuần nào đó, khi nghe có đứa bảo :

– Mời bác quá bộ sang bên em giải quyết món «thủy quân lục chiến»…

Thì phải hiểu là sang bên nó thế nào cũng có món vịt hoặc món ngan, là hai giống vừa có thể sống dưới nước lại vừa có thể sống trên cạn.

Hay một hôm nào đó, khi nghe có đứa nào mời :

– Em đang bố trí món «tầu ngầm», tí nữa bác sang chiến đấu nhé…

Thì phải tin đến chín mươi chín phẩy chín phần trăm rằng, nếu tí nữa mà sang thì thế nào cũng được nó mời xơi nếu không phải món cá rán cá nấu thì cũng là món ba ba om với chuối xanh và thịt ba chỉ.

Thường thì trong mỗi cuộc «chiến đấu» như thế, chúng tôi chỉ phải đối diện với một hoặc hai binh chủng của đối phương, cũng tức là chủ nhà. Nhưng hôm ấy, có lẽ vì muốn nổi tiếng thêm một chút hoặc vì mến mộ anh Nh, tức mục sư, tức nhà thơ, nhà báo và nhà gì đó nữa quá nên cô em gái tôi mới huy động một lúc đến bốn năm thứ quân như vậy. Thì đấy, trong đám bạn bè của nó, đố đứa nào dám cãi rằng mấy con chim kia không phải thuộc biên chế của binh chủng không quân, hay mấy con vịt, con cá kia không phải thuộc biên chế của binh chủng hải quân hay thủy quân lục chiến.

Chắc thế nào cũng có bạn đọc thắc mắc, sao chỉ có mỗi ông khách mà cô em gái tôi lại đi mua nhiều đồ ăn, bày vẽ, nấu nướng làm chi nhiều món như thế cho vừa mệt người lại vừa lãng phí. Vậy, tôi xin thưa ngay rằng: Đấy là vì tập quán ở chỗ tôi nó thế. Vâng! Quả là từ rất lâu rồi ở chỗ tôi đã duy trì một cái luật bất thành văn rằng, bất kỳ nhà nào, cứ có khách là phải mời cả xóm đến nhậu nhẹt. Mà phải nhậu liên miên, bất kể sớm tối, nhậu cho thật đã, nhậu từ lúc khách đến tới khi khách về vẫn còn nhậu thì mới thích.

Ngay từ mấy hôm trước, khi nghe tin có anh Nh, với một loạt những chức danh như đã kể trên sẽ đến chơi, mấy tên bạn của con em gái tôi đã tỏ vẻ phởn phơ, thích chí lắm. Chúng nó bảo:

– Phải mài răng cho thật sắc, phải luyện công, phải nhịn rượu để còn chiến đấu với nhà thơ.

Và vì thế mà đến bữa tối, tức là bữa tiệc chính để đón tiếp anh Nh, mới thấy không khí ở nhà cô em gái tôi thật là vui vẻ. Cái căn hộ bốn phòng của chúng nó, bình thường rộng như thế, mà không còn chỗ chen chân. Những tờ báo được trải ngay xuống sàn làm mâm để những món luộc, món nấu, món rán, món xào, món quay… được xếp ra la liệt, lại thêm cả món lẩu được làm rất công phu nữa, món nào trông cũng hấp dẫn, chỉ nhìn qua đã thấy tứa nước miếng. Người đông quá. Chỉ riêng người lớn đã ngồi chật cứng cái phòng khách. Để có chỗ cho bọn trẻ con ăn, người ta phải dọn thêm mấy mâm ở ngoài bếp và trong phòng ngủ.

Tất nhiên là anh Nh được xếp ngồi ở vị trí quan trọng nhất của bữa tiệc. Và cô em gái tôi, phải nói là cũng khá chu đáo. Từ trước đó nó đã bố trí, mời riêng mấy người thuộc hạng trưởng lão trong xóm, tức là mấy anh có tuổi, có bằng cấp (dù đã lâu lắm rồi không sử dụng đến), mấy anh có kiến thức (nhưng đã mai một nhiều, thậm chí, quên hẳn), ngồi cùng mâm để tiếp anh. Riêng phần tôi, dù chưa đạt được những tiêu chuẩn này, nhưng vì là anh trai nó nên cũng được đặc cách hưởng vinh dự.

Một trong những nét nổi bật (chẳng biết là tốt hay xấu nữa) của dân Việt Nam mình là tính a dua. Tôi nghĩ thế. Bằng chứng là, trong buổi tối hôm ấy, mấy ông anh kỹ sư kỹ sọt, tiến sỹ với phó tiến sỹ, giáo sư và phó giáo sư của tôi mọi ngày vốn chỉ quen với việc lắc chảo, rửa bát, hút bụi, lau sàn nhà, lau toilet ở trong mấy cái quán ăn, hay đứng bán mấy bộ quần áo, mấy thứ đồ lót, cùng mấy thứ đồ chơi lặt vặt khác ngoài mấy cửa hàng, chẳng mấy khi đụng đến tờ báo hay quyển sách, đặc biệt là lại càng chẳng bao giờ đụng đến cuốn kinh thánh, vậy mà khi được ngồi gần anh Nh tự nhiên lại thấy tính sùng đạo cũng như máu văn thơ của ông nào ông ấy cứ dậy lên ầm ầm. Chẳng gì thì anh Giô cũng là mục sư (đáng lẽ phải nói một cách đầy đủ là mục sư Giô – Xuê mới đúng cách) nên có mấy ông cứ quấn lấy mà hỏi mãi anh về Chúa Cứu Thế Giê Su, về bà Maria, thắc mắc tại sao lại gọi là Đức Chúa Trời Ba Ngôi, tại sao Đức Mẹ có con rồi mà vẫn còn trinh tiết, về sự khác nhau giữa Công Giáo và Tin Lành cũng như về rất nhiều vấn đề khác của đạo Cơ Đốc hoặc liên quan đến đạo Cơ Đốc. Cũng chẳng gì thì anh Nh cũng là nhà thơ, nhà báo (theo tôi biết thì ngoài hai cái tên là Hải Đăng và Đức Thắng – mà nhiều đứa vì thích trêu anh, cứ gọi chệch đi là Đứt Thắng – đã kể trên kia ra, anh còn nhiều bút danh, bút hiệu rất kêu và rất có ý nghĩa khác, chẳng hạn, anh vẫn thường ký tên Cây Tre trên tờ Quê Hương Ta, hay là tên Chiều Tím trong trang điện tử hoanghon.com hoặc hoanghon.net gì đó), nên vì thế mà anh cũng bị một số ông khác xúm lấy hỏi. Thì cứ gọi là hỏi cho biết, nhưng tôi nghĩ đấy chỉ là một trong những hình thức khoe vốn liếng của các ông về thơ ca nói riêng cũng như về văn học và báo chí nói chung mà thôi. Có ông khoe với anh là ngày còn đi học (tất nhiên là phổ thông) rất giỏi văn, từng đi thi học sinh giỏi ở huyện, ở tỉnh rầm rầm. Có ông đọc thuộc lòng cho anh nghe một số bài thơ (tất nhiên là cũng từ thời phổ thông) mà theo ông ta là «tuyệt tác của nhân loại». Lại cũng có ông đọc cho anh nghe và nhờ sửa hộ một đôi khổ và có khi là cả bài thơ được chính ông ta ngẫu hứng sáng tác nhân một dịp nào đó. Ông này một câu, ông kia một câu, lại có lúc ông này chưa hỏi xong thì ông kia đã xía ngay vào, cứ nháo nhác hết cả lên làm anh Nh phải xoay hết bên này lại xoay sang bên kia một cách hết sức vất vả.

Nói đến tôn giáo thì cũng có nghĩa là nói đến đạo đức. Tôi nhớ có lúc, một ông, (hình như là S. mà tôi đã tạm xếp vào loại «sùng đạo tức thời», để phân biệt với loại «tức thời sính văn vẻ chữ nghĩa» là mấy ông khác), làm ra vẻ rất hiểu biết, hỏi anh Nh:

– Thưa mục sư – Ông này bao giờ cũng gọi anh một cách kính cẩn như thế – Có đúng là một trong mười điều răn của Đức Chúa Trời là : «Cấm giết người» không ạ.

– Đúng thế. Thưa anh. – Anh Nh trả lời, và nói thêm, tôi nghĩ là cho lịch sự – Thì ra các anh ở đây cũng chịu khó nghiên cứu kinh thánh quá nhỉ. Cảm ơn Chúa.

Nhưng ông S. thì lại không cho là như thế. Ông nghĩ ngay rằng đấy là ông mục sư khen minh. Mà được một sự đánh giá (theo ông là cao), bởi một người danh giá, nổi tiếng như thế ngay giữa đám đông, hỏi ai mà không thích. Tự nhiên, ông S. cảm thấy tự tin và phấn chấn hẳn lên. Ông cũng cảm thấy hãnh diện nữa. «Chẳng gì thì cũng không đến nỗi xấu hổ khi nói là có thời mình đã từng đứng trên bục ở giảng đường đại học». Ông nghĩ thế, và đang trên đà tiến tới, bèn hỏi luôn:

– Dạ thưa mục sư! Tôi đồng ý với mục sư giết người là có tội. Nhưng đây chắc là việc giết người khác. Là người này giết người kia. Thế còn việc tự tử, tức là tự mình giết mình, thì theo mục sư là có tội hay không?

– Mình giết người khác hay là mình tự tử, tự mình giết mình… cũng đều có tội như nhau cả. Thưa anh… – Tôi thấy anh Nh nói luôn. – Anh phải biết, con người ta là do Đức Chúa Trời tạo thành. Mà đã như thế thì ngoài Chúa ra, anh không được lấy đi sinh mạng của ai, kể cả đó là sinh mạng của chính anh…

– Vâng ! Tôi cũng nghĩ thế.

Ông S. đồng tình, và nói thêm:

– Sở dĩ tôi muốn hỏi mục sư một cách kỹ càng như thế, vì trong thời gian vừa qua, ở khu vực này có một vụ tự tử.

– Lạy Chúa. – Anh Nh nói ngay như một phản xạ. – Mà ai tự tử? Đến nỗi nào mà phải tự tử vậy?

Tôi để ý thấy từ khi ông S. lái câu chuyện với anh Nh về đề tài có người tự tử thì không chỉ riêng dăm bảy ông ở chỗ chúng tôi, mà hình như là người ở cả mấy mâm khác đều tự ngừng những câu chuyện đang nói của mình lại, chú tâm xem «ông mục sư» (cũng như cô em gái tôi, họ thích gọi anh Nh bằng chức danh như vậy) giải thích vấn đề này như thế nào. Vậy nên, khi nghe anh hỏi thế, không cần đợi ông S. kịp lên tiếng thì đã có người nhanh nhảu:

– Thưa mục sư ! Đấy là cô Tr. mục sư ạ. Mục sư có còn nhớ cô Tr. Không?

Tôi thấy anh Nh ngẩng mặt lên trần nhà. Những lúc phải tập trung suy nghĩ anh vẫn hay ngẩng mặt lên trần nhà, lên trời như vậy. Và quả nhiên, chỉ khoảng vài giây sau, anh đã nhớ ra được :

– Có phải là cái cô trăng trắng, cao cao, xinh xinh… người Hà Nội đấy không?

– Đúng cô ấy đấy, thưa mục sư…

Không phải một mà là rất nhiều người cùng ồ lên. Và vẫn như hãy còn hơi bị sốc, anh Nh hỏi tiếp trong sự bàng hoàng :

– Làm sao mà cô ấy phải đến nước như thế vậy? Tội nghiệp quá.

Câu hỏi này của anh thì chỉ còn có một người muốn trả lời. Và đó là ông S:

– Thưa mục sư… Cứ như mọi người thì thấy bảo là cô ấy chửa hoang. Tức là chửa mà không có chồng.

Ông ta cố tình nói nho nhỏ, nhưng chẳng hiểu sao mọi người lại vẫn nghe được những tiếng thì thào ấy rõ mồn một.

– Không có chồng mà chửa tức là phạm tội tà dâm. Một tội lớn, thưa các quý vị… – Anh Nh trầm ngâm. – Nhưng cũng không phải vì thế mà tự lấy đi mạng sống của mình. Như tôi đã nói với các quý vị, trong mười điều răn của Đức Chúa Trờithì điều răn thứ sáu, nguyên văn là: “ngươi chớ giết người” là một trong những điều quan trọng hơn cả. Tội nghiệp…

Anh định nói thêm một điều gì đó, song ông S., có lẽ vì nôn nóng quá nên đã xen vào:

– Nhưng mà thưa mục sư… Cô ấy định tự tử mà không được. Vì may mắn làm sao mà lại có người phát hiện ra, gọi cấp cứu và người ta đã cứu được. Có điều là đến bây giờ cô ấy vẫn còn yếu lắm, vẫn phải nằm trong bệnh viện để theo dõi tiếp …

– Cảm tạ Chúa…

Tôi thấy rõ ràng là anh Nh thở ra một hơi dài như trút được gánh nặng. Rồi anh nói thêm:

– Nhiều khi vì không hiểu biết mà người ta coi thường cả mạng sống của mình. Ngay chính bản thân tôi cũng vậy. Ngày tôi còn là một hòa thượng, (một lần trước, cũng ở đây, Nh đã nói anh có thời là một hòa thượng) cũng đã có đôi lần tôi định tự thiêu nhưng không thành. Có lần tôi đã tẩm xăng vào người rồi nhưng chẳng hiểu sao bật cả một bao diêm mà chẳng que nào cháy được. Có lẽ là do Chúa can thiệp và Ngài đã cứu tôi chăng…
Mấy người vẫn còn tiếp tục bàn tán xung quanh câu chuyện tự tử của cô Tr. Cả chuyện đoán già đoán non xem đứa trẻ trong bụng cô hiện nay là của tác giả nào nữa. Có những mẩu đối thoại, mặc dù người nói không chủ ý, nhưng anh Nh vẫn nghe được. Chẳng hạn như câu sau đây của một người nào đó:

– Tao thấy nhiều người nói, rất có thể cái thai ấy là của sư D., chủ trì Q Q Tự. Con bé này đi chùa mà. Có thời gian nó làm công quả trên chùa cả mấy tháng…

Và chỉ vì câu ấy mà anh lại phải lên tiếng:

– Sư D. nào? – Anh Nh ghé miệng vào tai ông S, hỏi thầm. – Có đúng là cái ông sư béo béo, lùn lùn, đen đen, và mắt thì cận thị nặng, phải đeo kính đến bảy tám độ không?

– Thì chính là ông ấy đấy, thưa mục sư… – Ông S. vồn vã, đáp mà như reo lên. – Vậy ra mục sư cũng biết sư D. ạ?

– Tôi biết. – Anh Nh đáp. – Và tôi có thể khẳng định với anh, với tất cả các quý vị ở đây rằng: Nếu đúng con người tôi vừa tả là sư D. thì một trăm phần trăm…

Và như biết mọi người vẫn đang lắng tai nghe mình, anh nói chậm chậm:

– … Thì một trăm phần trăm cái thai trong bụng cô Tr. là không phải của ông ấy. Các quý vị có thể nghi ngờ một người nào đó, mặc dù theo kinh thánh dậy thì rất không nên nghi ngờ ai, nghi ngờ cũng là có tội. Nhưng đừng bao giờ nghi ngờ cho sư D. Tôi xin lấy danh dự ra để đảm bảo cho ông ấy.

Bữa tiệc chiêu đãi anh Nh buổi tối hôm ấy ở nhà cô em gái tôi còn kéo dài đến quá nửa đêm. Sau câu chuyện về cô Tr., mọi người lại kéo anh lan man sang nhiều đề tài khác. Thì như tôi đã nói mà, dân Việt Nam ta quả là có thói quen thích a dua. Ai cũng thích mình được người khác nhìn nhận là không chỉ hiểu biết mà còn nổi trội ở một khía cạnh nào đó, và họ coi anh Nh như một cuốn từ điển sống, một cuốn bách khoa toàn thư, nên cái gì cũng mang ra hỏi và cũng mong được giải đáp thỏa đáng cả.
Riêng tôi thì sau ý kiến của anh thanh minh cho sự trong sạch của sư D., lại đâm ra phân vân. Anh lấy bằng chứng, lấy cơ sở ở đâu ra để một mực khăng khăng bênh vực cho ông ta như vậy. Từ cổ tới kim, thiếu gì chuyện sư ăn mặn, chuyện sư ăn thịt chó, mắm tôm, ăn cả tiết canh, hay chuyện sư ngủ với sư, sư ngủ với sãi, sư ngủ với phật tử, hay sư ngủ với cả dân thường, cả đĩ điếm… thì căn cứ vào đâu để anh loại sư D. ra khỏi vòng nghi ngờ một cách dễ dàng như vậy.
Và hôm sau, trong khi tiễn anh về Berlin, trong lúc chờ tầu, tôi mang ý kiến thắc mắc của mình ra hỏi thì được anh trả lời:

– Có gì đáng gọi là khó giải thích lắm đâu, cậu P. (Vâng! P. là tên tôi, và tôi cũng xin được viết tắt như thế cho bình đẳng với các nhân vật khác). Vì riêng đối với sư D. thì tôi chẳng còn lạ một điều cả. Ngày ở Việt Nam, khi chưa biết Chúa, lúc hãy còn là một hòa thượng, tôi và sư D.cùng tu chung dưới một mái chùa ở ngoại ô thành H. Và nói thật với P., để tránh sự cám dỗ gay gắt của sắc dục, ngay từ năm mới hai mươi mấy tuổi chúng tôi đã tự thiến hết cho nhau rồi.

 
Tháng 10 – 2006
Nguyễn Hoài Phương

bài đã đăng của Nguyễn Hoài Phương