- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

William Burns

LTS: Roberto Bolaño (1953-2003) sinh ở Chile, thời thiếu niên ở Mexico, những năm 1970s quay về Chile tham gia cách mạng ủng hộ chế độ cộng sản Salvador Allende. Định cư ở châu Âu từ 1977. Nhà thơ, tác giả của nhiều tiểu thuyết, và hai tuyển tập truyện ngắn. Tác phẩm dịch sang Anh ngữ bao gồm các tiểu thuyết The Skating Rink, The Savage Detectives2666, tập truyện Last Evenings on Earth, cùng tập thơ The Romantic Dogs. Nhận giải thưởng Rómulo Gallegos Prize năm 1999 ( Gabriel García Márquez và Mario Vargas Llosa cũng đã được trao giải này trước đó). Giải thưởng Herralde Prize cho cuốn The Savage Detectives. Cùng với Mario Santiago sáng lập “hiện thực hạ tầng/nội tại” (tạm dịch từ “infrarealism”), một hình thức của văn chương siêu thực/phi lý. Phát biểu của ông cho khuynh hướng này: “Nghiệm sinh siêu tốc độ, cấu trúc tự phá hủy, mâu thuẫn điên khùng… Không bao giờ dừng quá lâu ở một nơi chốn, như quân du kích, như vật thể không xác định bay ngoài không gian, như mắt trắng của tù chung thân.” Tính cách siêu thực/phi lý trong tác phẩm của Bolaño nằm ở ngôn ngữ và cấu trúc, và ranh giới khó phân định giữa hiện thực và huyễn tưởng.

 

 

William Burns ngụ cư tại Ventura, bang California, kể chuyện này cho bạn tôi, Pancho Monge, một cảnh sát viên ở Santa Teresa, bang Sonora, và sau đó bạn tôi kể lại tôi. Cứ theo lời của Monge thì gã Mĩ đó là người thích an nhàn, không bao giờ nổi sung, con người mà theo sự miêu tả có vẻ không ăn khớp lắm với sự cố dưới đây. Đây là lời thuật của chính Burns:

Đó là thời kì đen tối buồn thảm trong đời tôi. Tôi đang phải đối phó với chuyện khá thô bạo trong công việc. Tôi thấy chán nản đến cực độ, mặc dù cho đến thời điểm ấy tôi luôn luôn miễn nhiễm với sự buồn chán. Tôi cặp một lúc hai ả đàn bà. Điều ấy, tôi nhớ rõ. Một ả đã lớn tuổi—phải trạc tuổi tôi—còn ả kia chỉ lớn hơn cô bé gái một chút. Có hôm, hai ả như hai mụ già bệnh hoạn, khó ưa, hôm khác thì như hai đứa gái nhỏ ham chơi. Sự khác biệt về tuổi tác không đến nỗi quá lớn khiến bạn lầm tưởng đấy là hai mẹ con, nhưng cũng gần thế. Dù sao chăng nữa đấy là cái gì người đàn ông chỉ có thể đoán chừng; bạn sẽ chẳng bao giờ biết chắc. À, hai ả nuôi hai con chó, một lớn, một nhỏ. Tôi chẳng bao giờ biết đích xác con nào của ả nào. Hai ả sống với nhau trong một căn nhà nằm ở ngoại ô một thị trấn miền núi, nơi người ta lên hưởng những ngày nghỉ hè. Khi tôi đề cập chuyện tôi sắp lên vùng đó ở suốt mùa hè với kẻ quen biết hay bè bạn nào đó, hắn bảo tôi nên đem theo cần câu cá. Nhưng tôi không có cần câu cá. Kẻ khác nói với tôi về những cửa tiệm và ca-bin, suốt ngày không làm gì, đầu óc thư giãn. Nhưng tôi lên đó đâu phải để đi nghỉ hè. Tôi lên để săn sóc hai ả đàn bà. Tại sao hai ả nhờ tôi săn sóc? Hai ả bảo có kẻ rình rập muốn làm hại hai ả. Hai ả gọi tên đó là kẻ sát nhân. Khi tôi hỏi động lực nào khiến gã sát nhân muốn làm hại hai ả thì hai ả không cho tôi câu trả lời, hoặc giả cũng có thể hai ả không muốn tôi biết sự thật. Bởi thế tôi đành cố tìm cách tự giải quyết lấy mọi vần đề. Hai ả sợ, hai ả tin là tính mệnh hai ả đang bị đe doạ, mặc dù có thể tất cả chỉ là chuyện hão huyền. Nhưng việc gì tôi phải khuyên người khác nên nghĩ thế này thế nọ, nhất là khi tôi được thuê vào làm việc cho người ấy? Dù sao chăng nữa, tôi áng chừng sau một tuần lễ chắc hai ả sẽ chịu nghe lời tôi. Thế là tôi theo hai ả và hai con cẩu lên núi, dọn vào một căn nhà nhỏ xây bằng đá và gỗ, căn nhà có không biết cơ man nào cửa sổ, chưa bao giờ trong đời tôi thấy một ngôi nhà có nhiều cửa sổ như thế, kích thước mỗi cái lại mỗi khác và trổ ra bừa bãi khắp nơi một cách đầy nguy hiểm. Nhìn từ phía ngoài, những ô cửa sổ tạo ấn tượng ngôi nhà có ba tầng, trong khi thật sự nó chỉ có hai. Bên trong, nhất là phòng khách và đôi ba phòng ngủ tầng trệt, các khung cửa sổ gây một cảm giác chóng mặt, ngây ngất, điên khùng. Phòng ngủ của tôi chỉ có hai cái, be bé, cái nọ trên cái kia, cái trên gần đụng trần nhà, còn cái dưới thì chỉ cách sàn nhà chừng ba tấc. Đời sống trên này coi bộ nhẹ nhàng, thư thái lắm. Ai cũng như ai. Ả lớn tuổi sáng nào cũng ngồi gõ phím viết, ả không kín đáo lắm về chuyện viết lách của mình như người ta thường nói về nhà văn; ả vứt máy laptop trên mặt bàn phòng khách. Ả trẻ tuổi suốt ngày làm vườn hoặc chơi với hai con cẩu hoặc chuyện vãn với tôi. Hầu hết các bữa ăn là do tôi nấu, và mặc dù tôi chẳng phải là tay đầu bếp tài ba gì, hai ả luôn khen ngợi các món ăn tôi nấu. Tôi có thể sống như thế suốt cuộc đời còn lại của tôi. Nhưng một hôm hai con chó xổng chuồng chạy tuốt và tôi phải chạy đi tìm chúng. Tôi nhớ tôi tìm chúng trong cánh rừng gần nhà, trên tay chỉ có cây đèn pin, tôi nhìn vào sân những ngôi nhà bỏ hoang. Chẳng thấy chúng đâu. Khi tôi trở về với hai bàn tay không, hai ả nhìn tôi như thể chính tôi là nguyên nhân cho sự mất tích của hai con cẩu. Đoạn hai ả thốt ra với tôi cái tên, tên của gã sát nhân. Chính hai ả là người gọi gã là kẻ sát nhân ngay từ lúc đầu. Tôi không tin lắm những gì hai ả kể nhưng vẫn ráng nghe. Hai ả kể lể về những mối tình thời Trung học, những rắc rối tiền bạc, những mối hiềm khích. Hai ả đàn bà tuổi tác cách nhau như thế cùng có quan hệ với một người đàn ông thời Trung học, thật tình tôi chẳng thể nào nuốt nổi chuyện ấy. Nhưng hai ả không muốn nói nữa. Đêm đó, mặc dù có những lời khiển trách, một trong hai ả mò vào phòng tôi. Đèn trong phòng tôi không mở, tâm trí tôi nửa mê nửa tỉnh, và tôi không bao giờ biết ả nào ngủ với tôi đêm đó. Lúc tỉnh giấc khi trời hừng sáng, tôi thấy tôi nằm một mình. Tôi quyết định mò vào thị trấn tìm cách gặp mặt gã đàn ông mà hai ả sợ đến phát khiếp kia. Tôi hỏi địa chỉ gã rồi bảo hai ả ở trong nhà đóng chặt cửa đợi tôi về. Tôi lấy chiếc pickup của ả lớn tuổi lái xuống phố. Ngay trước khi vào thị trấn, tôi thấy hai con cẩu đang chạy rong trong sân một cơ xưởng làm đồ hộp cũ. Thấy tôi chúng chạy lại trơ trẽn ngoắc đuôi lia lịa. Tôi lùa chúng lên thùng xe phía sau rồi lái chạy vòng vòng quanh thị trấn, tôi cười thầm việc mình đã lo lắng thái quá hồi đêm. Tôi thấy tôi tiến gần đến địa chỉ nhà gã sát nhân. Hãy cho gã cái tên Bedloe. Gã làm chủ một tiệm tạp hoá ngay trung tâm thị trấn, tiệm của gã bán hàng cho du khách lên nghỉ hè, hầm bà lằng đủ thứ từ cần câu cá cho đến áo sơ mi ca rô và những thỏi sô cô la. Tôi lảng vảng bên những kệ hàng một lúc lâu. Gã đàn ông trông như tài tử đóng phim; gã không thể nào quá băm lăm được. Người gã khoẻ mạnh, to chắc, tóc màu xẫm, tờ báo mở trên quầy và gã đang đọc báo. Trên người gã mặc quần vải bố và áo thun. Tiệm của gã chắc buôn bán được; nó toạ lạc trên một trong những con phố trung tâm, có xe điện, ô tô chạy lên chạy xuống. Giá cả hàng hoá trong tiệm Bedloe đắt khủng khiếp—tôi liếc sơ giá tiền. Lúc tôi rời tiệm, không hiểu sao tôi có cảm tưởng con người tội nghiệp này không biết mình đang ở đâu. Đi chưa quá mười thuớc tôi bỗng nhận ra con chó của gã bán hàng đang lẽo đẽo đi theo tôi. Lúc còn ở trong tiệm tôi không thấy nó: một con chó mực to, có lẽ bẹc-giê lai giống. Tôi không bao giờ nuôi chó, tôi không biết sao nó lại thích tôi, nhưng, bởi lí do nào đó, con chó của Bedloe đi theo tôi. Tôi cố xua nó trở lại tiệm, dĩ nhiên, nhưng nó không thèm nghe tôi. Thế là tôi tiếp tục đi về phía chiếc pickup với con chó, đoạn tôi nghe tiếng huýt gió. Gã bán hàng trong tiệm đang huýt gió gọi con chó lại. Tôi không quay người, nhưng tôi biết gã đang đi tìm con chó và tôi. Phản ứng của tôi, tự động, không suy nghĩ: tôi cố không để gã trông thấy tôi và con chó. Tôi nhớ tôi trốn sau chiếc xe điện màu đỏ sẫm, màu máu bầm, con chó áp sát chân tôi. Ngay lúc tôi cảm thấy an toàn thì chiếc xe điện chuyển bánh và gã bán hàng từ vệ đường phía bên kia trông thấy tôi, gã đưa tay ra hiệu, như ngầm bảo tôi “Ôm lấy con chó” hoặc “Giữ con chó lại” hoặc “Ở bên đó đợi tôi sang.” Tôi làm ngược lại. Tôi quay lưng bỏ đi và lẩn vào đám đông, tôi nghe gã la lớn hình như là “Ngừng lại, con chó của tôi! Ê, ông bạn, con chó của tôi!” Tại sao tôi làm thế? Tôi không biết. Thế là con chó của gã bán hàng đi theo tôi đến nơi đỗ chiếc pickup và ngay khi tôi mở cửa xe, trước khi tôi có thời gian phản ứng, nó đã nhảy vào và nhất quyết không chịu nhúc nhích. Tôi về nhà với ba con cẩu nhưng hai ả đàn bà không thắc mắc gì cả, hai ả chẳng nói chẳng rằng lập tức ngồi xuống chơi với cả ba con. Hình như con chó của gã bán hàng quen hai ả từ lâu. Buổi chiều hôm đó, chúng tôi nói đủ thứ chuyện. Tôi kể chuyện xảy ra trong thị trấn, đoạn hai ả kể quá khứ của hai ả và công việc hai ả làm ngày xưa: một ả từng là cô giáo, ả kia làm nghề uốn tóc, cả hai bỏ việc, mặc dù có lúc cả hai đi săn sóc trẻ nít, những đứa trẻ có vấn đề. Có lúc, tôi đề nghị cần phải ngày đêm canh gác ngôi nhà. Hai ả nhìn tôi đồng ý, với nụ cười. Tôi thấy ân hận đã nói ra như thế. Đoạn chúng tôi ăn. Tối đó tôi không nấu. Cuộc nói chuyện rơi vào im lặng, chỉ còn tiếng nhai của mọi người và tiếng chân rào rạo của lũ chó bên ngoài đua nhau chạy quanh nhà. Sau đó, chúng tôi bắt đầu uống rượu. Một trong hai ả, tôi không nhớ ả nào, nói về độ tròn của quả đất, về sự bảo vệ, về tiếng nói của giới y sĩ. Trí óc tôi đang ở nơi khác; tôi không theo dõi câu chuyện. Tôi đồ ả đang nói về những người da đỏ có thời sinh sống trên những triền dốc núi. Một lúc sau, chịu hết nổi, tôi đứng dậy dọn bàn và đứng rịt trong nhà bếp rửa đống bát đĩa, nhưng ngay thế tôi vẫn nghe tiếng ả vọng vào. Khi trở lại phòng khách, tôi thấy ả trẻ nằm trên sô pha, tấm chăn che nửa thân hình và ả kia đang nói chuyện về đô thị lớn; có vẻ như ả đang ca ngợi một thành phố lớn nào đó, thật là nơi lí tưởng để sinh sống, nhưng sự thật thì ả đang chê bai nó. Tôi biết thế, bởi vì thi thoảng hai ả lại rũ ra cười chế nhạo. Tính cách trào lộng của hai ả là cái gì tôi không thể nào ngửi nổi. Tôi thấy hai ả khá quyến rũ, tôi thích hai ả, nhưng bao giờ cũng có cái gì giả tạo và o ép trong những câu chuyện bông đùa làm trò của hai ả. Chai uýt-ki tôi mở sau bữa ăn đã vơi một nửa. Tôi không vui chút nào; tôi không có ý uống cho say và cũng không muốn hai ả say rượu bỏ tôi một mình. Thế rồi tôi ngồi xuống bảo hai ả chúng ta cần bàn dăm ba chuyện cho thông. “Chuyện gì?” hai ả hỏi tôi, giả vờ ngạc nhiên, hoặc cũng có thể hai ả không giả vờ. “Ngôi nhà này có nhiều chỗ hổng bất lợi quá,” tôi bảo. “Chúng ta phải làm cái gì đó chứ không thể ngồi yên được.” “Cái gì bất lợi?” một trong hai ả hỏi lại tôi. “O.K.,” Tôi nhắc nhở hai ả về điểm ngôi nhà toạ lạc quá xa khu thị tứ, nó lại nằm chơ vơ lộ liễu, nhưng chỉ một chốc sau tôi nhận ra hai ả không hề chú ý nghe tôi nói gì. Tôi hậm hực nghĩ trong đầu giá tôi là con chó thì có lẽ hai ả này có sự tôn trọng tôi hơn. Sau đó, sau khi nhận ra cả ba người chúng tôi không ai buồn ngủ thì hai ả lại bắt đầu nói về trẻ con, lời nói của hai ả khiến quả tim tôi như chùn lại. Tôi từng chứng kiến nhiều sự vật, nhiều cảnh tượng kinh hoàng, tàn độc mà một người đàn ông dù tợn tạo đến đâu trông thấy cũng phải mềm lòng, nhưng nghe những gì hai ả đàn bà nói đêm đó, quả tim tôi chùn lại mãnh liệt đến nỗi nó thiếu điều biến mất. Tôi cố nối kết câu chuyện, cố tìm hiểu xem hai ả đang hồi nhớ những hình ảnh thuở ấu thời hay đang nói về những đứa trẻ thật thời bây giờ, nhưng tôi hoàn toàn thất bại. Tôi có cảm tưởng cổ họng tôi tắc nghẹn như bị nhét đầy băng cứu thương và bông gòn. Đột nhiên, trong lúc cuộc nói chuyện, hay đúng hơn hai lời độc thoại, đang tiếp diễn thì linh tính tôi báo có chuyện chẳng lành và tôi len lén di chuyển về phía một trong những cửa sổ của phòng khách, một ô cửa sổ tròn nhỏ trông hết sức lố bịch, nằm trong góc, gần sát cửa sổ chính và không có công dụng gì cả. Tôi biết hai ả cuối cùng nhìn theo tôi và hiểu ra là có chuyện. Tôi chỉ kịp đưa ngón tay lên môi trước khi kéo mạnh tấm màn cửa sổ và thấy đầu của Bedloe, kẻ sát nhân, bên ngoài. Chuyện gì xảy ra sau đó trở nên mù mờ. Nó mù mờ bởi tính hoảng hốt là cái gì dễ lây lan. Tên sát nhân, ngay lập tức tôi trông thấy gã, ở phía ngoài, bắt đầu chạy chung quanh ngôi nhà. Hai ả đàn bà và tôi thì chạy lòng vòng phía trong. Hai vòng tròn: hắn tìm đường vào nhà, một cái cửa sổ nào đó chưa kịp đóng, trong khi hai ả đàn bà và tôi chạy đi kiểm tra cửa ngõ và đóng chặt các cửa sổ lại. Tôi biết tôi đã không làm đúng việc mà lẽ ra tôi phải làm: đó là, chạy lên phòng tôi, lấy khẩu súng, bước ra ngoài và bắt hắn đầu hàng. Thay vì làm thế đầu óc tôi lại nghĩ lũ chó vẫn còn ở bên ngoài và tôi hi vọng không có gì nguy hại xảy ra cho chúng; một con chó có chửa, tôi nghĩ thế, không chắc lắm—tôi nghe hai ả nói loáng thoáng về chuyện ấy. Thế rồi, ngay lúc đó, trong lúc vẫn chạy quanh nhà, tôi nghe một trong hai ả kêu lên, “Giê-su-ma! Lạy Chúa tôi! Con chó, con chó,” tôi nghĩ đến thần giao cách cảm, tôi nghĩ đến hạnh phúc, và tôi sợ ả đàn bà ấy, chẳng biết ả nào, sẽ chạy ra ngoài tìm con chó. May quá, không ả nào động đậy. Được rồi. Được rồi. Tôi nghĩ. Đoạn (không bao giờ tôi quên phần này) tôi bước vào một căn phòng nằm ở tầng trệt, tôi chưa đặt chân vào căn phòng này bao giờ. Nó dài, hẹp và tối tăm, ánh sáng chiếu vào chỉ là ánh trăng và tia sáng yếu ớt của những ngọn đèn ngoài hiên trước. Vào lúc đó tôi biết, với sự tin tưởng chắc nịch tách biệt khỏi nỗi khiếp sợ, định mệnh tôi (hoặc sự không may—cả hai là một trong trường hợp này) đã đẩy tôi vào căn phòng đó. Phía đối diện, bên ngoài khung cửa sổ, tôi thấy bóng đen của gã bán hàng. Tôi ngồi thụp xuống, cố hết sức kềm hãm cơn run sợ (toàn thân tôi run lên bần bật, mồ hôi toát ra đầm đìa), và chờ đợi. Tên sát nhân mở cửa sổ với sự dễ dàng đến sửng sốt đoạn nhẹ nhàng chuồi vào. Trong phòng kê ba chiếc giường gỗ hẹp, mỗi chiếc giường lại có một chiếc bàn đêm đặt bên cạnh. Trên tường, cách mặt giường ít phân, treo ba khung hình. Tên sát nhân bỗng ngừng lại. Tôi nghe hơi thở của gã; tiếng gã hít không khí vào hai buồng phổi nghe mạnh mẽ. Đoạn gã mò mẫm tìm lối đi giữa tường nhà và chân giường, nhắm thẳng chỗ tôi đang ngồi thụp chờ đợi hắn. Mặc dù khó tin nhưng tôi biết gã không thấy tôi: tôi thầm cảm ơn ngôi sao bổn mạng thật tốt của tôi, đợi gã đến vừa tầm tôi ôm hai chân gã và vật gã xuống. Lúc gã ngã xuống sàn nhà, tôi bắt đầu đá gã, cú nào cú nấy thật mạnh với chủ ý gây càng nhiều chấn thương càng tốt. “Nó ở trong này, nó ở trong này!” Tôi la lớn, nhưng hai ả đàn bà không nghe (tôi cũng không nghe hai ả chạy vòng vòng bên ngoài nữa), căn phòng lạ ấy giống như hình rọi của trí óc tôi, ngôi nhà duy nhất, nơi trú ẩn duy nhất. Tôi không nhớ tôi ở trong ấy bao lâu và cứ thế tôi đá liên tu bất tận vào cái xác nằm dưới sàn nhà; tôi chỉ nhớ có người mở cửa phía sau lưng, thốt lời gì đó tôi không hiểu, và đặt bàn tay lên vai tôi. Đoạn người đó bỏ ra ngoài và tôi ngưng, không đá vào cái xác nữa. Một lúc khá lâu tôi không biết phải làm gì; tôi cảm thấy sững sờ và mệt mỏi. Cuối cùng sực tỉnh, tôi lôi cái xác ra ngoài phòng khách. Ngoài đấy, hai ả đàn bà ngồi ép sát người nhau trên sô pha, gần như ôm lấy nhau. Cảnh tượng có cái gì khiến tôi nhớ đến một bữa tiệc sinh nhật. Tôi nhìn thấy nét lo sợ trong ánh mắt hai ả, và tia nhìn sợ hãi còn lại là do tình trạng thê thảm của Bedloe sau khi bị tôi dần cho nhừ tử nhiều hơn là chuyện vừa xảy ra. Và chính tia nhìn trong mắt hai ả đã khiến tôi lỏng tay buông cái xác xuống thảm. Mặt Bedloe là cái mặt nạ tung toé máu, đỏ lòm dưới ánh đèn. Cái mũi chỉ còn là đống thịt bầy nhầy, máu cứ thế rỉ rả tuồn ra. Tôi rà xem tim mạch gã còn đập không. Hai ả ngồi im thin thít quan sát tôi. “Nó chết rồi,” tôi buông thõng. Trước khi tôi bỏ ra ngoài hiên, tôi nghe một trong hai ả khẽ thở dài. Tôi ra ngoài châm thuốc hút, mắt nhìn lên bầu trời đầy sao, trong đầu hoạch định những điều phải giải thích với nhà chức trách của thị trấn. Lúc quay vào tôi thấy hai ả đang bò dưới sàn nhà lột quần áo cái xác, tôi không nén được tiếng kêu. Hai ả không thèm nhìn tôi. Tôi rót một li uýt-ki, nốc cạn rồi lại bỏ ra ngoài hiên, cầm theo chai rượu, tôi nghĩ thế. Tôi không nhớ tôi ở ngoài đó bao lâu, hút thuốc và uống rượu, cố tình cho hai ả đủ thời gian hoàn tất công việc. Tôi ôn lại các biến cố, nối kết chúng vào nhau. Tôi nhớ gã đứng ngoài cửa sổ nhìn vào nhà, tôi nhớ cái nhìn trong mắt gã, và giờ đây tôi nhận ra cơn sợ hãi, tôi nhớ lúc gã mất con chó, và sau cùng tôi nhớ gã đọc báo ở phía cuối gian hàng tạp hoá. Tôi cũng nhớ lại ánh sáng của ngày hôm trước, ánh sáng bên trong tiệm và ánh sáng hàng hiên nhìn từ căn phòng nơi tôi giết chết gã. Đoạn tôi quan sát lũ chó, chúng vẫn không chịu ngủ, vẫn chạy trong sân nhà từ đầu này sang đầu kia. Hàng rào gỗ có chỗ gãy đổ; sẽ có người hôm nào phải sửa chữa những chỗ hư hỏng, nhưng người ấy chắc chắn không phải là tôi. Trời bắt đầu hừng sáng từ phía bên kia núi. Mấy con chó chạy lên hiên nhà tỏ vẻ thân thiện, trông chúng mệt nhoài sau một đêm dài chạy chơi. Chỉ có hai con quen, tôi huýt gió gọi con kia, nhưng không thấy nó đâu. Phát hiện này khiến tôi lạnh xương sống. Gã đàn ông nằm chết trong kia không phải là kẻ sát nhân. Chúng tôi bị gã sát nhân thật đánh lừa, gã núp ở một nơi nào đó thật xa, hoặc đúng hơn chúng tôi bị số mệnh đánh lừa. Bedloe nào muốn giết ai—gã chỉ đi tìm con chó của gã thôi. Tội nghiệp thằng chả, tôi nghĩ thế. Hai con cẩu lại quay về trò chơi đuổi bắt nhau trong sân. Tôi mở cửa nhìn hai hai ả đàn bà, tôi không đủ sức lực bước vào phòng khách nữa. Bedloe đã được mặc lại áo quần. Trông tươm tất hơn cả lúc trước. Tôi định mở miệng nói cái gì đó, nhưng thấy không cần thiết, lại bỏ ra ngoài hiên. Một ả theo tôi ra. “Mình phải phi tang cái xác,” ả nói từ sau lưng tôi. “Ừ,” tôi trả lời. Sau đó, tôi giúp hai ả vực xác Bedloe lên thùng sau chiếc pickup. Chúng tôi chạy lên núi. “Đời sống thật là vô nghĩa,” ả lớn tuổi bảo tôi. Tôi không trả lời; tôi đào một cái huyệt. Lúc về nhà, trong khi hai ả đi tắm, tôi rửa chiếc pickup và thu dọn đồ đạc của tôi. “Anh định làm gì bây giờ?” hai ả hỏi tôi trong lúc ba người ngồi ăn sáng ngoài hàng hiên, vừa ăn vừa nhìn mây. “Tôi về thành phố và tôi sẽ tiếp tục cuộc điều tra, bắt đầu lại ngay từ lúc tôi đi trệch đường.” Tôi trả lời.

Và ở đoạn kết của câu chuyện, vẫn theo lời thuật của Pancho Monge, thì sáu tháng sau William Burns bị một kẻ lạ mặt giết chết.

–Trịnh Y Thư dịch từ bản Anh ngữ của Chris Andrews.

.

bài đã đăng của Roberto Bolaño