- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Con hổ trong phòng kiếng

 

 

 

Tôi tỉnh dậy lúc chín giờ sáng, thấy đầu váng vất. Mồ hôi ướt đẫm cánh mũi và phía môi trên. Tôi kéo gối lau mặt rồi nhô đầu ra khỏi chăn, nhưng dường như lập tức phải nhắm mắt lại. Ánh sáng trong phòng là quá nhiều, hình như đêm qua tôi đã quên buông rèm cửa sổ. Tôi chui đầu trở lại chăn, làm vài động tác mát xa mặt và thử hình dung thế giới bên ngoài trong thứ ánh sáng mờ mờ lọt qua tấm chăn bằng cotton. Cơn váng đầu khiến tôi thiếp đi trong cảm giác mệt mỏi vô cùng dễ chịu, gần như là lịm dần. Tôi mơ một giấc mơ về những con hổ có sọc vằn mầu xanh lá, đôi tai vểnh lên như tai lừa, cánh mũi luôn phập phồng và đôi mắt nâu ngờ nghệch. Chúng di chuyển giữa những bụi cây gai hình trôn ốc xoáy vào một bản nhỏ nằm trơ trọi giữa rừng già. Tôi cùng đoàn thám hiểm của mình, không hiểu bằng cách nào, đã lọt vào đến bản và sau đấy được dân bản tiếp đãi nồng hậu. Họ mời chúng tôi rượu đao cùng món thịt rừng luộc chấm muối rang trộn mắc khén. Nửa chừng bữa tiệc, giữa chúng tôi và những người dân bản xứ này nảy ra một cuộc tranh cãi kịch liệt về sự tồn tại của những con hổ trong vùng. Những người dân bản đều nói rằng, suốt bao nhiêu năm sống ở đây, họ chưa từng bắt gặp bất kì một con hổ nào. Những già bản lớn tuổi nhất cũng quả quyết, nhiều thế hệ dân bản định cư ở vùng rừng này cũng chưa bao giờ thấy có loài hổ xuất hiện. Chúng tôi, những thành viên của đoàn thám hiểm, thì lại cố sức chứng minh sự tồn tại của chúng bằng câu chuyện về cuộc đụng độ với một con hổ lớn có vằn mầu xanh lá, thậm chí con hổ này còn vồ mất một thành viên trong đoàn chúng tôi. Anh ta tên là Khánh, tôi nhớ mang máng như vậy. Câu chuyện được tất cả thành viên đoàn nhất trí một cách tuyệt đối. Tuy thế, vì không một ai trong chúng tôi ghi lại được bất cứ hình ảnh nào về con hổ, nên dần dần luận điểm của chúng tôi trở nên yếu thế trong cuộc tranh cãi. Càng về sau, những lập luận mà cả hai bên đưa ra để bảo vệ ý kiến của mình càng trở nên hư ảo và trừu tượng đến nỗi khiến tôi cảm thấy thảng thốt…

Tôi trở dậy lần thứ hai thì đã quá một rưỡi chiều. Lần này tôi tung chăn vùng dậy, thấy mình đang ngồi giữa một giếng trời, người đẫm mồ hôi. Bầu trời quê hương ảm đạm trong ánh sáng rọi vào lưng mây. Tôi rời khỏi giường, đặt chân xuống đất và nhận thấy nền nhà đã lại vỡ nát. Tôi đưa chân gạt gạt những mảng bê tông và gạch mosaic vỡ vào một góc rồi đi rửa mặt. Khi đánh răng, tôi vô ý chải lưỡi sâu quá nên tiện thể nôn luôn ra lavabô. Chỉ có một ít nước nhờn, chắc có lẽ tại hôm qua tôi chưa ăn gì. Tôi xả nước cọ lavabô, cạo râu cằm, má và soi gương. Mặt tôi gần như con lừa, nên ít ra cũng giống được con hổ trong giấc mơ vừa nãy ở đôi tai. Tôi lấy khăn ướt lau kĩ nách và háng, nhưng rồi chẳng hiểu sao, tôi xả đầy nước vào cái chậu lớn rồi bước vào, nằm co quắp trong ấy một lúc. Vì nằm nghiêng, đầu không chạm đến đáy chậu, nên chẳng mấy chốc thì tôi mỏi cổ. Tôi thò chân ra khỏi chậu, xoay ngửa người để chìm đầu trong nước. Tôi thử nhìn lên trần phòng tắm bằng kính nhưng chẳng thấy gì, vì thực ra tôi không mở được mắt. Tuy thế, như một trò chơi trước kia, tôi lại bắt đầu tưởng tượng mình là một tấm kiếng mờ màu đỏ. Một tấm kiếng nhỏ đặt giữa căn phòng lớn, giống như ai đó đang gối đầu lên tay, nhìn lên bầu trời rồi thiếp đi. Nhưng tôi không ngủ được, bầu nước mơn man trên mặt khiến đôi mắt tôi cứ hấp háy. Tôi ôm lấy mặt và khóc.

*

Tôi thuê căn phòng này đã được năm năm. Nó là một trong hai phòng nằm ở đầu của một dãy nhà trọ hình chữ U. Trước cửa phòng có đặt một cái lu nước và một cái chuồng không biết dùng để nhốt gà hay chim bồ câu. Tôi

clip_image002

nhìn thấy chúng mỗi khi hé cửa để nhờ những người hàng xóm đi chợ mua giùm đồ ăn và những đồ dùng sinh hoạt cần thiết khác. Thi thoảng khi mẹ đến thăm tôi, bà sẽ trèo lên mái nhờ chiếc cầu thang xoắn ốc bên hông căn phòng đầu bên kia dãy trọ, đi trên dãy mái hình chữ U và tụt xuống phòng tôi qua giếng trời bằng cái thang dây. Mẹ tôi đã già, lại bị gai cột sống, tôi rất thương khi phải nhìn thấy bà lấy tay ôm thắt lưng và nằm gần như bất động trên giường mỗi khi bước xuống từ chiếc thang. Tôi xoa bóp gót chân cho bà và thủ thỉ về lí do vì sao lại để bà phải khổ sở như thế mỗi lần đến thăm tôi. Tôi không thể làm được chuyện phải he hé cửa để bà lách người vào, việc ấy đau lòng quá, hơn nữa mẹ tôi còn khá mập mạp. Còn mở to cửa ra ư, than ôi, tôi không có đủ can đảm.

Tôi choàng khăn tắm lên người rồi đi vào phòng. Trên bàn làm việc của tôi có một chiếc đùi gà rán để đã lâu, đông cứng những mỡ và toả ra thứ mùi từa tựa như mùi bánh bích qui. Tôi cầm lên, rồi trong khoảnh khắc, một thứ cảm giác kì quặc ngớ ngẩn lại hiện ra, cảm giác tồn tại. Tôi đặt cái đùi xuống, nghĩ một lúc rồi lại cầm lên, tiện tay quăng vào thùng rác. Tôi nhấc điện thoại gọi về cho mẹ.

“Alô, mẹ ạ?”

“Ừ ừ” – Tiếng của bố. Ông chẳng bao giờ biết phải nói gì với tôi.

“Mẹ đâu rồi hả bố?”

“Ừ, bố không biết. Bà ấy vừa đâu đấy thôi. Bố không biết”.

“Bố nhắn hộ mẹ cho con chuyện này nhé?”

“Hả? Cái gì?”

“Nhắn hộ mẹ cho con”.

“Ừ ừ, sao? Có chuyện gì thế?”

“Bố bảo mẹ lần sau đừng mang cái gì đến cho con nữa. Như cái đùi gà ấy, con không muốn ăn đâu”.

“À, thế. Bố cũng bảo bà ấy mấy lần rồi…”

“Nhớ bảo mẹ cho con nhé”.

“Ừ, ừ bố nhớ rồi. Bố đã bảo…”

“Vâng, vâng. Thế được rồi, thế thôi bố nhé. Con chào bố, con cúp máy

đây” – Tôi nói, rồi vội vàng dập máy ngay khi có cảm giác rằng mình đang có một hành động thật ngu xuẩn. Tôi trèo lên giường ngồi, ngắm nhìn những mảng bê tông và gạch vỡ trên nền nhà. Nó là ấn tượng tái hiện của hai mươi năm trước đây, khi tôi còn là một cậu bé, bố đã dắt tôi đi xuyên qua thị trấn để đến một căn nhà mới dựng trên cánh đồng còn thơm mùi chân rạ cháy. Căn nhà đang xây dở dang, hai bố con tôi đi qua những thân cây chống mái, dẵm trên nền cát lạnh và chạm vào bốn bức tường gạch còn nham nhở vữa xi măng. Bố nói với tôi về căn nhà, về cuộc sống mới của chúng tôi khi ở đấy, và về những ước mơ bố muốn tôi thực hiện.

“Con sẽ sống trong căn nhà lớn hơn, đẹp hơn thế này” – Bố nói.

Chao ôi, những lời ông nói ra khi ấy mới tự nhiên và dịu mát làm sao! Nhưng giờ đây thì tôi có gì? Tôi đang sống trong một căn phòng trọ chật hẹp, nền nhà sâu chín mươi phân so với bậu cửa, bài trí trong phòng duy nhất mầu trắng, một bàn làm việc chỉ dùng để ghi nhật kí. Tôi đang có gì? Một cái gương soi mặt mình.

*

Phòng trọ của tôi có một cái cửa sổ bằng kính, dạng cửa lùa. Khi tôi chưa bước tới và nhìn ra ngoài, tôi luôn có hình dung về một con đường nhỏ chạy men theo bức tường của dãy nhà trọ, với hàng rào cúc tần, những vệt nắng và cỏ dại. Nhưng mỗi khi thắng vượt được nỗi sợ hãi và nhìn qua nó, tôi nhìn thấy một cánh đồng lúa chín trải đến vô tận, và dường như tôi còn thoáng thấy những cử động mềm mại của con hổ trong sóng lúa. Tôi hiểu rằng con hổ đích thực vẫn ở đó, và khi trong tôi còn lưu giữ những hình ảnh về nó, tôi không được phép lơ là. Từ ngày nhìn thấy con hổ lần đầu tiên, tôi đã quyết định sẽ đóng kín cửa lại và không ra khỏi căn phòng nữa. Mỗi lần muốn mua cái gì đó, tôi gọi điện cho những người hàng xóm trong khu trọ từ tối hôm trước, và người nào đi chợ vào hôm sau sẽ qua gõ cửa nhà tôi vào khoảng mười giờ sáng. Khi ấy, tôi bám tay vào bậu cửa, đu người lên, cất tiếng hỏi người đang ở ngoài cửa, và khi đã xác định chắc chắn rằng đó chính là người hàng xóm mà mình đã nhờ tối hôm trước, tôi mới hé cửa, quăng chiếc làn cùng cuộn tiền nhỏ ra cho cô ta, rồi nhanh chóng sập cửa lại. Khi cô ta đi chợ về, sẽ lại gõ cửa nhà tôi và tôi lấy lại cái làn cũng theo cách thức như trên. Tôi cũng thường hé cửa ra như vậy đối với những người đến thu tiền trọ hàng tháng, thu tiền cước điện thoại, cước mạng và tiền điện nước, còn những người thợ đến để sửa chữa đồ điện tử hay lắp đặt nội thất, họ sẽ phải trèo lên mái rồi tụt xuống phòng qua đường giếng trời bằng chiếc thang dây, giống như mẹ tôi.

Cuộc sống của tôi, nếu cứ trôi đi như vậy, sẽ chẳng có gì đáng phải phàn nàn, ngoại trừ việc mẹ đến thăm thường khiến tôi cảm thấy khổ tâm. Nhưng cảm giác của tôi về những gì đang diễn ra chẳng bao giờ được như tôi mong muốn; việc phải hé cửa để giải quyết những vấn đề của cuộc sống thường nhật càng lúc càng khiến tôi sợ hãi. Vừa mới hôm qua, tôi đã sập cửa vào nhanh đến nỗi sau đó tôi cảm thấy thật day dứt khi nghĩ rằng, hẳn mọi người trong khu trọ đều rất phật ý vì sự bất nhã của tôi. Tôi muốn diễn tả cho họ hiểu về nỗi sợ hãi của tôi trước mối nguy hiểm đến từ con hổ đang rình rập ngoài đồng lúa, nhưng ý nghĩ ấy còn khiến tôi kinh hoảng hơn cả việc phải sống trong tình cảnh như bây giờ. Tôi chẳng còn cách nào khác ngoài việc chuyển nhà đi, nhưng tôi luôn cảm thấy mình chẳng đủ sức lực để mà làm quen với một cuộc sống nào khác nữa. Chưa kể cánh đồng phía dưới căn phòng đầu dãy bên kia, nơi tôi sẽ thoát xuống theo đường mái, có thể cũng có một con hổ khác như bên đây. Và biết đâu, nơi tôi dự định chuyển tới, sẽ lại có một con hổ khác cũng đang rình rập dưới ô văng cửa sổ? Những con hổ có ở khắp nơi, suy nghĩ ấy khiến tôi tuyệt vọng.

Đêm qua tôi đã ngủ mà không buông rèm cửa sổ, chẳng phải do lơ đễnh, điều ấy thật đáng ngạc nhiên. Bấy lâu, nỗi sợ hãi đã khiến tôi để rèm che suốt cả đêm ngày. Đêm qua tôi kéo rèm lên để làm gì, tôi nhìn gì nơi bóng đêm ngoài cửa sổ? Tôi lê thân mình trên giường, bám lấy thanh cọc màn và rướn người lên. Ngoài kia, đồng lúa vẫn đang nổi sóng. Tôi chăm chú nhìn những đợt sóng vàng cuồn cuộn, những bông lúa tròn như ôm lấy nhau, nương theo nhịp sóng, có khi dặt dìu, có khi cuồng nộ . Tôi nhắm mắt, hít thở đầy lồng ngực thứ hương thơm nồng nàn và mát dịu của tuổi thơ đang tràn ngập trong phòng, rồi lại từ từ mở mắt ra: đâu có gì ở trong sóng lúa! Tim tôi đập bình thản, không đau, bình thản. Tôi thả mình trên những con thuyền đang lướt trên thảm lúa, mơ tưởng về dòng nước chảy lập lờ trong không gian, mơ tưởng về niềm hạnh phúc được sống trong sự êm dịu của chuyển động vĩnh hằng, về biên giới của những bồn hoa. Tôi chìm đắm trong những khoái cảm của sự lạc lõng trong thực tại. Đâu có gì tuyệt vời hơn thế, ôi, đâu có gì tuyệt vời hơn thế. Tôi reo lên và nhảy ra khỏi giường. Tại sao tôi lại sống như vậy trong suốt mấy năm nay? Nhưng điều ấy đã không còn quan trọng nữa, phải vậy không, thời gian trước kia đã qua đi rồi, và chẳng còn gì đáng nói. Chỉ có một thực tại, là thực tại này đây. Tôi ngước nhìn lên cánh cửa ra vào với hi vọng mãnh liệt về hình ảnh chính tôi sẽ đẩy tung cánh cửa và bước ra ngoài. Và chính khi ấy, tôi đã hiểu được lí do vì sao rèm cửa sổ lại không được buông trong đêm qua. Cánh cửa đã mở toang tự bao giờ. Tôi nhìn thấy được trọn vẹn lu nước và cái chuồng để nhốt gà hoặc chim bồ câu. Và cả căn phòng đầu bên kia dãy trọ nữa, một căn phòng kiếng. Sự đồng bộ diệu kì của những gì là bất ngờ đã giải thích được tất cả, cánh cửa này, tấm rèm cửa sổ kia, và con hổ biến mất trong sóng lúa, mọi thứ đang chống lại tôi. Nỗi sợ hãi dâng lên đột ngột, không liếc qua cửa sổ, nhưng tôi thấy rõ mồn một con hổ đang lao thẳng về phía cửa phòng. Tại sao, tại sao chính lại là tôi? Tại sao tôi lại chọn căn phòng ngay sát hiểm nguy để ngày ngày phải sống trong lo sợ, phải đối diện với hiểm nguy, và ngay lúc này đây phải chạy trốn nó?! Sự hoảng loạn khiến tôi mờ mắt, thay vì nhoài người lên bậu cửa và đóng sập cánh cửa vào, tôi lại dùng hết sức để đu người lên, lao ra ngoài và chạy trốn. Tôi chạy dọc theo dãy phòng trọ, nhưng than ôi, tất cả các cánh cửa đều đã đóng. Mọi người đi đâu cả rồi, những người hàng xóm thân thiết của tôi? Họ bơm mớm cho tôi chút hơi tàn để tôi sống được ngày này qua ngày khác, nhưng lại sẵng tay buông rơi tôi cho cái chết. Không ai dung nạp tôi, không ai cứu vớt tôi. Tôi chạy từ cửa phòng này qua cửa phòng khác, nhưng không còn đủ hồn vía để đập tay lên bất cứ cánh cửa nào. Chiếc khăn tắm tuột khỏi người, và tôi cứ thế chạy, chạy dọc theo dãy nhà hình chữ U. Trời ơi, là chữ U. Tại sao lại là chữ U? Tôi lao đến trước căn phòng bằng kính và giật mạnh cửa, không dám nhìn ra xung quanh, không dám nhìn bất cứ thứ gì ngoài nắm đấm cửa đang nằm trong tay. Nhưng rồi, sung sướng làm sao, cửa bật mở. Tôi lách người qua rồi đóng sập nó lại.

Đây là một căn phòng kính, đúng như tôi đã nhìn thấy khi còn đứng ở trong phòng của mình. Vách kính mặt dựng kiểu Stick, trần kính với hoa văn mầu hoạ lại một bức tranh của Bouguereau, sàn kính cường lực trong suốt nằm trên một bể cá rồng, rồi lan can, cầu thang, cửa sổ, ô thoáng, vách ngăn, buồng tắm, bếp treo, bàn, kệ, tủ và các đồ nội thất khác đều bằng kính … Tôi ngồi xuống ghế, cảm thấy mệt mỏi rã rời. Tôi muốn ngủ, nhưng thứ ánh sáng quá quắt về chiều cứ nhảy múa xung quanh khiến tôi vô cùng bức bối. Tôi đi ra phía hành lang để kéo rèm lại, và ngay lúc ấy, tôi kinh hoàng nhận ra con hổ vẫn nhìn tôi chằm chằm qua lớp kính temper màu lam nhạt. Nỗi hiểm nguy là có thật, nó chưa bao giờ buông tha tôi. Ngay khi tôi trốn chạy, nó liền trở nên hữu hình và bám chặt lấy tôi. Đã không còn ai quanh đây để tôi có thể cất lên tiếng kêu cứu. Vì những tấm gương này, tôi vĩnh viễn sống trong sự giám sát của con hổ, sự bảo vệ của nó khiến tôi trở nên trần trụi. Hỡi ôi.

*

Tôi ngoi đầu lên khỏi mặt nước, kê gáy lên thành chậu. Tôi vừa khóc trong nước? Ai biết được điều ấy. Tôi đứng dậy, lau khô người, choàng khăn tắm rồi đi lên phòng. Tôi đứng trên giường, soi mình trong chiếc gương treo trên cánh cửa. Tôi không chỉ có đôi tai lừa, tôi còn có những sọc vằn màu xanh lá, cánh mũi ướt phập phồng và đôi mắt nâu ngờ nghệch.

“Nhớ phải đặt một tấm gương lớn trong phòng con nhé” – Bố nói.

“Vâng” – Tôi nói.

Rồi tôi ngoác miệng cười, phả ra hơi thối nồng nặc. Tôi chính là con hổ. Con hổ trong căn phòng kiếng. Ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha ha

 

 

 

.

bài đã đăng của Nguyễn Nhật Minh