- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Triết lý của tóc

Đoạn đường từ nhà trọ Vận tới trường đại học có một hiệu hớt tóc mang cái tên ngộ nghĩnh: ‘‘Triết lý của tóc‘‘. Nó bắt Vận thắc mắc, tóc cũng có triết lý nữa sao? Đem hỏi mấy người bạn cùng lớp, không ai trả lời nghe suôn sẻ. Vận càng thêm tò mò, mỗi bận đi ngang, đều ghé mắt nhìn. Không phải một hiệu hớt tóc sang trọng có bồn gội tráng men trắng bóng, tường gắn gương bốn bề loang loáng, đèn rọi sáng trưng, và nhân viên trong đồng phục lịch lãm. Nội cảnh mang vẻ trẻ trung, vô trật tự và thiếu sạch sẽ. Đọc bảng giá biểu, Vận hiểu, thì ra đây là một hiệu hớt tóc bình dân. Có lẽ vì vậy nên lúc nào cũng thấy đông khách.

Vận sang đây trọ học đã hơn hai năm. Thời gian chưa đủ để chàng thông thạo ngôn ngữ bản xứ và tường tận tập quán địa phương. Bạn học đồng hương khá đông, nhưng vì tâm tính nhu mì, nhút nhát, Vận không thật sự thân thiết với ai. Nhiều lúc chàng có cảm tưởng sờ mó được nỗi cô đơn. Nó ghê gớm, khủng khiếp đến độ khiến Vận thường xuyên thức giấc giữa khuya, hoảng hốt nhìn quanh phòng trọ im lìm bóng tối. Những giấc mộng ngắn, đồng dạng, chật chội như lòng ống cống, mà chàng không biết vì lẽ gì lại lạc chân vào, để rồi cuống cưồng chạy tìm lối ra. Vận đoán, có thể vì phòng trọ tù túng và tối tăm quá. Diện tích chừng mười tám thước vuông, trần nghiêng một bên, khoét một khoảng trống lắp kính, chỉ có thể mở hé. Hôm nào thời tiết đẹp, nắng lọt vào một mảnh hình học, thoạt đầu méo mó rồi từ từ đều đặn, và biến dạng một cách khó hiểu lên cánh tường đối diện. Những sáng cuối tuần, hoặc những hôm lười biếng tới trường, Vận ngủ tới trưa trờ trưa trật, chỉ tỉnh giấc khi nghe hồi chuông giáo đường gần đấy gióng lễ rộn rã. Lại thấy bóng nắng in trên tường vôi, vẫn dị dạng một cách khó hiểu. Vận quyết tâm tìm cho ra lẽ. Lỗi ở nóc nhà đối diện. Kiểng chân nhìn sang, Vận thấy cái ống khói lò sưởi vô duyên chĩa ngang luồng nắng. Chàng đâm ghét cái ống khói. Đôi khi có con quạ đậu vẩn vơ trên đó. Chàng ghét lây con quạ.

Phòng không có nhà tắm. Mỗi tuần hai lần, Vận tới phòng bạn trong cư xá sinh viên, tắm nhờ. Một bồn nước ở góc phòng, là chỗ Vận đánh răng rửa mặt, vo gạo lặt rau, giặt đồ lót và vớ. Cũng là chỗ cho Vận vạch quần tiểu tiện nửa đêm, vì phòng vệ sinh ở ngoài hành lang. Lạnh và trống. Nơi đó rộng một cách vô lý. Trơ trọi cái bệ sứ, một bóng đèn trần trụi, điện năng thấp, vàng bệch, đôi khi cho Vận cảm tưởng chùi chưa đủ sạch. Sàn lót gỗ lâu cũ, rên xiết theo mỗi bước chân. Thêm điều lạ, không hiểu sao tiếng động trong đó có âm dội, làm Vận lần nào cũng rón rén, sợ người phòng bên nghe được. Để lấn át, Vận tìm cách nghĩ ngợi quàng xiên. Có một cảnh tượng cứ bấu víu tâm trí Vận kể từ ngày sang đây: Những đoàn xe lửa lao vun vút trong đêm. Tiếng bánh sắt nghiến lên đường thiết sầm sập từng chặp băng ngang vòm mắt ảo tưởng Vận. Chàng nhẩm đếm từng toa xe một. Dài như không muốn dứt. Sàn gỗ run bần bật. Ánh lửa kim loại loé chập chờn lên vách. Gió luồn qua ô cửa hẹp, buốt lạnh nỗi chia lìa lớn, hoang mang những trăn trở. Khi đoàn xe tan biến vào bóng đêm nơi góc phòng, Vận cúi mặt xem xét sàn gỗ, tìm những vết đau để lại. Chỉ thấy những sợi lông xoắn, vàng hoe rơi rớt. Vận cười vì ý tưởng so sánh đã cũ, người bản xứ chỉ dùng một từ độc nhất dành cho tóc, râu và lông. Tại sao có sự khác biệt này? Không lẽ dân mình phân chia để định giá, tóc đáng trọng hơn lông? Và để xác định vị trí của mỗi từ? Chợt Vận lờ ngờ hiểu ra triết lý của những sợi tóc.

Vận phân vân có đến vài tháng mới quyết định bước vào ‘‘Triết lý của tóc‘‘. Chàng còn đứng tần ngần thì một trong đám người ngồi đợi lên tiếng nhắc:

– Phải lấy số chờ.

Vận kêu thầm, trời, hớt tóc mà làm như tới bộ lao động làm đơn xin tiền thất nghiệp không bằng. Chàng rút một vé ghi số, tới ngồi vào ghế trống. Bây giờ Vận mới thật sự nhận thức không gian và người vật chung quanh. Tiếng nhạc. Không phải thứ âm nhạc êm dịu mà là loại nhạc thịnh hành kích động. Sáu ghế trước sáu gương lớn vừa. Tường ghim đầy bưu ảnh. Đèn soi loang lổ sáng tối, trông như một sân khấu thoại kịch. Dưới sàn, tóc vụn vương vãi từng nhúm. Đặc biệt, trên tường chỗ ngồi đợi có gắn một máy gọi số. Lâu lâu máy chuyển động phát ra tiếng ‘‘koong‘‘, một người đứng dậy, tới ngồi vào chỗ định vị theo mẫu tự. Vận cảm thấy vui vui. Tiếng kéo xăm xắp, tiếng máy sấy vi vu, giọng người chuyện vãn to nhỏ lẫn với chuỗi cười thú vị tạo nên sinh khí linh hoạt hiếm thấy. Trong giây phút này, Vận quên béng tâm trạng tha hương ray rứt, cái mặc cảm khách trú tới từ tiểu quốc, luôn cả cá tính tù túng canh cánh bên lòng.

Gã thanh niên hớt tóc cho Vận để tóc dài cột túm sau gáy. Hắn thản nhiên ‘‘mày, tao‘‘ với Vận, tự giới thiệu tên Hans. Soi gương, Vận ngượng ngùng nhận ra, tóc chàng dài quá, lấp xấp ngang vai. Hans lia lược chải ngược tóc Vận, nhìn chàng trong gương, hỏi:

– Tới đây lần đầu phải không? Mày muốn cắt như thế nào?

Vận ậm ừ:

– Ngắn.

– Ngắn tới đâu?

– Sao cho được mắt.

Hans xịt nước ướt mỏng tóc Vận, chải tém. Lòng Vận nao nao khi nhìn nhúm tóc đầu tiên vãi xuống khăn choàng. Cảm xúc chia cắt uỷ mị dâng lên. Tóc ơi, râu ơi, lông ơi. Chẳng qua chỉ là những nhân tố di truyền đó thôi, mà sao chúng có điểm gì cá biệt tạo thành bản ngã, tạo nên một Vận không giống như triệu triệu nhân tố khác. Vận liên tưởng tới những vụ án mạng, chỉ cần một sợi tóc, người ta có thể truy ra thủ phạm. Quê hương chàng đang xảy ra một cuộc sát nhân vĩ đại, sao chẳng ai đoái hoài tới chuyện nhặt tóc tìm kẻ giết người?

– Tóc mày dầy và cứng.

Hans lên tiếng gợi chuyện. Vận nẩy nhẹ người, hỏi:

– Khó cắt à?

– Không, chỉ gây cảm giác là lạ. Tóc người xứ tao mỏng, mềm và dợn sóng tự nhiên.

Vận cười:

– Tóc tao là tóc rễ tre.

Rồi Vận vui miệng cho Hans biết xuất xứ và lý do tại sao chàng có mặt tại đây. Hans hỏi Vận có cảm tưởng gì về xứ sở này? Vận thành thật đáp, bất an. Hans cũng thành thật không kém:

– Chính tao cũng không hoàn toàn thích hợp với bản sắc dân tộc tao. Cha mẹ tao có tài sản, đáng lý tao đâu cần làm cái nghề này. Nhưng tao thích vậy, muốn sống tự lập. Mười tám tuổi, tao ra riêng, học nghề. Bây giờ tao tự do, tuyệt đối sống cho mình, miễn sao không va chạm tới người khác.

Vận có cảm tưởng, Hans đang nói hộ chàng những ước muốn thầm kín. Chỉ khác, Hans thực hiện được chuyện đó, chàng không. Ẩn sâu trong tiềm thức Vận, vẫn rành rành đó những tường vách của định kiến, của thói lề, của những nhân sinh quan chẳng biết xuất phát từ đâu mà cứ bám dính lấy chàng như vết chàm bẩm sinh, như những nhiễm sắc thể tạo ra màu da, tóc, mắt và bản ngã.

Lần cắt tóc đầu tiên trong ‘‘Triết lý của tóc‘‘ lưu lại tâm tư Vận nhiều cảm nghĩ êm ả. Hai mươi tuổi, xa quê, hành lý vật chất Vận mang theo không nhiều. Những bộ quần áo thời trang, vài quyển sách chuyên khoa, cái máy nghe nhạc xách tay, chồng dĩa hát lớn nhỏ và chiếc đồng hồ báo thức. Vận có mối thù sâu đậm với chiếc đồng hồ, nhất là vào mùa đông. Trời còn tối mịt mà nó đã nhảy tưng lên, réo inh ỏi. Chàng vói tay mò mẫm đập lên nút tắt. Thường thì Vận ngủ tiếp. Sáng nào có giờ giảng quan trọng, chàng mới đành lòng thức dậy. Thứ ánh đèn vàng hắt tù mù; cái cảm giác tênh hếch, lạnh lẽo nhẫn tâm ấy, ôi, Vận biết chàng sẽ không bao giờ quên. Còn hơn thế nữa, chúng sẽ là mớ hành trang tâm lý quỷ ám Vận suốt đời. Cái tâm trạng trẻ con-người lớn. Hội chứng lẩn tránh đám đông. Phản ứng thái quá trước những biểu tượng chia ly: sân ga và những chuyến tàu, bảng hiệu đến đi ngoài phi trường, những chiếc va-ly, màu xanh những phong thư hàng không. Ngay cả tiếng chuông xe điện cũng khiến chàng bồi hồi xúc động. Vận tưởng chàng là con chó của Pawlow. Sáng lập đông đầu tiên nơi đất khách, Vận nằm dỏng tai nghe tiếng xe điện kéo chuông ngoài đại lộ. Lá thư thứ nhất của cha chàng. Dòng nước mắt ngắn dài trên gò má thanh xuân. Hương phố xá đằm đằm, lạ lùng như bàn tay của chính chàng vuốt lên phần thịt da sâu kín. Phòng trọ vàng thếch. Tuyết bám trên mái nhà, trên bệ ống khói lò sưởi. Con quạ đen đậu vẩn vơ. Cũng con quạ của hôm qua, tuần trước và đôi khi theo đàn đập cánh xoành xoạch xéo ngang giấc mơ Vận?

Thỉnh thoảng, sau giờ học, Đoán theo về cùng Vận. Một hôm, Đoán bảo:

– Bữa nay tao làm bánh cuốn chả lụa cho mày ăn.

Vận hớn hở. Cả hai ghé ngang siêu thị mua thực phẩm. Bánh cuốn là thứ mì khô sợi lớn nhập cảng từ Ý. Chả lụa là loại xúc-xích thịt xay mịn của dân bản xứ. Chỉ có chai nước mắm là chính hiệu Việt nam, Đoán đặt mua từ một nơi cách đây vài trăm cây số. Vậy mà ngon. Ngon quá chừng. Ăn xong, cả hai ngồi uống trà, hút thuốc. Vận mở nhạc. Đoán hỏi, vẻ mặt nghiêm trang:

– Mày có đi chơi gái lần nào chưa?

Vận cười ngỏn ngoẻn:

– Chưa.

Đoán không nói thêm lời nào. Mặt Vận nóng bừng. Chàng có cảm tưởng như kẻ phạm tội, đang bị hỏi cung trước toà. Cái tội đã hai mươi mà vẫn chưa ‘‘chơi gái lần nào‘‘. Cũng may, quan toà Đoán không thẩm vấn thêm gì. Tàn điếu thuốc, Đoán ra về. Buổi viếng thăm mặn mà với món ăn quê hương vá víu, nhưng nhạt nhẽo vì cả hai dường như không có chuyện gì để nói với nhau. Mấy tách trà làm Vận mất ngủ. Chàng nằm ôm bóng đêm, lắng tai nghe tiếng chân về muộn nghiến lên sàn gỗ của người ở trọ phòng bên. Chưa một lần chạm mặt nhau. Không biết phái tính, nhưng tiếng chân gọn, mạnh, dứt khoát, đượm nam tính. Rồi tiếng cửa mở đóng, tiếng nước chuyển vận xàn xạt trong ống sắt giấu chằng chịt giữa tường vôi. Lát sau, lại nghe cửa mở, âm thanh những bước chân nhẹ hơn, có lẽ đã thay dép nỉ, mất hút vào hướng phòng vệ sinh. Vận không thể không tưởng tượng. Căn phòng lạnh và trống, rộng một cách vô lý. Bóng đèn không chụp, điện năng thấp, soi ánh sáng già nua. Đoàn xe lửa nửa đêm trong hoang tưởng Vận vùn vụt băng ngang làm ngọn đèn lao chao. Tiếng nước dội như thực tế phũ phàng cuốn phăng những giấc mơ chàng vào cống rãnh xú uế. Vận không vặn đồng hồ báo thức. Nó cũng không nhắc, thản nhiên nhích từng đoạn thời gian.

Mùi mồ hôi vướng trên chăn gối chưa thay. Những sợi tóc dài thời đại flower power đen nhánh rụng trên gối. Vài sợi lông xoắn rơi trên chăn. Lâu lâu Vận gom nhặt, kẹp giữa ngón trỏ và ngón cái, giơ lên săm soi như người loạn trí, rồi vất vào giỏ rác. Thể xác trai tơ thỉnh thoảng ứa ra những vết mộng ẩm ướt. Bàn tay giấu giữa hai đùi khép, tìm hơi ấm. Đôi mươi, chưa từng chơi gái, cũng chưa biết tự tìm cảm giác. Nhiều khi Vận có ý tưởng khôi hài, hai bàn tay không thuộc cơ thể chàng. Cả những biến động thời sự bên ngoài, Vận cũng không quan tâm. Chẳng hiểu tại sao, chàng không nghĩ tới chuyện sắm một cái vô tuyến truyền hình. Những tin tức, vì vậy, Vận chỉ nghe được từ người khác.

Hans hỏi:

– Mày nghĩ sao về mấy cuộc biểu tình ở Bá-linh của thanh niên xứ tao?

Vận ngơ ngác nhìn bóng Hans trong gương:

– Biểu tình gì?

Hans ngưng tay cắt, vẻ mặt ngạc nhiên:

– Mày không biết thật à?

– Không.

– Họ xuống đường phản đối cuộc viếng thăm của quốc vương Ba-tư. Nhân thể căng biểu ngữ chống Mỹ tham dự vào chiến tranh Việt nam; giương ảnh Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh; nắm tay nhau cùng hô khẩu hiệu: ‘‘Hô… ô… Hô… ồ…‘‘

Vận ngắt:

– Thật không?

Hans buông kéo, cười lớn, năm ngón tay bôi kem thành dòng lên tóc Vận, thoa đều.

– Mày giống như người tới từ hành tinh khác, chẳng biết gì cả.

Hans rà máy sấy quanh tóc Vận, lớn giọng át tiếng máy:

– Một đứa biểu tình bị xe vòi rồng của cảnh sát cán chết thê thảm. Cả thế giới đều lên án Mỹ và đồng minh.

Vận kêu lên:

– Bất công.

Rồi cố gắng giải thích bằng vốn liếng tiếng bản xứ hạn hẹp:

– Tại sao chúng mày không phản đối chuyện Nga-Sô và Trung Cộng tiếp tay Bắc Việt xâm lấn miền Nam?

Hans tắt máy, niểng đầu lắng tai:

– Vậy sao?

– Thì ra chúng mày cũng giống như tao: chẳng biết gì còn bày trò chống đối. Chúng mày thiếu công bằng, chỉ quan tâm tới thảm trạng của Bắc Việt, còn cái chết của người dân miền Nam, chúng mày chẳng đếm xỉa gì tới. Tại sao? Chiến tranh xảy ra trực tiếp ở miền Nam, không phải ở miền Bắc. Hiểu không?

Nhát lược trong tay Hans khựng lại, vấp váp trên tóc Vận. Chàng có tật xấu, mỗi khi nôn nóng lại nói lắp. Chẳng biết Hans hiểu được bao nhiêu phần trăm lời Vận nói, Vận chỉ cảm thấy điềm chẳng lành, những tai ương khắc nghiệt xảy ra trên quê hương chàng đang hiện hữu sờ sờ, bằng cảm giác truyền sang từ những nhát kéo bén ngót của Hans, cắt lìa từng nhúm tóc chàng. Đành đoạn, không thương tiếc. Vô trách nhiệm. Tự dưng Vận thấy hối hận. Chàng đâm thù, ghét cay ghét đắng bản ngã mình. Cái gì đã tạo ra nó? Những tế bào di truyền của tóc, của râu, của lông, của những dây nhiễm sắc hình xoắn của ai đã lưu lại trong chàng những bản tính lạ lùng đó? Hoang tưởng Vận loé lên đôi cánh đen đủi của con quạ thường xoạc ngang giấc mộng vô sắc. Và cái đốm đen ủ rũ, quạnh quẽ đậu trên ống khói lò sưởi nóc nhà bên kia. Những bóng đen lạnh lùng chém phăng luồng nắng, in bóng trên tường vôi phòng trọ, dị dạng một cách khó hiểu. Bóng ảnh âm thầm vỡ ra những đe doạ vô cớ.

Sau lần hớt tóc đó, tâm trạng Vận trở nên bất an. Ý nghĩ chàng không còn minh mẫn như trước. Vận trốn học thường xuyên. Không làm gì, đi đâu, chỉ lê la quanh quẩn trong phòng. Chàng bó gối ngồi rình cái bóng nắng méo mó trên vách, chờ nghe tiếng chân người phòng bên đi về, đôi khi không phải của một mà hai. Sau đó, văng vẳng bên kia tường chắn là tiếng đàn bà rên rỉ chằm chặp, lâu lâu lại gào lên như tiếng mèo dâm hoang. Vận hoang mang nằm gấp lưng hình chữ V, hai tay kẹp chặt giữa đùi. Chàng trấn áp cảm xúc bứt rứt bằng cách nghĩ ngợi những điều chẳng ăn nhập vào đâu. Đúng rồi, chính nó là mầm mống của những cuộc nổi loạn ở Bá-linh, Hoa-thịnh-đốn hay Ba-lê. Tóc của chúng nó dài quá. Phải cắt, phải hớt, phải cạo nhẵn những sợi nhiễm thể dấy loạn. Chúng nó, những kẻ may mắn được sinh sống tại một đất nước an bình thịnh vượng, nghe nhạc rock, hút cần sa và nghênh ngang xuống đường kêu gọi ‘‘make love, not war‘‘. Vận kêu thầm, ôi, những lỗ đít trí thức của cái bao tử bội thực, rồi cười hinh hích một mình, nhất định sẽ nói cho Hans nghe trong lần gặp gỡ tới.

Vận tự giam mình trong phòng tới ngày thứ ba thì buổi chiều, nghe tiếng chuông reo. Chàng bấm nút mở cửa. Đoán vừa bước vào đã quạt tay lia lịa, ồn ào:

– Khỉ ơi là khỉ, tao tưởng mày treo cổ tự vận chết rồi. Sao không đi học? Mở cửa ra mau, rộng hết ra. Hôi quá. Trời đất, làm gì mà không chịu rửa chén dĩa thế này?

Vận ngồi co rúm trên giường, nhìn Đoán, cười méo xệch:

– Buồn đời, nằm nhà, gãi dái.

Đoán tới ngồi ở mép giường. Vận luống cuống đẩy chân che cơn mộng ẩm ướt còn loang dấu trên nệm. Đoán nhìn Vận dò xét:

– Thất tình à?

Vận lắc đầu:

– Được vậy cũng đỡ.

Đoán ân cần:

– Có bệnh hoạn gì không?

– Không.

– Thế sao không đến trường?

Vận xua tay:

– Tự dưng tao thấy chán, không muốn tiếp xúc với ai.

Đoán chau mày:

– Vậy là bệnh rồi, bệnh khùng.

Cả hai bật cười. Tiếng cười khô, không cảm xúc, như vay muớn. Và lạ lùng thay, vang di như thể có nhiều người cùng góp tiếng phụ hoạ.

Đoán nghiêm mặt:

– Bệnh khùng, chữa như thế nào nhỉ? Ừ, lấy độc trị độc. Ghét đám đông thì phải nhập vào đám đông. Ghét cái lạnh thì phải đi tìm cái lạnh. Ghét đi học thì phải đi học. Ghét rửa chén thì bắt rửa chén. Ghét tắm thì phải đi tắm. Tới nhà tao tắm rửa rồi tao nấu cơm cho ăn. Mày không ăn mấy ngày rồi?

Vận pha trò:

– Cầu tiêu chưa đến nỗi nhện giăng.

– Đi!

Tới chỗ trọ của Đoán trong cư xá sinh viên, tắm và ẩm thực xong, hai người ngồi ngắm chiều tà bên khung kính rộng. Phòng trọ ở tầng tám. Hôm nay trời trong, thái dương đỏ ối một vầng chìm xuống lưng cao ốc đối diện. Da trời sưng lên. Vết thương ngày gây cảm giác ấm sốt, rưng rứt khó tả. Vận nhớ tới lời tâm sự của cô bạn đồng môn, giống cái độc nhất giữa bầy đực rựa nhốn nháo, háo động: Chiều nào Thục cũng thấy buồn. Khổ rồi, vì trong giây lát này, Vận đang cảm thấu tâm trạng u uất định kỳ của đứa con gái.

Đoán đưa cho Vận điếu thuốc, xoè diêm, tay run run. Vận nhướng mắt nhìn bạn, thều thào:

– Lạnh à?

– Không, tật bẩm sinh.

Vận cười khẽ. Tiếng trẻ con đùa giỡn dưới sân chơi vọng lên. Hơi thuốc ngầy ngật, lãng đãng. Sắc trời đậm dần, bầm tím. Vận lửng lơ so sánh hai đời sống, hai mệnh nước, nơi đây và ở quê hương chàng. Tạo hoá bất công. Gã triết gia kia có lý phần nào khi gào lên, thượng đế đã chết. Trần gian này đang bị vài kẻ điên khùng thống trị. Chúng dựng lên những chủ thuyết có -ism ở cuối. Khó tưởng tượng nổi, những hệ thống chất xám rối loạn kia có thể sáng tạo ra những triết lý làm biến dạng diện mạo thế giới. Căn phòng, chỗ ngồi, bàn viết và những trang chữ dập xoá nhem nhuốc của Engels, Marx, Mao, … được mấy thằng cuồng danh hoán đổi thành nghĩa trang, nấm mồ của bao triệu nhân mạng. Đất nước Vận cũng không thiếu những bộ óc quẫn trí tương tự thế.

Vận giật mình thấy ra chất xám của chàng cũng đang bấn loạn. Nhưng đó chỉ là những dông bão trong vũng nước di sản sau nhiều cơn mưa nhiễm thể. Chàng sật sờ nhớ lại chiều nào những năm trước, chàng cắm cúi lau rửa thân thể ông nội. Không hiểu sao, cảnh tượng ấy đôi lúc lại hiện ra trong tâm tưởng chàng, rất bất chợt. Ông nội Vận, một cụ già phương phi, đã có thời hét ra lửa tại một làng quê Nam kỳ, đang nằm lả người trần truồng trên giường. Ông vừa đái dầm ra quần. Má kêu Vận rửa ráy và thay quần cho ông. Ông nội già khụ, da mồi tóc bạc, chất xám teo tóp nghễnh ngãng. Nhúm lông dưới bụng ông bạc trắng. Vận vừa lau vừa ngắm nghía bộ phận gây giống eo xèo, nhăn nhíu, xám ngoét của ông nội, chợt thấy ra cái mỏng manh, vô cùng mỏng manh của sự sống. Lưng tay Vận hồng hào, sởn sơ sinh lực cầm khăn ướt lướt trên phần da thịt tàn tạ, đợi chết. Bỗng ông nội nấc lên rấm rứt. Vận luống cuống ngừng tay. Hai trỏm mắt đục lờ của ông lem luốc nước mắt. Vận gọi nhỏ: ‘‘Nội, nội…‘‘, rồi không biết phải nói gì. Chàng không hiểu lý do tại sao ông khóc. Có lẽ vì vậy mà hình ảnh ấy ghim chặt vào tâm tưởng chàng, lâu lâu lại lên cơn như chứng bệnh dị ứng bất trị.

Mẩu tin ban sáng qua máy phát thanh làm Vận cất tiếng cười khan. Đoán ngó sửng chàng, cộc lốc:

– Cười gì?

– Mày biết không, ở thành phố Nữu ước có bác sĩ phân tâm chữa bệnh cho chó.

Đoán trợn mắt. Vận cười thành tràng, tiếp giọng:

– Chó ở đó hiếm có dịp tiếp xúc với đồng loại, sống chung chạ với người riết rồi cứ tưởng là người, thái độ không còn thuần chó nữa.

Đoán cười lớn:

– Nên được chủ dẫn tới bán sĩ phân tâm để chữa trị chứ gì?

– Đúng y. Bản tin bắt tao nghĩ tới chuyện tụi mình sống xa tổ quốc, không còn cơ hội giao tiếp với người đồng chủng.

Đoán kêu trời:

– Trời đất, mày ví von nghe nhục nhã.

Vận khổ sở giải thích:

– Không phải vậy, chỉ giông giống thôi, theo nghĩa bóng, hiểu chứ?

Đoán lặng thinh vài giây rồi khẽ gật:

– Trong đám tụi mình cũng có vài trường hợp bị khủng hoảng tâm thần.

– Đó, đúng đó.

Rồi cả hai đồng loạt rơi vào khoảng trống của ngờ vực, của những con chó xa đất cũ, mất dấu những gốc cây và lùm bụi thân thuộc, đầy kích thích tố quen hơi. Chúng trở nên lạc lõng, bị tha hoá trong xã hội của một giống thú khác với nhiều lỗ đít tiêu chảy vì dâm thực.

Khuya, Vận đem ý tưởng hậm hực đó trở lại phòng trọ, có cảm giác như người tiền sử tìm về hang động sau một cuộc hành trình truy tầm bản ngã. Căn phòng ngộp ngụa hơi người của những ngày ý thức chàng xấp ngửa trăn trở. Vận lúi cúi rửa dọn, lau bụi, đổ rác; cố gượng nhẹ để không gây tiếng động lớn. Lúc rửa mặt, đánh răng, Vận ngẩng đầu soi gương, bất thần nhận ra đã mấy hôm liền chàng không cạo râu. Những sợi nhiễm thể cứng, đâm tua tủa trên mép, dưới cằm. Và tóc chàng dài quá. Trông Vận như một kẻ man rợ. Chưa lần nào Vận thố lộ cùng Đoán chuyện chàng lâu lâu lại vào cầu tiêu, ngồi khóc tỉ tê như một con đàn bà bị tình phụ. Đoàn xe lửa không tưởng lại xuyên tường băng ngang tầm mắt Vận, xầm xập xầm xập. Hết chuyến này tới chuyến khác. Những toa xe sáng đèn quệt thành vết lân tinh dài ngoẵng, rơi rớt trên sàn gỗ đầy lông tóc ký ức góp nhặt từ muôn kiếp nào. Những chuyến tàu của đời người, không biết khởi hành từ đâu, và trạm cuối là nơi nào?

*

Giờ đây, sau gần 30 năm, nhớ lại ngày tháng thanh xuân, lòng Vận bồi hồi không ít. Sau cơn chấn động tâm lý lần ấy, Vận trở lại ‘‘Triết lý của tóc‘‘, nhờ Hans cạo sạch mớ tóc đựng đầy nhiễu nhương thời đại. Hans ngạc nhiên hỏi, thật không, rồi lẳng lặng làm theo ý Vận. Chàng nói với Hans: ‘‘Tóc của mày cũng dài quá, cắt đi là vừa!‘‘ Vận dửng dưng nhìn Hans nhắp kéo vào mớ tóc rậm. Từng nhúm tế bào hữu cơ vung vãi xuống khăn choàng. Vận thầm thì như tụng kinh:

– Chúng mày muốn thay đổi bộ mặt thế giới ư? Tốt, nhưng đừng hoán chuyển những xác người bằng chủ nghĩa này hay triết lý nọ. Có bao giờ chúng mày trực diện với cái chết? Thế giới đang được một nhóm người điều khiển. Phân nửa là những thằng quẫn trí, ẩn ức dục tình, mặc cảm tự ti. Còn nửa kia xung phong đứng ra quét dọn những rác rưởi chủ nghĩa. Nếu mỗi người biết tự xét, tự thanh tẩy bản ngã, có lẽ… có thể…

Không biết Hans có nghe và hiểu hết những gì Vận nói, chỉ biết sau lần cạo đầu đó, Vận không còn dịp trở lại ‘‘Triết lý của tóc‘‘ nữa. Chàng bỏ trường, dời sang tỉnh khác, chấn chỉnh lại cuộc sống. Thời cuộc trên quê hương chàng thay đổi lớn. Vận biết, từ đấy tóc chàng đã thật sự rụng lìa thịt da bản sắc. Đám người đã có thời xuống đường nghênh ngang hoan hô đả đảo, giờ cũng nhăn da bạc tóc. Tên thủ lãnh, nghe tin, sau một cơn say ma tuý, ra dầm mình xuống hồ bơi, chết đuối. Nhóm tả khuynh bạo động, đã từng bắt cóc thủ tiêu vài nhân vật tư bản nắm trong tay vận mệnh chính trị và kinh tế toàn cầu, phần bị bắt giam, phần bị nội phản, tự động giải tán.

Một lần, có dịp trở lại thành phố cũ, Vận tạt ngang con đường có tiệm hớt tóc mang bảng hiệu ngộ nghĩnh. Tất cả đều thay đổi. Vận tần ngần đậu xe, ngắm nhìn khung kính dán tấm quảng cáo, sẽ khai trương tại đây thẩm mỹ viện… Chàng nhếch cười lơ đãng. Trụ đèn chếnh choáng phủ xuống lòng đường lớp ánh sáng vàng tái, thứ màu vàng đã thẩm thấu tận cùng tâm tưởng Vận, của phòng vệ sinh lạnh, rộng một cách vô lý. Và bóng đèn trần, điện năng yếu lao chao soi bóng chàng ngồi rình chuyến xe lửa thời gian vút ngang, loé lên những lằn roi sáng quắt như ánh thép khi Hans lia kéo xắp tóc chàng. Vận kêu thầm, tóc ơi.

(4.2000)

bài đã đăng của Ngô Nguyên Dũng

2 Comments (Open | Close)

2 Comments To "Triết lý của tóc"

#1 Pingback By Tạp chí Da Màu – Văn Chương Không Biên Giới » Dịch thuật: sáng tạo hay kỹ xảo của ngôn ngữ và hoàn cảnh ra đời của một tác phẩm bằng tiếng bản xứ On 21/03/2012 @ 12:03 am

#2 Pingback By Tạp chí Da Màu – Văn Chương Không Biên Giới » Hai Hướng Nhìn của Janus: Da Màu phỏng vấn nhà văn Ngô Nguyên Dũng On 23/03/2012 @ 12:03 am

[…] ý ông. Và đó là nguyên nhân ra đời của những “Die Philosophie der Haare”(“Triết lý của tóc”), “Frühstück in New York”(“Điểm tâm ở Nữu ước”), v.v… Coi như một […]