Đỗ Lê Anh Đào
Họa sĩ, nhà văn Khánh Trường đã viết và vẽ không ít từ nhiều thập niên. Qua quá trình đó, ông hãnh diện và hài lòng nhất những tác phẩm văn chương và hội họa nào? Hay là giai đoạn sáng tác nào đáng nhớ nhất của ông?
Như tôi đã có lần trả lời Y Sa trong chương trình Văn Học Nghệ Thuật của Radio VNCR cách đây không lâu, rằng tác phẩm ưng ý nhất của bất cứ nghệ sĩ nào, mãi mãi sẽ là bức tranh (hay bản văn, ca khúc…) sẽ ra đời trong tương lai. Bởi chưng, tôi nghĩ, nghệ sĩ là kẻ luôn phủ nhận chính mình, để dấn thân vào những thử thách mới. Hắn không bao giờ bằng lòng với thành quả vừa đạt được. Nói cách khác, bằng lòng là dừng lại, là chết, là cạn kiệt nguồn sáng tạo. Có thể ví von: nghệ thuật là loại đường đi không đến, và người nghệ sĩ là kẻ luôn luôn trên đường, hắn đi mãi, đi hoài, cho đến ngày xuôi tay, trong khi đích đến vẫn mịt mù, thăm thẳm. Tuy nhiên, nếu buộc phải trả lời cụ thể câu hỏi của cô, tôi sẽ không ngập ngừng: bức tranh gây xúc động lớn trong đời là bức tranh tôi bán được lần đầu tiên. Nhờ (hay bị) sự cố này, tôi quyết định chọn hội họa, như một nghiệp dĩ, đến hôm nay.
Và giai đoạn sáng tác đáng nhớ nhất là ngày tôi đã tập cầm cọ lại được sau bạo bệnh. Đáng nhớ, vì chưa bao giờ trong đời tôi cực nhọc như thế nhưng vui như thế khi vẽ hoặc viết. Cô cũng biết tôi bị stroke 3 lần, đưa đến hậu quả tay chân chỉ sử dụng được khoảng 30%. Chân đi đứng nghiêng ngã, phải ngồi xe lăn; tay vụng về, cầm nắm vật dụng nếu thiếu chú tâm, sẽ rơi, đổ; tệ hơn, không viết được, chỉ có thể gõ chữ trên phím computer bằng một ngón duy nhất của bàn tay phải,, chữ dược chữ mất vì không làm chủ được tứ chi. Giọng nói ngọng nghịu, phát âm khó khăn. Mắt lưỡng thị, chỉ nhìn và nhận biết mọi sự vật qua một… màn sương, và chỉ đọc được chữ trên màn hình computer với điều kiện phải phóng lớn chữ thành tối thiểu size 14. Chưa hết, hơn một năm trước tôi lại bị thêm bệnh ung thư thanh quản và loét bao tử. Sức khỏe đã sa sút càng tệ hại trầm trọng, có thể “lên tàu” bất cứ lúc nào. Hầu hết mọi người đều cho rằng tôi có một nghị lực phi thường, mới có thể khắc phục được nghịch cảnh để cầm cọ, cầm viết lại. Riêng tôi, thật thà bộc bạch với cô, tôi hiểu mình hơn ai hết, tôi chỉ là một người bình thường như tất cả những người bình thường khác. Không chừng còn tệ hơn nữa kia. Cô hẳn biết, bọn nghệ sĩ vốn nhạy cảm, yếu đuối, dễ đầu hàng, buông xuôi. Nhưng hoàn cảnh đã du tôi vào thế không còn chọn lựa nào khác, nếu muốn thoát khỏi tâm trạng trầm uất có nguy cơ dìm chết tôi trong tuyệt vọng. Nói cách khác, tôi chưa thể chết ngay được (ở xứ sở y khoa tân tiến vào bật nhất này, chết, không dễ), nghĩa là tôi vẫn phải tiếp tục sống, mà đã sống thì dù muốn dù không phải bằng mọi giá thích nghi với đời sống. Đối với một nhà văn, một họa sĩ, còn con đường nào khác hơn vẽ và viết? Người xưa nói: thế cùng tất biến. Tôi nghĩ, bất cứ ai bị du vào hoàn cảnh tương tự cũng sẽ phải làm như tôi mà thôi. Vì thế, chả có gì đáng hãnh diện cả!
Triển lãm Phục Sinh xong rồi, ông sẽ tiếp tục vẽ và viết chứ? Hay ông tính nghỉ một thời gian?
Tiếp tục chứ. Dù, như mọi lần, khi đẩy chiếc xe lăn đến trước màn hình computer hay giá vẽ là tôi hiểu mình lại sắp vật lộn với vô vàng khó khăn, cực nhọc. Nhưng nếu không vẽ và viết, tôi biết dùng thời gian để làm gì? Nhất là chứng trầm uất chắc chắn sẽ tái phát nếu tôi không hướng suy nghĩ của mình đến những mục đích tích cực. Hiện tôi đang vẽ một loạt tranh mới, có lẽ sẽ triển lãm cuối năm nay. Riêng viết, tôi đã hoàn tất phần đầu của cuốn hồi ký. Nhưng tôi đang phân vân tự hỏi có nên tiếp tục hay không? Khi mới khởi sự, tôi rất hăm hở, song càng viết tôi càng bị cuốn vào dòng sự kiện, những sự kiện liên quan đến văn học nghệ thuật thì ít mà dây mơ rễ má đến bản chất, cá tính, những mặt tiêu cực của giới văn nghệ sĩ thì lại quá nhiều. Có nên chăng? Ích lợi gì cho văn học sử? Có lẽ tôi sẽ viết lại, khởi đi từ một hướng khác.
Nhìn vào phong trào hội họa và văn chương VN bây giờ ở hải ngoại nói chung, Hoa Kỳ nói riêng, ông có cảm nghĩ gì? Ông thấy những nhà văn, thơ và họa sĩ trẻ ở đây đang thành công và thất bại thế nào?
Về văn chương, không có những thành tựu và những bứt phá ngoạn mục như những thập niên 80s, 90s của thế kỷ trước, với những Lê Thị Huệ, Vũ Quỳnh Hương, Phan Thị Trọng Tuyến, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Thế Giang, Đỗ Kh., Ngô Nguyên Dũng, Ngọc Khôi, Trần Vũ, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Ý Thuần, Cao Xuân Huy, Nguyễn Thị Thanh Bình… và rồi Lê Minh Hà, Lê Thị Thấm Vân, Mai Ninh, Miêng, Phạm Hải Anh… 30 năm sau 1975, thế hệ thứ nhất đã và đang theo nhau đi vào tịch lặng. Thế hệ một rưỡi, vì nhiều lý do, khách lẫn chủ quan, cũng lần lượït buông viết, hay chỉ sáng tác cầm chừng, thiếu hào hứng. Thế hệ tiếp theo chỉ là những cố gắng đơn lẽ, không tạo thành phong trào, mất hẳn không khí sôi nổi, từ người viết lẫn người đọc, vốn là những yếu tố tối cần thiết cho sinh hoạt văn học. Hơn 10 năm trước, trong một trả lời phỏng vấn, tôi tiên đoán đến một ngày nào đó văn học VN hải ngoại sẽ nhập vào dòng chính tại quê nhà, nếu có nhà văn VN hải ngoại nào còn muốn sử sụng ngôn ngữ Việt như một phương tiện để chuyên chở tư duy. Lúc đó cụm từ “nhà văn hải ngoại” hay “văn chương hải ngoại” sẽ không còn nữa, thay vào đó, duy nhất, một cụm từ, “nhà văn VN”, khác chăng, chỉ địa chỉ cư trú. Và do địa chỉ cư trú, những nhà văn VN sống ngoài quê hương, chịu tác động bởi giáo dục và môi trường văn hoá bản địa, sẽ mang vào văn chương Việt những sắc thái đặc biệt, làm phong phú, đa dạng thêm cho văn học VN. Hình như Đỗ Lê Anh Đào và các bạn cùng thế hệ đang làm công việc này. Với tư cách là người của những thế hệ trước, tôi vui và mong các bạn tiếp tục “chân cứng đá mềm”.
Riêng lĩnh vực hội họa, hiện có khá đông họa sĩ trẻ VN ở khắp nơi trên thế giới. Họ có những thành tựu. Tuy nhiên, đó chỉ là những thành tựu nhỏ, cục bộ, chưa đạt tầm vóc toàn cầu. Ngôn ngữ hội họa vốn vô biên giới. Nó biểu trưng cho cái đẹp. Đứng trước cái đẹp, ai cũng có thể cảm được, dù là người Âu, Á, hay Phi châu. Đó là ưu thế của hội họa. Đó cũng là khó khăn của hội họa. Vì là ngôn ngữ vô biên giới nên thành tựu của hội họa phải là thành tựu của nhân loại, không riêng cho chủng tộc nào. Chức năng này xem ra quá lớn, một họa sĩ nếu tài năng không xuất chúng, sẽ mãi mãi không vượt thoát được vòng đai cộng đồng của mình, hay lớn hơn, biên giới quốc gia đã khai sinh ra mình.
Ông có lời khuyên gì với những họa sĩ trẻ đang còn miệt mài trên con đường sáng tác?
Tôi không dám “khuyên”, chỉ góp ý thôi. Thứ nhất, phải sáng suốt để nhận biết mình thực sự có tài hay không. Có tài, hãy kiên trì theo đuổi, bất chấp khó khăn. Ngược lại, hãy chọn hướng đi khác để khỏi lãng phí thời gian. Thứ hai, khi đã quyết định chọn hội họa như một nghiệp dĩ thì phải vẽ, vẽ, và vẽ. Không có tài, dù vẽ suốt đời cũng chỉ để… vất đi. Có tài mà không rèn luyện, cũng vất đi.
TRIỂN LÃM PHỤC SINH
Ông có cảm nghĩ gì về triển lãm Phục Sinh vào ngày 4/2 vừa qua? Ông có bằng lòng với kết quả không? Điều gì làm ông hứng thú nhất về cuộc triển lãm?
Về mặt nghệ thuật, như đã nhiều lần nói, tôi không bao giờ hài lòng với những gì đã làm xong. Luôn luôn tôi vẫn hy vong mình có thể làm tốt hơn. Gần 40 năm nay tôi vẫn nghĩ vậy mỗi lần đứng trước khung bố. Thế mà, cũng gần 40 năm nay, khi vừa buông cọ, tôi lại thất vọng! Tôi cho rằng kinh nghiệm này không chỉ đến với cá nhân tôi, mà có lẽ với tất cả những nghệ sĩ khác, mọi nơi, mọi thời đại.
Điều làm tôi hứng thú và cảm động nhất là tấm lòng của mọi người đối với cá nhân tôi, từ đồng nghiệp, các họa sĩ, nhà văn, nhà báo, đến các cơ sở truyền thông. Đặc biệt là các họa sĩ Nguyên Khai, Nguyễn Đình Thuần, Nguyễn Việt Hùng, Ann Phong, Dương Ngọc Sum, điêu khắc gia Dương Đình Hùng. Và những anh chị em trẻ thuộc hội Văn học nghệ thuật Việt Mỹ VAALA, nhất là Đỗ Lê Anh Đào, tạm gác lại công việc riêng, để từ Las Vegas về quận Cam, cùng với Y Sa thường trực trông coi phòng triểm lãm suốt 2 ngày mở cửa. Những tấm lòng này mãi mãi tôi khó quên.
Khách thưởng ngoạn có chia sẻ những suy nghĩ gì về gì về cuộc triển lãm của ông? Chắc là có rất nhiều bạn bè văn hữu và nghệ sĩ đến thăm? Họ nói cảm tưởng của họ về cuộc triển lãm ra sao?
Tôi may mắn được nhiều anh em trong giới văn nghệ thương mến, không phải vì tài năng, mà có lẽ vì, nói theo ngôn ngữ giang hồ, tôi… chịu chơi, sống và đối đãi hết mình với bằng hữu. Nhờ vậy, như nhiều lần triển lãm khác, anh em tham dự, hưởng ứng khá đông, họ rộng lượng bỏ qua nhiều nhược điểm, ắt hẳn không ít, trong giao tế cũng như trong nghệ thuật. Cho nên qua dư luận, từ gặp gỡ trực tiếp đến báo chí, truyền thông, đều tốt đẹp, khích lệ. Đối với một nghệ sĩ, đó là phần thưởng quý giá nhất, tạo hưng phấn giúp tôi tiếp tục làm việc, dù bây giờ, sau bạo bệnh, nhiều lần chết đi sống lại, và ngày chạm mặt với hư vô hẳn không còn xa, tôi thấy rất rõ sự phù du, giả ảo của mọi thứ, mọi điều.
HỢP LƯU
Hơn 15 năm trước ông đã thành lập HL, sau đó HL trở thành một trong vài diễn đàn văn học uy tín và giá trị nhất ở hải ngoại. Làm HL trong một thời gian thật lâu như vậy, ông có thể chia sẻ những trở ngại lớn nhất, những bài học quý giá nhất, và những niềm vui đáng nhớ nhất trong quá trình HL?
Nhiều lần, đó đây, suốt 15 năm qua, tôi đã nói đếân lý do, động lực thúc đẩy tôi khai sinh tập san Văn học nghệ thuật biên khảo HL. Tuy vậy tôi nghĩ cũng nên nhắc lại, vì có hiểu lý do, động lực ra đời của HL mới thấy được vô vàng trở ngại, khó khăn HL đã gánh vác suốt quá trình tồn tại.
15 năm trước, quan hệ giữa trong và ngoài không như bây giờ. Ngày ấy, thái độ của người Việt chống cộng ở hải ngoại rất cực đoan. Các văn phòng bán vé máy bay về VN, các chợ bày hàng lương thực có xuất xứ từ VN bị biểu tình, tẩy chay. Nhất là báo chí, sách vở, nếu “của Việt Cộng” tất nhiên không thể lưu hành đã đành, ngay cả sách báo của “người Việt Quốc gia” khi nhắc đến các nhân vật trong nước, không loại trừ giới văn nghệ sĩ, mà không kèm theo thái độ bỉ thử là lập tức bị chụp lên đầu một cái nón cối! Trong môi trường ấy bỗng nhiên xuất hiện một tờ báo, chỉ cái tên thôi, đã “không thể dung thứ”, nói chi đến nội dung “cực kỳ phản động”
Tôi xuất thân là một người lính của miền Nam, trong một binh chủng “nhiều nợ máu với nhân dân”, binh chủng Nhảy Dù. Với “sơn yếu lý lịch” này, lẽ ra tôi phải “căm thù sâu sắc” chế độ hiện tại ở VN.Khổ nỗi, sau tháng Tư 1975, tôi sống 10 năm dưới chế độ Cộng sản, đã trải qua nhiều tình huống, đã thấy trong chế độ ấy rất nhiều tiêu cực về mặt xã hội, kinh tế, nhân quyền, song trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, nếu bình tâm đãi lọc, thì giữa đống đá sỏi lổn nhổn thượng vàng hạ cám, vẫn có thể tìm thấy những hạt kim cương. Các thể chế chính trị rồi sẽ qua đi, nhưng văn học nghệ thuật sẽ còn tồn tại dài lâu, nhiệm vụ của chúng ta hôm nay là phải tìm cách bảo tồn, xiển dương những giá trị kia, không phân biệt phe phái, chính kiến. Một tác phẩm có giá trị thực sự sẽ nằm ngoài, nằm trên mọi chế độ. Nó không còn là của Quốc gia hay Cộng sản. Nó là gia tài văn hóa chung của dân tộc. Quan niệm như thế, vào thời điểm ấy, là không thể chấp nhận. Vì thế, suốt 3 năm đầu, HL trở thành vùng “oanh kích tự do” không chỉ của nhiều tờ báo, cơ sở truyền thông ở hải ngoại, mà cả ở VN. Còn nhớ hơn 10 năm trước, lần đầu về nước, tôi đã bị công an văn hóa gọi lên “làm việc” tổng cộng 14 ngày, từ Nam ra Bắc. Nhưng có lẽ nhờ đi đúng hướng và nhất là tôi đã theo đuổi mục đích bằng tất cả thiện tâm, nên dần dần HL trở thành điểm hội tụ của mọi nhà văn sáng giá nhất trong lẫn ngoài. Ngày nay tình huống đã khác xưa, trong giới hạn nào đó, nhiều người cầm bút, ở mọi nơi trên khắp thế giới, bao gồm cả VN nội địa, đã có thể đứng chung trên một diễn đàn văn học, không chỉ ở HL, mà còn ở rất nhiều tờ báo khác, từ báo giấy đến báo “trên trời”, chuyện cách đây 15 năm, tưởng như không thể nào xảy ra. Thành quả đó – nếu có thể xem đó là thành quả – ít nhiều gì HL cũng đã tiên phong góp phần. Sau này, những nhà soạn văn học sử có lẽ sẽ không thể không nhắc đến HL. Trong vô số những việc làm bậy bạ của tôi trong cuộc đời này, chí ít cũng có được một đôi điều không tệ. Đó là niềm vui lớn nhất của tôi.
Riêng những bài học quí giá – tiêu cực lẫn tích cực – thì rất nhiều, và “bài” nào cũng “nhất” cả. Do giới hạn của số trang dành cho cuộc chuyện trò giữa chúng ta, tôi không thể dông dài, nhưng hứa sẽ “khai” đầy đủ trong hồi ký.
Đỗ Lê Anh Đào thực hiện.