Trang chính » Biên giới trong Văn Chương, Biên Khảo, Các Số Da Màu định kỳ, Chuyên Đề, Da Màu số 02, Phỏng vấn Email bài này

Nguyễn Quốc Chánh: về Ngôn ngữ và Thơ

 

 

Về ngôn ngữ

1. Thúy Kiều, sau mười mấy năm giang hồ vẫn nghĩ mình còn trinh. Và đa số người đọc mủi lòng và tin điều đó. Tôi cũng cảm động lắm nhưng không tin. Người Việt hay nói dối và láu cá đã đành, nhưng xem ra còn rất dễ bị lừa về mấy vụ trinh tiết. Nhiều em bị má bắt vá trinh đến lần thứ ba mà vẫn có khối thằng tin sái cổ. Và ai nghĩ tiếng Việt thuần chất, tôi cam đoan người đó đã bị “chữ trinh” của tiếng Việt đánh lừa.

Tiếng Việt có tới 3 lần mất trinh. Một lần với Tàu, một lần với Tây và hiện nay với CS. Cái vĩ đại của CS là vơ tất cả về mình, từ sông núi, lịch sử, và dĩ nhiên, ngôn ngữ rồi làm cho nó tồi tệ đi. Cái gì họ kiểm soát được, cái đó còn trinh, cái gì không là đồi trụy hoặc lai căng. Tiếng Việt ở miền Bắc XHCN là trinh, tiếng Việt ở miền Nam trước 1975 là đồi trụy, và tiếng Việt ở trong nước hiện nay là thuần, còn tiếng Việt ở hải ngoại là lai căng…

Có hai cách hiểu thuần Việt. Hoặc tiếng Việt trong vòng kiểm soát của CS, hoặc tiếng Việt có dính dáng tới ao làng. Ao làng là tâm thức chi phối nhiều thứ (ta về ta tắm ao ta/dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn), trong đó có tiếng Việt. Tiếng Việt ao nhà dù sao vẫn cứ hơn tiếng Việt ao hàng xóm. Tiếng Việt trong thơ Nguyễn Duy thuộc hệ ao làng. Mà cái gì thuộc làng cũng đều là thuần, là trinh, là chuẩn, là Việt cả. Việt tức là làng mà. Từ góc nhìn làng, hễ cái gì khác (làng) đều không chuẩn, không thuần, không trinh, không Việt vậy.

Ao làng đẹp qua nhiếp ảnh cách đây một thế kỷ, nhưng nếu trần truồng tắm biển- biển khơi, hải đảo vẫn khoái hơn là trầm mình mãi trong ao chứ. Tiếng Việt ở trong giống tình trạng đất liền của ngôn ngữ, còn tiếng Việt ở ngoài giống tình trạng hải đảo của ngôn ngữ. Lo gì, Phú Quốc, Trường Sa vẫn là lịch sử đẫm máu của Việt Nam kia mà.

2. Trong dòng chảy của lịch sử bị trị, tiếng Việt bị phân ly là một thực tế. Tiếng Việt đồ Nho khác tiếng Việt thuộc địa thời Tự Lực Văn Đoàn, tiếng Việt của miền Bắc XHCN khác tiếng Việt của miền Nam, tiếng Việt ở nội địa khác tiếng Việt ở hải ngoại. Sự khác ấy phản ánh đúng tiến trình lịch sử phân ly và môi trường sống khác nhau của mỗi nhóm cộng đồng.

Cái đáng sợ không phải là sự khác, mà không còn khả năng để khác. Ở đâu không còn khả năng để khác, ở đó có nhiều khả năng để chết. Tiếng Việt đang gặp khó khăn không chỉ ở ngoài mà ngay cả ở trong. Ở ngoài do ít được xài, còn ở trong do bị nhiều kiểm soát. Bản sắc là cái bị thử thách mà sống sót chứ không phải cái nơm nớp giữ gìn. Và khi tất cả người Việt không dùng tiếng Việt nữa, tiếng Việt sống để làm gì. Còn thuần hay lai không quan trọng. Muốn thuần thì vá, dễ ợt! Chứ đừng ti toe: chữ trinh còn một chút này…ớn lắm.

 

Về thơ

1. Tình trạng của thơ tuỳ vào tình trạng sống và ý thức làm văn nghệ của từng người. Vùng miền, trong ngoài chỉ có tính tương đối, ý thức cá nhân về công việc văn chương mới lá tuyệt đối. Dĩ nhiên, điều kiện sống, môi trường chính trị xã hội là tối quan trọng để ý thức cá nhân hình thành và phát triển. Ở ngoài, điều kiện đó dĩ nhiên tốt hơn ở trong, nên các xu hướng cấp tiến đều bắt nguồn từ ngoài, rồi di chuyển dần vào trong. Nhưng bão thường chỉ làm xơ xác các hòn đảo, nhưng để trở thành kẻ huỷ diệt là khi nó vô tới đất liền. Và lịch sử của thơ tuỳ lịch sử bão táp của ý thức cá nhân của người cầm bút chứ không phải vào mấy lời tiên chỉ đậm đà bản sắc của những già làng. Nhưng cái thói già làng, không chỉ đậm đà ở trong mà còn rất bản sắc ở khắp mọi nơi, từ đất liền cho tới hải đảo. Vì thơ Việt bắt nguồn từ ca dao- lục bát nên rất gay go trong việc làm đứt cái đuôi của nó.

2. Sự giống nhau của thơ Việt ở trong và ngoài là tình trạng cùng mẫu hệ của tiếng Việt. Nhưng tiếng Việt có nhiều cha lắm vì mẫu hệ của nó đã nhiều lần bị cưỡng hiếp. Tục ngữ có câu: cha nào con náy. Cũng có câu: cha chung không ai khóc. Vì tiếng Việt có nhiều cha nên thơ Việt có nhiều tiếng khóc. Sự khác tiếng khóc trong thơ Việt rất hợp logic với lý lịch bị cưỡng hiếp của người Việt và tiếng Việt. Một lịch sử và ngôn ngữ bị cưỡng hiếp mà mơ màng đòi thơ Việt một lý lịch ba đời trong sạch thì ngô nghê quá. Lịch sử thơ Việt chỉ có thể là lịch sử nhừ tử của một chuỗi những vụ cưỡng hiếp chứ không thể quy về lịch sử trinh tiết của cái ao làng.

3. Có nhiều cấp độ pha trộn. Pha trộn tiếng, pha trộn cảm xúc, pha trộn văn hoá. Có thể pha trộn tiếng là một cách pha trộn cảm xúc và văn hoá. Cũng có thể pha trộn tiếng là tình trạng tạm thời để tiến tới một tình trạng không pha mà vẫn trộn. Và cũng có thể, tình trạng pha trộn tiếng trong thơ là tình trạng của một thế hệ đang chuyển tiếp: chuyền về hoặc chuyển đi. Chuyển về để nghe Cẩm Vân hát: về đây nghe em mặc áo the đi guốc mộc; còn chuyển đi sẽ gặp Khánh Ly ca: đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt; còn dùng dằng e đụng đầu họ Trịnh: tiến thoái lưỡng nan…Thôi hãy để hạ hồi phân giải.

28/7/2006
Nguyễn Quốc Chánh

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)