Trang chính » Các Số Da Màu định kỳ, Da Màu số 02, Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Toilet cổ trong ngôi nhà cổ, ngôi nhà cổ ở trong phố cổ

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Liệu giữa những không gian lãng mạn tuyệt vời thế này có ai đó dám thốt lên rằng: “Tôi mắc tiểu. Hãy xây dựng thật nhiều toilet ở đây! Tôi có nhu cầu tiểu tiện!” (Ồ, thế là hắn ta đã nhã nhặn lắm rồi. Khi dùng một từ trung tính là “tiểu”, từ Hán Việt sang trọng hẳn hoi để thay cho một từ khác đầy tính trần trụi là “đái” – hình như khi biến thành chữ Việt thì một số thứ trần trụi và thô thiển thật). Ví như hắn nói: -Tôi mắc đái. Hãy xây dựng thật nhiều toilet ở đây!… Thì kinh tởm cho miệng lưỡi của hắn hơn.

Xu thế linh thiêng và tươi đẹp luôn làm đổ tràn lên ký ức chúng ta những khuyến dụ và để lại một số quán tính chịu đựng nhất định trên con đường nhận thức sự thật.

Chúng tôi đang ngồi bên bờ sông chảy ven những khu tường thành cổ, những nhà cổ. Trong ba bốn thế kỷ trước đây là cảng sông thuyền bè tấp nập. Phố xưa được nhìn từ sông vào luôn cổ hơn những gì nó vốn có. Thật hên cho nó vì được một dòng sông quét ngang qua trước mặt. Thế đất phong thủy thuận lợi dễ bề giao thương, mang lấy cái tính hiền hòa hội tự đất trời.

– Em là người gốc Hoa. Cô đã khẳng định một trăm lần với tôi cái điệp khúc ấy lúc còn ở Sài Gòn. Và không ngần ngại tiếp tục khẳng định nó khi đưa tôi về phố cổ này trong một chuyến du lịch “hôm-xì-tay” (home-stay) không chuẩn bị gì.

Chúng ngồi trước dòng sông trầm lặng. Có ai đó quẫy chèo sang bờ kia của sông, nơi tấp nập những quán nhậu chuyên dành cho khách ba-lô. Bờ này đèn sáng trưng. Có vài nếp mái nhà cổ và những dãy hành lang rêu hắt lên trong màu đèn vàng võ. Bên kia cũng chẳng khác gì lắm bên này. Quán nhậu mép sông. Cà phê mép sông. Cũng những cái tên mĩ miều và có gì đó hoài cổ: Phố Xưa, Hoài Hương, Cõi Mộng hay Đời Cũ, Lầu Hoa, Hội Lữ Khách… Một khi khái niệm hoài cổ trở thành tiêu chí đẳng cấp đánh giá sự sang trọng thì đến quán nhậu, quán cà phê hay tiệm sửa xe honda trong phố cổ cũng không ngần ngại khoác lên những ngụy trang sang trọng. Kệ. Sang chút nào hay chút đó.

– Em là người gốc Hoa.

Tôi hoàn toàn tin điều đó một cách vô can. Bởi vì cô có là người Hoa hay người Việt, người Nhật hay người Bồ… điều đó chẳng nói lên gì ngoài việc chúng ta đang trải qua một kinh nghiệm của cảm giác khi được làm cư dân phố cổ. Lúc này. Ở đây. Trong sự hoài cổ và cảm hứng trân trọng đất đai hết cỡ. Và với tôi, gái phố cổ chỉ thật lòng khi ngồi trước một chiếc đèn lồng đỏ treo không quá cao đủ tỏa sáng một khuôn mặt có chiều sâu của ảnh trường là một vách tường nhà loang lổ nào đấy. Và họ cũng đẹp hơn hẳn chỉ khi ngồi trước ngọn đèn lồng. Màu da gái phố cổ vốn bắt sáng với thứ ánh màu huyễn hoặc kia; hai thứ màu ấy sinh ra cho nhau để cùng nhau làm mê muội một số kẻ lang bang háu gái đẹp như tôi. Còn em có là người Hoa, người Nhật hay người Việt người Bồ ở phố cổ này thì đều là sản phẩm lịch sử. Với tôi, những gì thuộc về lịch sử cũng quan trọng nhưng luôn được tiếp nhận ở góc độ cần bao dung của người sống sau. Những kẻ sống sau được trang bị quá nhiều bài học lý thuyết lẫn kinh nghiệm của kẻ đi trước đã kinh qua lịch sử để chính hắn phải gánh cái lịch sử đương đại của mình. Cái mà thiên hạ cho là nhìn lại lịch sử tiến tới tương lai.

Chúng tôi đang ngồi trên cầu. Nhìn xuống dòng sông. Một đám hát bài chòi vừa tàn. Một đoàn người theo chiếc cầu phao về bên kia sông. Dòng sông loáng đèn hắt bóng họ lên những mái nhà khổ hạnh. Nhà cổ. Một chuỗi người được kết nối bằng những dáng còng. Người cổ. Họ như những dấu hỏi lần lượt lướt đi qua sông. Không thanh âm. Đó là những lưỡi câu của thời gian đang mòn mỏi lê qua sông không một bóng chim tăm cá giữa thứ ánh sáng vàng võ loáng ngược từ mặt nước duềnh doàng.

– Em có chắc mình là người Hoa không?

– Ba em nói rứa.

– Còn mẹ em có giả thiết nào khác không?

– Mẹ thì nói em là người Nhật.

– Ừ. Nếu là người Hoa hay người Nhật đều tốt. Khái niệm gốc gác cũng chả quan trọng gì.

– Quan trọng chứ anh. Em thích là người lai Bồ. Là lạ hỉ?

– Bồ lúa thì có.

Hình như em úp mặt vào thành cầu cười rúc rích. Đoàn người bấy giờ đã đi qua hết bên sông. Những dấu hỏi đã đi xuyên qua dòng sông về phía ngôi làng ẩn sau dãy quán nhậu xô bồ. Để lại bóng phố cổ lặng câm và ánh đèn của bãi hát cũng vừa mới tắt. Không âm không vọng.

Những bà cụ ngày chèo đò kiếm năm mười ngàn để dành giấu con cháu đêm đêm đi qua sông hát bài chòi, bả trạo. Vài anh Tây thấy lạ, ghé chụp hình liền bị kêu lại: “Một pô nem ngòng” (một pô năm ngàn). Tay phiên dịch phải nhờ đến những người phiên dịch khác dịch ra tiếng Việt rồi từ tiếng Việt dịch qua tiếng Anh. Nhưng tiếng Anh giọng bản xứ của hắn vẫn được phát ra với ngữ âm hoàn toàn riêng nên có lẽ để hiểu đúng nghĩa “một pô năm ngàn” thì tay Tây mủi lỏ tò mò kia đã phải dùng đến một cây bút và tờ giấy. Trên đó chỉ cần ghi: 5.000 vnd / 1 photo. Vậy đấy. Gọn. Mà chắc. Những bà cụ lại có tiền ngồi móm mém nhai trầu và hát bài chòi. Sự cô đơn của một trò chơi hóa ra nằm ngay trong chính niềm vui bề mặt của nó.

– Hình như em là người Việt. Cô nói. Điều đó đối với tôi không quan trọng. Tôi khẳng định lại lần thứ 1001 là rất không quan trọng. Và chắc gì tôi đã là người Việt để hòa chung vào em dòng máu Lạc Hồng. Tôi có thể là giọt máu lưu lạc lắm chứ. Ba đời trước bà cố tôi đã ngoại tình với một ông Pháp thì sao. Dù là người gì đi nữa thì chúng ta cũng đang sống trong phố cổ. Một khung cảnh để hoài nhớ sinh ra hoài nghi? Sự thiêng liêng không cho phép tôi thốt lên hoàn toàn sự thật lúc này. Khi những lý lẽ đang choán lấy hết đầu óc và tư duy của tôi về nguồn gốc thì lập tức một cơn buồn tiểu kéo đến. (Từ đây trở đi, tôi xin được gọi tiểu là đái với tất cả sự thật đầy trần trụi và… trầy trụa của nó!)

Khi còn ngồi ở quán nhậu, tôi đã nhủ lòng sẽ đi kiếm một toilet bên trong để giải mối tơ lòng. Nhưng em chủ quán xinh đẹp đã thở dài: – Ở đây không có “tuơ- lết” mô! Hình ảnh về sự xinh đẹp và quý phái (trong không gian đèn lồng phố cổ) đã hoàn toàn biến mất trong tôi. Tôi ngó nghiêng một lúc. Rồi trả tiền đi dạo ra bờ sông. Cô ngoan ngoãn đi theo. Tiếng guốc gỗ vọng lạch cạch qua những vách tường vàng nhờ nhợ rêu phong. Và đèn lồng lung linh hai bóng chúng tôi tạt xuống sông Hoài theo từng đợt gió. Tôi hít thở gió sông và cố tìm cách quên cơn buồn đái đang chế ngự mình. Trong một số trường hợp, đi bộ là cách để thoát mồ hôi, khống chế cơn buồn đái. Tôi tin như thế. Bởi vì đó là giải pháp tốt nhất. Lúc này. Trên mảnh đất di sản.

Vì tôi có thể nào đái lên dòng sông Hoài đầy trầm tư và ôm mang nhiều lịch sử kia. Tôi có thể tìm một nách nhà nào của phố cổ để tấp vào tè một trận. Tôi có thể đứng ở bụi cây, gốc cây để làm việc đó. Rõ ràng phố đang vắng. Chẳng ai biết chuyện tôi tè bậy lên phố cổ ngọai trừ cô. Và rõ ràng cô có thể thông cảm với tôi về chuyện tè bậy. Chẳng có cảnh sát nào thình lình xuất hiện và bắt tôi phải dội nước sau khi đái bậy lên hè phố. Nhưng có một điều làm cho tôi không thể nào trật quần ra được là bởi cái cảm giác tội lỗi khi đái lên di sản. Chả ra làm sao cả. Chúng ta rất nên ứng xử một cách đầy văn hóa với một không gian văn hóa. Ai đó đã dạy tôi như thế. Hay chính tôi đã từng lý luận như thế.

Nhưng tôi vẫn mang cảm giác bức bối khó chịu. Bàng quang tôi căng cứng. Tôi đang ngồi trên cầu sông cổ với một bụng đầy căng nước đái và một cô gái cư dân chính hiệu phố cổ đang băn khoăn về gốc gác của mình. Tôi định lòng sẽ bước xuống cầu. Và tôi ước ao làm được việc đó một cách tự nhiên nhất. sự tự nhiên phát xuất từ nội tại. Nhưng không. Tôi không đủ can đảm. Tôi vẫn đang sĩ diện không cho cái khối nước trong bụng mình thoát cả vào sông.

– Chúng ta đang sống trên di sản. -Cô nói.

– Ừ, à…

– Em cũng không ngờ mình được lớn lên trong một di sản thế giới. Được ở trong lòng nó và hằng ngày soi bóng vào nó…

– Ưh… ừ…

– Và hằng ngày chính nó cũng đang đặt câu hỏi về sự tồn tại và gốc gác của mình trong cuộc giao thoa lai tạp của lịch sử.

– Ù… à…

– Em thích nhất là ở đây không có những người say rượu trật chim tè vào những lỗ cột điện.

– À… Ừ… Nếu là anh, anh sẽ xây những toilet công cộng trong phố cổ. Thật nhiều toilet công cộng. Vì khi chúng ta không dám đái ở nơi linh thiêng thì thần kinh đầu tư nhiều năng lượng để nghĩ về sự đái và chế ngự sự đái. Trong lúc đó, sự trêu ngươi của quả thận luôn là vấn đề nan giải: chúng sẽ lọc ra thật nhiều nước để cho thấy sự quan trọng của nhà máy nước thải trong cơ thể…

Nói đến đó, tôi muốn gợi ý với nàng là hãy trở về để tôi được tè một cách vô tư trong bồn cầu của nhà nàng. Bồn cầu cổ bằng gỗ sồi nằm trong ngôi nhà cổ. Tiếng tè tồ tồ vọng qua những vách ván nhưng cũng thú vị khi ý thức đó là lọai gỗ sồi được mang về từ bên kia đại dương. Và hãy nhớ là tuổi thọ của nó trên ba trăm năm. Nghĩa là nó đã làm bệ đỡ cho tỉ tỉ cặp mông của nhiều thế hệ đặt lên đó chỉ để làm những chuyện tế nhị. Bồn gỗ sồi ấy nghe đâu có tác dụng khử mùi. Lớp gỗ luôn nhám nhịt nhưng lại sạch sẽ và toát ra mùi thơm lạ.

Bồn cầu cổ nằm trong ngôi nhà cổ. Ngôi nhà cổ nằm trong con phố cổ. Con phố cổ nằm bên dòng sông cổ. Tất cả đang trôi đi.

Thú vị làm sao nếu được đứng đái vào chiếc bồn cầu dưới ánh đèn lồng màu đỏ huyền hoặc trong ngôi nhà cổ/ trong con phố cổ/ bên dòng sông cổ kia một cách tự do và ung dung tự tại như cách ta bắt chim đái vào bất kỳ nơi nào khác trên mặt đất này thì tốt biết mấy!

– Em không tin mình là người Việt. Em hơi nghi gốc mình là Tàu. Và có khả năng là Nhật. Vì khi đi qua cây cầu Nhật Bản, em có cảm giác bầy chó đang sủa vào đầu em những tiếng người. Đầy mách bảo. Em dắt xe về qua đó nhiều lần. Lần mô tụi nó cũng mách bảo điều bí mật. Nhưng em muốn em là người Bồ…

– Ừh… vậy à…

– Em sẽ nói lên bí mật này và ba mẹ em chắc sẽ đồng cảm. Những giọt máu rơi rớt lại của những lái thương phương xa năm xưa đang đi về ở trên mảnh đất này. Những giọt máu ưa chinh phục và đầy tham lam…

– Không phải đâu. Nếu anh mà là thị trưởng phố cổ, anh sẽ cho đào toilet khắp nơi.

– Sao anh chỉ quan tâm đến vấn đề ỉa đái hoài rứa?

– Anh thấy di sản cần có chỗ để người ta giải quyết… Ví dụ như… Ừ, à…ví dụ như anh lúc này…

– Anh ráng tí đi. Bờ sông gió mát quá. Thật không ngờ ngọn gió này đã thổi qua đây từ vài trăm năm trước. Thổi hết những bóng người qua sông.

– Nếu em muốn thế. Còn anh. Nếu là thị trưởng, nên quy định các quán nhậu phải có toilet. Và quanh đây phải xây dựng nhiều toilet di động. Thật đấy.

– Anh muốn biến di sản thành bãi toilet chắc?

(Bạn sẽ hỏi câu chuyện này còn kéo dài đến bao giờ. Vâng, tôi cũng muốn biết nó kết thúc như thế nào?!)

Chúng tôi đang ngồi bên bờ sông cổ. Dòng sông di sản. Thành phố di sản. Và mảnh đất chúng tôi đang ngồi là một di sản. Tôi luôn cảm thông cho hai chữ di sản và nhận thức được tính thiêng liêng của nó. Tôi đã đứng trước mặt cô. Dưới màu đèn lồng của một ngôi nàh bên chân cầu. Trong cái đêm phố cổ đầy định mênh ấy. Và trong cơn thúc bách, căng cứng của bàng quan, cương cứng của những thớ gân bủa vây dương vật. Tôi không còn nhận thấy vẻ đẹp gì dưới màu đèn lồng ấy. Kể cả cô – vợ sắp cưới của tôi. Tôi không còn cách nào khác. Nếu chỉ nén nhịn thêm năm giây nữa, tôi sẽ bị vỡ bọng đái mà chết. Và tính từ đầu hôm đến nay. Với bốn chai bia Đại Việt vào bụng cùng một số món nước như bún bò, mì Tàu… thể tích nước đã kịp vặn vẹo giãn nở bọng đái của tôi một cách thảm hại. Chúng hành hạ cả những suy nghĩ vốn sang trọng lịch lãm và văn minh luôn có thừa trong đầu của tôi.

Tôi đã tính đến chuyện hy sinh quả thận cho một sự nín nhịn. (Nhịn đái luôn là nguyên nhân gây sỏi thận mà!). Và tôi cũng bó tay trước sự nín nhịn ấy. Vì toàn thân tôi toát mồ hôi lạnh. Tôi đang nứt ra trong cơn hành hạ của sự bục vỡ. Tôi không muốn khối nước chẳng văn hóa cho lắm ở trong người mình sẽ vỡ ra và trôi cái xác văn hóa của mình xuống dòng sông di sản bên một khu phố di sản (cũng vừa được treo bảng là khu phố văn hóa!) nhưng có đầy cống rãnh, sự ô nhiễm mang tính mặt trái của di sản.

Tôi sẽ xin lỗi cô. Trong khi cô đang ngồi tự vấn về nguồn gốc và xúc cảm trước ngày trở lại thành phố di sản, nơi đã sinh ra và dưỡng nuôi cô, thì tôi đành phải gào lên rằng:

– Anh muốn đái vào mé của di sản! (Thay vì nói: Anh muốn đái vào sông di sản!)

Dứt tiếng gào thét thất thanh ấy, một dòng nước rịn rịn chảy từ hai ống quần tôi xuống mặt đất. Dưới chỗ chúng tôi ngồi, vũng nước tiểu không hãm được đang loang dần, loang dần… có cảm giác nó sẽ cuốn trôi hết một dãy phố và gây ngập lụt hai dãy phố còn lại như vuông khăn nơi này. Chiếc quần jeans của tôi ướt nhẹp. Tôi vừa hỗ thẹn trước ánh mắt khinh tởm của nàng tôi vừa ngửa mặt lên vòm trời di sản và hít thở một đợt gió mát lạnh như kem lướt qua toàn thân mình. Tôi như muốn bay bổng lên bầu trời đêm đầy sao của phố cổ để nhìn xuống những mái rêu khổ hạnh đang ngập ngụa nước và cảnh thiên hạ đang ngồi trên những chiếc bô xoay tròn cuộn xiết, và những kẻ trưởng giả sẽ ngồi vào những bồn cầu gỗ sồi, trôi bồng bềnh khắp nơi. Trên những con đường, mái nhà lấp xấp nước, dòng sông khổ hạnh và những bóng người hình dấu hỏi đầy nghi vấn dạt trôi vào nhau. Bệp duềnh. Dập duềnh. Tất cả lướt chìm vào màn nước lũ kinh hoàng.

Tôi đang khoan khoái tận hưởng một sự giải thoát ngay chính trong cơ thể mình một cách tự nhiên nhất. Trên phố cổ di sản thân yêu và sang trọng.

Và đêm ấy. Tôi đã yên tâm thu xếp đồ đạc của mình, từ giã ngôi nhà cổ có chiếc bồn cầu cổ bằng gỗ sồi trong con phố cổ lặng lẽ ấy để trở về thành phố sôi động ồn ào nhưng có nhiều toilet công cộng của mình. Tôi tạm biệt cô- ngươi vợ sằp cưới- người con gái của di sản sang trọng nhưng không một hứa hẹn gì. Cô chỉ đẹp trước ánh đèn lồng lung linh và vẻ đẹp ấy đang có nguy cơ biến thành dã thú độc ác, đồng lõa với quê hương di sản khi đưa đẩy tôi vào tình thế suýt chết vì mắc đái.

– Hãy để em được bình yên ở đây với những tự vấn về gốc gác của mình!

VI.2006

bài đã đăng của Nguyễn Vĩnh Nguyên

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)