- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Meditations on Love / Tình sầu

 

 Buu Chi ve TCS

   

Meditations on Love

 

Love as an artillery shell that blinds
the heart.
Awakening at dawn,
a soul spellbound 
by sadness in innocent eyes
then happiness in your gaze,
softness in your touch.

Love as a burn mark
on your flesh.
Love distant as sky,
near as cloud smoke
deep as a tree’s shadow
love bright as sunshine
sad love makes you drunk.

Love climbs so high
like a bird with tired wings,
like a bird cut off from its flock,
like a bird exiled from its sky,
like a bird that has given up flying.

Love as a ripe fruit
fallen from its tree.
Awakening at dawn,
talking to the leaves
feeling sad as they fall.
A rolling river,
a love ill-fated.

Love as a shirt enfolded
in its sweet familiar scent
once torn from the body
a soul needs to be mended
where sadness has created a void.
Love becomes the silence within,
then the damage without.

Love as a sensation of death,
the pain long, endless
love seals smiling lips,
a lover’s form has changed,
pungent love has faded,
love exchanges its lies,
love exiles two selves.

Love as a storm
that ravages the earth
love lights up the gloom
love carries across the chasm
love leads you up the mountain.
In the midst of passion
love pushes love apart.

Love climbs so high
like a bird with tired wings,
like a bird cut off from its flock,
like a bird exiled from its sky,
like a bird that has given up flying.

Love allows me to come close
to my own sadness.
Love departs softly
a thousand miles gone, like a dewdrop;
cold and silent, like a bird’s imprints.
Love fragile as sunshine
Is our love still full, my love?

Love as a bright flame
for the diseased heart,
love ascends smoothly,
hastens but forgets quickly,
quickens but quickly dissipates,
love shares warm lips
one taste lasts a lifetime.

   

Tình Sầu

 

Tình yêu như trái phá
con tim mù loà.
Một mai thức dậy,
chợt hồn như ngất ngây,
chợt buồn trong mắt nai,
rồi tình vui trong mắt,
rồi tình mềm trong tay.

Tình yêu như vết cháy
trên da thịt người.
Tình xa như trời,
tình gần như khói mây,
tình trầm như bóng cây,
tình reo vui như nắng,
tình buồn làm cơn say.

Cuộc tình lên cao vút
như chim mỏi cánh rồi,
như chim xa lìa bầy,
như chim xa lìa trời,
như chim bỏ đường bay

Tình yêu như trái chín
trên cây rụng rời,
một mai thức dậy
chuyện trò với lá cây,
rồi buồn như lá bay
Một giòng sông nước cuốn,
một cuộc tình không may.

Tình yêu như thương áo
quen hơi ngọt ngào
Rời nhau hôm nào,
hồn mình như vá khâu,
buồn mình như lũng sâu
Rồi tình trong im tiếng,
rồi tình ngoài hư hao.

Tình yêu như nỗi chết
cơn đau thật daì.
Tình khâu môi cười,
hình hài xưa đã thay,
mặn nồng xưa cũng phai,
tình chia nhau gian dối,
tình đày tình đôi nơi.

Tình yêu như cơn bão
đi qua địa cầu
Tình thắp cơn sầu,
tình dìu qua hố sâu,
tình vời lên núi cao
Rồi trong cơn yêu dấu,
tình đày tình xa nhau

Cuộc tình lên cao vút
như chim mỏi cánh rồi,
như chim xa lìa bầy,
như chim xa lìa trời,
như chim bỏ đường bay.

Tình yêu cho anh đến
bên cơn muộn phiền,
tình đi âm thầm,
nghìn trùng như vết sương,
lạnh lùng như dấu chim.
Tình mong manh như nắng,
tình còn đầy không em?

Tình yêu như đốt sáng
con tim tật nguyền,
tình lên êm đềm,
vội vàng nhưng chóng quên,
rộn ràng nhưng biến nhanh,
Tình cho nhau môi ấm,
một lần là trăm năm.

bài đã đăng của Trịnh Công Sơn

9 Comments (Open | Close)

9 Comments To "Meditations on Love / Tình sầu"

#1 Comment By Nguyễn Đức Tùng On 03/04/2010 @ 1:17 am

Bản dịch hay, nhưng “trái phá” nên dịch là “grenade” chăng?

NĐT
 
 

#2 Comment By quynh du On 03/04/2010 @ 3:18 pm

Chị Thúy ơi,
 
QDu đồng ý với anh ND Tùng, bản dịch rất hay, nhưng “trái phá” có lẽ nên dịch là grenade.
“Tình yêu như trái phá / con tim mù lòa”, hình tượng một người mù máy mó đùa giỡn với quả grenade trên tay, tóm gọn được sức công phá của tình yêu và tính bất trắc của cuộc tình.
“Tình khâu môi cười”, cũng là một hình tượng chính xác cho nỗi thất vọng trong tình yêu. Thất tình, không ai cười được. Có cố gắng cười ngoài miệng thì trong lòng lại càng đau, như thể đôi môi đã bị ai đó đã dùng kim chỉ khâu lại. Love sews your smiling lips …
QDu

#3 Comment By T.T On 03/04/2010 @ 10:33 pm

Theo tôi “trái phá” nên dịch là “smoke grenade” nó mới làm con tim mù lòa [không thấy đường] chứ.

Chị ĐTBT đừng nghe lời quynh du dịch “tình khâu môi cười” là “Love sews your smiling lips …” không thôi người ta lại tưởng chị là Frankenstein đấy.

Chị dịch “love seals smiling lips” cũng hay; nhưng nếu dùng động từ “block” thay cho “seal” thì có ý nghĩa hơn không?

#4 Comment By ActionMinded On 04/04/2010 @ 2:00 pm

Theo tôi ĐTBT dịch trái phá sang artillery shells là đúng cả ý lẫn từ. Chắc chúng ta còn nhớ  một bản nhạc khác của Trịnh Công Sơn với câu “Đại bác đêm đêm dội về thành phố…” Về ý kiến nên dịch “trái phá” thành “grenade” hoặc “smoke grenade” thì tôi e rằng cả Quỳnh Du và T.T. chưa, hoặc đã quên, những vang vọng từ tiếng đạn pháo kích của cả đôi bên trước năm 1975.

#5 Comment By phaitran On 04/04/2010 @ 5:38 pm

Tình yêu như lựu đạn
Con tim mù lòa

Nghe bậy bạ quá đi mấy vị ơi.

#6 Comment By Trinh – Trung Lap On 04/04/2010 @ 9:05 pm

Trung Lập xin góp vui với Quý vị về “trái phá” tình yêu của TCS. Liên quan đến vụ này, 1 người bạn thân của TCS là Trúc Chi (đã từng được TCS chép thơ tay tặng) có lần lý giải như sau :
”’…Tình yêu như trái phá…con tim mù lòa… Lúc gặp câu hát ấy lần đầu tiên khi lật một tập nhạc Trịnh Công Sơn trong một tiệm sách ở Huế vào những ngày khá bận rộn với tin tức chiến sự trong nước, tôi đã để mắt tôi dừng lại khá lâu trên trang giấy in bài nhạc có lời ca do chính tay anh viết và tôi cũng đã suy nghĩ khá lâu về hình ảnh mới mẻ này trong ngôn ngữ của tình yêu. Một hình ảnh rõ rệt, mạnh bạo, cho thấy tác giả có óc tưởng tượng phong phú. Trước khi trái phá được Sơn khai sinh, người Việt chúng ta cũng đã quen thuộc với một từ ngữ khác, cũng chát chúa không kém, tả được cái sửng sờ, cái tình trạng ngơ ngẩn, ngẩn ngơ mà ai cũng đã sống qua sau một lần yêu thành thật và do đó đắm đuối, si mê. Và đó là tiếng sét tình yêu (le coup de foudre) trong lối nói của người Pháp. Tiếng sét này, cả nhân loại nghe được, cảm nhận được. Tiếng nổ này, lọt vào kinh nghiệm sống của một người đã thấm được, mà thấm sâu sắc, cảnh chết chóc, tang tóc do chiến tranh gây ra, nó thành ra tiếng đinh tai của trái phá. Thời bình người ta xửng vửng vì tiếng sét tình yêu. Sống với khói lửa mịt mù, bom đạn chập chờn ngày đêm, âm thanh của trái phá mới lọt một cách hết sức tự nhiên vào suy tư, vào ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn. Thật ra, có tưởng tượng nào mà không thoát thai, phát tích từ kinh nghiệm sống. Vào những năm đầu của thập niên 70, sau Tết Mậu Thân, sau Mùa Hè Đỏ Lửa, không có ai bị một cú “sốc” vì cái bạo, cái trực diện của trái phá, dù rằng trước đó mọi người vẫn thân thiết hơn với những hình ảnh khác của tình yêu, nhẹ nhàng hơn như tình trong như đã mặt ngoài còn e hoặc dịu dàng hơn như đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ……”
Phải nói rằng bài hát Tình Sầu là 1 “comment” lạ lùng thể hiện suy tư của TCS về 1 đề tài bất hủ : Tình yêu. Như Ông đã từng để lại bút tích “……..Tôi không tin những người quá lạc quan khi nói về tình yêu bằng thể khẳng điịnh………Tôi không thể nói về 1 vấn đề mà chính bản thân mình cũng chưa hiểu hết……Tôi đã có dịp đứng trên 2 mặt của tình yêu và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ trong lòng 1 ý nghĩa bền vững : “Cuộc sống không thể thiếu tình yêu”.
Những mối liên hệ này khiến Trung Lập không ngần ngại khi đồng ý với Anh Quỳnh Du “…“Tình yêu như trái phá / con tim mù lòa”, hình tượng một người mù máy mó đùa giỡn với quả grenade trên tay….”
Còn ý kiến sau của anh có “tóm gọn được sức công phá của tình yêu và tính bất trắc của cuộc tình” hay không thì tôi không dám chắc….hihi. Bởi vì …… hên xui….hihi. Nhỡ ra vừa khéo tay vừa gặp đạn ……… xì, hihi…
Đầu tiên tôi e rằng những độc giả ở các đất nước chưa có nhiều chiến tranh xảy ra như Hoa kỳ, v.v….. khó cảm nhận được bối cảnh của bài hát nhưng nghĩ lại thấy có nhiều người nước ngoài rất có tâm hồn Việt nam như Ca sĩ Dalena, Lyn,….. thì tôi tin rằng dịch phẩm này của Chị Bích Thúy sẽ góp phần quảng bá Âm nhạc Việt nam nói chung và Nhạc Trịnh nói riêng.
Vì thế rất cám ơn Chị BT cũng như các dịch giả Joseph Đỗ Vinh và Eric Sigliano.
 
 
 

#7 Comment By Đinh Từ Bích Thúy On 05/04/2010 @ 4:13 am

Kính thưa quý vị độc giả,

Thúy chân thành cám ơn những lời góp ý của các vị Nguyễn Đức Tùng, Tôn Thất Quỳnh Du, T.T, ActionMinded, phaitran, và Trịnh Trung Lập.

Từ Điển Việt Anh của Bùi Phụng (nxb Thế Giới: 1998) đã dịch “trái (đạn) phá” sang tiếng Anh là “high explosive shell”–một từ chung cho những loại bom (không nhất thiết phải là lựu đạn, lựu đạn cay, lựu đạn khói, v.v….). Đại Từ Điển Tiếng Việt, chủ biên Nguyễn Như Ý, (nxb Văn Hóa-Thông Tin: 1998), định nghĩa “trái phá” là “đạn pháo.”

Nếu ta có thể phỏng đoán về chủ ý của Trịnh Công Sơn khi dùng từ “trái phá,” ông chắc không muốn giới hạn nghĩa của từ này mà muốn ta hiểu sâu rộng hơn: trái phá vừa có thể là một loại bom/đạn với chất nổ và ảnh hưởng tác hại và lâu dài cho mọi sinh vật, mà nó còn là một thứ trái cây độc, như trái cấm trong truyện Adam và Eva, hay cũng làm Thúy nghĩ đến bài hát nhạc blues “Strange Fruit” nổi tiếng của Billie Holiday (ca từ của tác giả người Do Thái Abel Meeropol), về tệ trạng kỳ thị màu da ở Hoa Kỳ (“trái lạ/trái độc trong bài hát của Billie Holiday là những xác người da đen bị da trắng giết bằng cách hành hạ và treo cổ họ trên cành cây cao, để cho thân xác họ đong đưa như một loại trái cây). Như vậy, “trái phá”–nếu hiểu theo một nghĩa thật bao quát– biểu tượng cho những ngăn cách, tiêu tán giữa người với người. Ngay trong bài “Tình Sầu,” Trịnh Công Sơn cũng nói về tình yêu “như trái chín/trên cây rụng rời,” như vậy “trái phá” không chỉ là “bomb” hay “lựu đạn,” mà cũng là một hình ảnh organic, tạo dựng bởi thiên nhiên hoặc theo chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên.

Thúy dùng chữ “artillery shell” trong tiếng Anh vì nó có vẻ chính xác và cũng rộng hơn từ “grenade” mà anh Nguyễn Đức Tùng đề nghị. Dĩ nhiên, “artillery shell” không thể hàm chứa hết mọi nét phong phú của hình ảnh “trái phá” trong ca từ tiếng Việt của Trịnh Công Sơn. Nếu dịch quá cụ thể trong tiếng Anh, thí dụ, “love as a (smoking) grenade/that blinds the heart,” nó sẽ làm ca từ của TCS trở nên …ngô nghê, như một bản nhạc rock của giới choai choai, và mất đi ý nghĩa thâm trầm, siêu hình và xuyên văn hóa của khái niệm “trái phá.”

Câu “Tình khâu môi cuời” rất khó dịch vì chính câu này cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa phong phú, đồng thời xung đột lẫn nhau. Thúy đã dùng chữ “seal” (niêm đóng) vì theo cách đọc của Thúy, tình yêu đây như một sự giao kết: “niêm đóng” môi cười có nghĩa là trong tình yêu ta phải biết giữ nguyên/giả bộ nụ cười, cho dù “hình hài (người) xưa đã thay/mặn nồng xưa đã phai.”  Điều này có thể là tốt (giữ được thể diện cho hai người), hay xấu, vì nó là sự gian dối giữa hai kẻ đồng lõa, và nó đày ải tình cảm đôi bên. Tuy dịch “Love sews smiling lips” như anh Quỳnh Du đề nghị không hẳn là sai, nhưng có thể nghĩa của chữ “sew” quá thẳng thừng, và có thể sẽ làm độc giả Anh ngữ bị hoang mang vì họ khó tưởng tượng được sự liên hệ giữa “khâu vá” và “môi cười.” Động từ “seal” vì vậy là một sự thương lượng: nó gần với khái niệm “khâu/làm cho dính lại” và nó nới rộng nghĩa của nguyên bản, vì “niêm đóng” là một cách hoàn tất một giao kèo hay sự hẹn ước.  Dịch là “Love blocks smiling lips” như chị T.T đưa ý kiến cũng có thể làm độc giả Anh ngữ bị rối trí. Về văn phạm, dịch như vậy tuy không sai, nhưng khái niệm “to block” quá cụ thể, quá “nặng,” và có thể làm hạn hẹp ý trong nguyên bản của Trịnh Công Sơn.

Một lần nữa, xin chân thành cám ơn quý vị độc giả đã cho Thúy dịp được bàn luận về những thử thách thú vị của quá trình dịch thuật, cũng như về ca từ Trịnh Công Sơn nói riêng.

 

 

 

#8 Comment By Điền L. On 07/04/2010 @ 7:27 am

Xin góp ý với chị Đinh Từ Bích Thúy.
Tôi hiểu câu “Tình yêu như trái phá con tim mù lòa của TCS” như sau: “Tình yêu như trái phá nổ tung, làm con tim mù lòa”.
Và như thế tôi sẽ dịch như sau:
Love as an exploding shell that blinds the heart

#9 Comment By Thái Kim Lan On 16/04/2010 @ 12:25 pm

Góp ý:
 
Tôi xin góp một ý nhỏ về câu “Tình yêu như trái phá. Con tim mù loà” của Trịnh Công Sơn:

1. Nếu hiểu  như Điền L.:  “Tôi (Điền L.) hiểu “Tình yêu như trái phá con tim mù lòa của TCS” như sau: “Tình yêu như trái phá nổ tung, làm con tim mù lòa”.
Và như thế tôi sẽ dịch như sau:
Love as an exploding shell that blinds the heart“ (Điền L.),

2. Và câu dịch của chị Đinh Từ Bích Thúy“Love as an artillery shell that blinds the heart.”

Trái phá mà nổ thì con tim đã nổ tung rồi, còn “mù loà” chi nữa!

Theo thiển ý, chữ “that” trong câu dịch không thể có trong câu hát của TCS, có nghĩa giữa hai câu này không có liên hệ nhân quả kiểu “trái phá” là nguyên nhân làm “mù loà” con tim. Trong bản nhạc viết tay của Trịnh Công Sơn mà tôi có lần đọc, ở giữa hai câu- hai câu chứ không phải một câu kép – “Tình yêu như trái phá” và “Con tim mù loà” là một dấu nghỉ bằng 1 phách rưỡi. Như thế theo nhịp điệu thì sau chữ “phá” là nốt ngân như một dấu nghỉ chuyển sang một ý khác. Tuy đó là về hình thức nhưng điều này cho ta hiểu được ý của tác giả, một triết-nhạc-gia, cho tôi được phép gọi như thế như tôi có lần đã viết “Trịnh Công Sơn hát triết học.” Ở đây thiển nghĩ Trịnh Công Sơn nói – hay hát – hai điều mà ta tưởng một nhưng là hai: bản chất của tình yêu và thiên chất (Nature) của trái tim. Tình yêu có sức mạnh sấm sét – đó là câu nói thông thường – TCS  lấy hình ảnh “trái phá” như một sáng tạo ngôn ngữ mới cho sức mạnh khủng khiếp của tình yêu. Còn bản chất của con tim, so với lý trí sáng suốt biết phân biệt, thì mù loà, con tim … không sợ lửa dù bao nhiêu lần chơi với lửa, chơi với “trái phá” mà không bao giờ ý thức, con tim mù loà, sẵn sàng cầm trong tay trái phá tình yêu, con tim mù loà sẵn sàng chết cho tình yêu mà không một lần “nhìn thấy” sự hủy hoại ghê hồn của trái phá.
 
Tuy chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng ta có thể từ đó hiểu thấu ca từ của Trịnh, thật đơn sơ mà nhiều cảm nhận triết lý; và triết lý của anh chính là bài ca không gượng ép … mù loà tự nhiên … vu vơ nói chuyện “tình yêu như trái phá”…

 Thái Kim Lan