Trang chính » Biên Khảo, Nhận Định Email bài này

câu chuyện văn học miền Nam: tìm ở đâu?

9 bình luận ♦ 16.02.2010
 

LTS: Bài viết dưới đây, “Câu chuyện văn học Miền Nam: Tìm ở đâu?” của nhà văn Trùng Dương, đã được đăng tải trên trang Blog Nguyễn Xuân Hoàng và Thân hữu trên website của đài Voice of America (VOA), ngày 17 tháng 9, 2009. Bài viết đã nhận được những ý kiến của một số độc giả phản hồi sau khi đọc bài này, mà tác giả đã lưu trữ dưới dạng PDF. Khi tác giả đề nghị thay đổi một chi tiết trong bài, người phụ trách kỹ thuật của trang Web này đã đăng lại bài trên với chi tiết mới đó song không có các ý kiến kèm theo của độc giả, mặc yêu cầu của tác giả. Vì nhận thấy tính cách tài liệu của bài “Câu chuyện văn học Miền Nam” và giá trị của những ý kiến này, đặc biệt của vài độc giả từ trong nước, Tạp chí Da Mầu đã xin phép tác giả Trùng Dương cho đăng tải lại bài viết trên nguyên vẹn cùng với các ý kiến của độc giả.

 

Gần đây tôi có dịp đọc một số tài liệu của người trong nước viết về văn học miền Nam 1954-1975. Rải rác đó đây không ít, nhưng gom vào một mối thì có thể kể ra hai nguồn. Thứ nhất là bài phỏng vấn khá thú vị của chị Thụy Khuê, đài RFI bên Pháp, với nhà phê bình Vương Trí Nhàn, hiện sống tại Hànội, xung quanh đề tài văn học miền Nam từ 1954-1975 (*). Thứ hai là cuốn số 4 của bộ sách 4-tập khá đồ sộ tựa là Văn Học Miền Nam Nơi Miền Đất Mới (“đất mới” đây có nghĩa là miền nam Việt Nam, xưa quen gọi là “xứ đàng trong”, chứ không phải “đất mới” của người Việt tị nạn, đặc biệt người tị nạn tại Mỹ) của Nguyễn Q. Thắng, riêng bàn về văn học miền Nam dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, do nhà Văn Học xuất bản ở Hànội năm 2008.

Thẳng thắn mà nhận xét thì phải nói đây là những nỗ lực đáng khích lệ. Nói về văn học Việt Nam thời cận đại mà chỉ được bàn về sách báo được sản xuất dưới chế độ Cộng sản toàn một loại “cúc vạn thọ”, trừ loại văn chương gọi là phản kháng đã hẳn, là một thiếu sót lớn. Trong khi một điều không ai từ miền Bắc đặt chân vào miền Nam lần đầu sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 bây giờ còn có thể phủ nhận: đó là cả rừng sách báo, từ sáng tác tới dịch thuật, muôn hồng nghìn tía phơi bầy ra trước mắt họ trước khi có cái chiến dịch man ri mọi rợ “đốt sách” của nhà nước Cộng sản vào cuối năm 1975. Đã hẳn là có vàng có thau, nhưng giới thưởng ngoạn đủ thông minh để lọc ra những gì với họ là vàng để giữ lại, hoặc dấu nếu cần, không cần chính quyền làm hộ cái việc tuyển lựa.

Không rõ vì thiếu tài liệu hay vì một lý do nào khác, Tập 4 của bộ sách Văn Học Việt Nam Nơi Miền Đất Mới của Nguyễn Q. Thắng chỉ đề cập tới, một cách hời hợt và nông cạn, 53 “văn gia” của Việt Nam Cộng Hòa, với mỗi người được tác giả gắn cho một nhãn hiệu. Chẳng hạn Nguyễn Văn Trung có nhãn “nhà văn nhập cuộc”, Cao Xuân Hạo “nhà lập thuyết ngữ học”, Nguyễn Ngọc Lan “nhà văn Công giáo, nhà báo dấn thân”, Thanh Việt Thanh (?) “nhà văn cần cù”, Thế Uyên “nhà văn nhập cuộc”, Viên Linh “‘hoàng đế’, ‘nhà độc tài’ văn học” (!?), Hồ Trường An “dược sĩ (?), nhà văn”, vv. Lại thấy cả thi sĩ Phùng Quán, người với tôi muôn đời là của thời Nhân Văn Giai Phẩm (Hànội, 1955-58), trong đám này nữa, với nhãn “nhà văn, thi sĩ hiện thực”. Tôi tò mò tìm tên các bạn gái viết văn của mình hồi ấy thì thấy Nguyễn thị Thụy Vũ được khoác cho cái nhãn “nhà văn nữ giầu tình dục”, Túy Hồng “nữ văn sĩ giầu tính nhục cảm”, Nguyễn thị Hoàng “nhà văn trẻ của tình lụy”, Thu Vân (?) “nhà văn dùng tính dục để giải quyết vần đề”, và cá nhân tôi, Trùng Dương, “nhà văn hiện thực buông xả” (chữ nghiêng là của tôi, vì tôi không hiểu chữ “xả” đi với “buông” có nghĩa gì).

Tôi tình cờ thấy cuốn sách này của Nguyễn Q. Thắng hôm ghé thăm chị Thụy Khuê ở Paris hồi mùa hè vừa qua. Chỉ kịp chụp vài trang nghĩ mình có thể cần cho một bài viết ngắn, trong đó đã hẳn là có chụp riêng phần ông Thắng viết về tôi, vì tò mò. Mỗi tác giả được ông Thắng chi cho độ hai trang, với phần lớn là tóm tắt những tác phẩm tiêu biểu, rồi sau đó là phần in lại một bài hoặc truyện của tác giả đó. Tôi đọc phần ông Thắng viết về tôi mà thương cho người cầm bút ở nhà. Đại khái ông vừa khen tôi là viết “thẳng thắn, hồn nhiên, tự do” rồi lập tức, liền đó, ông đá giò lái một cái cho đúng đường lối, bảo tôi “buông xã (ở đây thì là “xã”, chứ không phải “xả” như cái nhãn ông cho tôi ở phần mục lục), đam mê đến độ sống sượng, khó dừng”. Cuối cùng ông in lại nguyên truyện ngắn “Mưa Không Ướt Đất” của tôi, với lời giới thiệu: “Sau đây là truyện ngắn mang hơi hám tác giả” (chữ nghiêng là của tôi, vì tôi vẫn nghĩ là phải là “hơi hướm” hay “hơi hướng” mới đúng, chứ chữ “hơi hám” làm tôi có cảm tưởng mình … lâu ngày không tắm!) Dầu sao, tôi chỉ bàn… loạn cho vui, đấy thực ra không phải là chủ đề của bài viết này.

Điều tôi muốn nói là, ngoài những gò bó của của chế độ đối với người cầm bút, nhất là những người viết biên khảo và phê bình vốn (khác với người sáng tác có toàn quyền chủ quan miễn làm sao rung động được người đọc — việc khó nhất trong sáng tác–) cần một môi trường trong đó họ có thể hành xử một cách khách quan, người viết ở nhà còn vô cùng thiếu tài liệu. Đấy cũng là nhờ công lao thanh tẩy để làm sạch xã hội của chế độ đã, ngay từ khi vừa chiếm xong miền Nam, ra tay hủy hoại sách vở và các văn hoá phẩm “Mỹ Ngụy” một cách tận tình. Tôi còn nhớ sau khi tôi đi rồi, cha mẹ tôi dọn đến ở căn nhà đầy nhóc sách báo của tôi bỏ lại ở Sàigòn, đã phải vất vả để thanh toán chúng như thế nào. Thoạt đầu khi còn bán được, nhiều sách trong thư viện tư của tôi, cuốn nào cũng có chữ đề tặng tôi của văn hữu hoặc nhà xuất bản, ra nằm lề đường để được bán tống bán tháo cho nhà kiếm tí tiền đong gạo, theo thư của người thân hồi ấy gửi ra cho tôi. Bộ hình ảnh của tôi, đặc biệt là bộ hình Ngy Thanh chụp tôi hồi đi hốt xác đồng bảo tử nạn trên Đại Lộ Kinh Hoàng trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, cả bộ hình hôm đám tang người chồng tử sĩ của tôi vào cuối 1972, thì được ông anh rể xin đem về Long Khánh cất. Khi ông này sắp đi đoàn tụ với con vào năm 1992, sợ bị liên lụy, nên ông mang đốt hết.

Vì thiếu tài liệu nên đã bắt đầu thấy nhiều sai sót trong việc trích dẫn, ít ra là ở các trường hợp có liên can tới tôi. Điển hình là tôi thấy người ta trích dẫn tôi, rải rác đó đây, theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Hoặc như năm ngoái, tôi được vài thân hữu cho biết Talawas có chuyển nguyên một tập truyện của tôi, Lập Đông (Văn, Saigon, 1972), sang dạng digital và đưa lên Web. Tôi nghe, cảm động, vào xem, nhận thấy có vài chi tiết người đánh máy tự ý thêm vào, có viết thư cho người chủ trương, sau khi cám ơn (mặc dù chẳng ai hỏi xin phép mình để sử dụng tác phẩm của mình), có đề nghị xin sửa lại cho đúng với bản đã in. Thư đi, đã lâu rồi, không nghe hồi âm (**).

Cũng xung quanh vấn đề thiếu tài liệu, trong bài phỏng vấn của chị Thụy Khuê về văn học miền Nam, ông Vương Trí Nhàn, khi được hỏi “có thấy có những điều gì nói thêm về việc đưa Văn học miền Nam trở lại văn đàn, điều mà anh thật sự hết lòng mong muốn thúc đẩy”, đã trả lời như sau, xin trích lại nguyên văn:

“Tôi bị ám ảnh bởi một điểm là chúng ta đến chậm quá, làm muộn quá,” ông Nhàn nói. “Hiện nay nếu muốn quay trở lại Văn học miền Nam, ngoài khó khăn tôi nói trên về tư tưởng, các quan niệm, thì khó khăn vật chất cũng rất cụ thể. Như không khí chểnh mảng không ai chuyên tâm. Lòng người thì vẫn tâm lý hậu chiến, tức là vẫn bị ảnh hưởng ngày hôm qua, không tách ra được để nhìn đối tượng văn hóa, bình tĩnh làm công việc một cách tốt hơn. Thứ nữa, tư liệu thì mất rất nhiều. Gần đây trên mạng Talawas cũng đã trích đăng lại một số tác phẩm cũ của Văn học miền Nam, ở bên Mỹ, nhiều tác phẩm cũ được in lại, nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa đủ. Thỉnh thoảng trao đổi với một vài nhà nghiên cứu khác cũng thấy thế. Chúng tôi có cảm tưởng mỗi người nắm một tí, tức là mỗi người chỉ nắm được phần của mình thôi, còn sự thực người có khả năng bao quát chung thì không có.

“Câu chuyên về tài liệu đang là chuyện cấp thiết lắm,” ông Nhàn tiếp. “Có những tờ báo, tạp chí quan trọng mà thiếu nó không thể hình dung đời sống văn học một thời. Ở miền Nam, đó là Bách Khoa, Văn rồi là Trình bày, Khởi hành, Vấn đề, Thời tập… Nhưng những bộ sưu tập báo và tạp chí đó không biết ở trong và ngoài nước còn giữ được bao nhiêu, và làm thế nào đưa nó lên thành tài liệu tiện dụng cho tất cả mọi người. Việc này cần không chỉ cho các chuyên gia Văn học miền Nam mà cho mọi người nghiên cứu nói chung. Bản thân tôi, khi giải quyết vấn đề gì, tôi đều rất muốn có dịp trở lại Văn học miền Nam, đọc lại nó để đối chiếu và tham khảo.”

Vốn vẫn bị “méo mó nghề nghiệp” (tôi làm thư viện tin tức — news library — trên cả chục năm trước khi về hưu ba năm về trước), nên tôi thích chia sẻ những gì mình biết. Và điều tôi muốn chia sẻ là làm cách nào để tới được (access) những tài liệu này của văn học miền Nam.

Mặc dù cộng sản Việt Nam hô hào đốt sách để thanh tẩy “tàn dư Mỹ Nguỵ” từ ngay sau khi chiếm miền Nam, kho tàng văn hóa phẩm của miền Nam thực ra đã được “tẩu tán” ra nước ngoài, đặc biệt tại Mỹ, từ lâu rồi. Trước thời Internet, những văn hoá phẩm này nằm trong hai thư viện lớn bên Mỹ, đó là Thư Viện Quốc Hội ở Washington, D.C. và thư viện Kroch Asia thuộc hệ thống thư viện của Đại học Cornell ở Ithaca, New York. Muốn tham khảo những tài liệu này, ta phải tới tận nơi lưu giữ chúng.

Ngày nay, với sự phát triển và thịnh hành của kỹ thuật Internet, ta chỉ cần ngồi trước máy vi tính, ít ra cũng lấy được chi tiết (citations) của một tài liệu nào đó, rồi nhờ thư viện địa phương, nếu bạn ở Hoa Kỳ hay Canada, mượn hộ qua hệ thống InterLibrary Loan. Gần đây, khi một nhóm làm phim tài liệu về trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 cần một số trang nhất của những tờ báo ở miền Nam dạo ấy có tường thuật chiến trận này, tôi đã giúp họ lấy được một số “citations” của các báo Chính Luận, Đại Dân Tộc, Điện Tín, Sóng Thần, Trắng Đen, vv. hiện được lưu giữ dưới dạng microfilm tại Đại học Cornell, để họ mượn về in và chụp lại. Tôi cũng được biết là Cornell có toàn bộ microfilm tạp chí Sáng Tạo do Mai Thảo chủ trương từ năm 1956 tới 1961, cùng tạp chí kỳ cựu và thọ nhất của miền Nam, tờ Bách Khoa, đã được ông Vương Trí Nhàn đề cập tới và là cái lò sản xuất ra nhiều cây bút của miền Nam, trong đó có Lê Tất Điều, Túy Hồng, Nguyễn thị Hoàng, Nguyễn thị Thụy Vũ, và tôi.

Tuy nhiên, nếu ở ngoài Hoa Kỳ hay Canada, như trường hợp ông Vương Trí Nhàn ở Việt Nam, thiết tưởng việc tham khảo những tài liệu của Cornell cũng không khó. Ông có thể vẫn lên Web kiếm, rồi 1) hoặc nhờ ai quen, rảnh rang ở Mỹ mượn về rồi sao hộ ông, hoặc tốt nhất, 2) ông làm một cái dự án nghiên cứu (research proposal) và xin một cái học bổng (fellowship) của một trong những cơ quan tại Mỹ để đích thân mình đi làm nghiên cứu. Một trong những cơ quan cấp học bổng đi nghiên cứu này là chương trình Fulbright tại Việt Nam của Hoa Kỳ, chi tiết có tại Web site http://vietnam.usembassy.gov/fulbright.html.

Đây là hai cái Web links mỗi người muốn nghiên cứu sách báo của Việt Nam Cộng Hoà trước 1975 nên lưu giữ trong máy computer của mình:

Library of Congress Online Catalog:

http://catalog.loc.gov/

Cornell University Catalog:

https://catalog.library.cornell.edu/cgi-bin/Pwebrecon.cgi?DB=local&PAGE=First

Happy searching!

(09/2009)

Ghi chú:

(*) Bài Thụy Khuê phỏng vấn Vương Trí Nhàn hiện có tại http://www.hopluu.net/default.aspx?LangID=38&tabId=510&ArticleID=734

(**) Sau khi bài viết trên được phổ biến, tôi có nhận được điện thư của một người trẻ trong nhóm Talawas, xin lỗi về sự sơ sót, và hai bản điện tử truyện ngắn nhờ tôi xem lại. Tôi xin ghi nhận thiện chí của người bạn trẻ đó.

Ý kiến:
1. Sách trước năm 1975.
Gia đình chúng tôi rất muốn đọc lại những sách trước năm 1975. Chúng tôi đến các public libraries tại Tây Úc để tìm, nhưng đa số sách Việt Ngữ ở đấy là sách từ Việt Nam ( sau năm 1975 ) gởi qua. Anh ( Chị ) có ý kiến gì về vấn đề nầy.
Người gởi: Hồng Nguyên. (Australia)
09-22-2009 – 13:27:43
2. Vài lời cuối với đóa hoa Trùng dương
Cái tên của chị sao nó rất khó quên, nó như tên của một kiếp đời lãng tử, nó gợi cho tôi tất cả những gì trước 75 của một thời đã mất… Nhiều người viết từ thời đó vẫn còn đây sao họ không gợi liên tưởng với tôi như chị. Có lẽ tôi đang tưởng tượng hơi nhiều rồi đây? Rồi đã hơn 30 năm trôi xa cái thời vàng son rực lửa của một cây bút đã từng đi tiên phong phá vỡ bức màn trắng đục cấm kỵ của nữ giới để phơi ra cái trần trụi bình thưòng tự nhiên của mỗi con người… Đóa hoa đó đang ở đây, còn đây. Cám ơn chị đã đến, đã ở lại, và vẫn còn đây, vẫn còn nóng ấm chuyện viết với cuộc đời… Chúc chị luôn giữ mãi sức sống đó, vui khoẻ. Kính chào!
Người gởi: dpa (london)
09-22-2009 – 12:37:19
3. Đọc lại LẬP ĐÔNG của chị Trùng Dương
Tôi đã so sáhh giữa chị với PTH, TS về khia cạnh dục tính, cái này, tôi cần vài lời giải thích thêm. Vì chị có khác, hay… khác hẳn đó chứ! Chị bạo hơn, cương quyết hơn, nghĩa là chịu ‘chơi’ hơn (giờ này, tuổi chị đã quá hưu, mà nghe nhắc lại thời ‘action’ kiểu này chắc đâu có sao hả chị? tôi tin vậy), nhưng những cái khác đó lại không đụng tôi mạnh bằng cái mà tôi cứ cho là giống – tôi hiểu ai mà thích bị nói rằng mình giống người khác, mong chị xí xóa cho ở chỗ này nữa (viết cho phụ nữ thì miệng cứ phải xin lỗi hoài mệt thiệt!). Vì, tuy thấy là buông xã không phanh đấy, nhưng đó lại là một sự buông xã cố tình và hoàn toàn có quan sát ghi nhận trước và sau một cách chặt chẽ: nên nó không còn gì là buông xã; nó rất ‘sợ lỡ ngủ quên luôn thì sáng dậy còn gì là khí thế!’. Nghĩ lại ‘chuyện đêm qua’, chị không cằn che đậy nó, không tiếc nó nhưng, lại nhưng, chị phải xác định chị vẫn còn là chị: hoàn toàn có tự chủ và vẫn nắm chặt khí thế…
Người gởi: dpa (london)
09-19-2009 – 19:57:15
4. Tái ông thất mã!
Cảm ơn nhà văn Trùng Dương đã cho độc giã hai web links tìm sách, báo ấn hành tại miền Nam VN trước 75.
Người gởi: Nguyễn Anh Thăng (Houston)
09-19-2009 – 05:58:41
5. Chào chị Trùng Dương lần nữa!
Sáng nay đọc kỹ bài chị viết hơn, đọc nhiều lần. Nhớ tới sự so sánh hôm qua giữa chị và PTH, TS, tôi chắc là chị không mấy thích. Xin lỗi về chuyện đó dù tôi vẫn cảm thấy vậy. Về chuyện nghiên cứu văn học miền Nam 54 – 75 mà không thấy ai nhắc tới Võ Phiến, theo tôi, là một thiếu sót lớn. Có lẽ, còn nhiều điều lấn cấn thuộc về nghề nghiệp mà tôi không biết hết chăng ? ví dụ như mục đích của sự nghiên cứu mới này, liệu nó có thuần túy trong sáng văn học không, hay nó có một mục đích nào khác ? trong khi Nguyễn Q. thắng đã ra sách nhận định rồi nền văn học đó theo đúng ‘ đường lối ‘ chỉ đạo ? Kế tiếp, qua chuyện khác, tôi hơi khó hiêu khi chị nói rằng ‘…văn chương gọi là phản kháng không kể… ‘, hình như chị không cho nó là một nền văn chương cận hiện đại rất đáng được chú ý . Có điểm nào sơ xuất khác, mong chị thông cảm bỏ qua cho. Không có ý chờ chị trả lời gì cả. Chỉ chia sẻ chút cảm nghĩ thôi. Kính.
Người gởi: dpa (london)
09-18-2009 – 13:08:44
6. Talents
I feel the author has so much talents and loves her country dearly. Her writing demonstrates innovations and creativity. I would like to see her more often in this forum. Best regards.
Người gởi: Nguoi Da Vang (New Jersey, USA)
09-18-2009 – 12:43:02
7. Tìm Lại Cội Nguồn
Câu chuyện đốt sách đã 34 năm, nhắc lại chi cho thêm đau lòng hở? Bây giờ “Người Ta” viết sách phê bình văn học miền Nam, phục hồi trang sách cũ, phán xét, bôi lọ tác giả v.v…thì cứ cho đó là những người mù sờ voi đi. Sự việc ô. Nhàn lên tiếng cần gấp những tài liệu cũ, ta cần phải xem lại. Dẫu ông Nhàn có ý tốt lành trong việc đào bới đống sách cũ, nhưng ông có đủ thẩm quyền để tuyên bố về sự sai trái của đảng CS không? Còn đọc sách của HN, là còn mang khó chịu trong lòng. Bởi lẽ trong những dòng chữ đó, người chiến thắng được viết lên công trạng của họ và sự miệt thị thì dành cho kẻ thua. Đó là chuyện đương nhiên phải làm của ông A, ông B, của Hà Nội? Để tìm lại cội nguồn, chắc chắn lớp người trẻ sẽ là người bới ra chồng tài liệu cũ còn sót lại. Tôi vẫn hy vọng về ngày mai ấy, TD ạ.
Người gởi: Lê Phương (Canada)
09-18-2009 – 05:29:17
8. Đốt sách
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, đam mê sách một cách vô tư… Một ngày cuối năm 75 tôi đang lang thang ở Sài gòn thì được/ hay bị chứng kiến cảnh đốt sách: hàng trăm hàng ngàn cuốn sách bị đổ thành đống và châm lửa đốt. Tôi đã đứng ngây ra, nhìn trân trân những cuốn sách bắt lửa cháy bùng bùng, và không thể hiểu nổi điều gì đang diễn ra… Đối với tôi chỉ có sách hay và sách không hay, chứ không có khái niệm sách chân chính va sách phản động, và vì là người yêu sách nên việc đối xử với sách vở như vậy là diều tôi không tưởng tượng nổi. Hình ảnh đó bám theo tôi dai dẳng hơn 30 năm qua, và bây giờ đứng trên bục giảng đại học, tôi vẫn kể cho sinh viên của tôi nghe câu chuyện đó…chỉ mong vô cùng rằng: LỊCH SỬ, XIN ĐỪNG LẶP LẠI.
Người gởi: ledung (Hanoi-VN) (Hanoi)
09-18-2009 – 05:27:47
9. Chào chị Trùng Dương!
Tôi không phải là người đọc nhiều nhưng cũng đã đọc LẬP ĐÔNG của chị. Nhìn hình chị, tôi chợt nghĩ tới Phạm Thị Hoài hay Trân Sa của Toronto, Canada, những người phụ nữ, theo ý tôi, rắn rỏi và đầy cá tính bất kham. Hơi văn cũng thế. Ngay cả cách suy nghĩ hay tỏ ra bất cần đời chê khen cũng thế. Đối với thể xác nhục dục thì hình như cũng thế…Các chị cứ cần như là không cần, yêu như là không yêu, muốn cực kỳ lãng mạn nhưng lại sợ chìm đắm, sợ lỡ ngủ quên luôn thì sánh dậy còn gì là khí thế? Khó hiểu thay, nhưng lại không khó! Người ta có thể thìch hoặc không thích các chị chớ không thể thấy các chị là boring được! Làm thầy Bói ở đây chút cho vui chớ chẳng lẽ không có gì để viết phản hồi cho chị?
Người gởi: dpa (london)
09-18-2009 – 00:09:00

bài đã đăng của Trùng Dương

Cancel


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

9 Bình luận

  • Trần Văn Tích says:

    Xin thưa chuyện tiếp cùng ông Phan Đức,
    Vì vừa gõ phản hồi bàn về chính sách đuổi tận giết tuyệt văn hoá Mỹ-ngụy sau 75 vừa nghĩ đến vụ đội tuyển túc cầu Florenz đá với đội Bayern tối hôm qua mà xui tận mạng (một cầu thủ bị thẻ đỏ oan, một bàn thua việt vị) nên tôi kể sót hai chuyện.
    Chuyện một liên quan đến từ điển đơn ngữ Anh-Anh Dorland. Cuốn này xuất sắc ở điểm nó có đủ những từ ngữ y khoa cần thiết (vốn từ y khoa càng ngày càng tăng trưởng) bên cạnh các chi tiết khác ít nhiều liên quan đến y học. Chẳng hạn nó có những mục từ ghi tên Pasteur, Pavlov v.v.. Cho nên trên mỗi bàn đọc sách trong Thư viện Trường YSàigòn (trường sở mới, do đế quốc đầu sỏ bỏ tiền xây cất trong Chợ lớn, đường Nguyễn Hoàng) đều có một cuốn Dorland cho sinh viên tham khảo (rõ ràng là ảnh hưởng văn hoá thực dân mới). Nhưng chính vì thế mà nó trở thành đại phản động. Nguyên là khoảng năm 1980,  một hôm tôi hướng dẫn một phái đoàn Y tế Thế giới (OMS) người Pháp sang thăm Viện Vệ sinh Dịch tễ bên kia cầu Chữ Y ở Khánh Hưng . Viện trưởng là đồng chí Bát Can. Đồng chí nói được tiếng Pháp nên khi thuyết trình về hố xí hai ngăn (!) – một thành quả vĩ đại trong vô vàn thành quả vĩ đại của nhân dân ta – cho quan khách ngoại quốc nghe, đồng chí nhảy sang thuốc chủng ngừa ấu liệt và gọi người phát minh ra nó là “le camarade Sabin”. Chả là Sabin gốc Nga thật nhưng nếu cứ là Nga cả đời để làm “camarade” thì còn khuya mới có phương tiện của “kẻ thù của nhân dân ta và nhân dân thế giới” để tìm ra thuốc chủng Sabin. Dorland phạm tội tày đình là ghi rõ ràng tiểu bang Hiệp chủng quốc nơi Sabin làm việc (năm 1980 Sabin còn sống)! Nói của đáng tội, trong khi y giới Sàigòn náo động vì chuyện Trương Thìn đốt sách ở Trường Y thì Dorland không bị đụng đến, cho dẫu nó không có tên trong sổ đen của Ngài Bộ trưởng Lưu Hữu Phước.
    Chuyện thứ hai liên quan đến anh bạn quý Ngô Thế Vinh. Da Màu vừa mới đăng cách đây không lâu bài viết của Ngô Thế Vinh trên tờ báo sinh viên Tình Thương. Cái anh Ngô Thế Vinh này viết lách làm sao mà cuốn Vòng đai xanh của ảnh không hề bị đốt hay xé (!?!?) mà lại được trang trọng bày tại khu triển lãm văn hoá phản động đồi trụy trong Nhà Trưng bày Tội ác Mỹ ngụy ở đường Trần Quí Cáp, ngay tại địa điểm trước kia là trụ sở Trường Y khoa di cư ; chính tại địa chỉ này, Ngô Thế Vinh đã được đào tạo chuyên môn! Lịch sử thật trớ trêu, cắc cớ!

  • Trần Văn Tích says:

    Thưa ông Phan Đức,
    Tôi xin được phép đồng ý với ông rằng có một chính sách tiêu diệt văn hoá ngụy sau tháng tư đen. Ngày 20 tháng 8 năm 1975,  Thông Tri do ông Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hoá Lưu Hữu Phước ký tên mang số 218/CT.75 nhân danh “Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam – Độc lập.Dân chủ.Hoà bình.Trung lập” (sic) với trích yếu :V/v cấm lưu hành sách báo phản động theo đó ở “Mục C – Danh sách cấm lưu hành” ghi ngay từ đầu : ” Các cơ sở xuất bản bị cấm toàn bộ các sách đã xuất bản là Bộ Thông tin và Chiêu hồi, Các Bộ khác và Nha, Sở, Trường, Viện trực thuộc” v.v.. Điều đó có nghĩa là những bản dịch các tác phẩm chữ hán của cha ông chúng ta (có kèm theo bản chụp in lại nguyên tác chữ khối vuông, một ưu điểm mà sách miền bắc không hề có) do Trung tâm Học liệu Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành cũng bị “cấm toàn bộ”.  Mục “Các tác giả có sách bị cấm toàn bộ” ghi những danh tính đáng chú ý sau đây  : Bùi Giáng, Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Minh Đức Hoài Trinh, Nguyên Sa-Trần Bích Lan, Nguyễn Lang, Nguyễn Vỹ, Nhã Ca, Nhật Tuấn, Phạm Công Thiện, Tạ Tỵ, Thanh Nam, Thanh Tâm Tuyền, Thế Uyên, Trần Dạ Từ, Trần Văn Ân, Túy Hồng, Từ Kế Tường, Viên Linh, Võ Phiến, Vũ Hoàng Chương. Vô cùng đặc biệt là sau mỗi tên tác giả, phần liệt kê những tác phẩm bị cấm luôn luôn chấm dứt bằng hai chữ vân vân! Mục “Các sách bị cấm lưu hành” có :  Bão rớt, Bóng thuyền say của Nguyễn Mộng Giác, Bên giòng lịch sử của Cao Văn Luận, Bí danh của Lâm Ngữ Đường,  Căn bản triết lý trong văn hoá Việt Nam của Kim Định vân vân, vân vân, vân vân và vân vân, vân vân nữa… Ngộ nghĩnh, quái dị hơn nữa có các mục “Danh mục sách tiếng Việt tạm được lưu hành” và Phụ Lục IV “Về sách tiếng Anh tạm được lưu hành” , Phụ Lục V “Về sách tiếng Pháp tạm được lưu hành”, Phụ Lục VI “Về sách tự điển và sách khoa học kỹ thuật bằng ngoại văn được phép lưu hành” trong đó kể tên sách X, sách Y. Miền Nam lúc bấy giờ sách báo như núi, làm sao liệt kê được đầy đủ tất cả các sách đang được dân chúng sử dụng! Chẳng hạn trong Phụ Lục VI (tự diển) không có từ điển Dorland, từ điển y khoa nổi tiếng!  Như thế có nghĩa là Dorland cũng phải đem đốt hay đem xé luôn!
    Đả đảo Tần Thủy Hoàng!Đả đảo!Đả đảo!  ” Phần thư” của nhà ngươi chỉ là chuyện con nít.

  • Phan Đức says:

    Ông actionminded,
    Xin ông đọc cả bộ Hồi Ký (bản in ở Mỹ) của cụ Nguyễn Hiến Lê để biềt rõ hơn về việc này.
    Học giả  NHL.từng thiên cộng nhưng có để lại câu thơ sau đủ nói lên sự thức tỉnh của ông:
    Nhìn xa ngỡ tượng tô vàng !
    Tôi xin được phép nối… điêu cho đủ cặp Lục Bát :
    lại gần mới biết là hàng giả thôi !

  • actionminded says:

    Ông Phan Đức,
    Chuyện miền Bắc hành xử sai lầm và thô bạo đối với miền Nam, chuyện tịch thu và đốt sách (đồi trụy, chống cộng, chống chính quyền) sau 1975 là có thật nhưng có một số điểm sau đây cần được xem xét công bằng và minh bạch:
    1. Chính sách từ trung ương khác với các chỉ thị miệng ở địa phương đó là chưa kể những kẻ thừa hành kém cỏi, những kẻ lợi dụng (cách mạng ăn theo 30 tháng Tư, cách mạng lấy điểm đeo băng rôn đỏ) tim cách bé xé ra to để lập thành tích. Những trường hợp cá biệt không phải là ít nhưng không thể dùng nó để gọi là chính sách.
    2. Một số người quá sợ hãi vì lúc đó các chính sách không được công bố rõ ràng lại thêm bọn thừa cơ trục lợi nên nhiều người ở miền Nam quyết định quẳng hết đốt hết cho yên chuyện với công an phường, với tổ trưởng tổ dân phố, với những kẻ có tư thù tìm cách vu khống để hại nhau.
    3. Cá nhân tôi thì thấy, ngoại trừ các sách báo khiêu dâm và chống cộng thẳng thừng, các sách văn học –  im ắng một chút sau thời gian đầu căng thẳng – thì vẫn thấy được nhiều nhà giữ trên tủ sách và được bày bán nhan nhản trên vỉa hè Nguyễn Huệ vào thập niên 197x.

  • Phan Đức says:

    Ít nhất có người như ông Ledung (Hà Nội-VN.) dám trung thực công
    nhận có sự đốt sách của miền Nam,nhưng 1 người khác là nhà văn Hồ
    Anh Thái,được đề cử đại diện VN.tham dự 1 hội nghị văn học ở ngoài 
    nước cố chối bỏ sự kiện này với kiểu cãi chầy cãi cối rằng chẳng qua là
    do người dân ở miền Nam hiểu lầm mà…sinh chuyện ! 
    Khi tham dự Liên hoan văn học quốc tế & Hàn quốc qua tiêu đề “Lịch
    sử hiện đại và văn học ở Châu Á – Phẩm giá con người”,ông HAT.đọc
    tham luận “Vượt lên trên sự chia cắt”,trong đó ông ta viết như sau :
    “Lại còn tưởng rằng tất cả những sản phẩm tri thức của chế độ cũ sẽ
    không còn giá trị.Thế thì phải nhanh chóng tiêu hủy để tránh bị quy
    kết.Một ông cậu của tôi đã mang toàn bộ sách văn học và triết học xuất
    bản dưới chế độ cũ ra đốt kịp lúc anh trai tôi tìm đến…Anh kịp thời đến
    cứu những cuốn sách sắp bị ném vào lửa…”
    Viết văn nhưng ông ta vẫn không quên nhiệm vụ tuyên truyền cho chế
    độ ở ngoài nước,bất chấp thực tế có cả 1 chính sách đốt sách đã xảy ra
    ở miền Nam VN.Chắc hẳn cái ông anh kia làm lớn như tổng bí thư hay
    chủ tịch mới dám tự mình can thiệp vào việc cá nhân như thế này ? 

  • van hoa says:

    Tôi không hiểu tại sao thời buổi internet, chỉ cần một cái click chuột là đọc được mọi thứ, mà Da Màu phải đăng lại bài cũ của bà Trùng Dương đã đăng trên VOA từ đời tám hóanh nào rồi

  • Tran Hoài Thư says:

    Xin được đóng góp thêm vào bài viết:
    – Ngoài thư viện KROCK (Asian), còn có một building lớn chuyên lưu trử  sách báo Á Châu, trong đó có rất nhiều sách báo miền Nam. Hầu như tất cả tạp chí cũ đều có đầy đủ. Ví dụ Vấn Đề, Trình Bày, Ý Thức, Thời Tập, Mai, Giữ Thơm Quê Mẹ, kể cả những giai phẩm, đặc san không thể ngờ lại có: Gia Long, Trưng Vương, Bộ Binh Thủ Đức,  Quốc Gia Nghĩa Tủ, Lê văn Duyệt hay Ngô Quyền v.v….
    Nhớ là giờ mở cửa từ 9 AM – 4PM (trong khi KROCK thì mở có khi 24/24 vào thời gian gân thi Final)
    Muốn biết những sách báo  cần tìm có lưu trử hay không, cứ  dùng GOOGLE, YAHOO search CORNELL Library, rồi đánh tên tác giả hay tựa đề (có thể dùng font Unicode), sẽ biết ngay.
    – Ithac a vào mùa thu rất đẹp, triền núi, đường ít xe, vừa thường ngọan mùa thu xứ Thượng NY (upstate NY), vừa có dịp bồi hồi thấy miền Nam của một thời trở lại. Tuy nhiên vì campus quá rộng, cần phải tìm phòng ngủ và điều tra về phương tiện di chuyển.
    – Thư viện không đòi lệ phí như  thư viện YALE.
    Riêng đại học YALE cũng lưu trừ rất nhiều sách báo cũ miền Nam, (dù so với Cornell thì không thấm tháp vào đâu. Có toàn bộ Bách Khoa, Văn, Văn Học, Vấn Đề, Trình Bày…)
    – Lệ phí để làm thẻ thư viện YALE là $26 cho mỗi tháng.
    – Cornell không cho phép Interloan qua các thư viện địa phương. Cách tốt nhất là viết thư hỏi thăm và yêu cầu nơi dây giúp chụp microfilm gởi về mình. Lệ phí tượng trưng.
    – Về phần copy: Khoảng 25 cent/1 copy.  Rất tốn kém
     
    (Trần Hoài Thư)

  • Nguyen Anh Thang says:

    Xin giới thiệu quí vị ở Houston, Hoa Kỳ, một thư viện chứa một số sách báo của miền Nam trước 75, tên là Nhà Viêt. Thư viện này có khá đầy đủ tạp chí Bách Khoa và Văn đóng bìa cứng, mạ vàng, theo từng năm in Những quí vị phụ trách thư viện này cho biết số sách báo này từ thư viện riêng của ông chủ nhà sách Khai Trí tặng cho thư viện trước khi ông mất ở Viet Nam Trang mạng của thư viện có địa chỉ như sau:
    http://vietciviccenter.org/NhaVietLibrary.html

1 Pingbacks »

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)