LTS: Dưới đây là bản tiếng Việt bài Ký Of Luggage and Shoes của Đinh Từ Bích Thúy. Đây là lần đầu tiên bài Ký này đuợc duyệt lại rồi dịch sang tiếng Việt. Nguyên bản tiếng Anh của Of Luggage and Shoes đã xuất hiện trên tạp chí văn chương Amerasia Journal năm 1991, đăng lại trên tuyển tập Once Upon A Dream: Twenty Years of Vietnamese-American Experience (Andrew McMeel: 1995), và xuất hiện trong sách học nhà trường (trung học đệ nhị cấp) về những người viết Mỹ gốc Á Đông, có tựa là Asian American Writers (Nextext: 2001).
Ảnh chụp mẹ và em trai út của tác giả khi gia đình vừa đáp máy bay xuống phi trường Dulles, tiểu bang Virginia, ngày 27 tháng 5 năm 1975 (Douglas Chevalier, Washington Post)
Khi còn bé, tôi thường nghĩ về nước Mỹ như một Thiên Đàng không thể nào với tới. Nước Mỹ lớn hơn nước Pháp, lớn hơn cả Âu Châu, và nó biểu tượng cho tôi mọi quyến rũ về “ngoại quốc.” Tôi nghĩ chỉ có ai thật thông minh hay thật giầu mới có thể đi Mỹ. Lúc còn bé tôi không hiểu nhiều về bản thân, hay tin vào sự thông minh của mình. Bố mẹ tôi cũng không có tướng giầu. Tôi không hề nghĩ tôi có thể tới Thiên Đàng, nhưng sẽ lấy chồng sớm, có lúc nhúc một đàn con, và sẽ sống một cuộc đời lu bu với nấu nướng và may vá.
Vào tháng Tư năm 1975, gia đình tôi được dịp đi Mỹ theo diện tị nạn từ một xứ sở sắp mất. Vừa lên mười ba, tôi thấy hân hoan vì giấc mơ ấp ủ từ lâu sắp thành hình. Khi sửa soạn cho chuyến đi, tôi không bao giờ nghĩ đến điều tôi có thể sẽ rời Việt Nam mãi mãi, hay ít nhất cũng sẽ rất lâu trước khi tôi thực sự trở về. Tôi chưa biết lo sợ cho cuộc đời trước mặt vì tôi chưa hiểu rõ vận mệnh mình lúc đó. Tuổi mười ba đứng giữa quá khứ và một tương lai bất tận. Hiện tại tôi dửng dưng. Nó chỉ là một chuyến xe buýt đi thật chậm, qua những chuỗi ngày muốn chối bỏ như mụn trứng cá.
Vào thời điểm đó ông ngoại tôi, từng làm thông dịch viên hơn 20 năm cho quân đội Mỹ, đã một mình lo thu xếp cho gia đình tôi rời Việt Nam. Ông ngoại cũng thay bố tôi lo liệu cho chúng tôi nhiều chuyện–vì bố lúc ấy vẫn còn bị chính quyền miền Nam giam giữ do những bài viết đối lập trên báo. Bố tôi không đi cùng với chúng tôi nhưng may mắn được thả ra khỏi tù vào những ngày cuối của miền Nam và cũng lên kịp tàu rời Việt Nam ngày 30 tháng Tư—nhưng đó là một câu chuyện khác mà tôi sẽ kể về sau.
Vì sự vắng mặt lâu dài của bố tôi, cộng vào những bấp bênh của thời cuộc, từ đầu tháng 9 năm 1974–mẹ tôi (lúc đó đang có mang em trai út) và 5 chị em tôi đã rời ngôi nhà ở Hàng Xanh và dọn về nhà ông bà ngoại tôi ở căn hẻm đường Nguyễn Trãi đối diện trường Bác Ái gần khu Chợ Lớn. Tôi không nhớ là lúc nào, nhưng có một lúc tôi linh cảm được rằng những biến chuyển nghẹt thở của đời sống, chuyện chúng tôi tá túc ở nhà ông bà ngoại, chuyện học hành của tôi và các em tôi—tất cả sẽ chỉ là chuyện nhất thời, tạm bợ, và rồi cũng qua đi. Tôi lờ mờ biết rằng chúng tôi phải sửa soạn cho một chuyến đi có thể đến bất cứ lúc nào. Một chuyến đi không thể tránh, nhưng người lớn tuyệt nhiên không nhắc nhở trực tiếp mà chỉ nói về những chuyện khác liên quan đến nó. Sau Tết 75 ông tôi bảo mẹ tôi:
Ba nghe nói bên Mỹ giầy dép đắt lắm, con ạ. Hay con cho lũ trẻ đi ra tiệm giầy nhờ họ đóng mấy đôi giầy da cho chúng nó. Mình làm được chuyện gì bây giờ cũng đỡ tốn thì giờ và tiền bạc sau này.
Ở Sàigòn lúc đó có đủ mọi kiểu giầy. Nghe lời ông ngoại, mẹ tôi đưa chúng tôi đi lên một tiệm giầy ở khu phố Lê Thánh Tôn đóng giầy. Mỗi đứa em trai tôi đuợc một đôi giầy da cordoba mầu nâu đỏ, có vòng xoắn bạc ở góc giầy, chỉ cần xỏ chân vào là đi được. Chúng nó cũng được sắm áo sơ mi mới, áo khoác ngoài và quần tây để diện cùng với giầy mới. Tôi lúc đó đã được coi gần như người lớn, nên được mẹ cho phép đi giầy cao gót. Đôi giầy tôi chọn là kiểu giầy da kín mũi mầu hồng nhạt với quai sau gót, nhưng có nền và gót giầy đen bóng. Mẹ cho tôi áo blouson cũng màu hồng mà bà đã mặc chật và may cho tôi quần sa-tanh lụa loe ống. Hai đứa em gái tôi thì mỗi đứa được một đôi hài nhung có dát cườm ngũ sắc.
Thụy, em trai út của tôi (sinh tháng 10 năm 1974), tuổi Dần, lúc đó gần 5 tháng, không được giầy mới. Bà ngoại tôi đi chợ An Đông mua cho nó một cái mũ len màu cam có sọc đen đậm kẻ ngang, với quần áo thun và bí tất cũng màu cam sọc ngang đi cùng bộ với mũ. Trông nó không giống con cọp mà như một thằng tù bụ sữa, người nó tròn lẳn như củ khoai. Tôi gọi đùa nó là “tù thâm niên.” Bà ngoại tôi mắng, “con gái lớn, ăn với nói ….” Mẹ tôi chỉ cười. Trong nhà tôi, đàn bà con gái có truyền thống ăn nói không cần giữ kẽ. Hình như đó cũng là cách yểm bùa với thời thế.
Ông ngoại tôi dặn mỗi người chỉ được mang theo hai túi xách tay. Tôi bỏ vào một túi xách đôi giày mới màu hồng, một cái áo đầm để đi lễ nhà thờ ngày Chủ Nhật, những bài luận được chấm điểm cao nhất từ lớp Việt Văn năm Đệ Lục Trưng Vương, những đôi đũa ngà Nhật Bản và muỗng nĩa từ ngăn bếp của bà ngoại tôi để dự phòng lúc phải ăn uống trên đường “đi ngoại quốc.” Em gái tôi nhét vào túi da của nó một bộ truyện tranh có Xì-Trum, Astérix và Tí Hon Thần Lực—đó là quà sinh nhật lên tám của nó. Nhưng không lâu sau đó mẹ tôi lôi ra khỏi túi tập bài luận của tôi, những đôi đũa, bộ muỗng nĩa, và cũng khuyên em tôi để lại quyển truyện tranh của nó. “Những thứ này chúng con thích, nhưng không phải là những thứ nên mang theo,” mẹ tôi nói.
Tôi tự lý luận (nhưng không dám cãi trước mặt mẹ tôi), chuyện quyết định nên mang hay bỏ lại bất cứ cái gì trong nhà không ăn nhập với bản chất của chính thứ đó là có thích hợp với chuyến đi hay không, mà dựa trên thế lực người chủ của nó. Ông ngoại tôi, vì là gia trưởng, có quyền mang theo đàn tranh cổ của ông, cái đàn dài độ một thước, bỏ trong một hộp gỗ sơn đen lót vải nhung đỏ. Về sau, tới Mỹ, gỗ trên mặt đàn bị nứt. Ông tôi mua đàn khác, và chỉ trưng cái đàn cổ làm cảnh, gợi chuyện cho khách đến thăm.
Vào khoảng thời gian này nhiều nhật báo sáng nào cũng bị bộ Thông Tin Văn Hóa đục đen một khối lớn trên Trang Nhất. Trong tuần có một máy bay bỏ bom Dinh Độc Lập. Tổng Thống Thiệu lên tivi trấn an, nhưng mặt ông nhợt nhạt, bóng lưởng. Nhưng tôi lắng nghe chuyện hàng xóm xì xào. Thời tiết tháng Tư oi bức, căng thẳng. Tiếng ruồi xanh kêu rì rào bên những ngón chuối Tây mập ú, thâm xịt treo lủng lẳng trước hàng nước của bà hàng xóm.
Mẹ tôi dặn nếu hàng xóm hay hai chị giúp việc trong nhà có tò mò hỏi là mình sắp sửa đi đâu, thì cứ nói là mình sắp về quê hay ra biển nghỉ mát. Tôi thấy có cái gì không ổn trong cách mẹ khuyên tôi đối đáp, nhưng cũng không buồn lý sự với mẹ tôi. Người lớn không ai còn thì giờ giải thích dông dài với trẻ con, ngay cả với những đứa trẻ con đã tự lớn. Tôi thắc mắc, chẳng lẽ lại có người nhẹ dạ tin chuyện mình “sắp về quê” hay đi nghỉ hè. Lúc đó, miền Nam gần như đã mất hết những tỉnh lớn. Những người bà con bên ông bà ngoại tôi đã lũ lượt chạy về Sài gòn từ Pleiku, Qui Nhơn, Ban Mê Thuột. Trường học ra tuyên bố sẽ nghỉ hè sớm một tháng. Tôi đã nhìn thấy mắt bà hiệu trưởng đỏ hoe trong những buổi lễ chào cờ trước khi vào lớp học buổi chiều. Không ai nói ra, nhưng chúng tôi cũng đã tự hỏi mình, chúng tôi sẽ có dịp chào lá cờ và hát bài quốc ca của miền Nam cho đến bao giờ?
Hai chị giúp việc nhà của ông bà tôi hình như có vẻ vui lên khi biết chúng tôi sắp ra đi. Trong những ngày cuối cùng, hình như họ cũng tỏ ra phè phỡn, ung dung, đủng đỉnh như con mèo đen trong nhà. Họ vẫy tay chào chúng tôi. Ngày chúng tôi rời căn nhà ông bà ngoại tôi là Chủ Nhật Phục Sinh, ngày 20 tháng Tư năm 1975.
Ngày hôm sau, 21 tháng Tư, chúng tôi lên máy bay vận tải C-141 của Hoa Kỳ bay sang Clark Air Base, một căn cứ quân sự Mỹ ở Phi Luật Tân. Đó là chặng đầu tiên trên đường lên Thiên Đàng.
Lúc ở Phi Luật Tân tôi nhận ra rằng tôi không còn có thể trở về. Lúc đó mọi đường giây liên lạc với Sài gòn đã bị cắt đứt. Tôi bắt đầu nhớ căn phòng ngủ của tôi ở nhà ông bà ngoại. Căn phòng có cửa sổ chấn song nhìn ra cây vú sữa. Vào mùa mưa, mùi vú sữa chín rơi dập trên lối đi vào nhà ông bà, quyện với mùi ẩm hắc của đất và xi măng, xông vào mũi, in đậm vào tiềm khắc tôi cho tới mãi về sau. Nhưng ngay vào thời điểm đó, cây vú sữa, căn hẻm đi vào nhà ông bà ngoại tôi gần như đã trở thành những hình ảnh trong mơ.
Ở Phi Luật Tân chúng tôi được ở trong khu tập thể thao của căn cứ Mỹ, đó là một gymnasium lớn có trải nệm trên sàn gỗ. Đó cũng là lần đầu tiên tôi nếm mùi sống “tập thể.” Những thân thể phụ nữ trần truồng nhưng hồn nhiên gần như không cá tính trong phòng tắm buổi sáng. Tôi đuợc chứng kiến những sinh hoạt và động tác thầm kín nhất, bây giờ diễn ra hàng ngày với dáng điệu máy móc, dửng dưng. Đây là kinh nghiệm cắm trại vĩ đại và bất đắc dĩ, với những người lạ dù họ chính là đồng bào tôi. Tôi cũng cảm thấy xa lạ, như muốn ly dị với chính mình. Thân thể tôi là thân thể của đứa con gái mới lớn. Tôi ghét bỏ nó, xấu hổ vì nó. Nếu đúng là thân thể phụ nữ tuân theo nhịp tuần hoàn của thiên nhiên và vũ trụ, thì lúc đó tôi thấy thân thể tôi không phục tòng với trí óc tôi hay những biến chuyển ở đời sống bên ngoài. Thân thể đứa con gái mười ba muốn phô trương, muốn hét lên là ta sắp thành đàn bà nhưng tôi không muốn phô trương nó. Tôi chưa sẵn sàng vì trí óc tôi vẫn là trí óc của một đứa con nít. Tôi uớc gì tôi không phải là một đứa con gái trong lúc đó. Tôi muốn mình có thân thể bằng phẳng và không có những lồi lõm hay mùi nồng hắc mới lạ. Đôi khi tôi ước gì mình thành một thanh gỗ hay mảnh đá.
Thật ra, bọn trẻ chúng tôi cũng còn sướng chán. Lúc nào quầy phục vụ trong gymnasium cũng đầy ắp Cô-Ca Cô-La và những thức ăn vặt. Dần dà, tôi làm quen với một vài gia đình có nệm nằm cạnh dãy nệm của gia đình tôi. Chị Kim, một phụ nữ lấy chồng Mỹ lúc nào cũng nhai kẹo sinh-gôm, nói với tôi rằng “Coke” là tiếng gọi tắt của Cô-Ca Cô-La. Tôi không tin chị. Chị có vẻ quá tự tin, gần như bất cần đời. Tôi ganh với chị khi nhìn thấy chị nói chuyện cười nói thoải mái với các lính Mỹ trông nom quầy phục vụ. Tôi không biết nói tiếng Mỹ. Nếu dạn lắm, tôi chỉ dám bập bẹ, “hello,” “how are you,” và “shall I.”
Tôi đã có hai năm tiếng Anh ở nhà trường, và ở nhà cũng được ông ngoại kèm từ quyển “L’Anglais Vivant” với những chữ tiếng Anh kèm theo phụ chú bằng tiếng Pháp, nhưng vốn liếng tiếng Anh của tôi vẫn còn rất sơ sài. Mỗi lần nghe những người lính Mỹ nói một tràng thứ ngôn ngữ líu lo, đôi lúc nhừa nhựa như phát âm từ lỗ mũi, tôi thấy quýnh quáng rồi thộn mặt nhìn đối tượng. Lúc đó cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận khoảng trống mênh mông nhưng cũng thật thấm thía giữa hiểu biết và bí ẩn. Biết đến bao giờ tôi sẽ đuợc mơ trong ngôn ngữ xa lạ này? Biết đến bao giờ người Mỹ không còn thấy tôi là một kẻ lạ?
Mẹ tôi nói những con người hiểu biết thường cảm thấy sợ hãi trước những biến chuyển đột ngột, nhưng ngược lại, cũng có những kẻ điếc không sợ súng. Tôi nghĩ chắc chị Kim cũng là một người điếc không sợ súng. Người ta nói những người như chị Kim là me Mỹ, lúc trước là gái quê rồi đi bán ba, lấy Mỹ. Tôi không hiểu sao chị Kim lúc nào trông cũng phớt tỉnh, thoải mái gần đến độ khiêu khích. Chị tô mắt xanh lơ đến tận lông mày, áo muslin đen mỏng tanh có thêu chỉ vàng, nửa hở nửa kín xú-cheng có ren bên trong, quần sa tanh ống rộng, giầy cao gót mạ vàng để hở móng chân sơn đỏ mà chị nói là màu đỏ chính hiệu “Passion” của Revlon. Chị nói tiếng Anh có giọng đục khàn như ca sĩ Julie Quang, và hầu như lúc nào hai ngón tay chị cũng kẹp điếu thuốc lá Winston. Tôi không thể nào tưởng tuợng trước đây chị từng là một cô gái nhà quê cục mịch. Ngay bây giờ, gần 35 năm sau, tôi vẫn ao ước có được phong thái phớt tỉnh bất cần đời của chị Kim.
Thời tiết ở Phi Luật Tân cũng nóng bức như ở Sàigòn. Ngày giờ trôi rất chậm. Chúng tôi chỉ ở Clark Air Base ba ngày. Sau này tôi nhớ quãng thời gian này như những kỷ niệm đi lạc: ngày đầu đến trại Phi Luật Tân gia đình tôi bị thất lạc thành hai nhóm, đi hai chuyến xe buýt khác nhau trong một lần được chở đi ăn cơm tối ở một nhà hàng trong trại; rồi một lần khác đến nhà hàng chính tôi lại đi lạc, được chỉ lối vào toilet nhưng không hiểu sao tôi lại đi lộn vào gian bếp đằng sau nhà hàng: một gian bếp vĩ đại, trắng toát, với những bồn rửa sáng choang và những con dao nhọn hoắt. Nó giống nhà thương thay vì bếp nấu của quân đội Mỹ. Tôi cũng không chắc là chuyện này có thật sự xảy ra hay tôi đã mơ nó. Ký ức con người ta nhiều khi cũng không đáng tin.
Tôi cũng làm quen với một con bé cùng tuổi tên là Trinh, rời Việt Nam với ông bố Không Quân. Trinh giống Ấn Độ, mắt to, môi đầy đặn, tóc hung hung nâu. Nó hãnh diện là nó mặc quần áo và đi giày thích hợp với hoàn cảnh chạy loạn: áo T-shirt cô-tông cộc tay, quần jeans và giầy thể thao Bata. Nó nói:
Má tao bị kẹt ở lại, nhưng ba tao lo cho tao hết. Ba tao nói mình phải biết tùy cơ ứng biến, ăn mặc sao cho hợp thời, hợp cảnh. Ở Mỹ người ta coi trọng chuyện thoải mái, nên ai cũng mặc T-shirt, quần jeans, đi giày Bata.
Tôi không tin Trinh. Đôi giày cao gót màu hồng nhạt của tôi trông chic hơn đôi giầy Bata bẹt gót của nó, tuy bây giờ chúng đã sờn gót và trầy trụa ở đầu mũi giầy. Tôi đã đi đôi giầy hồng của mình từ ngày rời Việt Nam, mặc cho bàn chân bị mổ hôi nháp nhúa, ngón chân trầy trợt vì cọ vào lớp da bò nhuộm hồng còn mới. Tôi nhắm mắt. Nước Mỹ của tôi, trước khi tôi nhìn thấy nó tận mắt, là ảo tưởng của phim ảnh Hollywood từ thập niên 1950: những tòa nhà lồng kính chọc trời ở Nữu Ước, những đại lộ thênh thang. Nước Mỹ của tôi vào lúc đó là chân dung đài các của Grace Kelly, là nét uyển chuyển linh động trên khuôn mặt trẻ mãi của Audrey Hepburn. Nước Mỹ đó không có những con người mặc quần jeans hay đi giầy Bata.
Sau ba ngày ở Clark Air Base, chúng tôi rời Phi Luật Tân sang đảo Guam. Guam không có những sung túc như trại Mỹ ở Phi Luật Tân. Chúng tôi không được ở gần biển, không nhìn thấy biển hay những hàng dừa xanh. Xe vận tải của quân đội Mỹ đưa chúng tôi đến khu trại lính với những dẫy giường nhà binh có song sắt hoen rỉ nằm chồng lên nhau. Nhà tắm công cộng chỉ có một tấm màn mỏng mảnh phân chia khu “đàn ông” và “đàn bà.” Mẹ tôi nói nên tránh chuyện vào nhà tắm vào buổi tối, vì mẹ bảo vùng cỏ tối om đằng sau nhà tắm chắc chắn là có ma.
Vào những buổi tối mát trời, những người lính Mỹ chiếu phim hoạt họa cho trẻ con xem ở bãi cát trống trước mặt tiền trại lính. Chúng tôi không bao giờ bỏ qua những buổi chiếu phim hoạt họa. Đến khu chiếu phim lúc còn sớm sủa, chị em chúng tôi chiếm hết một dãy ghế. Ngồi đó, ở giữa Việt Nam và Tân Thế Giới, với mặt trăng ở trên đầu, và vải chiếu bóng căng rộng trước mắt, chúng tôi say sưa xem thỏ Bugs Bunny, chim Road Runner, thủy thủ Popeye và Con Mèo Trong Cái Mũ. Phim hoạt họa miêu tả những mưu kế và nguy kịch tày trời nhưng không ai bị thiệt mạng. Sau những vụ nổ đinh tai nhức óc, những trận bị ngã từ trên trời xuống đất, những con vật trong phim hoạt họa cùng lắm chỉ bị nhọ mặt, cháy ria, hay tơi tả quần áo.
Chúng tôi ở Guam được độ một tuần, nhưng thấy lâu như một thế kỷ. Quần áo diện của chúng tôi không còn sáng mới nữa mà đã bắt đầu bị sờn ở khuỷu tay, đầu gối. Gấu áo, gấu quần bắt đầu sút chỉ. Giầy các em tôi há mõm như miệng cá sấu đang ngấp nghé. Gót giầy hồng của tôi đã mòn nên đi thành khấp khểnh. Tôi nhớ những bài luận cũ của tôi. Em gái tôi nhớ quyển truyện tranh Xì Trum và Tí Hon Thần Lực của nó. Mẹ tôi có lẽ nhớ bố tôi. Ông bà tôi nhớ quá khứ và căn nhà đường Nguyễn Trãi. Chỉ có chị Kim là vẫn phớt tỉnh. Trinh cũng vậy. Giầy Bata của Trinh vẫn chưa hề hấn gì.
Một buổi sáng, hay có lẽ là một buổi chiều, ông ngoại tôi ở ngoài chạy vào và nói, “Thôi, thế là hết. Mất hết rồi.” Ông tôi nói giọng ôn tồn, hình như không biểu lộ một cảm xúc nào. Mẹ tôi ngước lên, nhìn ông. Tôi nhìn vào vệt rỉ trên song giường, những đường kẻ, những vệt ố loang trên những nệm giường chưa được trải vải drap. Ở cuối dãy giường hình như có ai vừa bật khóc. Rồi nhiều người khác cũng khóc theo. Mấy đứa trẻ, hoang mang thấy người lớn khóc, cũng bắt đầu ngoạc miệng góp giọng.
Có phải chỉ có ký ức là tồn tại? Câu chuyện mất nước của tôi đã được kể lại nhiều lần, qua nhiều bản thảo, trong tiếng Anh và tiếng Việt. Mỗi lần kể lại, những chi tiết hình như lại khác đi đôi chút, vì cảm nhận của tôi về quá khứ cũng biến chuyển theo thời gian. Tôi đã biết mơ trong ngôn ngữ lạ, nhưng tôi vẫn viết, đọc, và nói tiếng Việt hàng ngày. Tôi đã mất nhưng tôi vẫn còn Việt Nam. Tôi sống trong và bên ngoài quá khứ. Tôi hòa mình với những biến chuyển, nhưng tôi cũng đứng bên lề của thời gian. Là dân tị nạn, tôi đã may mắn được thoát nạn, nhưng đồng thời tôi cũng đã phải học cách nhìn xuyên qua ánh nắng chói ngợp của mặt trời Thiên Đàng.
Với đôi giầy hồng mòn gót, tôi đặt chân lên miền Đất Hứa.
Tác giả và các em đón xe buýt đi học trường hè dạy Anh ngữ cho các học sinh tị nạn ở Alexandria, Virginia, tháng 6 năm 1975. Mẹ và em gái út đứng bên trái ảnh. (Ảnh chụp của United States Catholic Charities (USCC))
Bài đoản thiên của Đinh Từ Bích Thúy rất đặc biệt vì kinh nghiệm riêng, vì lối văn giản dị chân thật, và bám chặt vào phương vị một người kể.
Phan Ngọc.
Tôi cám ơn tác giả Đinh Từ Bích Thúy.
Tôi phải đọc nhiều lần truyện ký này của cô và dù không hề muốn viết lời bình luận. Tôi phải viết.
Đúng là nó đã từng đăng ở những tạp chí văn chương Hoa Kỳ và trong sách dạy của trường. Đó là chỗ của nó. Nó phải nằm ở đó.
Văn chương của truyện ký không hề cố gắng tạo ra vẻ cầu kỳ dị biệt. Nhưng quả là nó rất cầu kỳ và dị biệt.
Ký. Nhưng giống như một truyện ngắn. Một truyện ngắn hay.
Đó là điều tôi muốn nói.
Thưa tác giả Đinh Từ Bích Thúy,
Sáng nay đọc được ký sự “Hành lý và giày” của chị, làm tôi nhớ lại những ngày cuối tháng 4-1975 với các sinh hoạt bên ngoài những công sở lúc bấy giờ mà tôi chỉ nghe kể loáng thoáng đâu đó từ một vài người mà tôi có dịp gặp, vì lúc ấy tôi phải ở nơi công sở với lệnh cấm trại 100%, nhưng nay với ký ức của một em bé mười ba tuổi, học lớp Đệ Lục hồi ấy đã gợi cho tôi biết bao điều suy nghĩ. Tôi rất cảm kich câu trích sau đây làm trọng tâm cho bài viết:
“Tôi đã biết mơ trong ngôn ngữ lạ, nhưng tôi vẫn viết, đọc, và nói tiếng Việt hàng ngày. Tôi đã mất, nhưng tôi vẫn còn Việt Nam. Tôi sống trong và bên ngoài quá khứ. Tôi hòa mình với những biến chuyển, nhưng tôi cũng đứng bên lề của thời gian.”
Không cảm kích sao được với nỗi niềm của một người trẻ lớn lên nơi đất khách quê người và đã tự nhận ra rằng:”Tôi đã mất, nhưng tôi vẫn còn Việt Nam”
Riêng tôi, đây là bài viết vẽ lại được bức tranh của một thời kỳ luân lạc dù bụi thời gian có làm mờ vài nét vẻ nhưng bức tranh vẫn đầy đặn những màu sơn của 35 năm về trước ….
Trân trọng,
ltt