- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

Những Người Đi Tìm Mùa Xuân

 

 

 

Nghiêm Sỹ Tuấn tốt nghiệp Khoa Y 1965. Sinh năm 1937. Học vỡ lòng tại gia vào thời mười tuổi. Mãi đến năm 14 tuổi ông mới thực sự cắp sách đến trường. Là một trong những người đã sáng lập ra Nguyệt San Tình Thương, Sinh viên Khoa Y Sàigòn chủ trương. Tác giả nhiều truyện ngắn sâu sắc. Tình nguyện vào binh chủng Nhẩy Dù năm 1966. Mất tại Khe Sanh năm 1968 trong khi đang cùng đơn vị hành quân.

 

 

I

Mấy ngày nay một chuyện lạ làm xôn-xao khắp kinh-đô. Ba hôm trước, có người khách thương từ phương Tây lại, đem theo hàng quí nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Này gấm trải rực-rỡ như muôn hoa bướm, này the buông mỏng mướt tợ hồ khói sương; đĩa bạc, chén vàng chói-lọi như bình-minh, châu ngọc trang sức lấp-lánh hơn sao trời. Nhà vua vời vào để Hoàng-hậu và bốn chục nàng Công-chúa lựa mua. Các quan to trong triều, các phú-hào ngoài nội, tranh nhau tìm đón. Trong lúc yến tiệc mời chào, khách cao-hứng tả lại những miền đã kinh quá. Vùng mộ vua ở Ai-cập có những kim tự tháp đồ sộ, vườn treo lộng lẫy của bà Hoàng Semiramis ở Ba-tỉ-luân, thành Bá-đa huyền ảo thủ-phủ xứ ngàn lẻ một đêm, đền Taj Mahal cẩm-thạch lung-linh dưới trăng Ấn-Độ; rồi Vạn-lý trường-thành ở Bắc Hoa, Phú-sĩ sơn bên Phù-tang, thực khách sững nghe, ngồi mà quên gắp.

Nhưng tất cả bỗng buông đũa, ngừng ăn, lắng hết tinh thần khi nghe đến Thung-lũng Trường Xuân, một quốc gia nhỏ trên đường về Eden xưa. Tên gọi thế vì ở đấy mùa xuân là cả bốn mùa. Cây cối lúc nào cũng hớn-hở xanh tốt; hoa thắm, bướm vàng, chim hót, suối reo, người dân nhởn-nhơ vui chơi. Em bé bụ như măng, thanh niên hùng như núi, thiếu nữ kiều-diễm như quỳnh mùa thu, cụ già vững mạnh như tùng bách mùa đông. Thổ sản, rau tươi, quả ngọt, suốt năm sẵn có thì-trân; cầm thú; chim núi, muông đồng, trĩ, long phượng đỏ, chồn xạ lan thơm, bốn mùa mặc tình săn bắn. Và rượu, rượu rất nhiều; có thứ nồng ấm như da Thái Chân, có thứ nhẹ say như mình Phi-Yến, uống vào sảng khoái, tưởng chừng chắp cánh lên tiên, hơn hết mọi thứ mĩ-tửu trên đời.

Thắng-cảnh thì toàn quốc là một thắng-cảnh lớn, phía bắc núi ngọn lọt mây, phía nam ruộng đất mầu mỡ, đông tây rừng già, xanh um một màu tùng bách. Quí nhất là khu rừng nhỏ phía đông bắc thung-lũng, trồng đầy kỳ-hoa dị-thảo, ngoài trăm dặm còn ngát hương. Du khách đến thăm được phép hái hoa, bứt quả làm kỷ-niệm. Tùy theo ý muốn hoa quả hái rồi biến thành vàng hay ngọc hay kim cương. Và như một lá bùa linh, châu ngọc ấy cho du khách được ước một điều, miễn phải gìn-giữ nó hoài như một phần thân-thể. Bởi thế có tên là rừng Vạn Ý. Lại còn gọi là Tứ Vọng Lâm.

Kể tới đây, khách móc trong túi áo ngực ra một trái cây nhỏ, mọng như đào tơ vừa độ “trái này xưa đã làm cho người đàn ông đầu tiên phạm tội bất tuân đấy quí ngài ạ!” Mọi người đều thấy nước miếng ứa trên đầu lưỡi; truyền tay nhau xem thì thấy là một thứ ngọc lạ chưa hề được ngắm, tỏa ra những ánh dị-kỳ như từ một con mắt ma quái, có sức thu hút quyến rũ đến mê say mọi con mắt người.

Hỏi đến điều khách ước, thì khách chỉ mỉm cười không nói, đôi mắt nheo lại thành đuôi. Người ta nhao-nhao lên xin chỉ đường tới thung-lũng Trường Xuân. Nhà vua đề nghị phong vạn hộ-hầu, thưởng vàng muôn lạng, ngọc bạch-bích trăm đôi và ngàn cây gấm tía, nếu khách bằng lòng làm hướng đạo. Phủ phục trước bệ rồng, khách từ chối:

– Tâu Bệ-hạ, kẻ hạ thần đành cam tử-tội, chứ không thể chiều theo thánh-ý. Đấy cũng như Thiên-Thai, như Nguồn Đào làm gì có đường lối tới rõ-ràng như mọi nơi khác trên trần-thế. Bệ-hạ ví như quyết chí đi tìm, ắt là sẽ gặp. Chứ bắt hạ-thần dẫn lộ, thần chắc khó thoát tội khi quân, vì ai là người có diễm phúc trở lại Thiên-Thai, tìm được Nguồn Đào lần nữa?

Vốn thông hiểu chuyện xưa, vua cho lời ấy là phải, nên không bắt tội mà còn trọng thưởng khách thương. Hàng-hóa bán xong, khách thu xếp hành trang lên đường, để lại hi-vọng nao-nức cho cả kinh-đô.

*

Thế là mọi người Kinh-đô rủ nhau đi tìm Mùa Xuân. Nhà vua đi trước nhất cùng hai quan văn võ đầu triều, Thừa-tướng và Nguyên-soái, với trăm viên kiện-tướng, nghìn lính ngự-lâm theo hộ giá, quyết mang lại cho quốc-dân Mùa Xuân trường-cửu. Sau mười tháng mông trần, nhà vua trở về, đem theo một cành thiên-tuế, chín bông vạn-thọ, tất cả bằng vàng, hái được trong rừng Vạn Ý.

Ngày hồi-loan, người Kẻ-Chợ treo đèn kết hoa, lập đàn bái vọng, tụ đông như kiến, tung hô vang trời. Đấng Chí-tôn mặt rồng hớn-hở, tức khắc giáng chỉ xá thuế chợ ba ngàỵ, phóng thích tù nhân hơn một vạn. Hôm sau đại triều, chiếu-chỉ truyền xuống tuyên cáo cho trăm họ biết kết-quả cuộc tuần du phương tây và ý-định tân dân của Thiên-tử. Chiếu rằng:

“Trẫm thụ mệnh trời, kế thừa đại-thống, nối chí Tiên-vương, kể đã ba mươi năm có dư. Nghĩ mình người thường trách dầy đức mỏng, Trẫm hằng lo-lắng, ngày biếng ăn, đêm quên ngủ, dậy sớm thức khuya, lúc nào cũng tâm-niệm cầu xin anh-linh Liệt-thánh Hoàng-khảo phò trì xã-tắc, giúp cho quốc thái dân an.

“Bởi thế, Trẫm cùng Thừa-tướng và Nguyên-soái quyết định tìm đến nước Trường Xuân, tận mắt thấy cảnh thần-tiên an-lạc, đem cảnh ấy về cho trăm họ, để nước ta ngày thêm xứng-đáng là một nước có nhiều nghìn năm văn-hiến.

“Canh-cánh nhớ câu ”Dân vi quí”” Trẫm chẳng quản khó-nhọc, đi thăm cùng hết xứ. Danh bất hư truyền Trường Xuân quả thật không những thanh bình mà còn phú cường hơn nước ta gấp bội. Xem qua dân-tình thấy trăm họ Trường Xuân kính mến quốc-vương như con đỏ đối với hai đấng từ-thân, Trẫm càng thêm thẹn mình ở ngôi cao mà mười phần ấy không sao được một.

“Trẫm đã vì trăm họ cùng Thừa-tướng khảo xét các kế-hoạch làm dân giầu, cùng Nguyên-soái nghiên-cứu mọi lược thao để nước mạnh. Nay Trẫm hồi loan, tuyên cáo cho mọi người rõ ý tân dân của Trẫm. Thừa tướng, và Nguyên Soái sẽ đem các điều sở-đắc trong cuộc tuần-du với Trẫm ở Trường Xuân, họp cùng các quan sáu bộ, mà soạn thảo mọi sách-lược quốc-gia, đệ trình Trẫm phê chuẩn thi-hành.

“Để ghi việc này cho hậu-thế, Trẫm truyền Khám thiên giám cải hiệu năm tới làm Vĩnh-trị nguyên-niên. Lai truyền bộ Công khởi xây đài Nhật-tân dựng cành thỉên-tuế, cất gác Thiên-trường cắm hoa vạn-thọ, và toàn dân mở hộí Thủy Lạc để trẫm cùng chung vui.”

Chiếu-chỉ ban ra kinh-đô tức khắc trống reo, cờ mở; hội hoa-đăng sẽ kéo liền trong bốn mươi đêm.

*

Tối hôm ấy, ở Tướng-phủ, Thừa-tướng chăm-chú đọc lại tờ biểu tấu ngày mai về những nhận xét của mình trong chuyến du-lịch Trường Xuân.

“Phụng mạng ghi chép các việc mắt thấy tai nghe ở Trường Xuân, hạ-thần bắt đầu bằng đến thăm Trường Xuân Tể-tướng. Thần đã cùng Tể-tướng đàm-đạo liền ba đêm ngày về đại kế quốc gia. Lại cùng Tể-tướng đi thăm khắp nới trong xứ, dò xét dân-tình.

“Trong thư-viện Tướng-phủ thần đã may mắn được đọc nhiều tác-giả Đông Tây bàn cách trị quốc, bình thiên hạ. Đáng kể có Công-tôn Ương ở Tần tinh việc hình-pháp, một ngày dám chém hơn bẩy trăm tù-đồ trên bến sông; Quản-Trọng ở Tề rành việc thuế-khóa, năng làm nước mau phú cường; Machiavel ở Ý, giỏi việc chính-trị, chuyên giảng bá thuật, Talleyrand ở Pháp, khéo việc ngoại-giao, trải thơ sáu triều, so với ông già Trường-Lạc bội phần tài giỏi.

“Phàm mọi quốc-kế ở Trường Xuân đều khởi hứng xuất nhập ở mấy nhà này, tỉ như bắt dân làm việc thì dựa các phép tịch thổ, bản phú của họ Vệ; để đầy công-khố thì khai mỏ đúc tiền, đục đất lấy muối, mở nhà buôn và nhà nữ-lưu theo kế Di-Ngô; củng cố vương-quyền trị yên trăm họ, đã có Machiavel viết cuốn “Ông Hoàng”; hòa dịu lân-bang trung-lập thu-lợi, đã có Talleyrand khuyển-nho múa lưỡi. Còn các tiểu-kế như sinh-đồ ba quan đời Lê Trịnh, tú-tài trăm ngàn ở Thiên-nam, tùy thời ứng-dụng, đều là những kế sinh lợi rất nhiều cho quốc-gia. Ngoài ra, hình-luật nghiêm-khắc viết bằng huyết lệ, lao-thất lạnh-lẽo đục trong đá núi, là những biện-pháp hữu hiệu cho một xã-hội thanh bình trật-tự.

“Thế nên, nhận xét chung, thần thấy dân Trường Xuân nhàn-cư rất mực. Trà-đình, tửu-điếm, nhà nữ-lưu ở Kinh-đô lúc nào cũng như Nguyên-tiêu, Hàn-thực. Còn ở thôn quê, ít người cầy bừa mà rộng mênh mông ruộng đất, nộp thuế xong là vừa bát ăn bát để, đủ đến mùa sau. Phải chăng vì mùa xuân trường-cửu, tính dân phác-thực, nên ai cũng cho thế là tự-nhiên, bỏ ngoài tai lời họ Mặc, cho rằng vu-khóa thảo-huyền? Hỏi xem thì Trường Xuân Tể-tướng cũng đồng ý với thần như vậy.

“Khi chào cáo-biệt, thần được Tể-tướng Trường Xuân hái tặng một trái cây bằng vàng có bảy ngón, lớn như trái bưởi, ở Trường Xuân người ta gọi là quả phật-thủ. Sau đây thần xin dâng trình ngự-lãm cùng với bản điều-trần của Lục Bộ về đại-kế tân dân”.

*

Trong khi đó, ở Soái-phủ, sau khi đã dâng vua xem một cành nguyệt-quế bằng vàng, một bản-đồ Trường Xuân đầy-đủ chi-tiết, có cả đường giao-thông, và một bản đề-nghị canh tân binh bị rất dài, Nguyên-soái họp các tướng lại bàn rằng:

– Muốn cho nước mạnh, không gì bằng luyện binh, muốn cho nước rộng, không gì bằng dụng binh. Kìa như Bạch-Khởi chém 45 vạn quân Triệu, máu chảy đỏ sông; Gia-cát Võ-hầu thiêu sống trăm ngàn rợ Đằng-giáp, mỡ khét hang núi; thật là những võ công hiển-hách còn ghi nơi thanh-sử, làm rạng-rỡ giang-sơn. Chúng ta rồi phải lập nên huân-nghiệp, mới mong Mùa Xuân trường cửu của ta được huy-hoàng, nước nhà ta được cường thịnh, trên chẳng phụ Hoàng-ân, dưới vỗ yên lê-thứ.

“Tôi đây mong ân Thánh-thượng, tùy giá thăm xứ Trường Xuân, khảo về binh-bị, nhất-định bác-bỏ cái thuyết khờ-khạo của người Khâu nước Lỗ, bảo rằng túc binh không quan-trọng, quyết đưa võ-nghiệp đến chỗ vẻ-vang. Binh lính tuyển thêm, luyện tập cẩn thận, kỷ-luật cho nghiêm-minh, trận-đồ thật tinh-thục, gươm sắc, giáo dài, lo gì đánh đâu không được đấy? Cành nguyệt-quế tôi hái ở Trường Xuân chính là biểu-tượng cho những Xuân chiến-thắng sau này của dân-tộc ta.

“Rồi đây Kinh-đô xây thêm yên-đài, các trấn dựng nhiều Lân-các, tên tuổi ta và các ông đều ghi vào trúc bạch, ngang với Khứ Bệnh, Vệ Thanh. Vậy các ông nghĩ thế nào ta gắng sức tận trung báo quốc; các ông nghĩ thế nào?

Các tướng đều cho lời nói chí lý.

*

Dân chúng kinh-kỳ rất nhiều người đi tìm xứ Mùa Xuân nhưng phần lớn qụay về tay trắng, hoặc vì thối chí, hoặc vì thiếu tiền, đều phải giữa đường bỏ dở. Trong số những người đi tới, có một phú-thương một thi-sĩ và một nàng nghệ-giả.

Nhà phú-thương, sau hơn nửa năm bôn-tẩu của Trường Xuân, dẫn về một đoàn lạc-đà dài dặc, chở không biết bao nhiêu là hàng quí lạ. Này đây bộ ngọc kị ngũ hành tỏa ra năm sắc, này đây nệm lông chim hạc mỏ sắc ở hồ Stymphale; nọ là ngà voi, công xứ Tây-bá-lợi, kia nữa da sư-tử Némée. Rồi nào trầm, nào xạ, nào lụa nào the; giò heo của nữ-quái Circé, gân chân hươu của Thái-âm-thần, vây ngư-nữ trên đảo Caprée.

Bè bạn, hàng hàng xúm lại thăm hỏi, phú-thươngvui vẻ kể chuyện xứ Mùa Xuân.

– Thương mại ở Trường Xuân phồn thịnh lắm. Thật đúng với lời thường nói: một trăm kẻ bán, một vạn người mua. Nhiều khi bác phải nối đuôi đứng đợi hàng giờ mới đến lượt mua gạo ăn hay vải mặc. Những đồ vưu-vật rất nhiều, nhưng chắc vì nhìn mãi đã quen, nên dân Trường Xuân thảy đều thờ-ơ không buồn hỏi đến. Trong nước có chừng mười nhà buôn lớn, chi nhánh khắp nơi, buôn tận gốc, bán tận ngọn, vốn một lời mười, lời trăm. Những người buôn giỏi như Chí-di Tử-bì, giầu có địch quốc như Vương Khải, Thạch Sùng, đếm được trên đầu ngón tay.

“Công-nghệ cũng rất phát-đạt. Có năm nhà lớn, sản-xuất thượng vàng hạ cám, đủ các thứ hàng-hóa, vật dụng. Cách tổ-chức thật là chu-đáo, theo phép của Taylor: có ban tư-tưởng hoạch-định kế-sách; có ban quản-lý coi việc tiền lương; người làm thì đứng thành dẫy, mỗi người chuyên một việc sản-xuất mau chóng dị-thường. Nước ta nếu Đức Kim-thượng muốn toàn dân, ngành công-nghệ tưởng không gì bằng theo cách ấy“

Rồi nhà phú-thương đưa ra khoe với họ hàng, bè bạn một số trái cây bằng vàng – chắc là táo – hái ở rừng Vạn Ý, trái nào cũng lớn đầy gan tay, tròn trịa và mát rượi.

Chàng thi-sĩ “thì tóc vồng trên đầu như túp long con cò, con hạc, đi ở giữa đời mà cứ tưởng-vọng nghìn xưa”. Bấy lâu ca-tụng mãi tình Yêu trong vũ-trụ, vẻ đẹp trong đất trời, cái hào-khí của tráng sĩ Ngô-môn, vóc đắm say của giai-nhân thôn Trữ, chàng thấy quen quá, thuộc quá, đến hóa tầm-thường. Bởi thế chàng hăm-hở đi tìm Mùa Xuân mới, làm nguồn thi-hứng cho những tác-phẩm sắp tới của chàng.

Chàng ở Trường Xuân một thời gian khá dài, có lẽ đến hai hay ba năm. Qua những lá thư thưa-thớt chàng nhờ một vài khách thương may-mắn ghé qua thung-lũng Mùa Xuân chuyển về cho bạn bè, người ta được biết chàng mới tìm ra một lối làm thơ kỳ-diệu. Trong thư chàng kể:

“Các bạn có nhớ quỉ-tài Lý-Hạ làm thơ trên vách nhà xia không? Trường-hợp tôi cũng thế, khác chăng là tôi không những làm thơ mà còn đặt ra cả một thể thơ, một bút-pháp thơ.

“Sáng hôm ấy, khi xuân mát rượi, thức dậy tuy trong mình hơi nặng, tôi cũng thơ-thẩn dạo chơi rừng Vạn Ý chờ đợi nàng Thơ. Đang lúc mắt ngắm sóc giỡn quả thông, tai lắng tiếng suối rì-rào, mũi ngát mùi thơm hoa tím, thần trí phiêu-phiêu, tôi bỗng thấy quặn đau bụng dưới, sôi sục như trong đó sắp nổ tung một bầu hỏa-diệm. Xong việc rồi, nhìn thấy tràn lan mặt đất một vùng lờ-mờ trăm sắc tôi lại nhớ đến các thứ trân cam trong buổi dạ-yến hồi hôm ở viện Hàn-Lâm. Chợt như ánh chớp lóe soi đám ý-tưởng hỗn-độn trong đầu, một tứ mới vụt hiện. Rồi thi-tứ theo nhau ào-ào dồn-dập như cơn mưa rào theo ánh chớp mở đầu. Tôi thoát cảo rất nhanh, bài thơ dài hơn vạn lời. Sung-sướng quá, tôi cất tiếng ngâm vang cả rừng, làm sóc ngưng đùa, suối bặt reo, hoa tím thôi tỏa hương thơm. Hơi ngâm vừa dứt, tôi khám-phá ngay ra bí-quyết làm thơ hay. Là thơ phải đủ muôn hồng, ngàn tía, hòa-hợp nhau như mầu xanh rau ghém, sắc đỏ hồng thị, ánh vàng kê-đan, bầy trong chóe sứ Giang-tây trắng muốt. Thể thơ phải phiêu-diêu tràn-lan, vứt bỏ hết mọi câu thúc của luật-lệ; nhạc thơ nhờ đó mới biến đổi đến tận cùng, lúc nhẹ như hoa bay, khi hùng như thác ngàn đổ.

“Chủ-trương và đường lối đã định, từ ấy thi-hứng dồi-dào, ý thơ uẩn-súc, đặt bút Trường-Cát phải kinh, ứng khẩu Tử-Kiến chịu hàng, ngữ ngữ cụ nhân, chứ không còn cái cảnh quẹt bút thôi sao như Liễu-sinh ở Đổng-đình thuở nọ. Nhớ câu “Lôi động Nam-bang; Vũ qua Bắc-hải””của Trạng Quỳnh đối-đáp sứ Tầu, tôi đặt tên cho thi-pháp mới này là Lôi-vũ.

“Thi khả dĩ hội ý, bất khả ngôn truyền, tôi chép theo đây bài “Nàng Thơ tóc xõa vai gầy” thi-phẩm mới nhất của tôi, để các thi hữu thẩm xét lối thơ Lôi-vũ cho được tường tế hơn”.”

Mở xem, thấy chữ như cỏ may rối, ngang dọc đặt kín mười lăm trang hoa-tiên khổ rộng. Có câu thật dài, có câu thật ngắn, xen lẫn quấn-quít, lại có nhiều tiếng tán-thán và nhiều dấu ngắt câu điểm xuyết khắp bài, khi ngâm phải lấy hơi, vận khí. Ý tứ u-ảo, đọc kỹ năm bẩy lượt mới thoáng tựa trăng hạ huyền sau lớp mây dầy. Hình ảnh thật tân kỳ, như tả sự buồn chán thì giọng văn ẩu-thổ nôn-nao, kể nỗi nhớ mong thì lời thơ cuống cuồng sôi bỏng. Hơi văn bách khí tán hạ, phải chú ý, thưởng thức mới khỏi văng lọt ngoài thi-giới.

Bài thơ in ra, hôm sau Kinh-đô có thêm ngay ngót bốn vạn nhà thơ trẻ.

*

Cùng đi với thi-sĩ có nàng nghệ-giả. Họ vốn là đôi bạn tri âm từ lâu, thường tự ví với gái già Hà-mô gặp được Giang-châu Tư-mã. Lấy lẽ rằng ly-phụ còn biết lo việc nước, nàng nghệ-giả đi tìm xứ Trường Xuân đem về cho thanh sắc nước nhà những nét độc-đáo, góp phần vào công cuộc tân dân.

Đến Kinh đô Trường Xuân, nàng ghi tên ngay vào giáo-phường, ngày đêm học ca, luyện vũ. Giọng nàng xưa kia như khúc ngọn ngô-đồng, nay đổi hẳn sang khúc gốc, nồng-nàn hơn, tha-thiết hơn. Tiếng hát quyện vào nhau, ríu-rít như tiếng chim anh-vũ, chỗ này láy thêm vần, chỗ kia lược bớt chữ, khiến người nghe phải “chau mày” ngồi im cho hai lỗ tai được đầy lời, đầy nhạc.

Về vũ, nàng phối hợp các vũ điệu cổ-truyền của dân-tộc với các điệu múa xứ Mùa Xuân, vốn là tổng hợp của nghệ vũ bốn phương, sáng-tác ra nhiều vũ khúc mới. Tỉ như vũ khúc Tạp Phiến thì nón trắng, quạt lông, lui một bước, tiến ba bước, tượng-trưng cho sự nhảy vọt của nghệ-thuật; vũ khúc Kích Cổ Thôi Hoa thì trống quít đeo trước bụng xiêm y tỏa rộng rồi tung lên như hoa trà mãn khai.

Nàng cũng nối ý Đường-Minh-hoàng chế vũ y bẩy mầu cầu vồng, mà họa nhiều kiểu y thường, nào áo Bồng-đảo, nào xiêm Lưỡng-mông, nào quần Trỉển cổ. Ngoài ra hương chi, lan phấn và các mĩ-cụ chốn buồng-khuê, nhất nhất nàng đều để tâm nghiên-cứu.

Nàng về Kinh-đô cùng với thi-sĩ. Tặng vật ở rừng Vạn ý của đôi bạn nghệ-sĩ là một bó trăm hoa bằng đủ một trăm thứ ngọc, cành lá bằng vàng, ngụ ý đem về cho vườn văn nghệ nước nhà đủ hương sắc bốn phương.

II

Mười năm, Kinh-đô bây giờ hoàn-toàn đổi khác.

Ngay từ khi Thiên tử xuống chiếu tân dân, liên tiếp nhau những kế-sách của Thừa-tướng, những võ công của Nguyên-soái, những công cuộc kinh doanh của phú-thương, những hoạt-động văn-nghệ của thi-sĩ và nàng nghệ-giả, đã làm chốn đế kinh hoan-lạc bất tận và phồn-thịnh rỡ-ràng, khiến cho mọi ngườí đều hoan-hỉ.

Nhà vua hoan-hỉ thấy nhiều cung điện nguy-nga được xây cất thêm, nhiều ngự-uyển tráng-lệ được trồng thêm, nhiều chim kỳ thú lạ được nuôi thêm; thấy toàn dân ca-tụng thánh-quân, thấm-nhuần vũ lộ, và nhất là thấy nhiều tượng đồng tượng đá của ngài và của hoàng gia-trong đó có cả con chó nhỏ của công-chúa út- đủ kiểu, đủ cỡ, được dựng lên nhan-nhản khắp nơi.

Thừa-tướng hoan-hỉ thấy công-khố mỗi ngày thêm chặt, công-thự mỗi ngày thêm rộng, khiến nhớ đến câu “chu môn tửu nhục” của Đỗ Công-Bộ mà lòng thêm tự đắc; thấy Quốc-tử-giám vắng tanh – nạn thất học còn đâu nữa; thấy lao-thất đầy người – bao nhiêu vô loại bắt hết; và nhất là thấy dân quê cứ thêm chăm-chỉ trong việc nông tang mẫn-cán trong việc thuế má, mà hé môi nửa tiếng không hề.

Nguyên-soái hoan-hỉ thấy đông tan đoài tĩnh, lân bang xứ xứ đến triều dâng cống; thấy ba quân dũng-mãnh tựa hổ-lang, khí thế như ngói tan trúc chẻ, thấy oai-danh mình lừng-lẫy, thoáng nghe bọ ngựa hết giám giơ càng, ễnh-ương thôi không phồng bụng; và nhất là thấy hình mình đeo hổ phù, ngồi da báo, chễm-chệ trên chỗ nhất ở Yên-đài.

Phú-thương hoan-hỉ thấy kinh doanh phát-đạt, sản xuất từng chùm; thấy tiền bạc hanh-thông, buôn một lời trăm lãi vạn; thấy cửa nhà san-sát, ruộng nương thẳng cánh cò bay và nhất là khi nhắp chén trà Trảm-mã, gật-gù lẩm-nhẩm đọc đôi liễn sơn chữ vàng “Thư danh Đào Trí Phú – Kim thành một nại hà” treo hai bên tủ kính lớn trong bầy những trái cây vàng ở Tứ Vọng-lâm và nhiều khối vàng khác đúc đủ kiểu hình kỷ-hà-học.

Thi-sĩ hoan-hỉ thấy thơ mình càng thêm uyên-ảo thâm-trầm, mà cả đến đám phu giội nước, bọn lái buôn tôm cũng tụng đọc ngâm-nga; thấy thơ in của mình tràn-ngập phố phường, làm giấy vọt tăng giá đắt; thấy người người ngưỡng mộ thơ mình, cả đến lọ tương cũng bọc thơ Lôi-vũ; và nhất là thấy tài mình đắc dụng, quân-vương chú ý, phong làm học-sĩ, cho cầm đầu hết mọi văn-trào, tự ý thi thố tài năng.

Nàng nghệ-giả hoan-hỉ hơn ai hết. Được vua tin yêu, vời vào cung lập giáo phường và huấn-luyện đoàn Hồng-cẩn đệ-tử, nàng có thế-lực rất lớn, đến thi-sĩ là bạn tri-âm mà đôi lúc cũng phải gờm. Nhờ những hăng-hái ấy, không khí nghệ-thuật cực kỳ sôi nổi tưng-bừng.

Thi-nhân đông hơn bách tính, Tao đàn lập nhiều như nấm rạ sau mưa, đến nỗi thiếu cả tên đặt. Mỗi tuần lại có vài trăm danh kỹ trúng tuyển vào giáo-phường.

Người ta tính ra trong mười tám triệu dân, có đến tám triệu gieo vần chọn chữ, tám triệu lựa giọng ca ngâm. Thấy đông như vậy, Thừa-tướng – người lúc nào cũng nghĩ đến lợi tức quốc gia – đã một phen dâng biểu xin đánh thuế và bán bảng nghệ-sĩ cho những ai muốn làm thơ, làm nhạc. Không may cho Thừa-tướng, Thiên tử lại yêu thơ nhạc hơn cả Dionysos và Néron cộng lại nên biểu-văn bị bác và Thừa-tướng xuýt bay đầu.

Dân chúng cũng hoan-hỉ khi thấy nàng nghệ-giả nhẩy múa, lòng mừng nước vui, thấy thi-sĩ ngâm thơ, lòng mừng nước có văn-hiến; thấy hàng-hóa tràn ngập của phú-thương, lòng mừng nước có tài nguyên; thấy gươm giáo sáng lòa của quân binh Nguyên-soái, long mừng nước mạnh; thấy vựa thóc thuế cao chót vót của Thừa-tướng, lòng mừng nước giầu; và nhất là khi thấy Thiên-tử ngự giá tuần-du, lòng mừng nước có anh-quân.

Khi ấy voi ngựa đầy đường, giáp binh chật đất, quan văn mũ đai đường bệ, quan võ giáp trụ hiên-ngang, cung-nga thể-nữ xiêm nghê lả lướt, xúm-xít quanh đấng Chí-tôn. Dân-chúng đứng kín hai bên đường, cứ trông bóng cờ nhật nguyệt long phụng mà tung hô vạn tuế.

Khắp nước thanh bình, bốn phương phẳng lặng. Thảng hoặc có đánh dẹp vài nhóm thổ-hào, thì Thiên-tử hội triều, Thừa-tướng dâng kế, Nguyên-soái cầm quân, phú-thương vận lương tích thảo, thi-sĩ cất bút thảo-hịch, nàng nghệ-giả ca bài Lương-châu, múa khúc Tái hạ, ba quân nức lòng. Và trăm họ càng thêm hoan hỉ, cố cho nước mình là một Thung lũng Trường Xuân trên cõi đời.

Thế mà vẫn có người chưa thấy mình được Mùa Xuân.

Ấy là vợ một anh nông-phu, sống trong làng nhỏ phía đông kinh thành, cách non trăm dậm. Thấy nghiệp nông tang có phần vất-vả, việc phùng-xuyến nhạt tẻ thế nào, chị đã đôi phen ngỏ ý rời quê, lên sinh sống nơi Kẻ Chợ. Rồi chẳng biết nghe ai kể chuyện Trường Xuân, chị luôn thôi thúc chồng đi tìm rừng Vạn Ý, để có một chút vàng ngọc điểm trang. Ước mong có thế mà chồng vẫn như không biết đến. Bèn mặt sa chừ nải, miệng hến ngậm tăm, làm ra vang mình sốt mẩy, đóng cửa ôm gối thở dài.

Anh nông-phu sở-dĩ bỏ qua lời vợ, bởi tính anh vốn giản dị chất-phác. Đời cầy ruộng quanh năm bận rộn, hết chiêm đến mùa, qua ngô rồi đỗ, đâu còn thì giờ nghĩ tới phục sức điểm trang. Nhất là từ khi tân-pháp ban hành, nha lệ lui tới luôn luôn, nổi trống khua mõ, họp dân truyền lệnh quan trên, nào cầy bừa cho chăm, trồng cấy cho khéo; nào sớm ươm tơ, chiều dệt lụa; nào chăm-chút trẻ thơ, nuôi béo gà lợn, đến nỗi nhiều khi anh phải bỏ cơm sáng, bãi cơm chiều, đi nghe hiểu dụ – anh lại càng phải ra sức cho chóng về Mùa Xuân trường-cửu.

Dáng người cục-mịch chắc chắn tay mạnh như đôi trăn lớn, hai chân thẳng tắp vừng trồng, anh được người làng yêu mến vì tính cần-cù cẩn-thật, ít nói hay làm. Anh lại có một giọng hát mê hồn, và người ta vẫn bảo anh là hậu thân Trương-Chi thuở trước, tuy diện mạo anh chẳng có nét chi đến tủi lược, hờn gương. Vợ anh nổi tiếng hoa khôi, treo cao giá ngọc, mà chịu gá duyên cầm sắt với anh, cũng vì giọng hát đầm-ấm rung động đến tận những sợi tơ lòng mảnh nhất.

Trước kia anh hát ca-dao, mỗi khi cất giọng, mọi người nín thở, tưởng nghe hồn nước thở-than, cổ-sơ mộc-mạc; núi sông lên tiếng, vàng sắt giao chen. Những đêm xuân trăng sáng, anh hát khúc ân-tình lời ca tan trong ánh trăng, thôn nữ tim non thổn thức. Rồi khi trời thu đỏ ráng, cò trắng lẻ bay, anh ca bài du-tử, không-khí trong-trẻo ngân vang, bồi-hồi mẹ già tựa cửa. Bây giờ anh ngâm những bản âu-ca của thi sĩ, như bài rủ nhau đi cầy, bài ơn trên mưa móc, lời thơ dễ dãi, đậm mầu thịnh-trị, nhờ giọng anh cũng được dân quê thưởng-thức khá nhiều.

Nghe vợ thôi-thúc mãi, dù hiền như cục đất cầy, anh cũng động tâm, huống hồ lần này vợ làm mặt giận. Một phần nể vợ, một phần muốn cho xong chuyện, ngày kia gặt hái thuế má tạm xong, anh khăn gói vắt vai đi tìm Thung-lũng Mùa Xuân. Tức thì vợ anh bách bệnh tiên tan, mặt mày tươi rói, lúc nào cũng bấm tay giờ khắc và tính trước cân lượng những hoa, hột, xuyến, vòng.

Không biết anh có đi tới nơi không, mà chỉ tuần sau anh đã trở về. Nét mặt nhuốm chút ưu-tư, anh ừ-ào cho qua lời săn đón của vợ. Khăn gói mở ra, hai bộ quần áo nâu vẫn còn nguyên nếp. Lấp-ló bên dưới có một ánh vàng. Vợ anh mừng quýnh, lật vội ra xem, thấy chỉ là hai bông lúa lép. Chị giận, bỏ thẳng về nhà mẹ đẻ, mặc dù anh thui-thủi với con chó vện già.

Từ ấy, anh lầm-lì cầy cấy, có phần chăm-chỉ hơn xưa. Và anh thôi không hát nữa. Khiến cho mấy cô thôn nữ mới lớn bâng khuâng nhớ tiếc, mỗi khi chiều lên, trâu về ngõ xóm.

Năm ấy, trong nước mất mùa.

*

Ba năm sau Kinh-đô lại một phen xao-động.

Nhưng lần này không phải do một khách thương nào từ phương xa về tha-hồ kể lại, mà do một cuộc nổi loạn bất-ngờ. Nguyên-nhân chính thật không ai biết rõ. Người ta đang vui vì mùa mới được to, bù lại hai năm đại-hạn, lúa mạ bỏ héo, đất phải thay trồng cây mà lấy sợi, theo kế-hoạch “xã nông, cơ hóa” của Thừa-tướng. Nhờ thế xuân sắc giữ được phần nào, người dân cố sống, khô miệng âu ca trong khi chờ giờ ăn tập thể. Dân-số kinh kỳ chợt tăng gấp bốn, gấp năm.

Cây mạ cũng không chịu nổi nắng, người ta phải bỏ làng mà đi. Mùa cấy năm nay, trời bỗng mưa to, trong ba ngày liên-tiếp. Đến hạt khô vãi từ năm trước cũng phải nứt vỏ ra mầm. Và bây giờ người ta đang sửa soạn về đồng, vì lúa vàng đã rũ nặng khắp nơi.

Người ta cũng chẳng biết tên tuổi, mặt mũi kẻ thủ-xướng ra sao. Chỉ thấy đồn-đại rằng đấy là một thư-sinh đã từng du lịch xứ Mùa Xuân, hình khô, vóc nhỏ, cả người nổi nhất có cái trán rộng và gồ, làm thêm sâu đôi mắt sơn-miêu vốn được che dưới hai hàng mày rậm.

Trước ngày đại-biến, Kinh-đô mở hội đã ba hôm, mừng nhà vua sinh Công-chúa thứ bốn-mươi-mốt. Đầy tháng vào đúng ngày đầu mùa gặt mới, vua cho là tường-triệu, ra lệnh mở hội thật to. Tạm quên lo nghĩ, người Kẻ Chợ đổ hết ra đường, phô trương quần áo, chen nhau đi như nước chẩy.

Biến loạn khởi đầu bằng cuộc xô-xát trước cửa hàng của phú-thương. Trên bục gỗ cao để diễn tuồng ngày hội, một thanh niên tóc rối, râu xồm, nước da xanh mét, giậm chân, vung tay, nói những lời ngô-nghê khó hiểu. Lắng nghe thì thấy như: tôi là chủ, các ông là chủ, chúng ta là chủ … Lại thấy như: nó đánh ta, ta phải diệt nó … Dân-chúng nghe mà bỡ-ngỡ ngẩn-ngơ, nhưng vì hiếu-kỳ, tụ lại mỗi lúc mỗi đông. Chàng trai râu xồm lại phát cho mỗi người một tờ giấy nhỏ, mặt trước vẽ người quì giơ đầu chịu chém, mặt sau đại-khái cũng vẫn những lời nói khi rồi. Dân-chúng xem hình, đọc chữ, lại càng thêm ngẩn-ngơ bỡ-ngỡ.

Bỗng vệ-binh ở đâu chạy tới, tuốt kiếm bắt im.

Chàng trai không chịu; thế là biến-loại nổ bùng, lan nhanh như vết dầu loang trên giấy bản. Lần lượt, kho lương rồi kho vũ-khí phủ Nguyên-soái, phủ Thừa-tướng, rồi đến Hoàng-cung, loạn quân xông vào chiếm giữ.

Bị tấn-công bất chợt, binh lính trở tay không kịp, đều phải bỏ giáp qui hàng. Nguyên-soái lúc ấy đang dự cuộc chọi gà, Thừa-tướng đang hầu cờ Thiên-tử, nhà phú-thương đang đánh tổ-tôm, và cố nhiên thi-sĩ đang ngâm thơ, nàng nghệ-giả đang múa hát.

Dân-chúng thừa cơ đốt phá, tràn vào cung điện, dinh thự như nước vỡ bờ. Trong đám gươm đao hỗn loạn, Vua, Hoàng-hậu và Nguyên-soái bị băm nát như tương. Người ta sục sạo tìm giết Thừa-tướng. Reo hò đòi treo cổ phú-thương. Có kẻ nói Thừa-tướng đã trốn thoát ra nước ngoài; còn phú-thương thì biệt vô âm tín. Bốn chục nàng Công-chúa tán lạc khắp nơi, Công-chúa áp út trong khi chạy, tay vẫn khư-khư ôm con chó nhỏ. Trong cung chén đũa ngổn-ngang, rượu thịt cháy khét; dầu sáp đổ thành vũng, gương vỡ lấp-lánh như sao sa, gấm vóc chất đống như cỏ ngựa.

Người ta kéo đổ hết các tượng vua chúa, đốt cháy Yên-đài, phá tan nhà hàng của phú-thương, và bắt giam thi-sĩ. Nàng nghệ-giả bơ vơ thân gái, lại trở về xóm Ngũ-lăng. Cung thất khói lửa nghi-ngút ba tháng chưa tắt, thiêu-hủy không biết bao nhiêu vàng ngọc, bao nhiêu lụa là. Bới đống tro tàn, người ta tìm thấy đủ hết các bùa linh rừng Vạn Ý, cành Thiên tuế, hoa vạn thọ, qủa phật thủ, lá nguyệt quế, hoa trăm sắc, quả ngàn cân, đều đã thành than khẽ đụng là hóa ra tro bụi.

*

Mùa gặt đã xong.

Ở Kinh-đô cũng như trong các thôn xóm, sôi nổi lắng dịu, đời sống dần trở lại bình thường. Người Kẻ Chợ, quá quen với mọi trò vân cẩu, lại tiếp-tục ồn-ào, tới lui đông nghẹt các nơi giải-trí. Người thôn quê thêm một lần phải lắng nghe những bài biện thuyết tràng giang đại-hải, khó hiểu ngô-nghê chẳng kém những lời của chàng râu xồm ngày nọ; thêm một lần lại lặng lẽ tiếp nhận, thi hành các điều-lệ mới, lúc nào cũng sẵn-sàng như đất mầu giữ hạt hàng năm mà không hề mỏi. Sớm sớm dậy cùng gà gáy, người dân quê vác cầy dẫn trâu ra ruộng, để chỉ trở về khi đỏ úa trời tây. Chiều chiều, các cụ già họp nhau ở đầu làng, bàn luận một vài tin mới, nghiệm lại một câu sấm cũ kỹ truyền lại không biết tự đời nào.

Và anh nông-phu lại hát. Anh lại hát ca-dao. Nhưng giọng anh bây giờ nhuốm một vẻ buồn, nhẹ nhàng chua xót; tắt rồi cái giọng đầm-ấm hồn-nhiên. Trán anh chớm nhăn tuy khóe miệng vẫn đượm nụ cười tươi tuổi trẻ. Vợ anh, thôi mê tiếng hát đã bỏ anh lên Kinh-đô tìm Mùa Xuân từ trước khi biến loại. Anh chẳng biết nàng còn sống sót hay chăng và cũng không buồn tìm kiếm.

Nhân lúc anh ngừng hát, một người làng hỏi anh:

– Vậy chứ hồi ấy anh có tìm thấy Mùa Xuân không?

Thì anh trả lời: “Có chứ“

Rồi yên lặng, mắt nhìn đồng mạ, xanh rì gần khắp, chỉ còn đôi giải nước phù sa loáng ánh mặt trời

 

[Trích Tình Thương Số Xuân 1965]

 

 

 

.

1 Comment (Open | Close)

1 Comment To "Những Người Đi Tìm Mùa Xuân"

#1 Comment By Nghiêm Du Nhiên On 05/10/2015 @ 6:13 pm

Bác Tuấn, người bác cả mà con trùng năm tuổi Bính Tý, người mà ông bà nội và gia đình tự hào nhất, người mà con không thể nào có cơ hội gặp mặt một lần. Bác cả, bây giờ bà nội đã 98 tuổi rồi, ông nội cũng đã về với Chúa từ lâu, nhưng bà lúc nào cũng nhớ tới bác với sự thương yêu to lớn nhất, cùng với niềm hối tiếc và buồn bã. Còn bác Tú, bác Mỹ, bác Huy, bác Khôi, bác Mậu và bố con khi nhắc tới bác đều mang sự tôn kính gần như là tôn sùng. Ai cũng nhớ về bác và thương tiếc rất nhiều.