Trang chính » Sáng Tác, Tiểu thuyết Email bài này

Con Ve Sầu (5/7)

0 bình luận ♦ 14.01.2010

 

 

 

Những kỷ niệm độc ác chập chờn trở lại, như một lũ quỷ không đầu, không bùa ngải nào làm tan được. Mười lăm năm trong tù, từ 6 tuổi tới 21 tuổi, một quãng đẹp của tuổi trẻ, bị giam một cách độc đoán, vô lý, không thể nào quên và hiểu được. Vậy mà tôi vẫn quên, vẫn tiếp tục sống, như tất cả mọi người. Kỷ niệm xa xôi này vẫn rất gần, rõ rệt từng chi tiết, nhưng lại cũng xa lạ, như là một người khác đã bị giam chứ không phải tôi.

Một công viên gần hồ Hoàn Kiếm, dành cho trẻ con, có hồ bơi, ngựa gỗ, xe đạp chạy vòng tròn, đánh đu và nhiều trò chơi khác. Mẹ tôi tươi cười đưa cho tôi một cành hoa. Một cái xe Citroen mầu đen ngừng ở cửa vườn. Ba bốn người quần áo đen chạy về phía tôi. Mẹ tôi quỳ xuống đất van xin họ, họ đẩy mẹ ngã và nhét tôi vào trong xe. Họ đã bắt cóc tôi.

Tuy mới có 6 tuổi, tôi cũng hiểu lý luận của họ, một lý luận rất khoa học. Và tôi theo phụ họ. Năm tôi lên bẩy, vào dịp tết, họ mang vào trong tù cho tôi một con ngựa gỗ. Tôi cảm động cảm ơn họ.

Mỗi ngày, trừ ngày chủ nhật, họ lấy roi đánh tôi. Với một tình yêu thành thực, họ giảng cho tôi rằng bị đánh roi là một sự cần thiết. Tôi có bị họ lường gạt không? Tôi không biết, chỉ biết rằng tôi vui lòng chịu đựng đau đớn mà không oán hận, như một đứa trẻ chịu cho chích đau để khỏi bệnh.

Vì không được giáo dục, không gần gụi mọi người, tôi mất dần khả năng diễn tả, chỉ nói toàn lời không mạch lạc. Trí nhớ của tôi cũng loăng quăng, lẫn lộn mọi sự việc, mọi nhân vật. Oanh có phải là một người thực không? Mây, cô em họ xa, có phải đã là vợ tôi không? Tôi bị bắt cóc, giam vào hầm tối khi tôi còn nằm trong nôi hay là khi tôi đã lên sáu? Tôi không làm sao giải quyết các nghi vấn này. Chỉ xin kể một cách hỗn độn câu chuyện vô ích của tôi, khi tôi cầm bàn tay mềm địu của Oanh trong một tiệm cơm trước bãi biển Sầm Sơn, một tối mùa hè. Đèn lồng nhiều mầu đong đưa trong gió từ ngoài khơi thổi vào, lẫn với tiếng accordeon đang chơi một bài valse musette. Mùi mực nướng, tôm hùm nướng, mùi súp cá biển, lẫn vào tiếng nói chuyện ồn ào, bao quanh chúng tôi làm tôi tin vào hạnh phúc được gần Oanh tối nay.

Anh hầu bàn, áo trắng, quần đen, khuôn mặt thanh tú, mời chúng tôi uống ly rượu khai vị mầu xanh lá bạc hà lẫn vào các cục nước đá. Oanh chúm môi, như con sò há miệng, uống ngay một nửa ly. Nàng nói:

– Anh hãy nghe bản tình ca do anh ca sĩ gầy gò với đôi mắt nhìn không động, hát cùng với cô gái mặt theo thời trang 1965 áo ôm sát người, thắt lưng to bản.

Nói vừa xong, Oanh nghiêng đầu hôn nhẹ tôi.

*

*   *

Truyện ngày xưa.

Cha tôi vuốt tóc tôi, kể rằng:

– Bị gian thần phản bội, thánh thượng bị tội phân thây bởi bốn con trâu trên công viên thành Cửa Nam. Thời đó tội này thường dành cho kẻ bị thua, trước là một trừng phạt, sau là làm gương cho tất cả ai muốn chống đối chính quyền mới.

Tôi gật gù. Đầu tôi cạo trọc, còn ba trùm tóc hình trái đào. Cha tôi nói tiếp:

– Thánh thượng không thèm kêu một tiếng. Tám cái trống khổng lồ, do tám lực sĩ cởi trần, quần trắng, thắt lưng xanh, đánh liên hồi ba lần.

Trong cái yên lặng hoàn toàn của pháp trường lúc đó, người ta nghe rõ rệt xương vua gẫy, bắp thịt xé, do bốn con trâu lực lưỡng đã được uống mỗi con một lít rượu đế, xé tan ra làm bốn mảnh ra bốn phía pháp trường.

Cha ngừng lại, nhìn tôi đăm đăm:

– Chu di tam tộc! Hơn hai trăm người trong họ nhà Vua đều bị xử tử, đầu bêu ngoài chợ. Chỉ có Hoàng tôn, mới lên sáu, là thoát chết. Một nhóm trung thần đã chạy ngày đêm để rước Hoàng tôn tới miền núi này, trong nhà chúng ta, tuy cha đã ẩn dật từ lâu, túi thơ, bầu rượu, trà khi sớm nhạc khi trưa.

Bằng tuổi nhau, chúng tôi thành bạn rất nhanh chóng, tôi cho ngài xem mấy con dế chọi của tôi. Ngài chăm chú nhìn chúng chọi nhau, lắng nghe con dế thắng trận gáy lanh lảnh. Đôi khi chúng làm biếng, nằm ì ra. Tôi lấy sợi tóc dài, buộc vào cổ chúng, quay chúng tít thò lò, làm chúng chóng mặt ngất ngư, hăng hái đánh nhau.

Chúng tôi sống với Hoàng tôn gần sáu tháng rồi. Đó là một cậu bé thông minh, vui vẻ, rộng lượng, đã có cung cách kẻ cả của một vị Hoàng đế.

Rồi một ngày kia, có những tin thông báo lo ngại. Kẻ địch tin chắc là Hoàng tôn đang náu ẩn ở đâu đây. Thám tử đi lùng lõi trong khắp các cõi. Tôi thấy cha tôi gầy hẳn đi vì lo lắng. Sách, nhạc, ngay cả đến thiên nhiên cũng không còn được ông thưởng thức. Ông nhìn chúng tôi chơi đùa với nhau vui vẻ. Ít khi tôi có một người bạn như Hoàng tử, làm tôi quyến luyến anh, cũng như anh yêu mến tôi.

Một hôm cha tôi gọi tôi ra nói chuyện riêng:

– Đởm!

– Thưa cha? Tôi lơ đễnh hỏi lại.

– Con thương cha?

– Cố nhiên rồi!

– Con cũng thương ông Hoàng tôn?

– Anh là bạn con. Anh vui tính và có óc khôi hài.

Cha giảng cho tôi nghe mưu đồ chương trình của cha, như đang giảng luật lệ một trò chơi mới, tuy trong lòng cha rất đau đớn vì sẽ mất tôi. Cha sẽ mang tôi giao cho nhà chức trách khẳng định tôi chính là Hoàng tử. Cha nói:

– Con sẽ mặc quần áo của Hoàng tử, đội mũ vương tử, trá hình làm con Vua.

– Vui quá ta! Tôi vỗ tay reo.

– Hoàng tử và con giống nhau như hai anh em sinh đôi. Một toán lính phục lâm sẽ đưa con đi xa.

– Cha sẽ đi cùng con?

– Cha đi không được.

– Tại sao? Đáng tiếc quá!

– Cha ở lại giữ nhà.

– Vậy cha sẽ lo cho tụi dế mèn đủ ăn. Và cha sẽ cho mấy con cá vàng ăn, một lần một ngày, nửa thìa bọ chứ nhiều quá chúng sẽ phùng bụng chết.

– Được, con cứ yên tâm đi.

– Còn Hoàng tử thật không đi cùng con?

– Con đi một mình, như một cuộc du ngoạn.

– Con muốn Hoàng tử và cha đi cùng với.

– Như vậy con sẽ không được đi nữa và ở lại nhà.

Tôi kêu lên:

– Vâng! Con sẽ đi ngay!

Thực vậy, bốn ngày sau, một nhóm tráng sĩ nai nịt gọn ghẽ tay cầm kiếm dài, phục tùng tôi lên ngựa đi về kinh đô. Cha tôi đứng vẫy tay bên đường để đưa tiễn tôi, gọi tôi là Hoàng tử của cha. Còn Hoàng tử thật thì đã được đi ẩn một nơi khác.

Tôi quay lại nhìn cha tôi. Bụi mù của vó ngựa và rặng tre của nhà tôi từ từ che khuất hình ảnh cha tôi.

Dọc đường, nhóm tráng sĩ bóc một tờ thông cáo dán trên cửa thành: "Nhổ cỏ thì phải nhổ tận rễ. Đầu của tên phản bội cuối cùng sẽ treo trên ngọn giáo ba ngày ba đêm…"

*

*   *

Khi sốt nặng thì nhiệt độ thân thể lên cao, đâm ra mơ hoảng. Tôi còn nhớ mẹ tôi thường đánh gió cho tôi. Mẹ cho vào một cái khăn vải, một quả trứng luộc thật nóng, gừng băm nhỏ, một mớ tóc rối, một đồng tiền bằng bạc, rồi mẹ xoa thực mạnh trên lưng tôi một hồi lâu, rồi lấy chăn chùm kín lên tôi cho mồ hôi toát ra. Tôi thường mê hoảng, nửa tỉnh nửa mê, thấy giường từ từ quay tròn, thấy những ác ảnh làm tôi sợ hãi. Oanh đưa cho tôi một ly nước. Mặt tôi đầy mồ hôi. Sa mạc làm cháy làn da tôi. Và đến được khóm cây này, tôi đã tận dụng tới sức cuối cùng. Tôi đã bò trên cát như con thằn lằn.

Tôi ngửng mặt lên Oanh, nhưng nàng không nhận ra tôi. Nàng chỉ nói:

– Ông nên uống từ từ, từng hụm nhỏ. Đừng nói gì, để giữ sức.

Tôi chỉ muốn uống thẳng một hơi, hết ly nước đầy, nhưng không dám, và để từng giọt nước thấm dần vào trong cơ thể đang khao khát.

Oanh lấy một khăn tay trắng có viền thêu, nhúng vào nước, nhấp trên mặt tôi, quanh mồm, mắt, mũi. Qua các ngón tay nàng, tôi nhìn sa mạc nóng bỏng cho tới chân trời vắng teo. Chợt Oanh kêu lên khi nhận ra tôi:

– Anh Đởm! Làm sao mà anh lại đến nỗi này?

Câu chuyện quá dài và quá khúc mắc để tôi kể cho nàng nghe bây giờ: Cuộc hành trình quanh thế giới, giam tù trong hầm sâu, sự thoát ly qua nhiều bản thể "tôi" và "nàng", đứa trẻ hy sinh cho kẻ khác sống, cho một người quyền thế được tồn tại, sự điên rồ của người, loài người, và của tôi. Tuy vậy tôi cũng kể qua các câu hấp tấp, không diễn được hết ý nghĩa của sự việc.

– Bây giờ tôi ráng đứng dậy, tôi nói.

Tôi chống khuỷu tay, ngã lên trên cát, dưới bóng mát một cây dừa. Rất nhanh nhẹn, Oanh dựng tôi dậy, để tôi dựa lưng vào gốc cây lá nhọn và dài, gió thổi đong đưa. Một con chim hót vài tiếng rồi bay đi. Gió lên nhiều hơn, tung làn bụi cát trắng. Áo của Oanh đáng lẽ trắng tinh bây giờ mầu cát và như đang tan rã theo thời gian. Mắt nàng trở nên đùng đục, dưới đôi lông mày tế nhị, nhìn không động vào khoảng không. Cát bám lên nàng cũng nhiều, và nàng trở thành một cái hoa cát của xa mạc.

Tôi khiêng nàng trên vai tôi, như khiêng một bức tượng. Nước lạnh và vài trái cây làm tôi lại sức. Nhưng thân thể Oanh cứng như đá và sắc như dao, làm tôi trầy da, rớm máu.

Mấy anh cai ngục ngạc nhiên thấy cái tượng Oanh đứng trên bệ đá trong hầm. Họ hỏi tôi:

– Làm thế nào mà em tạc được bức tượng này? Bằng chất liệu gì? Tên cô ta là gì?

Họ ngắm nghía bức tượng cao một gang tay, gần như anh Trương Chi chèo thuyền trong chén nước trà.

Tôi vuốt ve bức tượng trả lời:

– Tôi cạo muối diêm phủ trên các tảng đá trong hầm, và nắn bóp dần thành pho tượng này.

– Nhưng em chưa bao giờ nhìn thấy một cô gái, làm sao mà tạo được cái thân thể yêu kiều thế này?

– Từ anh chàng Adam, trời nặn ra cô Eve, có gì lạ đâu! Tôi cô đơn, nên phải tưởng tượng ra một cô bạn.

Và tôi thản nhiên nói tiếp:

– Tên cô ta là Loan.

Tôi không muốn cho họ biết tượng là Oanh, sợ họ sẽ lùng bắt, giam cầm Oanh. Tôi rùng mình, sởn tóc gáy.

*

*   *

Loan hiện ra, do một sự tình cờ, hay do định mệnh, giữa một đám trẻ tuổi, ngồi trước mặt tôi, để chéo chân, thản nhiên hút điếu thuốc lá và nhìn tôi như nhìn một đồ vật thường ngày. Giữa chúng tôi lúc đó chưa có một dây liên lạc nào, có thể trao đổi vài câu rồi không bao giờ gặp nhau nữa, như gặp người qua đường.

Nhưng tôi lắng tai nghe theo giọng nói bình thản của nàng, nói về cái xã hội ngăn nắp, sung túc, mà nàng đang sống một cách tự nhiên, dễ dàng. Tôi chợt ao ước được sống như vậy, cạnh nàng, được che trở mãi mãi trong một tình yêu nhẹ nhàng nhưng vĩnh viễn. Loan kể:

– Tết năm đó tôi ở vịnh Hạ Long. Đêm giao thừa lạnh buốt, sương mù phủ khắp mặt nước, bàng bạc làm mập mờ những núi đá. Thuyền khoan thai đi giữa các lạch biển, sóng vỗ nhẹ theo nhịp mái chèo. Xa xa, các đốm lửa của vài làng mạc chập chờn trong đêm tối. Trên bến, vài cửa hàng cơm đèn sáng trưng đợi du khách.

Loan hát khẽ bài "người em đến, ngước mắt long lanh mi cười".

– Hồi đó là tết năm nào? Tôi hỏi.

– Năm Đinh Hợi, cách đây hai năm.

Mọi người khác chuyện trò ồn ào, không chú ý tới chúng tôi nữa. Tôi đổi chỗ ra ngồi cạnh Loan:

– Lạ thực. Tết năm đó tôi cũng đang ở Hạ Long. Hoa đào nở hồng cả tiệm ăn, lẫn vào hai câu đối đỏ ửng với hàng chữ mực đen còn thơm.

– Thế à? Loan nhích đôi lông mày lên hỏi, ngạc nhiên. Tiệm tên là gì? ở vào quãng nào?

– Tiệm tên là "Rồng Vàng", ở ngay phố Phủ, trước cửa biển.

Loan kêu lên:

– Tôi nhớ rồi. Trái đất thực bé nhỏ, chúng ta đã gặp nhau trong tiệm đó. Anh đi với một cô gái tên là An… à không, tên là Oanh. Đúng không?

Thực vậy, qua vai Oanh tôi thường nhìn Oanh uốn tròn môi ăn nem cuộn trong rau thơm. Nàng còn ăn ngon lành một đĩa bánh chưng rán, với dưa xanh và củ kiệu, chấm nước mắm ớt. Trí nhớ chúng tôi lại gặp nhau trên kỷ niệm đêm đó.

Tôi nhớ. Đúng 12 giờ đêm, chủ quán tắt đèn điện, thắp thêm nến, thêm hương, làm ấm cả tiệm ăn. Trên mỗi bàn lại có một giò thủy tiên trong một cái bát sứ trắng có hình rồng xanh, hoa nở đúng giờ, toả mùi thơm kín đáo. Mắt Oanh long lanh ánh nến, môi mỉm cười, và tự nhiên chúng tôi nắm tay nhau giữa lúc pháo giao thừa bắt đầu nổ tưng bừng khắp mọi nơi.

Tôi hẹn Loan sẽ gặp nhau. Nàng gật đầu, hờ hững như không cần gì cả.

Tôi đợi nàng ở trong một tiệm cà phê cổ, ở phố Tràng Tiền, khi lá mùa xuân đã bắt đầu xanh và reo lăn tăn trên những cành cây cao dọc hồ Hoàn Kiếm.

Tôi ngồi ở một góc, gần cửa kính, nhìn ra đường, ngay mặt hồ, nhấm nháp một ly cà phê đặc sánh làm tim tôi đập như trống làng khi bị lụt, nhưng làm tâm hồn ấm áp tan vào tiếng nói chuyện rì rào của quán cà phê, tiếng nước đập vào bờ ì ọp, tiếng xe cộ xa xa vọng lại.

Tôi không nhớ rõ nét mặt Loan, đều đặn, gọn ghẽ, trong suốt, đến nỗi làm mắt ta không còn giữ một dấu vết nào. Tôi cũng xa lạ trong cái tỉnh Hà Nội mà tôi chỉ biết  khi còn trong tù, hình ảnh các cửa kính, cửa hàng, cửa sổ, phản chiếu đến tôi; xa lạ cả đêm giao thừa, cả dân chúng còn háo hức ăn tết, cả loài người lãnh đạm trước số phận khác thường của tôi. Không bao giờ người ta có thể cảm được sự đau khổ của một người khác, tôi cam chịu như vậy, vì chính tôi cũng đang bắt đầu quên rồi, chỉ sung sướng đợi Loan sẽ tới.

Và tôi thấy nàng từ đàng xa đang bước thong thả, khoan thai, cái sắc đong đưa, tà áo quấn vào đôi đùi thon thon, quần lụa trắng tinh, khăn quàng mầu lục tung bay quanh cổ.

Nhìn thấy tôi ngồi sau cửa kính, Loan mỉm cười, đưa hai ngón tay vẫy tôi, chân vẫn đều đều.

Loan lấy vai đẩy cái cửa kính, chứ không dùng tay, có lẽ sợ vi trùng của những người khác làm bẩn tay nàng, tuy tay nàng có đeo găng trắng.

Nàng mỉm cười, tháo găng, đưa tay cho tôi bắt. Đúng là bàn tay của một cô gái, mềm mại, thơm tho, một bàn tay thực chứ không phải bàn tay mơ, bàn tay ảo tưởng:

– Chào anh Đởm!

– Chào Loan!

Nàng ngồi cạnh tôi, chứ không ngồi trước mặt tôi, vai chạm vai tôi. Nàng lấy bao thuốc:

– Anh hút thuốc?

– Tôi chưa bao giờ hút.

Loan cho tôi một điếu thuốc, bật cái bật lửa. Tôi vội lấy hai tay bọc tay nàng để giữ ngọn lửa, và tôi châm điếu thuốc của tôi:

– Tôi vừa mới ở tù ra.

– Thực hả? Nàng lùi người nhìn tôi. Vì tội gì? Thảo nào da anh trắng bệch vì thiếu mặt trời. Tôi không ưa kẻ trộm và kẻ cướp.

– Tôi chỉ là nạn nhân của một tổ chức quá khích. Họ bắt cóc tôi, khi tôi mới có 7 tuổi, giam tôi trong hầm tối cho đến bây giờ. Họ tưởng tôi là một Hoàng tử. Và muốn ngăn không cho tôi lên ngôi Vua.

Nàng ngừng hút, không tin:

– Ai mà có thể tàn ác như vậy? Loài người? Loài quỷ? Hay là quỷ đội lốt người?

– Loan có thể không tin tôi, nhưng sau khi đã sống trong hầm, tôi có thể nói rằng quỷ sứ còn tốt hơn người!

– Những chuyện dù khủng khiếp đến đâu, khi được kể lại, trong một tờ báo, hay trong một quán cà phê, cũng có thể trở nên một tin tức tầm thường, vô vị.

– Chuyện đó qua rồi. Tôi được thả. Những kẻ có tội đã bị xử và bị bắn vào một buổi sáng thứ hai, vào lúc 4 giờ, trước khi mặt trời mọc.

– Đáng kiếp loài bất nhân!

Loan ngước mắt nhìn một nhóm trai gái mới bước vào quán. Họ cười nói vui vẻ, mặc quần áo lịch sự đẹp đẽ, và ngồi ở cái bàn cạnh chúng tôi. Loan cầm tay tôi, khuyên nhủ:

– Chúng ta sống trong hai thế giới không bao giờ gặp nhau được. Anh có cái nghiệp, khó mà trách trời gần trời xa. Loan có cái phúc, cái gì cũng đầy đủ, không thể chia xẻ, hy sinh để vớt cả nhân loại, dù muốn hay không.

Chén nước vối nóng hổi bốc làn hơi trắng lên không. Loan bỏ điếu thuốc trên cái gạt tàn, cho chút đường đen vào nước vối, lấy thìa quấy tròn, cái vòng ngọc xanh chạm vào cái chén xứ kêu lanh canh. Nàng hé môi uống từng ngụm nhỏ:

– Tại sao Loan thích uống nước vối?

– Tại sao?

– Loan tự hỏi, anh cũng hỏi Loan, vậy còn nói gì nữa!

Tôi đoán liều:

– Vì ngày xưa, hồi Loan còn nhỏ, thường uống nước vối, hoặc nụ vối, hoặc lá vối, khi về nghỉ hè ở đồng quê.

Loan ngẫm nghĩ nhìn nước hồ Hoàn Kiếm gợn sóng:

– Mỗi một hụm là một kỷ niệm trở lại, không biết là kỷ niệm gì, làm ta cứ ham uống để tìm biết, như muốn trở lại thời trẻ tuổi, từng giọt, từng hụm… nước vối!

Loan nhấc chén uống và nói tiếp:

– Hội đó Loan về nghỉ hè ở làng Cự Đà, trong một căn nhà 3 gian bao quanh một cái sân gạch Bát Tràng, trước một cái ao nước lúc nào cũng yên lặng, ở cuối một ngõ cụt có đường lát gạch.

Tôi lắng nghe, chìm dần vào quá khứ của Loan, như gặp một người quen thuộc, như trở lại làng Quang Tó không xa làng Cự Đà lắm, đi bộ chừng nửa giờ là tới, và Loan lấy thìa quấy cái chén nước vối:

– Nhà lúc nào cũng có một bình nước vối to tướng, để uống cả ngày, lúc đầu thì nóng hổi, sau thì mát rượi. Loan còn nhớ hồi đó có anh người ở tên là Đởm…

Tôi giật mình:

– Tôi cũng là Đởm.

– Loan biết rồi, anh là anh Đởm mới ở tù ra.

Loan chép miệng nói:

– Cái anh Đởm đó mê Loan tít thò lò.

Loan giơ ngón tay trỏ quay trong không và phá ra cười:

– Anh ta ngồi duỗi chân, làm như anh ta có đôi chân có thể quyến rũ một cô gái mới 13 tuổi. Và anh hát:

Tôi thấy cô lấy Tây

Tôi chán tôi chuồn.

Còn Loan thì rất tinh nghịch, mặc áo cánh vải trắng mỏng, quần lĩnh đen bóng loáng, làm anh Đởm điên cả người.

– Loan có hay đi câu cá không?

– Sao vậy?

– Thì Loan có thể bắt anh Đởm sách giỏ, sách mồi đi hầu.

– Cố nhiên rồi! Sao anh biết?

Tôi nhớ tới Mây chạy lon ton theo tôi trên con đường rêu xanh dọc theo hàng rào dâm bụt hoa đỏ chói. Vậy anh Đởm cũng lon ton đi theo Loan ngày xưa.

– Vì tôi hay đi câu cá với cô em họ xa.

– Cá gì? Loan hỏi.

– Thường thường là cá rô sáng như bạc.

– Loan hay câu được cá trê đen xì nằm trong bùn. Anh Đởm thích ăn cá trê kho nhưng không thích câu cá, chỉ ngồi trên cỏ, dựa vào gốc cây hút thuốc lào cho thực say rồi lim dim nghắm Loan thực lâu.

– Một hôm Loan đẩy anh Đởm lăn tùm xuống ao, tôi nói.

– Thế à? Sao anh biết?

– Tình cờ và trùng hợp, Mây đã đẩy tôi xuống ao!

– Lạ nhỉ? Anh Đởm bơi cuống cuồng trong đám bèo vì không biết bơi, chỉ biết kéo xe thôi.

Tôi để ý đến cách nói chuyện của Loan, trong khi nói nàng ít khi để ý đến người nghe, sự quan trọng là nàng và câu chuyện nàng đang kể, nhưng lần này nàng tò mò muốn biết Mây và tôi đã làm gì lúc đó để so sánh với Đởm, anh kéo xe, và chính nàng. Tôi cũng ngạc nhiên và ngồi yên lặng đợi Loan kể tiếp. Tôi hỏi:

– Anh ta bơi cuống cuồng nhưng anh ta tóm chân Loan kéo Loan xuống ao?

Loan ngồi ngay người, vuốt tay trên ngực, đôi vú tròn và căng thẳng dưới cái áo dài mỏng:

– Không phải thế! Loan phải nhẩy xuống ao để lôi anh ta lên bờ vì anh ta đang ngợp thở, đã uống nhiều nước và đớp nhiều bèo.

Loan mỉm cười cầm tay tôi:

– Lần đầu tiên Loan thấy một người đàn ông luống cuống và thẹn thò như anh Đởm. Có gì đâu, khi lên bờ áo của Loan dán lên ngực mới nhú, quần lĩnh quấn quanh đùi đã thành hình, làm anh Đởm chéo chân để giấu sự xúc động thân thể anh, mặt anh bỗng đỏ như quả gấc. Còn Loan thản nhiên nằm dài dưới nắng hát: "Tôi thấy cô lấy Tây, tôi chán tôi chuồn.”

*

*   *

Loan nhìn đồng hồ tay, đề nghị:

– Đi ăn phở Tráng, ở trước cửa trường Hàng Than.

– Phở?

– À! Loan phải coi anh như một dân Hỏa tinh mới xuống trái đất, chưa biết gì nhiều. Phở có lẽ do chữ Pot au Feu, một món súp thịt bò của Tây, mà ra. Thực vậy, muốn nấu phở phải có thịt bò nhiều mỡ, mỡ gầu chẳng hạn, nhiều gân, sụn, phải có xương ống đầu tủy, nấu lửa lâm râm, với gừng, hồi, hành tây, trong hai tiếng đồng hồ.

Tôi nghe thèm rỏ rãi.

– Trong một cái tô lớn, Loan nói, có bánh phở trắng và mềm, có thịt chín thái mỏng, có thịt tái, nhưng không nên ăn thịt tái vì làm lạc vị, người ta cho rau thơm, rau mùi thái nhỏ, tiêu, ớt tươi, và sau cùng, rưới đầy nước dùng vừa trong vừa béo, vì có thêm chút tủy. Phải ăn thực nóng, không cần thìa, chỉ cầm cả tô mà lùa vào miệng. Ăn xong chúng ta đi xem phim "Quyến rũ số mệnh".

Tôi đã hoàn toàn bị quyến rũ bởi Loan, dĩ nhiên, vì Loan xinh đẹp và vì Loan "nhìn" thấy tôi, tôi không còn là một cái bóng qua cửa sổ, tôi có hình, có thể, như mọi người. Cô đơn trong bao nhiêu năm trong tù, tôi không quan niệm được thế nào là hạnh phúc. Khó mà làm cho Loan hiểu rằng 17 năm trong hầm tối đã nhân lên hàng trăm lần cái thú được Loan nắm tay, được nàng dẫn đi ăn phở. Bọn người giam tôi có lý một phần nào. Vì bây giờ, cùng Loan, đi vào ngõ hẻm đầy người xếp hàng trước hàng phở, rồi ngồi trên ghế dài bằng gỗ, trước một tô phở nóng đủ mầu: bánh trắng tươi, thịt nâu óng ánh mỡ gầu vàng, rau thơm xanh biếc, ớt đỏ ói, thực là sung sướng tuyệt trần.

Nhìn tôi uống một thìa nước dùng, Loan hỏi:

– Ngon không anh Đởm?

– Không thể tả được. Tôi là người may mắn nhất trần gian.

– Thực không? Hay chỉ là sự nhớ ơn của dạ dày?

– Không phải. Đó là chấp nhận sự độc ác cần thiết. Tôi bị người ta hy sinh, và sự hy sinh của tôi không đến nỗi vô ích.

Loan hôn nhẹ lên gáy tôi. Một cặp vợ chồng già nhìn chúng tôi, thú vị. Ông già tóc trắng, giơ ly rượu đế lên nói bằng tiếng Tây:

– A l’amour, à vos amours!

– A la vôtre, Loan mỉm cười đáp lại.

Chúng tôi cùng cạn chén.

Ăn xong chúng tôi thong thả đi dạo quanh hồ, về phía nhà Bưu điện, qua công viên Tao Đàn, rồi vào uống cà phê ở trong một tiệm trước cửa Nhà hát lớn.

Đó là một tiệm nước nổi tiếng về cà phê, tiệm dài, vì nằm trong một nhà ống cổ có hai cái sân trong, trang trí toàn bằng tre, y như một căn nhà quê, ngoài đường thì nắng dữ dội, ở trong tiệm thì bóng tối râm mát thủ thỉ.

Loan ngồi cạnh tôi, để đầu lên vai tôi, nhưng vẫn không thèm để ý đến tôi, vai tôi hay vai của một người khác cũng chỉ là một cái vai. Nàng kêu một ly cà phê, tôi một bát chè tươi thực đậm. Chúng tôi yên lặng uống, gần gụi nhau như đã quen từ thuở nào, một buổi trưa Hà Nội dài dằng dặc.

Tôi hỏi Loan:

– Loan thích gì?

– Loan thích ngồi yên không làm gì cả. Loan có thể ngồi như vậy hàng giờ.

– Không chán?

– Không chán.

– Đùi Loan đẹp?

– Đẹp. Anh để tay lên xem.

– Êm và dịu. Thảo nào hai anh Đởm đều mê như điếu đổ.

Bỗng tôi nhìn vào phía trong cùng tiệm, thấy một người đàn ông với một cái valy. Ông ta ngồi quay lưng về phía chúng tôi, còn cô gái ngồi trước mặt ông ta nháy mắt một cách khôi hài trên khuôn mặt quá đều đặn, như khuôn mặt một pho tượng thánh Đồng trinh.

Loan nói, như quen ông ta từ lâu:

– Anh chàng đã kiếm lại được người yêu, sau bao nhiêu hành trình rắc rối.

– Với Loan, tôi hy vọng đã kiếm được người để yêu.

Loan thờ ơ đốt một cái đóm trên ngọn đèn dầu hoả, châm cái thuốc lá và hút một hơi:

– Anh có thể yêu Loan một cách tuyệt vọng, như anh Đởm phu xe nhưng Loan không biết yêu ai. Chàng ta, người đàn ông với cái valy, vốn là một hình nhân bằng gỗ, cao bằng một ngón tay, vì sức mạnh của tình yêu, trở thành người bằng xương bằng thịt.

Tôi suy nghĩ, tay chống cằm:

– Còn tôi, đôi khi vì ảo lực của ái tình, biến thành một tượng nhỏ bằng gỗ biết cử động, biết nói, hát, cao bằng ngón tay.

Trưa Hà Nội nóng, ve Hà Nội kêu to. Chúng tôi tình cờ gặp nhau trong thế giới nhỏ bé của một tiệm nước, tôi chỉ muốn ngồi đây mãi mãi.

*

*   *

– Loan rất ích kỷ, chỉ biết có mình Loan thôi.

Nói xong Loan cắn môi nhìn trần nhà. Vài con thạch sùng nằm im đợi mồi, thỉnh thoảng phóng cái lưỡi nhanh như chớp chụp một con muỗi, con ruồi, rồi lại nằm im.

– Loan chỉ sống cho Loan, sống chết mặc bay.

Vừa nói Loan vưà đợi khoái lạc bắt đầu tràn trong cơ thể vì tôi đang lấy hai ngón tay đi vòng quanh vú nàng, như một bộ hình leo đồi cát trắng. Tôi biết nàng không cần biết tôi là ai, tôi chỉ là một người đàn ông nào đó, một dụng cụ, vuốt ve nàng, và lắng nghe nàng, và nàng tiếp:

– Dù chỉ nhổ một sợi lông mà cứu được cả vũ trụ Loan cũng không làm.

Tôi xoa bàn tay lên đám lông đen mướt của nàng:

– Nhổ làm chi cho đau!

Tôi vuốt từng sợi lông giữa các ngón tay tôi. Nàng yên lặng, có lẽ tự hỏi tôi sẽ làm gì, tò mò và chờ đợi một trò chơi mới. Tôi khẽ để ngón tay trỏ lướt dọc cái khe mũm mĩm của nàng, và thản nhiên tiếp chuyện:

– Thiên hạ đau thì đáng đời thiên hạ! Tôi là ai?

Nàng liếc mắt nhìn tôi rồi lại nhìn trần nhà:

– Anh là Đởm, một người đáng lẽ không có trên trần gian và chỉ có trong tưởng tượng của…

– Của?

– Của một văn sĩ nào đó.

– Oanh!

– À! Oanh là văn sĩ? Mấy ngón tay của anh khéo như ngón tay của nhạc sĩ chơi vĩ cầm.

– Và của người nặn tượng. Hồi nhỏ tôi hay đào đất sét nhuyễn quánh để nhào, nặn tượng chó, toàn là chó.

– Vậy anh đang nặn và nhào Loan. Vui, lạ! Mùa rét năm đó Loan đứng sau cửa kính nhìn gió lùa xào xạc trong lá cây. Ngoài phố chẳng có ai cả, trời xám và thấp, mây kéo vần vụ, trên mặt hè lá khô chạy theo gió lạnh như trong một bài hát.

Đang chuyện này Loan nhảy qua chuyện kia, tôi cũng nghe theo, tay vuốt dọc hai đùi nàng, thỉnh thoảng cố ý đụng vào đám lông mượt nằm ép trên da. Loan mặc kệ, nói như nói một mình:

– Đó là bài hát, giống như chúng ta, em yêu anh và anh yêu em, rồi cuộc đời chia rẽ chúng ta, nghĩa là anh chồng chưa cưới của Loan, anh ra sập cửa bỏ ra đi, chỉ vì một cuộc cãi nhau vô lý, vì tự ái vô ích. Loan giận, bỏ mặc anh ta đi mất hút ở cuối phố Hàng Trống, về phía bờ hồ, và Loan kêu to:

– Tình nghĩa đôi ta có thế thôi!

Anh ta không thèm ngoảnh lại. Loan mặc áo ấm, quàng khăn lên cổ, chạy xuống đường. Những vệt nắng cuối cùng bỗng hiện ra trên nóc nhà. Loan kéo cổ áo lên, thọc tay vào túi; bước vội không mục đích.

Tôi hôn chung quanh rốn Loan, ngạc nhiên tại sao nàng lại kể chuyện đó cho tôi, nhưng chính vì kể chuyện mà Loan làm tôi kích thích, cô gái trần truồng, thân thể trắng nõn nà như ngó sen, chân hơi dạng, nằm ngửa, buông thả như chúng tôi quen nhau từ lâu.

– Loan chợt nhớ phải đi lấy cái xe cũ mua lại của ông Thôi tại xưởng sửa xe của ông ta ở gần nhà thờ lớn. Ông ta hãnh diện tán tụng cái xe Fiat 500 nhỏ xíu mầu đỏ mà ông ta đã chữa lại và chỉnh đốn kỹ càng.

Mặc nàng nói, tôi nhấp nhó cho ngón tay vào nàng, nàng bị động nhấc nhẹ người lên:

– Trong xưởng đầy vỏ xe cũ, mùi xăng, dầu, nhớt, tràn nền nhà xi măng. Bây giờ chiều đã xuống, sau các miếng kính mờ, trời đạm bạc làm se tim Loan trong một nỗi buồn bơ vơ, nhưng Loan cảm rõ sự cô đơn của ông Thôi hơn là nỗi buồn của Loan, một người đàn ông đứng tuổi, đã kiệt lực vì tranh đấu để sống, và chiều nay ông còn nỗ lực tán dương cái xe cũ mong kiếm được chút lời. Loan rùng mình, gió lọt qua cái cửa kính vỡ, lạnh buốt xương. Mùi củi cháy, mùi lá khô ở đâu thoảng tới, ông Thôi vẫn nói về động cơ, vỏ bánh, nước sơn, Loan lấy cuốn ngân phiếu, bắt tay ông Thôi: "Được rồi, tôi mua không mặc cả, nhưng có trục trặc gì thì tôi tới bắt đền ông". Ông ta toét miệng cười:"Cô yên tâm, tôi bán rẻ cho cô, xe còn tốt lắm, tôi đã kiểm soát tất cả các bộ phận". Ông đọc kỹ cái ngân phiếu, cẩn thận bỏ vào hầu bao. Loan nghĩ rằng ông cũng được một số lời tốt khi ông ta đề nghị "Tôi mời cô ra tiệm nước khao cái xe". Tiệm nước ở bên kia đường, trong có nhiều người đang uống và nói chuyện. Họ chào Loan và ông Thôi: "Chào cô, chào ông Thôi!". Loan kêu một ly rượu đế, ông Thôi một ly cô-nhắc. Đúng lúc này thì Loan nghe thấy nhạc bài "Symphonie Fantastique" của Berlioz ở đâu vẳng tới.

Được rượu đế làm ấm bụng, yên lòng vì các câu chuyện rì rào chung quanh, mùi củi cháy vẫn còn vương đâu đây, Loan lắng nghe bản nhạc bay từ một cửa sổ bán nguyệt của một biệt thự cổ kính. Chiều chủ nhật, trời lạnh, đường vắng người. Chuông nhà thờ thong thả buông dần trong yên lặng và Loan muốn biết ai lại nghe bài Symphonie đó.

Trong khi Loan mê mải trở về dĩ vãng, nói thì thầm liên miên, tôi vào trong Loan, nàng biết vì dâng người lên, nhưng nàng vẫn làm như không biết, chỉ đưa người nhịp nhàng như sóng vỗ trên bãi biển. Nàng vẫn không ngừng nói:

– Trong tiệm có hai người đàn ông cao lớn, có bộ ngực rộng khác thường, hai ca sĩ chuyên về Opera. Họ nhấc chén, cùng hát, tiếng dũng mãnh làm rung cả cửa kính, cả các lồng ngực những người ngồi chung quanh. Hát xong, một người đàn ông nhìn Loan, cười: "Chúng tôi xin hát biếu cô bản Đồng ca Tù nhân của bản Nabucco". Và họ cùng lên tiếng hát, đau khổ, thảm thiết, như đoàn tù nhân tuyệt vọng, làm Loan rớm nước mắt. Người đàn ông vỗ vai Loan: "Rồi mọi sự lại đâu vào đấy". Ông ta cười, răng trắng và đều, nhưng Loan vẫn không rời mắt cái cửa sổ bán nguyệt có một người cúi mình trên một cái bàn vẽ. Ông Thôi bảo Loan: "Anh ta làm việc không ngừng và vẽ giỏi lắm, chỉ ngoáy bút là anh ta đã vẽ một hí hoạ tôi đang ôm một cái xe Lambella ở trong tay, như ôm một đứa trẻ". Loan chợt hiểu và kêu lên: "Đúng là anh Đởm rồi! Cái anh phu xe ngày xưa ao ước muốn trở thành hoạ sĩ!". Ông Thôi uống cạn chén, hỏi: "Cô biết anh ta? Vậy thì đúng là anh ta rồi!" ông ta trêu ghẹo Loan.

Loan cong người dâng ngực lên, bụng xẹp xuống, làm tôi ngạc nhiên vì sức thèm muốn của Loan khi lạc thú tràn tới, không còn giữ gìn nữa. Nàng kêu, lắc đầu nghiêng ngửa như một cái cây gặp bão, còn tôi thong thả, như một cái máy, dập lên dập xuống vào nàng.

*

*   *

Loan nằm nghiêng, tay chống đầu:

– Khi đó Loan ra khỏi tiệm nước, ông Thôi vội chạy theo để đưa Loan chìa khóa và giấy tờ xe hơi. Loan nhét vội tất cả vào trong sắc, chạy về phía cửa sổ hình nửa mặt trăng.

– Loan có nhớ câu hát của Đởm ở làng Cự Đà "tôi thấy cô lấy Tây, tôi chán, tôi chuồn"? Và Loan chạy tìm anh ta như tìm lại người yêu, chuyện không có lý, làm sao Loan yêu anh ta được?

– À! Vậy hả? Hơi lạnh, Loan mặc quần áo.

Nàng đứng dậy, tôi nhìn theo cái thân thể nhịp nhàng như không muốn tò mò, tôi lại nhìn đi chỗ khác. Nàng nói:

– Thực ra anh Đởm không đến nỗi xấu trai, vì kéo xe nên người đầy bắp thịt, bụng thon. Chưa hết vì anh ta rất giống… anh! Nghĩa là chả giống ai cả.

– Chuyện ra sao nữa?

– Loan đứng giữa đường, ngần ngừ nghĩ thầm có lẽ không phải là anh Đởm, mà là anh hoạ sĩ nào đó. Ông Thôi hiểu ý, lấy tay ra hiệu giục Loan cứ đi, ông lắc đầu, thong thả quay về tiệm nước. Loan bấm chuông, đợi một lúc lâu mới nghe tiếng chân xuống cầu thang.

Chợt Loan đổi giọng, nói về Đởm như nói với tôi, làm tôi tưởng tôi là anh Đởm hoạ sĩ kéo xe:

– Rồi có tiếng mở cửa, anh nhìn Loan bỡ ngỡ nói: "Chào cô!" Anh không nhận ra Loan, khi Loan cầm tay anh nói câu mà ngày xưa Loan còn bé dại đã ngây thơ thổ lộ "Em yêu anh và sẽ yêu anh mãi mãi", anh trả lời như an ủi một đứa trẻ con: "Cố nhiên chúng ta yêu nhau, nhưng thưa cô, cô định thần lại đi, vì có lẽ có chuyện hiểu nhầm, tôi tên là Đởm". Loan phá ra cười: "Loan là Loan, anh còn nhớ không?" Anh lùi lại, nhìn kỹ, mặt bỗng tươi như hoa.

Đởm đã nhận ra Loan, tìm thấy cô bé ngày xưa, tìm thấy những nét quen thuộc cũ trên mặt cô gái hiện tại, hồi hộp và cảm động, cả hai đều nói luôn miệng, người này cắt lời người kia. Loan đề nghị:

– Loan mới mua xe, anh đi khánh thành xe cùng với Loan? Đi ăn cơm chung? Hay anh còn bận làm việc? Đi ăn chả cá Lã Vọng!

Đởm mở cửa xe, ngồi cạnh Loan, luôn luôn nhìn nàng như người bắt được vàng. Loan cầm cái chìa khoá, mở máy, mỉm cười nghe động cơ reo đều, rồi lái chạy ra phía đền Quan Thánh.

Đởm chợt nói:

– Oanh!

Loan nghiêng mắt trả lời:

– Dạ! Em đây!

 

[còn tiếp] 

 

 

.

bài đã đăng của Tường Hùng

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)