Trang chính » Sáng Tác, Truyện ngắn Email bài này

Tai Họa

0 bình luận ♦ 19.07.2008

 

1
Hắn sẽ giết nàng, giết ngay khi hắn vừa đặt chân xuống mảnh đất tự do đầy hứa hẹn này. Đâu có thể để chuyện đó xảy ra được, nhưng biết làm sao bây giờ. Thời giờ qua vùn vụt. Chỉ còn hai ngày nữa, hắn sẽ có mặt ở đây. Hắn, bằng xương bằng thịt, sẽ đi đi lại lại trong căn phòng thơm mùi nước hoa của nàng. Hắn sẽ dừng lại trước cái tủ đựng đầy băng nhạc kia, nhìn lướt qua những tên băng, lắc lắc cái đầu như không tin ở mắt mình. Hắn sẽ tìm những băng nhạc tiền chiến. Tại sao lại cứ phải là nhạc tiền chiến cơ chứ. Nàng bực bội. Đã thưởng thức nghệ thuật thì mắc mớ gì phải hẹp hòi đến như vậy. Hắn sẽ hỏi về những cuốn sách Việt ngữ xuất bản ở nước người, như ngày xưa hắn vẫn thường hỏi về những nhà văn, những nhà thơ mà hắn mến phục. Nhưng làm gì thì làm, hắn cũng sẽ không thể nào không hỏi đến chuyện ấy. Hắn sẽ hỏi nàng tại sao? tại sao…

Trời ơi, nghĩ đến chuyện ấy, nàng muốn điên lên vì lo lắng. Chỉ còn hai ngày nữa thôi. Cái thư báo của sở Di Trú còn nằm trơ ra kia, trên chiếc bàn phấn đầy những cây son đủ màu của nàng. Hai hôm nữa thôi, nàng sẽ chết. Mà cho tới giây phút này nàng vẫn không hiểu nàng sẽ chết cách nào. Hắn có đủ khoan dung để tha thứ cho nàng không? Tha thứ. Nếu như có một lần nào đó em lầm lỡ – một lần, cách đây khá lâu, nàng đã hỏi hắn – anh có đủ khoan dung để tha thứ cho em không. Nàng nhớ, hắn đã lặng người đi mất vài giây, nhìn nàng một cách sững sờ, rồi quay mặt đi, ngó theo những chiếc lá, bay lăng quăng trong khoảng sân hẹp, ngập ngừng đeo lên mặt một nụ cười gượng gạo, như thể gã hề đeo vội vàng chiếc mặt nạ có nụ cười méo mó như đang mếu. Thì cũng phải tha thứ, chứ biết làm gì khác hơn được. Ngập ngừng một lát, hắn hỏi ngược lại nàng: Còn em, nếu lỡ như – hắn rặn ra một cách khó khăn hai chữ lỡ như làm nàng buồn cười – lỡ như anh sa ngã với ai đó, em có tha thứ cho anh không. Tha thứ chứ – nàng nói – nhưng lâu lâu nhớ lại và cằn nhằn một chút, cho bỏ ghét. Hắn bỗng ngắt lời nàng, một cách nghiêm trang. Nhưng có thể… anh sẽ giết em… Giết cách nào. Nàng trìu mến nhìn hắn. Anh sẽ chỉ khoan dung tới mức cho em chọn cách chết. Nàng còn nhớ khi nói ra hết được câu nói khó khăn, như thể moi ra tận đáy lòng, hắn đã bóp vai nàng nhè nhẹ. Những ngón tay thư sinh, mỏng manh của hắn đã truyền qua lớp vai áo mỏng, vào da thịt nàng, làn cảm xúc lâng lâng, dịu dàng; và cả hai cùng hiểu rằng đó chỉ là những câu đối thoại nửa đùa nửa thật; rằng cái sự nếu như đó sẽ không bao giờ phải xảy ra; rằng tình yêu của hai người là một cái gì đó vĩnh cửu.

Đó chỉ là một phần của những giấc mơ của hai người còn sống, hạnh phúc tràn đầy; nồng nàn, tha thiết. Bây giờ, nàng như vừa tỉnh dậy từ một giấc mơ, bắt gặp mình đang sống với thực-tế ác mộng. Nàng sẽ chết. Anh sẽ chỉ khoan dung tới mức cho em chọn cái chết. Ngày xưa, hắn đã nói với nàng như vậy. Nàng phải tự vệ, bằng bất cứ giá nào. Nàng nhìn lướt quanh phòng. Căn phòng có mùi nước hoa dìu dịu. Những sa lông, bàn ghế ngu ngơ, cái tủ đựng đồ quý (nàng chẳng biết những chén dĩa cũ nàng mua garage sale kia có giá-trị gì, nhưng nàng quý vì cái nét cổ xưa của chúng.) Chiếc tủ đứng đựng đầy băng nhạc Việt. Một vài nét mặt ca sĩ lấp ló trong kẹt tủ, như nhìn lén nàng. Trời ơi, những thứ này sao có lúc lại vô tích sự đến như vậy. Chúng chẳng làm được một chút gì, khả dĩ cứu vãn được mạng sống nàng trong lúc nguy khốn này. Nàng nhìn xuống bếp. Cái bếp lò mới sáng lấp lánh dưới ánh đèn. Những hộc tủ đựng bát đĩa, soong chảo âm thầm đóng kín. Những con dao mới gài trên cái giá gỗ, ném vào mặt nàng những tia sáng trắng lấp loáng. Những con dao. Ừ, những con dao ấy coi bộ được. Phải lấy một con, dấu sẵn đâu đó trong tầm tay, để có thể chỉ việc quơ tay ra là lấy được. Nếu như hắn toan giết nàng, nàng chỉ việc vung mũi dao lên, nhắm vào tim hắn. Trái tim đàn ông trong cái lồng ngực hom hem của hắn sẽ vỡ ra; vòi máu đỏ thẫm phun tóe khỏi lồng ngực. Ý nghĩ đen tối làm nàng kinh hoảng. Nàng nghe tiếng tim mình đập cuống lên, như muốn vỡ ra dưới lớp áo ngủ mỏng như lưới màu hồng.

Có cái gì đó quặn thắt trong bụng nàng. Thằng nhỏ (hay con nhỏ) này quả là cứng đầu. Nàng đặt tay lên khoảng bụng dưới cong cong, xoa nhè nhẹ. Không lẽ cái thai đã có thể đạp giẫy trong bụng mẹ sau chỉ mới hai tháng trời. Con ơi, con đang hại mẹ đấy. “Mày thì vui sướng lắm, đâu có biết mẹ lo muốn nẫu ruột ra.” Câu nói ngày xưa mẹ nàng hay nói với chị em nàng, chợt chạy qua trong trí tưởng. Nàng ngã người ra nệm chiếc ghế sa lông êm ái. Những đứa con có bao giờ hiểu hết được nỗi khổ tâm của bố mẹ. Nàng nghĩ, và chợt thấy thương bà mẹ già giờ này ở tuốt phía bên kia của quả đất. Giờ này mẹ đang làm gì nhỉ. Nàng nghĩ. Phải như có mẹ ở đây, con đỡ lo biết bao nhiêu. Ừ, nếu như có mẹ ở đây với mình, thì đâu đến nỗi xảy ra chuyện này. Có bà mẹ già bên cạnh, cái gã đàn ông ấy đâu có thể vác đàn đến nhà nàng, hát cho nàng nghe những bài buồn đến thâm tím ruột gan, ròng rã ngày này qua ngày khác. Tiếng hát của gã thấm vào nỗi cô đơn của nàng hàng đêm, và nàng – đứa con gái chằng ăn trăn quấn, như bạn bè vẫn nói – đã phủ phục dưới chân gã, như con rắn độc, bị trù ếm bởi tiếng sáo của gã phù thủy tài ba. Bây giờ gã ở đâu? Cái loại người ăn ở không có trước có sau ấy, bây giờ đang đàn hát cho ai nghe vậy hả trời! Nghĩ đến gã, nước mắt nàng ứa ra hai khóe mi, tràn xuống má, gây nên cảm giác ngưa ngứa, lành lạnh. Thằng khốn nạn. Cái chất “chằng ăn trăn quấn” trong người bừng bừng xông lên đầu nàng, nồng như men rượu. Bà mà gặp mày, bà đâm chết ngay! Nhưng phải công nhận gã có giọng ca trời cho. Giọng ca của gã nhừa nhựa, trầm trầm nghe thống thiết, bi ai khó tả. Gã còn có thêm tài đàn tây ban cầm. Nghe gã đàn, trái tim nàng mềm ra, chân tay nàng xuôi xuống, rũ liệt. Gã chả bao giờ cần nhìn bản nhạc. Gã đàn thuộc lòng. Những bài hát, những nốt nhạc, hẳn đã ngấm sâu trong tim gã; và tiếng đàn, như phát ra từ những đầu ngón tay không có vẻ gì là tài hoa của gã. Nàng mê tiếng đàn và giọng ca nhừa nhựa – như chất keo dưới đáy ly cà phê đặm – của gã. Chỉ có thế thôi. Nhưng nàng có tật liều lĩnh. Nàng yêu những cuộc phiêu lưu. Nàng thí nghiệm một hình thức phiêu lưu cũ kỹ với thiên hạ, nhưng mới mẻ với nàng. Cứ thử xem, có chết chóc ai đâu. Chồng nàng – Ừ, cái gã đàn ông trai trẻ thuở nào, bây giờ hẳn đã hom hem như ông cụ – làm thế nào mà biết được. Nàng chỉ muốn thử xem cái cảm giác khi ở với một người đàn ông khác nó ra làm sao thôi. Tại tiếng đàn và giọng ca của gã một phần. Nếu không…

Nàng chống tay ngồi dậy. Những giọt nước mắt khô lại trên má, dính nham nháp. Nàng uể oải đứng dậy, đi vào nhà vệ sinh. Ánh đèn nhà vệ sinh sáng trắng. Hai cái bóng đèn một trăm Watts soi rõ gương mặt nàng trắng hồng trong tấm gương hình chữ nhật. Nàng nhìn khuôn mặt mình trong gương. Khuôn mặt hình trái soan tròn đầy. Hai má hồng hồng mịn màng tươi mát.

“Mỗi lần nhìn đôi má hồng hồng của em, lại muốn cắn một cái.” Ngày xưa, hắn vẫn thường nói thầm vào tai nàng như thế. Nàng còn nhớ được cả cái làn hơi nồng nồng, âm ấm, thổi lên vành tai trắng mỏng, vào tận trong lỗ tai, làm nàng rởn ốc. Hắn rụt rè, nhưng chinh phục đàn bà cũng có nghệ-thuật lắm chứ chẳng vừa. Hắn biết trích thơ văn từ cổ chí kim để thuyết phục nàng. Xa cách bốn năm trời, trí nhớ đã phai đi ít nhiều, nhưng nàng cũng còn nhớ được rất nhiều về hắn; như cặp môi mềm mềm nham nhám trên vành tai nàng, giống hệt con sóc trong sân nhà nhấm nháp mẩu bánh mì vụn mỗi sáng nàng quăng cho. Cái gã nghệ sĩ kia không có cái biệt tài của con sóc nhỏ, gã chỉ biết đàn, hát, và rồi kéo nàng vào phòng, đóng cửa phòng ngủ lại, gài móc cẩn thận dù trong nhà chỉ có hai người.

Nhìn đôi mắt mình sáng lấp lánh trong gương, nàng nhận thấy cặp mắt mình có hơi buồn thật. Ngày xưa bạn bè thường nói nàng có đôi mắt buồn, hẳn tương lai sẽ khổ nhiều. Đôi mắt này, có còn trong trí nhớ hắn không? Và gã đàn ông nghệ sĩ kia nữa, gã có còn mang hình bóng nàng theo, tới tận cái phương trời nào gã đang ẩn dật không? Ối, mà cho dù gã có đem theo hình bóng nàng, thì nàng cũng đã ăn cái giải gì cơ chứ? Nàng, kết cục cũng phải tìm lấy lối thoát cho riêng mình. Gã chỉ là đồ vô tích sự. Nàng nhìn xuống đôi môi nhợt nhạt. Đôi môi hơi cong ở phía trước. Hồi đó, hắn bảo nàng “Đôi môi của em cong cong, thấy muốn cắn.” Lại cắn. Nàng ngậm ngùi thầm nghĩ. “Anh tuổi con chó hay sao mà tối ngày đòi cắn.” Nàng chợt rưng rưng thương cảm hắn. Bốn năm năm nay sống ra sao không biết nữa. Thư hắn gửi cho nàng tương đối đều đặn. Nhưng hắn hẳn có điều gì dấu diếm nàng. Anh vẫn bình yên. Anh có vợ bé chưa đấy. Dễ gì còn có người ưng anh. Anh già cỗi như một ông cụ. Anh có tóc bạc rồi đấy. Yên tâm đi, nhỏ.

Nàng ngậm ngùi nhìn mái tóc màu đen óng ả của mình trong gương. Từ lúc xa đến giờ, hai người tránh nhắc tới những điều mà cả hai cùng coi như tai họa. “Nếu như em lầm lỡ…”; “Nếu như anh sa ngã..” Thì sao đây; biết làm sao đây? Nàng lúc lắc cái đầu, như xua đuổi những ý nghĩ màu xám bên trong. Nàng vặn vòi nước nóng, vặn thêm vòi nước lạnh. Đưa tay vào dòng nước chảy, thử xem vừa đủ ấm chưa. Và nàng vớt nước lên, rửa mặt, qua loa như con mèo nhỏ – nàng hay bắt gặp – rửa mặt trong khoảng sân ngập nắng vàng hồi nàng còn nhỏ.

Nàng lau mặt bằng chiếc khăn bông trắng mềm mại. Rồi uể oải bước ra phòng khách. Khi đi ngang phòng ngủ, nàng liếc nhìn vào phòng. Tờ giấy báo tin chuyến bay của hắn, do sở Di Trú gửi cho nàng, vẫn nằm lặng lờ trên mặt bàn trang điểm. Chiếc gối ôm dài màu trắng nằm vắt ngang giường, trông như một thân người còn mê ngủ. Nàng bất giác nghĩ tới gã nghệ sĩ lang thang. Cái gối ôm. Gã đàn ông lười biếng, vô tích sự, không biết gì khác hơn những bài ca buồn não nuột. Cái gối ôm ấy, hai ngày nữa, chồng nàng sẽ nằm gác cái chân gầy nhom lên, thoải mái, lim dim, hạnh phúc. Chồng nàng bây giờ ra sao nhỉ, mập hay ốm? Nàng cố hình dung ra hắn nằm trên chiếc giường êm ái, những hình ảnh nhạt nhòa, chồng lấp lên nhau, mù mịt. Dù sao đi nữa, hắn cũng sẽ có mặt ở đây trong vòng hơn một ngày rưỡi nữa. Hắn sẽ rưng rưng cảm động vì được đoàn tụ với người vợ đã mấy năm trời xa cách. Hắn sẽ hỏi han đủ chuyện, nhưng làm cách nào nàng dấu được cái khoảng bụng đã bắt đầu gò cao của nàng? Hắn sẽ làm gì khi tìm ra câu trả lời. Hắn sẽ – nàng không thể đoán trước được những câu hắn sẽ hỏi khi biết nàng đã “lỡ lầm.” Với ai? Trời ơi, với ai? Không, nàng không nghĩ là hắn sẽ hỏi nàng câu ấy. Với ai thì cũng vậy thôi. Hắn thắc mắc thêm làm chi cho khổ. Nàng biết tính hắn. Hắn sẽ lặng lẽ đau khổ. Nhưng cái điều nàng không thể lường trước được, là những phản ứng của hắn. Hắn sẽ làm gì nàng, hở trời? Hắn có giết nàng như đã hứa – ngày xưa, trong lúc hai người tỉ tê tâm sự không? hắn là một con người cương quyết, một là một, hai là hai. Hắn sẽ giết nàng mất thôi. Chắc chắn.

Nàng cầm ống nghe điện thoại lên, quay số bằng những ngón tay ngậm đầy lo âu. Tiếng nói vọng ra trong ống nghe. Nàng hấp tấp tuôn vào ống nói những điều tích chứa trong đầu cả tuần lễ nay, không kịp để cho đầu dây bên kia có cơ-hội ngắt lời nàng.

“…vâng, tôi có hẹn tuần tới. Tôi biết, nhưng tôi muốn được hẹn sớm hơn nữa. Khẩn cấp. Đây là trường hợp khẩn cấp. Làm ơn…” Nàng nhắc đi nhắc lại những chữ emergency bằng thứ tiếng Anh lai giọng Tàu.

“Sao mà khẩn cấp. Bà có bị xuất huyết không?” Tiếng nói ở đầu dây bên kia bình thản, tự tin.

Nàng hấp tấp, “Không, không xuất huyết gì cả nhưng, khẩn cấp lắm, tôi không thể chờ lâu hơn được. Làm ơn cho tôi cái hẹn sớm hơn.”

Tiếng nói ở đầu dây bên kia thong thả đến độ tàn nhẫn, “Thưa bà, không thể được, chúng tôi không còn chỗ nào trống cả. Bà ráng chờ thêm một tuần nữa thôi, cái thai cũng chẳng lớn thêm bao nhiêu.”

“Tuần sau thì muộn mất rồi! Please do me a favor!” Làm ơn, làm ơn. Nàng cố gắng thuyết phục người y tá ở đầu dây bên kia.

“Are you sure?”

Trời ơi, còn chắc với không chắc gì nữa. Nàng biết quá rõ là chồng nàng sẽ có mặt ở đây trong vòng hai ngày. Ém nhẹm được thì nên ém trước khi hắn tới. Ăn vụng cũng phải biết chùi mép cho đúng lúc chứ. Nàng muốn điên lên vì giận.

“Tôi biết chắc chắn là tuần sau thì đã muộn mất rồi,” nàng nói như gào lên trong điện-thoại. “Mấy người tàn nhẫn lắm!”

“Thôi được, chúng tôi sẽ điện-thoại cho bà biết ngay khi có ai bỏ hẹn, đó là cách duy nhất chúng tôi có thể làm để giúp bà trong hoàn cảnh này.” Giọng người y tá điềm đạm.

“Vâng, thôi cũng được,” Nàng bật khóc, “nếu có ai bỏ hẹn, làm ơn cho tôi biết liền.”

“Vâng, chúng tôi hứa. Bà sao vậy? Bà cần counselling không? Chúng tôi sẽ giới thiệu cho, hello, hello, bà còn ở đó không?”

Nàng cám ơn một cách vắn tắt và gác máy điện thoại, cắt đứt những tiếng nói léo nhéo vọng ra từ ống nói. Cao-sơ-linh, cao-sơ-linh cái nỗi gì! Nàng rủa thầm, và lặng lẽ đưa tay gạt nước mắt.

Nàng nhìn lên cái đồng hồ treo trên tường. Đã mười giờ sáng rồi. Giờ này bên cái trại tỵ nạn nhỏ bé ở Mã Lai, hắn đang làm gì nhỉ. Mười giờ sáng Bắc Mỹ tức là mười giờ đêm Mã Lai. Hắn đang làm gì lúc đêm hôm khuya khoắt ở cái xứ nhiệt đới nóng bức ấy chứ. Đang trằn trọc suy nghĩ và nôn nóng hình dung ra phút giây gặp lại người vợ hiền thục (nàng có còn hiền như ngày xưa không?) đã xa cách từ mấy năm nay? Tội nghiệp anh chàng. Nàng ngậm ngùi thương cảm hắn. Con người hắn nhiều tham vọng và cũng đầy tự ái. Giờ này hắn đang làm gì? Nàng cau mày suy nghĩ. Hắn có đang ngủ ngon lành bên một người đàn bà nào khác không? Tình trạng đi định cư của người tỵ nạn bây giờ tương đối khó khăn. Nhiều khi người ta phải ghép hộ để mong được cao ủy phỏng vấn. Hắn có ghép hộ với ai không vậy nè? Đời sống chung chạ ở trại tỵ nạn dễ làm cho người ta sa ngã. Nàng biết rõ quá mà. Chính nàng hồi đó cũng đã từng vất vả chiến đấu với chính lòng mình, với những lời nói ngào đường ướp mật. Ừ, đàn ông dễ vấp ngã hơn đàn bà nhiều chứ. Hắn, cứng rắn tới cỡ nào. Nàng thấy nóng bừng ở hai bên má như người lên cơn sốt. Nàng ngồi thừ người trên ghế, loay hoay tìm cái đồ bấm ti-vi.

“Quái lạ, cái đồ bấm ti-vi, mới tối hôm qua còn ở đây,” nàng lẩm bẩm. Nàng nhớ rõ tối hôm qua nàng ngồi coi ti-vi với thằng em nuôi – nàng có nhiều anh nuôi, em nuôi, cho đời bớt trống trải (“Ê, ê, làm gì kỳ vậy. Lộn xộn, chị từ em luôn à nghe!” “Em có làm gì đâu. Tại ngồi lâu, mỏi, vận động tay chân chút vậy mà!” “Đồ quỷ!”) – Nàng lật tấm nệm ghế lên, loay hoay tìm kiếm. Nàng khom người nhìn xuống dưới gầm bàn. Vài cuốn tạp chí thời trang nằm gác lên nhau trên mặt bàn. Những cô kiểu mẫu trên bìa báo nhìn nàng, như hỏi han, với những nụ cười đáng giá bạc triệu. Nàng chợt cảm thấy nôn nao, khó chịu. Những buổi sáng lẻ loi. Cái bào thai nghịch ngợm hành hạ nàng tận tình. Nó sắp làm nàng ói mửa nữa đây. Nàng bần thần nghĩ tới những cơn nôn bào gan, xé ruột.

“Cái đồ bấm ti-vi, trời ơi, sao cấp này đầu óc mình bấn loạn lung tung thế này,” nàng rên rỉ lúc lắc cái đầu, như con mèo bị đứa bé lý lắc giựt những sợi râu mép cứng như dây cước. Không lẽ thằng em nuôi đem cái đồ bấm ti-vi của nàng về nhà. Để làm gì mới được chứ? Hình ảnh thằng em nuôi chập lên hình ảnh chồng nàng bên trại tỵ nạn. Màu sắc pha trộn vào nhau, nhòe nhoẹt trong trí tưởng tượng của nàng. Chồng nàng; nàng cố hình dung ra vóc dáng người đàn bà mà hắn – có thể – đang ôm ấp, gỡ gạc đêm cuối cùng, bên trại tỵ nạn. Bàn tay hắn cũng đâu có hiền lành chất phác gì (như những điều hắn nói). Bàn tay hắn – trong trí tưởng nàng – làm nàng nghĩ ngay tới bàn tay thằng em nuôi. Trời ơi! Cái bọn đàn ông.

Nàng muốn nôn. Cái bao tử quặn thắt. Khoảng bụng dưới gồ lên, xẹp xuống, nôn nao khó chịu. Nàng đứng vội lên, đi vào nhà tắm. Cái bóng trong tấm gương hình chữ nhật nhìn nàng bằng cái nhìn ngơ ngáo. Nàng thấy mình tiều tụy. Nàng nôn khan trong chậu rửa mặt. “Ôi chao! sao mình xấu xí đến thế này,” nàng nghĩ thầm, khi liếc bóng mình trong gương. Cái đồ bấm ti-vi nằm cạnh chiếc bàn chải răng. “Trời ơi, sao mà tôi đãng trí thế này!” Nàng kêu rêu. Chợt chuông điện-thoại reo. Tim nàng muốn bung ra khỏi lồng ngực vì mừng rỡ. Bệnh viện cho hẹn sớm hơn chắc. Mừng ơi là mừng. Nàng hấp tấp chạy ra phòng khách, cuống quýt chụp lấy cái ống nghe.

“Thu đó hả? “

Trời thần ơi, thằng em nuôi. Vừa mới nghĩ đến nó xong. Nếu nhắc tiền nhắc bạc mà được như vậy hẳn nàng đã trở thành triệu phú từ lâu rồi. Hôm nay nó còn dám gọi tên nàng nữa chứ. Chữ chị thường ngày đã bị bỏ đi mất tiêu.

Bực mình, nàng nhấm nhẳng, “Không phải.”

Thằng con trai cười vang trong ống nghe. Nàng thấy được cả những sợi râu mép lưa thưa trên cằm thằng nhỏ. Nó lì lợm, “Không phải Thu cũng chẳng sao. Ngày mai thằng chả qua tới rồi phải không? “

A, cái thằng láo lếu. Dám gọi chồng nàng bằng Thằng chả. Nó tưởng nàng gọi chồng nàng như vậy rồi nó cũng có quyền gọi theo sao.

“Ừ.” Nàng trả lời cộc lốc.

“Chà, vậy là mai mốt hết lại chơi được rồi.” Giọng gã trai trẻ than van.

Nàng dỗ dành, “Có sao? Nhận ảnh làm anh nuôi luôn.”

“Thôi, kỳ thấy mồ!”

Thằng nhóc này lạ; làm em nuôi nàng thì được mà làm em nuôi của chồng nàng thì lại kỳ. Cái bọn đàn ông! Nàng rủa thầm.

“Thu nói gì vậy?”

Nàng lúng túng, “À… Có nói gì đâu.”

Cả hai cùng lặng thinh. Một lát, nàng nghe tiếng thằng nhỏ thì thào, “Vậy chỉ còn đêm nay là đêm cuối cùng…”

“Hả?” Nàng giật mình, nói như thét vào điện thoại.

Thằng con trai đổi giọng, “Tối nay, ghé thăm Thu lần chót.”

“Thôi!”

“Cứ lại.”

“Thu sẽ đi lại ngủ nhờ nhà bạn.” Nàng trở lại thói quen xưng tên với thằng em nuôi.

“Cứ lại.”

“Đừng!”

“Cứ lại.”

“Thôi, bye nhé,” nàng nói, nhưng vẫn áp ống nghe điện-thoại vào tai. Nàng nghe tiếng thằng nhỏ hoảng hốt, “Đừng, Thu; đừng cúp phôn. Thu à, Thu, Thu…”

Nàng thong thả, nhẹ nhàng đặt điện-thoại xuống, cắt đứt những tiếng kêu gào thống thiết của đứa con trai lì lợm. Nàng nhặt đồ bấm ti-vi lên, bấm nút chọn đài. Buổi sáng ngày thường, chương trình của những đài truyền hình trong khu vực máy nàng có thể bắt được, toàn những show nhảm nhí. Nàng chán nản tắt máy, lẹt xẹt kéo lê đôi dép mỏng teo đi vào phòng ngủ. Nàng cầm tờ giấy báo của sở Di Trú – bỏ lây lất trên bàn phấn – nhìn lướt qua những dòng chữ màu đen, như đan díu vào nhau. Lá thư ngắn gọn và đầy đủ. Rõ ràng nhất là ngày đến Canada của chồng nàng. Ngày, tháng, năm rõ rệt đến lạnh lùng. Ngày mốt, lúc một giờ trưa, hắn sẽ có mặt tại phi trường. Tại sao hắn lại không đến trễ dùm nàng khoảng hai tuần. Chắc chắn hắn không bao giờ muốn nhìn thấy cái bụng nàng cong cong, tròn đầy một cách khác thường như thế này. Và nàng cũng không muốn thấy cái nhìn sững sờ trong mắt hắn. Hắn chỉ cần đến trễ khoảng hai tuần; lúc đó, bụng nàng đã thon, gọn. Nàng sẽ căng da, mát thịt như con gái mới về nhà chồng.

Tại sao chuyến bay không bị hoãn lại như bao nhiêu chuyến bay khác vậy nè. Nàng bất chợt nghĩ đến những tai nạn máy bay thảm khốc thường thấy trên ti-vi lúc coi tin tức mỗi buổi chiều. Nàng lắc lắc cái đầu tròn trĩnh, những sợi tóc rũ xuống vần trán cao. Nàng thấy mình rũ rượi trong tấm gương soi. Tai nạn máy bay thì thảm khốc quá. Nàng nghĩ đến những vụ cướp máy bay. Ừ, chỉ cần có vài tên không tặc. Phi công bị cưỡng bức phải đổi hướng bay; tới Havana chẳng hạn. Rồi bọn không tặc trốn đi. Chẳng có ai hề hấn gì; chỉ hồi hộp chút thôi. Không ai chết cả. Không cần phải có người chết. Chỉ cần cho chuyến bay đến muộn; trễ đâu khoảng hơn một tuần là đủ. Những tên không tặc dễ thương. Nàng lầm thầm khấn vái. Những tên không tặc; những tên không tặc; lạy Trời, lạy Phật…

Chuông điện thoại lại reo. Nàng giật bắn người. Cứ cái kiểu này thì đau tim mất thôi. Nàng còn trẻ trung, mượt mà; nàng chưa thể chết. Chắc lại thằng em nuôi chứ không ai khác. Cái thằng lì lợm. Nó cũng đang thất nghiệp như nàng. Cái thằng nhóc táy máy nghịch ngợm, cái thằng nhàn cư vi bất thiện ấy.

“Hello!” nàng nói, cọc cằn, như gây gổ với cái điện thoại.

“Vâng, làm ơn cho tôi nói chuyện với cô Thu ạ..”

Giọng đàn ông, nhỏ nhẹ, rụt rè. Thằng cha nào mà có vẻ nhát gái thế không biết. Nàng sựng lại mất vài giây. Chắc chắn không phải là thằng em nuôi, và cũng không phải gã nghệ sĩ giang hồ lưu lạc rồi. Nàng dịu giọng, nói như hát vào ống nói điện-thoại, “Vâng, Thu đây. Xin lỗi ai ở đầu dây đó ạ?”

Tiếng reo mừng oà vỡ ở đầu dây, “Ơ, Thu đó hả? Đang làm gì đó?”

Nàng hồi hộp, hình dung ra khuôn mặt gã trai trẻ đang nói chuyện với nàng. Giọng nói quen quen, trầm trầm, hơi khàn này, nàng đã nghe đâu đó. Thật tình, cái bọn đàn ông, làm nàng nhức tim hoài.

Hơi bực mình về cái lối úp úp mở mở của hắn nhưng nàng cố mềm mỏng, “Dạ, cũng không làm gì. Xin lỗi, ai đó ạ?”

“Thu đoán thử xem,” giọng đàn ông hân hoan, thích thú.

“Chịu thôi.”

“Quên mau dữ há. Anh nè!”

Nàng bực mình. Thì biết là anh rồi, nhưng anh nào mới được chứ. Nàng có bao nhiêu là anh nuôi, em nuôi.

Không để cho nàng phải suy nghĩ lâu lắc, hắn tiếp ngay, “Phúc đây.”

Tiếng súng hay tiếng bom chát chúa nổ trong trí tưởng nàng. Phúc đó ư?

“Trời Phật ơi, anh đó hả? Anh đang ở đâu vậy? Anh ở Mã Lai hả?” nàng nói một hơi, mà tay chân thì rụng rời.

Tiếng chồng nàng cười, vang vang trong ống nghe điện-thoại, “Anh đang ở Gia Nã Đại nè.”

“Trời đất qủy thần ơi, sao tới mau vậy?”

Tim nàng đập muốn vỡ tan tành lồng ngực. Chồng nàng tiếp, “Anh được đổi chuyến bay. Mừng không cưng?”

Mắt nàng hoa lên. Mồ hôi nàng đổ ứa ra những lỗ chân lông trên trán, trên má lạnh ngắt.

“Trời hại tôi rồi,” nàng lẩm bẩm.

“Em nói gì, anh nghe không rõ?” Tiếng người chồng, lẫn trong tiếng trẻ con khóc vang vang.

Nàng lúng túng, “Không, em có nói gì đâu. Mà.. mà… anh đang ở Canada thật hả?”

“Ừ.”

“Đừng giỡn, làm em đau tim chết luôn à.” Nàng cố ướp đường vào giọng nói.

Chồng nàng cảm động, “Thật mà, có bao giờ anh nói dóc với Thu chưa?” Những ngón tay tê cứng nàng bóp muốn nát cái ống nghe điện-thoại.

“Anh đang ở đâu?” Nàng hỏi, thầm mong hắn đang còn đâu đó tuốt ở Mã Lai hay Nhật Bản.

Tiếng hắn xa, nhưng nghe rõ mồn một, “Anh ở Văng-cu-ve.” Nàng lại nghe tiếng trẻ con lao xao trong điện- thoại.

“Nói dóc đi, em nghe tiếng trẻ con nói chuyện um xùm kìa,” Nàng ngọt ngào năn nỉ. “Nói thật đi mà; anh đang ở đâu?”

Chồng nàng thích thú, “Anh đang chờ chuyển máy bay ở Văng-cu-ve.”

Đang lo muốn điên loạn, mà nàng cũng tức cười khi nghe hắn phát âm cái tên thành phố theo giọng Pháp.

“Thật không?” Nàng rên rỉ.

“Thật chứ, anh đang ở nhà người bạn. Bốn tiếng sau mới có máy bay để chuyển.”

Một ý nghĩ chạy qua trong óc nàng như tia chớp. Bốn tiếng, cộng thêm mấy giờ bay nữa, vị chi cũng gần mười tiếng. Khoảng tám giờ tối nay, hắn sẽ có mặt ở đây. Nàng cuống cuồng, “Ừ, sao không ở đó chơi vài ngày cho biết Vancouver?”

“Nhớ em muốn chết.”

“Mai mốt dễ gì có dịp đi Vancouver,” nàng ngắt lời chồng.

Giọng hắn sôi nổi, “Em không nhớ anh sao?”

“Sao không,” câu trả lời như dán sẵn đâu đó trên đầu lưỡi, nàng ngọt ngào. “Đêm nào ngủ mà chẳng mơ thấy anh.”

Dường như chồng nàng cảm động đến tắc nghẹn ở đầu dây bên kia. Nàng cố tính toán thật nhanh, nhưng không tìm ra được bất kỳ giải-pháp nào khả dĩ cứu vãn được tình-thế. Cái bụng lại quặn lên, làm nàng khó chịu. Nàng muốn ói.

“Vậy là mấy tiếng nữa anh gặp em rồi, Thu ơi.” Chồng nàng nói, như reo vui trong điện-thoại.

“Ừ, thôi cúp đi anh. Long distance tốn tiền lắm đấy.” Nàng bần thần.

Phải mất vài giây, chồng nàng mới như hiểu ra điều nàng nói. Hắn ngập ngừng, “Ừ, chừng nào tới Toronto, anh sẽ gọi điện-thoại cho em ra đón nhé.”

Nàng lừng khừng, “Không biết em có đi đón được không. Mấy bữa nay, em yếu trong người.”

“Em bịnh hả, có sao không?” Giọng chồng nàng hốt hoảng.

“Em…” nàng chần chừ vài giây. “Em bị cúm.” Rồi nàng che miệng, rặn ra một tiếng ho vất vả.

“Vậy thôi, đừng đi. Để anh đi tắc-xi về cũng được. Ráng giữ sức khỏe nghe Thu.”

Trời ơi giọng nói ngọt ngào của hắn, làm sống hẳn lại trong nàng, cái thời đưa đón nồng nàn tình nghĩa thuở nào. Sài gòn ơi là Sài gòn! Bây giờ làm sao đây. Nàng thấy những ngón tay mình run rẩy cào cào trên mặt bàn, để lại những vết trầy mờ mờ.

“Ừ, thôi bye nhé.”

Nàng bần thần gác ống nghe lên máy, liếc nhìn cái đồng hồ treo trên tường, món quà sinh nhật năm rồi, của gã nghệ-sĩ lang thang trao tặng. Bây giờ gã ở đâu? Cái bọn đàn ông này! Nàng rủa thầm. Cả đến thằng cha bạn của chồng nàng ở Vancouver, cũng keo kiệt đến nỗi không dám mời bạn ở lại chơi một vài ngày. Vé máy bay vài trăm bạc thì có nghĩa lý gì với cái tình tha hương ngộ cố tri chứ. Mười một giờ ba mươi. Nàng buông người ngã xuống cái ghế sa lông mềm mại, thở phì phò, như sắp đứt hơi. Bây giờ làm gì đây hả Trời!

Chuông điện thoại lại reo. Nàng giật bắn người như bị điện giựt. Hôm nay là ngày gì thế này. Nàng uể oải đứng dậy, lê những bước chậm chạp về phía cái bàn để điện-thoại. Đầu óc rối mù, nàng đâm ra thù bọn đàn ông. Trời ơi, cái bọn đàn ông chỉ biết gieo gió mà không hề gặt bão!

“Hello, ai đó?” nàng nói sẳng.

“Bệnh viện Queen Elizabeth đây,” giọng đàn bà nói tiếng Anh ngọt ngào, “Cho tôi nói chuyện với Thu Nguyen đi.”

“Vâng, tôi đây, Thu đây.”

Nàng cuống quýt, một tay bóp muốn nát chiếc ống nghe, tay kia níu chặt sợi dây điện-thoại như sợ sẽ vuột mất người ở đầu dây. Người đàn bà dịu dàng, hệt như mẹ nàng. Những người giao tế trong các văn phòng, các cơ-quan ở xứ người sao mà lịch sự, ân cần thế không biết.

“Tôi là y tá chuyên khoa bệnh phụ nữ. Tôi gọi từ phòng nạo thai; tôi muốn biết…”

Abortion clinic; trời ơi, cái tên có ý nghĩa hơn bất cứ thứ gì trên đời trong giây phút này. Nàng không thể nào nghe lầm được. Nàng đã nghe hai chữ này hàng trăm lần rồi, kể từ hai tháng nay. Không, đúng hơn kể từ khi nàng mới đến Canada lận. Nàng đã tra tự điển hàng chục lần. Abortion clinic. Lúc này, nếu ai bắt phải chọn giữa thiên đàng, niết bàn hay abortion clinic, nàng sẽ chọn abortion clinic ngay. Tai nàng ù đi vì xúc động.

Không nghe rõ những gì người y tá nói trong điện-thoại, nàng hỏi lại, “Bà làm ơn nói lại, tôi nghe không rõ.”

Người y tá kiên nhẫn lập lại, chậm rãi, “Có người bỏ cuộc hẹn. Cô có muốn làm bữa nay không?”

Nàng có nghe lầm không đây. You want to do it today? Cô có muốn làm bữa nay không? Làm chứ còn chờ tới bao giờ nữa. Ôi, cái chữ làm có trăm ngàn ý nghĩa này! Nàng cuống lên, “Vâng, làm ơn làm dùm tôi ngay bữa nay.”

“Được lắm, từ sáng đến giờ cô đã ăn gì chưa?”

“Chưa; tôi chưa ăn gì hết, từ sáu giờ tối hôm qua,” Nàng nói một hơi. “Tôi cử ăn cho khỏi mập.”

“Tốt quá, từ giờ tới bốn giờ chiều, cô đừng ăn uống gì nữa. Cô tới bệnh viện lúc ba giờ rưỡi. Vào phía cửa cấp cứu, quẹo trái, bắt thang máy, lên lầu bốn, phòng nạo thai ở phía tay phải. Nhờ người nhà đưa đi cho an toàn. Nhớ Abortion clinic.”

Nhớ, nhớ lắm rồi. Ba giờ rưỡi, phòng cấp cứu, thang máy, lầu bốn, Abortion clinic. Nàng ứa nước mắt vì xúc động, “Vâng cám ơn bà, cám ơn nhiều lắm, chào bà. Have a nice day!”

Nàng chúc người đàn bà một ngày tươi đẹp, trước khi gác máy. Phép lạ, vâng, phép lạ đôi khi vẫn xảy ra được ở cuối thế-kỷ hai mươi; thế- kỷ của khoa học, kỹ thuật này chứ. Nhất là đối với những người có cái tâm… như nàng. Nàng muốn nhảy cẫng lên vì mừng rỡ. Tới bây giờ nàng mới nhận ra được rằng hôm nay trời đẹp. Những sợi nắng trong vắt trải xéo cái khung hình chữ nhật của cửa sổ lên nền thảm xám. Nàng lẩm nhẩm tính toán. khoảng tám tiếng đồng hồ nữa, chồng nàng sẽ có mặt ở đây. Lúc đó, hẳn bác sĩ đã làm cho nàng xong rồi. Nếu nàng khỏe mạnh, bác sĩ sẽ cho về sớm. Nàng sẽ đón thằng chả tại nhà. Ôi chao là mừng! Nếu nàng còn yếu, hẳn bác sĩ sẽ bắt nằm nghỉ lại vài tiếng đồng hồ. Hắn ta có thể phải chờ nàng ở nhà. Có cách nào đưa chìa khóa cửa cho hắn bây giờ? Thật là phiền phức, cái bọn đàn ông. Nàng làu bàu một mình, nhưng lần này, với một chút âu yếm dịu dàng của người mẹ lúc la rầy con cái. Cái bọn đàn ông cũng không có gì đáng ghét. Người bác sĩ làm cho nàng chiều nay hẳn cũng là đàn ông. Bọn đàn ông cũng không đến nỗi nào! Thôi được, trước khi đi bệnh viện, nàng sẽ dán một miếng giấy trước cửa. Hắn đến, sẽ yên tâm hơn. Nàng cầm cuốn sổ tay và cây viết, trở vào phòng ăn, kéo ghế ngồi. Loay hoay suy nghĩ một chút, nàng viết “Em lại đàng chị bạn, anh chờ em một chút nhé.” Không được, tại sao lại đi thăm bạn ngay cái hôm chồng qua đoàn tụ thế này. Thế là không có tình nghĩa vợ chồng. Nàng xé toạc tờ giấy, vò nát trong tay. Phải viết lại. “Em bận chút công chuyện..” Cũng không được nữa. Ừ, tại sao không cho hắn biết là mình vào bệnh-viện vì ốm đau gì đó. Hắn sẽ nghĩ nàng nhớ hắn tới nỗi ốm o gầy mòn. Câu hát dân gian dạo lướt qua trong trí nàng, Chim chuyền cành ớt líu lo, sầu ai nên nỗi ốm o gầy mòn. Ừ, Phúc ơi, em nhớ anh tới ốm o gầy mòn, đến nỗi phải vào bệnh viện cấp cứu đây. Nàng mỉm cười, thích thú. Nàng viết, bằng những nét chữ cứng như rễ tre, “Em bệnh, phải vào emergency, bệnh viện Queen Elizabeth. Không sao đâu, Phúc đừng lo. Chờ em một chút, em về tới ngay. Hôn anh.” Nàng vẽ hình trái tim ở cuối trang giấy. Tuyệt hảo. Nàng hình dung ra nỗi hoang mang, cuống quýt của hắn, khi vừa đọc xong những dòng chữ gắn trên cửa. Ơi, cái anh chàng cuống quýt, lăng xăng, thấy tội nghiệp biết chừng nào.

2

“Phải cô là Thu Hoai Phuong Nguyen không?” Người nữ y tá hỏi, với một nụ cười.

Nàng gượng gạo gật đầu, cười theo. Rõ chán. Tên người ta là Nguyễn Phương Hoài Thu mà dám đảo ngược toàn bộ, lại còn phát âm cái giọng lơ lớ nghe cứ như thu hoi phon nu yen, chả còn chút gì là cái tên quen thuộc dễ thương nữa.

“Cô có nhớ nhịn ăn đấy chứ?”

“Dạ, nhớ,” nàng lúng túng trả lời, tay níu chặt lấy quai chiếc túi xách bằng da màu đen. Người nữ y tá cắm cúi ghi chép lên hồ sơ. Nàng liếc nhìn xung quanh. Phòng đợi vắng người. Người thiếu nữ ngồi ở góc phòng đang nhìn nàng soi mói. Cô gái chắc chỉ mới qua tuổi vị thành niên. Tóc vàng óng, mặt lấm tấm tàn nhang, chiếc mũi cao và thẳng. Con nhỏ có cái mũi đẹp quá. Nàng thầm nghĩ. Thế nào mình cũng phải đi sửa cho có được cái mũi giống như nó. Nàng liếc xuống bụng cô gái; cố nhìn kỹ xem cái bụng con nhỏ có hơi gò cao như bụng nàng không, nhưng con nhỏ mặc chiếc áo thùng thình, phủ tới quá đùi, chẳng cách nào nhìn rõ được cái bụng. Cô gái thấy nàng nhìn, vội vàng quay mặt đi, lơ đãng nhìn ra ngoài khung cửa. Phòng hẹn của trại bệnh vắng vẻ làm nàng yên tâm. Chẳng có ai quen ở đây. Cám ơn Trời Phật. Nàng bỗng dưng thấy mình hiền thục hẳn ra, như một nữ tín đồ ngoan đạo đứng trước cửa từ bi.

“Chồng cô tên gì?” Người y tá bỗng hỏi. Nàng ngập ngừng mất vài giây, rồi đọc và đánh vần từng chữ cái tên quen. Cái tên quen, mà sao thấy ngượng ngập thế này. Nàng rầu rĩ ra mặt.

“Chồng cô đâu?”

Ơ kìa, sao lại phải hỏi tới chồng người ta nữa nhỉ. Nàng lo lắng, “Lúc lập hồ sơ, bác sĩ gia-đình có hỏi rồi…”

Nụ cười trên miệng người nữ y tá nở ra những chiếc răng trắng bóng, giống hệt những hàm răng đẹp trong khúc phim quảng cáo kem đánh răng.

“Thì chúng tôi vẫn phải hỏi xem có chi-tiết nào cần bổ túc không.”

Nàng gật đầu, tán thành. Nàng chỉ ngại nếu không có chồng nàng ở đây, bác sĩ sẽ không chịu tiến-hành cuộc tiểu giải-phẫu. Phải tiểu giải-phẫu không? Nàng nhớ bác sĩ đã hai ba lần lập lại những chữ minor surgery với nàng.

“Chồng tôi không có ở đây.”

“Chồng cô có thể lại ký một số giấy tờ không?” Người y tá ngừng viết, nhìn nàng, đợi câu trả lời.

Nàng bối rối, níu chặt lấy quai túi xách, cúi gầm mặt, suy nghĩ. Cảm thấy bực mình vì đầu óc hôm nay chậm chạp, lười biếng, nàng ngập ngừng, “Không được, chúng tôi ly thân; ly thân… từ lâu rồi.”

Nàng nhấn mạnh chữ separate, mà chỉ sợ cách phát âm của mình không được rõ ràng, sẽ làm người y tá hiểu lầm. Cô y tá gật gù, “I see…” rồi tiếp tục ghi ghi, chép chép.

Một người đàn bà da đen bước vào phòng đợi. Nàng liếc nhìn, bắt gặp vẻ thờ ơ trên mặt người đàn bà. Con nhỏ này đến từ Trung Mỹ chắc. Nàng thầm nghĩ.

“Cô đọc kỹ tờ giấy thỏa thuận này và ký tên ở dưới nhé.”

Người y tá đẩy tờ giấy chi chít những chữ về phía nàng. Nàng cầm tờ giấy lên, đứng nép qua một bên, nhường chỗ cho người đàn bà da đen mới đến. Nàng lẩm bẩm đọc. Nhiều từ ngữ mới lạ, nàng không hiểu nổi, nhưng cũng đọc lướt cho qua, rồi vội vã ký tên vào cái khoảng trống chừa ở phía cuối trang.

Xong. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả, nếu cuộc giải-phẫu có những biến-chứng ngoài ý muốn. Nàng đã từng liều lĩnh trong những cuộc phiêu lưu nguy hiểm hơn cái chuyện giải-phẫu lặt vặt này nhiều. Nàng đã dám phó thác cuộc đời cho nghệ-thuật, mà gã nghệ sĩ lang thang là đại-biểu, thì cái chuyện giao mạng cho anh chàng bác sĩ chuyên-khoa thực hiện cái phẫu thuật nhỏ, cứu vãn thanh danh và hạnh phúc nàng có gì đáng ngại ngần. Nàng ký, như ký một tờ giấy nợ lặt vặt, vô nghĩa.

“Xong rồi.” Người đàn bà da đen vừa bước ra ghế ngồi, nàng đưa ngay tờ giấy cho người y tá, như sợ sẽ đánh rơi mất những cơ-hội bằng vàng.

Người y tá nhìn phớt qua trang giấy, gật đầu, “Cám ơn cô. Bây giờ cô đi theo tôi.”

Nàng riu ríu đi theo người đàn bà, mà đầu óc trôi dạt đâu đâu. Màu hồng lợt của những bức tường bệnh viện vuốt ve thị giác nàng, như những lời vỗ về dịu dàng của một người mẹ. Nghĩ tới mẹ, nàng rưng rưng nước mắt. Có mẹ ở đây thì con đâu phải đi biển mồ côi một mình như thế này. Câu ví von làm nàng băn khoăn. Nàng đang đi biển mồ côi chứ gì nữa.

Người nữ y tá trao cho nàng chiếc áo bệnh nhân, mong manh như một miếng khăn choàng tắm. Nàng loay hoay kéo chiếc màn che khung giường bệnh, cởi bộ quần áo đang mặc, và choàng chiếc áo hớ hênh lên người. Trong lúc người y tá loay hoay sắp những món đồ, để chung vào một cái bọc màu xanh có đề tên nàng bên ngoài, nàng ngơ ngác nhìn quanh căn phòng. Đây là phòng tiểu giải-phẫu.

Những dụng cụ bệnh viện sáng loáng, rọi vào mắt nàng những tia tò mò, tọc mạch. Trái tim hơi nhói lên khi nàng nhìn thấy chiếc bàn mổ. Đúng ra đó là bàn khám sản phụ. Nàng, đã có lần nằm tênh hênh trên chiếc bàn kỳ cục đó. Lần ấy, bác sĩ gia đình, sau khi khám kỹ lưỡng, đã ngước lên nhìn nàng, báo cho nàng một tin vui. Tin vui; cái tin vui nàng không bao giờ chờ đợi.

“Cô nằm lên chiếc bàn kia.” Người nữ y tá có nụ cười mềm nói. Nàng rón rén đi theo hướng chỉ của cô ta. Người y tá đỡ tiếp nàng lên bàn, nàng co ro nằm xuống, như một tội phạm, trên cái bệ máy chém.

“Cô để hai chân lên hai cái miếng tựa này.” Vừa nói người y tá vừa đỡ hai chân nàng đặt lên miếng tựa. Người nàng nổi gai ốc sần sùi, thân thể nàng tê cứng vì ngượng ngùng. Hai tay nàng níu lấy hai mép tấm khăn trải dưới lưng. Hồi hộp. Lo lắng.

“Bác sĩ Mikes sẽ làm cho cô, chỉ mất chừng mười lăm phút. Chẳng có gì phải lo lắng cả; cô cứ yên tâm, nằm thoải mái. Tôi sẽ chích thuốc an thần cho cô.”

Người y tá cười với nàng trước khi đi về phía góc phòng, loay hoay soạn những ống thuốc màu trắng đục. Nàng nhìn thẳng lên trần nhà, suy nghĩ mông lung. Giờ này chồng nàng hẳn đang trên máy bay, trên đường tìm tới nàng. Hạnh phúc đang đến gần, thật gần với tầm với của tay nàng. Nàng thấy mình may mắn. Nếu không có người bỏ cuộc hẹn để nàng được đổi sớm hơn, không biết nàng sẽ phải ăn nói như thế nào với Phúc. Dù lấy nhau chẳng được bao lâu thì xa cách, nhưng cũng còn một cái gì đó như là tình, là nghĩa.

Nàng thầm cám ơn Trời đã cứu nàng khỏi tai-họa. Giả sử như nàng không được dời hẹn, hôm nay Phúc qua tới, hai tuần sau nàng mới gặp được bác sĩ để ông ta làm cho nàng cái phẫu thuật nhỏ, mất không tới mười lăm phút, nàng sẽ giải thích như thế nào với hắn đây. Tự nhiên, nàng thấy hắn cũng dễ thương. Chàng – không phải hắn – hiền lành, chân thật; chỉ có điều tính tình hơi cục. Dễ tự ái, và thù dai. Ừ, cái tính thù dai của chàng giống hệt đàn bà. Cái tính thù dai ấy của chàng làm nàng sợ hãi. Nàng cảm thấy nhói đau ở cánh tay, khi người y tá ghim mũi kim chích. Bọc nước biển trong veo. Chiếc đèn chụp từ phía trên nàng tỏa xuống thứ ánh sáng trắng, trong vắt. Nàng thấy đầu óc quay quay, mụ mẫm. Có hai hay ba người nữa bước vào phòng. Một người đàn ông và hai phụ nữ. Họ mặc đồ màu xanh xám. Chắc là vị bác sĩ chuyên khoa và hai y tá phòng giải-phẫu. Nàng thấy họ lờ mờ như những chiếc bóng âm thầm, lặng lẽ.

“Chào cô Thu, tôi là bác sĩ Mikes Tôi sẽ lấy cái bào thai ra cho cô. Mười hai phút; đúng mười hai phút là xong.”

Vị bác sĩ nói khi đến bên cạnh nàng. Nàng khẽ gật đầu, cố hình dung ra khuôn mặt ông phía sau tấm khẩu trang kín bưng. Nàng chỉ thấy được đôi mắt xanh biếc sau cặp mắt kiếng hình bầu dục. Nàng đoán là bác sĩ có mỉm cười với nàng. Những người nữ y tá đẩy chiếc xe đựng kềm, kéo, dao, kim, chỉ… tới phía dưới chân nàng.

“Chúng tôi sắp chích thuốc tê cho cô, hơi đau một chút, như kiến cắn…”

Nàng thấy nhói đau như bị kim chích ở khoảng dưới thân thể. Nàng nhắm mắt, cố nghĩ đến chàng. Bây giờ, người đàn ông ấy không còn là một hắn khó chịu, cay cú; mà là một chàng ngay thật, dễ mến. Giờ này, chàng hẳn đã xuống phi trường, đang ngơ ngác nhìn những người đi đón thân nhân trong phòng đợi. Cái nhìn ngơ ngác của chàng, thấy tội.

Bàn tay ai đó chạm khẽ vào nàng, mở rộng hai đầu gối nàng ra Relax, just relax! Nàng loáng thoáng nghe người y tá nói. Xa xăm, lạ lẫm. Nàng lờ mờ hiểu câu nói và dãn người ra, cố ra vẻ thoải mái, tự nhiên. Nàng cảm thấy buồn ngủ, như thể đã thiếu ngủ mấy đêm liền. Mi mắt nàng nặng trĩu như vừa mới bị dán thêm một sức nặng vô hình. Những bàn tay chạm vào thân thể nàng. Nàng cảm được những đụng chạm mơ hồ, nhưng không thể biết rõ đó là những va chạm của tay người hay của những y cụ sáng bóng. Nàng thờ ơ với mọi chuyện. Nàng cảm thấy có cái gì đó xốn xang trong thẳm sâu đáy cùng thân thể. Cảm giác nao nao như lúc rướn mình trên chiếc đu, bay bổng tuyệt vời. Nàng cố nhướng mắt lên, để chống chỏi cơn buồn ngủ. Cái trần trắng bệch của phòng mổ trùng xuống, bồng bềnh trôi như miếng vải trắng mỏng phất phới bay, vật vờ. Nàng lại nghĩ đến Phúc. Giờ này chắc chàng đang ngơ ngơ ngác ngác trên xe tắc-xi, trên đường về nhà. “Dễ ẹc. Anh chỉ việc đưa địa-chỉ cho người tài xế, họ sẽ chở anh tới tận nhà.”

Nàng thấy yên tâm. Xong xuôi, nàng sẽ về với chàng. Mọi chuyện êm đẹp, như một cơn mộng dữ gay cấn vừa mới thoảng qua. Tội nghiệp Phúc quá. Thôi, để em sẽ đền bù cho anh. Nàng tự nhủ, như dỗ dành cái mặc cảm tội lỗi hãy để cho nàng yên.

Nàng vừa mới thiếp đi được một chút thì người y tá đã đánh thức nàng dậy. Nàng mở mắt, ngơ ngác nhìn quanh.

“Xong rồi. bây giờ cô có thể ra ngoài nằm nghỉ một chút, rồi gọi người nhà đưa về.”

Nàng mỉm cười héo hắt. Những dây rợ lằng nhằng của bình nước biển đã được gỡ ra khỏi tay nàng từ lúc nào. Người y tá đỡ nàng dậy, chuyển nàng qua chiếc xe lăn. Nàng cúi nhìn xuống bụng mình. Cái bụng choàng áo bệnh viện thùng thình, nên khó biết được có nhỏ đi dùm nàng chút nào hay không. Bông băng gì đó dày cộm ở phần dưới thân thể. Những bắp thịt như cứng lại, nặng nề, làm người nàng u mê, trì độn. Vị bác sĩ đã đi đâu mất từ lúc nào. Nàng tiếc đã không thể cám ơn ông ta; vị cứu tinh của đời nàng.

Cánh cửa hé mở, một người y tá khác lướt nhanh vào, tiến đến gần nàng, vui vẻ, “Cô có người quen tới thăm.”

Nàng khẽ nhíu mày, hỏi, “Ai vậy?”

“Tôi cũng không rõ. Hình như một người bạn của cô thì phải.”

Hình ảnh thằng em nuôi lì lợm hiện ngay ra trong trí nàng, và liền sau đó, bị chập lên bởi hình ảnh gã nghệ-sĩ lang thang dễ ghét. Bọn đàn ông, thiệt tình! Giờ này mới tìm tới, thì còn ý nghĩa gì nữa chứ. Nàng đưa tay bóp bóp vừng trán, và xoa xoa hai mắt như tự đánh thức khỏi cơn buồn ngủ vật vờ.

“Mình đi nhé.” Người y tá thong thả đẩy chiếc xe lăn nàng đang ngồi, ra khỏi phòng tiểu giải-phẫu. “Cô sẽ nằm nghỉ ở bệnh viện khoảng nửa tiếng, sau đó cô có thể về.”

Nàng lười biếng gật đầu, đôi mắt vẫn cố nhướng lên tìm kiếm. Căn phòng nhỏ nhắn, vuông vức có những chiếc giường trống, trải khăn trắng sạch sẽ, phẳng phiu. Nàng băn khoăn suy nghĩ.

“Cô nằm đây, tôi sẽ đi gọi bạn cô vào với cô.”

“Vâng, cám ơn.”

Nàng nằm xuống chiếc nệm giường êm ái. Chiếc gối thấp quá làm nàng thấy không thoải mái. Nàng loay hoay xoay người, gập đôi chiếc gối nằm lại cho dày. Nàng quen gối đầu cao từ hồi còn nhỏ. Gối đầu thấp quá, lúc ngủ, nàng dễ bị chiêm bao.

“Thu!”

Tiếng gọi khẽ làm nàng bật người dậy như một cái lò so. Người còn mệt đừ, nhưng nàng cũng nhận ra ngay rằng đó không phải thằng em nuôi; cũng không phải gã nghệ sĩ lang thang.

Người đàn ông đứng đó, trong khoảng chữ nhật của khung cửa rực rỡ ánh sáng. Bóng chàng cao và gầy nhom. Mái tóc rũ xuống che một nửa vừng trán cao. Khuôn mặt đen xạm tươi rói một nụ cười. Tim nàng thắt lại.

“Anh? Phải anh không, Phúc?”

Chàng đứng như trời trồng, hai tay còn xách hai cái túi nặng trĩu, làm đôi vai gầy trễ xuống. Nàng ngồi nhỏm dậy, chới với. Nàng nghe tiếng chàng, như vọng về từ một cõi nào xa xăm, “Em, phải không Thu? Em có sao không?”

Nước mắt nàng chợt ứa ra, dàn dụa trên mi, “Em… không sao hết. Anh đến hồi nào vậy?”

Chàng ngây ra như tượng đá. Người y tá lặng lẽ bỏ ra ngoài. Chàng vẫn đứng đó, nhìn nàng, ngây ngất. Giọng nàng ướt nhòe nước mắt, “Sao anh không ở nhà chờ em?”

Chàng buông rơi hai cái giỏ xách xuống sàn nhà, chậm chạp bước về phía giường bệnh của nàng, “Em hết bệnh chưa?”

Nàng run rẩy, “Hết rồi. Chút xíu nữa bác sĩ cho về.”

Chàng đến sát bên nàng, lúng túng đứng bên cạnh giường. Nước mắt ở đâu đổ xuống tràn trề trên má nàng. Nàng thấy cái bóng nhòe nhoẹt chàng luống cuống với đôi tay thừa thãi. Dường như chàng muốn lau nước mắt cho nàng, lại thôi. Dường như chàng muốn ngồi lên mép giường bên cạnh nàng. Dường như chàng liếc nhìn chung quanh, tìm kiếm bảng nội qui bệnh viện (chàng bao giờ cũng cẩn thận, dè dặt.) Nàng để mặc cho nước mắt tuôn chảy. Chàng luống cuống khom xuống, chân chống, chân quỳ trên nền nhà, bên cạnh giường nàng.

“Em hết bị cúm chưa?” Giọng chàng ngọt mềm như rượu nếp than.

Nàng rụng rời tay chân, cuống quýt, “Em hết rồi.”

Chàng vụng về đưa tay gỡ những sợi tóc rối, ướt nước mắt, dán trên má nàng. Nàng cầm lấy bàn tay chàng. Ơi, cái bàn tay gầy gò như những mảnh xương thế này! Tội nghiệp chàng quá. Nước mắt nàng lại ứa ra.

“Để anh xin phép bác sĩ cho em về, nghe Thu.”

Nàng nuốt nước mắt, “Thôi, để em nói cho.”

Người y tá lấp ló bên ngoài, bắt gặp cái nhìn của nàng, chậm rãi bước vào, mỉm cười chào chàng, và nói với nàng, “Nếu muốn cô có thể về bây giờ.”

Nàng cuống quýt gật đầu.

Người y tá hỏi, “Cô có xe không?”

Nàng vội lắc đầu, làm những giọt nước mắt rụng xuống cằm.

“Tôi gọi xe tắc-xi cho cô nhé.”

Nàng lại gật đầu. Người y tá đưa cho nàng mẫu giấy nhỏ; hình như là cái toa thuốc, dặn dò, “Nếu có biến chứng gì khác thường, cô điện-thoại cho chúng tôi biết ngay, hoặc đi thẳng vào phòng cấp cứu. Nếu không, đúng một tuần sau đi bác sĩ gia-đình, tái khám.”

Nàng cầm vội lấy mảnh giấy và gật đầu lia lịa, như thể nàng đã hiểu hết mọi thủ-tục cần thiết. Cũng may người y tá không nói rõ những biến-chứng của cái phẫu-thuật nhỏ nàng mới trải qua. Chàng chưa quen với cách phát âm Anh ngữ ở đây, nhưng hẳn chàng cũng phải nghe được những chữ như xuất huyết vv.. Những ý nghĩ lướt qua nhanh trong óc nàng. Nàng vội vã, “Vâng, cám ơn bà.”

“Cô có thể thay đồ trong nhà vệ sinh kia.” Người nữ y tá trao bọc quần áo cho nàng, và chỉ cho nàng thấy cái nhà tắm ở góc phòng.

“Vâng, cám ơn.”

“Không có chi.” Người đàn bà cười với nàng, và xoay qua nhìn chàng, “Chúng tôi sẽ yêu cầu xe tắc-xi chờ… ông và cô ở cửa vào phòng cấp cứu. Thôi xin chào.”

“Xin chào bà.”

Chàng lí nhí chào theo nàng. Nàng để ý thấy tiếng Anh của chàng cứng quá, như còn vướng vít cái nắng gió nhiệt đới của trại tỵ nạn đâu đó bên trời Đông nam Á.

Nàng nói với chàng, “Anh chờ em thay đồ nhé.”

Chàng lặng lẽ gật đầu, rồi đứng lớ ngớ nhìn theo nàng lầm lũi đi vào nhà tắm. Khi nàng trở ra, chàng vẫn đứng đó. Nàng có cảm tưởng chàng không hề cử động, kể từ lúc nàng đi vào nhà tắm tới giờ.

Nàng cố dấu vẻ ngượng ngập, cười với chàng, “Thôi về, anh.”

Chàng ngập ngừng đi theo nàng, hơi chậm hơn một chút. Nàng liếc nhìn bóng chàng ở phía sau. Chàng đi cách nàng khoảng một gang tay; như một gã cận vệ trung-thành, tận-tụy. Nàng thấy đầu óc nặng nề, thân thể rời rã. Nàng cố tìm một câu khôi hài nào đó, để tìm hiểu xem chàng đang nghĩ gì. Chợt, nghĩ đến những hàng gào kẽm gai trong trại tÿ nạn, nàng pha trò, “Anh có làm tan nát trái tim cô nào ở trại tỵ nạn không đấy?”

“Hả?” chàng như giật mình thức dậy trong cơn ngủ ngày. “À không, làm gì có…”

“Làm sao anh biết em ở đây mà tìm?”

“Anh hỏi tắc-xi, tới bệnh viện thì hỏi mấy cô y tá.” Chàng ngập ngừng nhận xét, “Mấy cô y tá ở đây lịch sự quá nhỉ.”

Nàng gật đầu. Hai người dừng lại trước cửa thang máy. Tiếng chàng, “Em thấy đỡ chưa?”

“Em hả, đỡ nhiều lắm rồi,” Nàng ném cho chàng một cái liếc tình như hồi mới quen. “Vừa thấy anh là em thấy hết bệnh liền tức khắc.”

Nàng thấy vẻ cảm động trong những cái chớp mắt cuống cuồng của chàng. Chàng vẫn như ngày xưa; dễ xúc động. Đàn ông con trai gì mà… Cửa thang máy mở ra, chàng bước vào theo nàng. Cửa thang máy vừa đóng lại, chàng bỗng hỏi, “Thu à, sao bị cúm mà nằm ở trại Sản-phụ-khoa vậy?”

Tim nàng thắt lại, nàng lao đao muốn xỉu. Hơi thở nàng đứt quãng, “Ai nói với anh… đó là trại… Sản-phụ-khoa?”

Nàng thấy chàng chăm chú nhìn những con số trên hàng nút bấm thang máy.

“Anh thấy chứ Abortion clinic…”

Lồng thang máy quay quay xung quanh nàng. Nàng dựa vội vào tường, phì phò thở. Tai-họa đây rồi! Phải sáng suốt, Thu ơi! Lúc này chẳng ai có thể cứu được mày đâu; phải tự cứu lấy thôi. Nghĩ ngay xem có câu trả lời nào hợp lý đi. Nàng hít một hơi dài, nhìn chàng, cố nắn cho chàng một nụ cười thật tươi, như nụ cười đã hớp hồn chàng ngày xưa.

“Khờ ơi là khờ, bệnh viện không đủ giường, người ta mới dồn bệnh nhân qua nằm đỡ ở khu đó đấy.” Nàng quan sát kỹ cái nhìn trên mặt cùng với cái nheo của cặp lông mày chàng, “Đồng bào tỵ nạn ơi, sao mà ngớ ngẩn quá!”

Nét mặt chàng mềm ra, như mặt người thí sinh lúc vừa tìm ra được câu trả lời của bài toán hóc búa. Chàng cười, (Trời ơi, chàng cười.) Những bẽn lẽn của cậu học trò mới lớn phết đầy trên mặt, chàng lúng túng, “Vậy hả? Vậy mà anh cứ tưởng…” Chàng bỏ lửng câu nói.

Nàng liếc xéo chàng, “Tưởng gì?”

Chàng bối rối, “Tưởng…” Chàng nói lảng. “Mùa này ở đây cũng bị cúm nhiều giống hệt bên trại tỵ nạn Thu nhỉ.”

“Ừ, tới bác sĩ gia-đình của em cũng bị cúm luôn.” Nàng hớn hở tiếp lời chàng.

“Cũng nhờ có một người bị cúm, phải dời chuyến bay, nên anh mới được thế chỗ để đi sớm hai tuần lễ.”

Chàng ngập ngừng cầm lấy cổ tay nàng. Cửa thang máy mở, chàng bước theo nàng ra ngoài. Lần này họ đi song song bên nhau, như đôi tình nhân trẻ.

Vói tay xách tiếp chàng cái quai vải một chiếc túi xách, nàng kể lể, “Mấy bữa nay em bệnh muốn chết!”

Chàng bóp nhẹ cổ tay nàng, “Anh xin lỗi, đúng ra anh phải luôn luôn ở bên em; nhất là những lúc ốm đau…”

Liếc nhìn thấy nét mặt chàng dàu dàu, nàng an ủi, “Thôi, cũng tại hoàn-cảnh cả. Bây giờ thì không còn lý do gì xa nhau nữa.”

Chàng gật đầu tán thành.

Chiếc tắc-xi đã chờ sẵn ở cổng cấp cứu. Nàng loay hoay mở cửa xe leo lên, chàng lúi húi theo sau. Tội nghiệp, ảnh mới qua, chưa ga lăng được như đàn ông Tây phương. Nàng thầm nghĩ và rưng rưng đọc địa chỉ nàng cho người tài xế.

Lúc xe rồ máy chạy, nàng nghe chàng lẩm bẩm, “Cái xứ Canada này cũng lạ thật, bệnh nhân cúm mà cho nằm chung với những bà bầu, thì lây bệnh hết cả đám.”

Nàng hoảng hốt trấn an chàng bằng câu nói đùa ngọt ngào, “Y học ở đây đứng nhất thế giới đấy, đồng bào tỵ nạn à! Bệnh gì mà người ta không chữa được.”

Nàng liếc nhìn chàng, thấy trên khuôn mặt rám nắng, vướng vất một nụ cười gượng gạo, vô nghĩa. Chàng đúng là đồng bào tỵ nạn; ngẩn ngơ đến tội nghiệp.

 

Chúa nhật 02, tháng 05, 93

bài đã đăng của Hoàng Chính

Phần Góp Ý/Bình Luận


Xin vui lòng bày tỏ trách nhiệm và sự tương kính trong việc sử dụng ngôn ngữ khi đóng góp ý kiến. Da Màu dành quyền từ chối những ý kiến cực đoan, thiếu tôn trọng bạn đọc hoặc không sử dụng email thật. Chúng tôi sẽ liên lạc trực tiếp với tác giả nếu ý kiến cần được biên tập.

Lưu ý: Xin vui lòng bỏ dấu tiếng Việt để giúp tránh những hiểu lầm đáng tiếc từ độc giả trong việc diễn dịch ý kiến đóng góp. Bài không bỏ dấu sẽ không được hiển thị. Xin chân thành cám ơn.

@2006-2023 damau.org ♦ Tạp Chí Văn Chương Da Màu
Log in | Entries (RSS) | Comments (RSS)