- Tạp Chí Da Màu – Văn chương không biên giới - https://damau.org -

lại một khúc ca buồn

 

Anh ở phòng 13. Con số mỗi khi đọc lên là cảm giác rờn rợn bò dọc sống lưng, hệt như lúc đi qua cái mả hoang ẩn sau khúc quanh dẫn ra cánh đồng thời thơ ấu. Con số nghe là đã thấy xui. Mấy người tù bảo thế. Nghe hoài thì tin theo chứ anh ở trong đó lâu rồi và anh thấy cũng vậy thôi. Đã vào đây thì từ chỉ từ xui lớn đến xui nhỏ. Như anh, không chắc có ngày được ra, dù người ta bảo đó là trại tạm giam. Quà thăm nuôi hiếm hoi. Lũ bạn tù đói cũng như anh. Vợ anh ở ngoài đời. Nhớ nàng, nhiều đêm anh trăn trở, lo lắng. Căn phòng lúc nào cũng hừng hực nóng. Cả bọn thay phiên nhau quạt. Đêm, nằm nghe gã tù trẻ cao nhòng ca hoài một bài hát quen. Mùa hè năm nay anh sẽ đưa em rời phố chợ đôi ngày. (*) Lại một khúc ca buồn. Ai đó thở dài. Nhưng vẫn lắng nghe, từng câu, từng chữ. Mùa hè. Hoa phượng đỏ rực một khoảng trời thơ ấu. Tiếng ve sầu và những lời hát nhắc hoài về nỗi chia xa học trò. Người thanh niên đưa em rời phố chợ đôi ngày căn giờ thật chính xác. Như thể đếm từng phút, từng giây bắt đầu từ lúc khởi sự phiên trực. Ba mươi phút luồn đi chậm chạp. Khi vừa qua phút thứ ba mươi mốt là hắn lay người kế bên dậy. Như hai người lính bàn giao phiên gác. Tới phần trình diễn khác. Cũng lại một khúc ca buồn. Khi tôi về bồi hồi trong nắng, tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về, nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn. (**) Anh trở mình luồn những móng tay dài và sắc vào mái tóc rối bù để gãi ngay cái chỗ đang ngứa nhay nháy. Chắc hẳn một con chấy nào đó vừa tìm được chỗ da mềm trên khung sọ. Anh mở mắt thao láo nhìn lên khoảng mái nhà đan dầy kẽm gai. Những lời hát xới vào lòng anh cái đắng chát của đời sống. Bốn bức tường bưng bít không gian. Tù vượt biên thường bị giải đi qua sân trại phía trước. Một lần, người ta bảo anh chàng đang trực phiên quạt kia trông thấy cô vợ trẻ dắt tay một gã thanh niên trong đoàn tù vượt biên vừa bị bắt lại. Vì vậy mà anh ta hát có hồn. Những phiên trực quạt phòng, anh ta nỉ non khi tôi về, bồi hồi trong nắng, tưởng gặp mẹ tôi hân hoan đứng đón con về, nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia phương trời, không lời từ ly cuối cùng…

Còn anh, anh không hát gì hết. Anh chỉ thuộc những bài hát buồn. Hơn nữa anh không có giọng. Tiếng nói ồm ồm lúc nào cũng như vướng đàm. Thành ra anh không hát những lần đứng dựa tường, tay cầm manh chiếu phất qua phất lại như thằng bù nhìn đẩy đưa làn gió nóng hừng hực hơi người. Bạn tù nhắc nhở. Anh bảo anh sợ những bản nhạc buồn mà anh thuộc sẽ làm thiên hạ buồn thêm, nhưng bạn tù ép quá anh đành hứa nhăng hứa cuội. Rồi anh cố nhặt ra trong đầu những đoạn vui từ những khúc nhạc buồn. Anh bảo chừng nào có quà thăm nuôi thì anh sẽ hát. Suốt nửa giờ đứng quạt phòng, anh thầm nhớ người đàn bà của anh ở bên ngoài đời sống. Anh nhớ từ cái cau mày, từ cái nheo mũi đến cái hắt hơi nhẹ như tiếng hắt hơi của con mèo lười biếng.

“Không chừng tụi mình lúc ra bị vợ bỏ hết ráo ấy nhỉ.” Tiếng thì thầm của người bạn tù bò vào lỗ tai anh.

Anh không trả lời nhưng lòng thì lo lắng vẩn vơ.

Chiều cuối tuần. Lúc phát quà thăm nuôi, anh nghe người ta réo tên mình bên ngoài khung cửa. Anh cuống quýt luồn cả hai cánh tay qua khe hẹp giữa hai song sắt. Ngày xui. Cả phòng không ai được thăm nuôi. Lúc quay vào, anh mang một bọc bánh trôi nước. Đám bạn tù vây quanh anh, hí hửng chia vui với con người nhiều may mắn. Mừng, nhưng anh thất vọng. Vợ anh không nhắn gửi gì với anh hết. Những miếng bánh mầu trắng trôi lềnh bềnh trong nước đường vàng nâu. Cái bọc ni lông trắng đục không che dấu được thứ gì khác. Anh cố nén tiếng thở dài.

“Bà xã có nhắn gì không?” Một bạn tù thì thào.

Anh chán nản lắc đầu.

Điều anh muốn biết là ở bên ngoài những bức tường tăm tối này, nàng bương chải cách nào để sống. Anh muốn biết cái chứng đau bụng lúc hành kinh của nàng lúc này ra sao rồi. Lúc anh còn ở nhà, nàng thường bắt anh phải xoa bụng cho nàng mỗi khi cơn đau vắt cái bụng thon như người ta vắt cái mền sũng nước. Những lọ dầu khuynh diệp, những ve dầu nóng con cọp, dầu cù là có hàng chữ Miên ngoằn ngoèo. Anh thử mọi thứ dầu, nhưng những ngày đầu mỗi kỳ kinh nguyệt, nàng vẫn vặn vẹo, nhăn nhó vì cơn đau. Bây giờ ở ngoài kia một mình, người thiếu phụ sẽ xức dầu gì và có ai dỗ dành nàng như anh vẫn thường làm để đánh lừa cơn đau.
Anh bần thần nghĩ ngợi.

“Chắc ở ngoài bình yên.” Giọng ai đó thả hòn sỏi nhỏ vào vũng lo âu. Những vòng bất ổn lan rộng như sóng trong lòng anh. Nhưng anh gật đầu tán đồng. Chắc hẳn bên ngoài, vợ anh vẫn bình yên. Có bình yên thì anh mới có quà thăm nuôi thế này chứ. Chỉ tiếc nàng không nhắn gửi với anh điều gì. Ở trong này cơn đói và nỗi nhớ cùng ngặt nghèo như nhau.

Bọc bánh trôi nước được chuyền một vòng qua bàn tay những người bạn tù. Hai mắt anh không thể không nhìn theo bọc quà ân sủng. Anh thấy cái bọc ni lông xám xịt ấy bỗng dưng được nâng niu, gượng nhẹ như người ta chuyền tay nhau bồng thử một đứa trẻ chưa đầy tháng. Bàn tay nâng niu. Những ngón tay ve vuốt dịu dàng. Có bàn tay bóp nhẹ cái bọc cho những chiếc bánh mầu trắng bập bềnh trôi. Anh nhìn người tù mới bóp nhẹ bọc bánh của anh. Anh nhìn cái cần cổ nhấp nhô. Mười ngón tay nắn khẽ trên bọc. Những miếng bánh trắng phập phều. Người ngồi bên cạnh đưa tay đón lấy bọc bánh dù chưa tới phiên mình. Anh kiên nhẫn ngồi chờ. Nàng làm gì để sống ở ngoài ấy nhỉ. Ý nghĩ rụng xuống tâm tư anh như trái cây chín ủng. Chạm xuống nền đất gồ ghề của trí tưởng, trái chín vỡ bung ra, tung toé cả đầu óc, văng bám đầy vào những mảnh vụn trí nhớ. Nàng sống cách nào bên ngoài cái xã hội nhào nháo kia hở trời.

Bọc bánh chuyền về tới anh. Anh cẩn thận đỡ lấy. Rồi anh nhìn quanh một lượt. Những khuôn mặt hốc hác đợi chờ. Những mắt nhìn hau háu dán vào anh. Ngưỡng mộ. Chia xẻ. Ganh ghét. Dửng dưng. Tất cả mọi cảm xúc.

Anh đưa bọc bánh ra trước mặt, nhìn đăm đăm. Rồi anh ôm nó vào lòng. Những ngón tay mân mê cái bọc căng nước. Anh nheo mắt thưởng thức cái cảm giác lạ lùng vừa bám vào mười đầu ngón tay. Những chiếc bánh phập phều chạm vào mười đầu ngón. Cảm giác đê mê đến từ trong đầu hay chạy về từ những ngón tay anh cũng không rõ. Bỗng dưng anh khao khát được giam riêng một mình trong phòng tối, để anh mân mê cái bọc căng nước. Bởi cảm giác ấy quá là quen thuộc. Quen và đê mê đến mụ người. Như cảm giác anh có được lúc bàn tay anh bò dưới áo nàng, luồn lách dưới chiếc áo nịt ngực cưng cứng và mân mê chiếc vú căng căng của nàng. Ơi, cái hơi thở dồn dập của nàng bỗng dưng đổ về ngập đầy trí nhớ anh.

Vậy mà nàng không kín đáo gửi cho anh được vài chữ để anh yên tâm.

“Ăn bọc bánh này xong, có nhịn cả tuần cũng vẫn sống nhăn.” Câu nói một bạn tù kéo anh ra khỏi vũng phép phù của kỷ niệm.

Anh nhìn một lượt những mặt người vây bọc chung quanh, “Không biết có mấy cái.”

“Đúng mười cái ông ạ.”

“Sao ông biết?”

“Lúc nãy tôi đếm kỹ lắm.”

Thì ra kẻ ban nãy đã mân mê một cách sống sượng, một cách thèm muốn bọc bánh nàng gửi cho anh đã không cảm được như anh. Anh ta chỉ đếm những cái bánh để mong đến phần mình. Anh ta không thể nào sống được những phút giây hiếm hoi người đàn bà ngoài kia có thể gửi đến cho người đàn ông trong này. Bàn tay vợ anh đã vuốt ve, nắn bóp từng viên bột. Mùa này bên ngoài nóng bức, mồ hôi nàng nhỏ xuống thau bột. Mồ hôi nàng – và có thể còn có cả nước mắt – đã nhào bột cho đều, cho dẻo. Chỉ có bàn tay anh mới cảm nhận được những réo gọi, gửi gấm nàng đắp đổi trên từng miếng bánh. Anh cầm tay nàng trong mộng, trong mơ. Anh nắn chiếc bọc căng phồng như xoa nắn cái mịn màng trên chiếc vú người đàn bà mới về nhà chồng chưa đầy nửa năm trời.

Bỗng dưng anh lo lắng quắt quay. Nửa năm trời có đủ sâu, đủ đặm để người ta đừng bỏ nhau không.

Đầu óc anh rối tung.

Bàn tay anh run run đưa cái bọc lên miệng. Anh nghiêng đầu cắn đứt cái nút thắt ở miệng bọc.

“Tôi chỉ ăn một cái thôi. Chín cái kia, mấy cha chia nhau.”

Một bóng người đổ chụp lên anh. Cơn mừng rỡ vỡ ra với những tiếng chửi thề. Cái miệng râu ria chà xát lên má lên cổ anh. Cái môi chu lại hút chùn chụt. Cám ơn anh hai. Anh rùn vai đẩy cái miệng hôi mùi thuốc rê ra. Được rồi, khỏi. Khỏi cám ơn.

Anh đổ chút nước đường vào cái bát mẻ rồi nhón tay bốc đại một chiếc bánh và trao cái bọc cho người ngồi bên cạnh.

“Mười hai người làm sao chia chín cái bánh.”

Anh xoay mặt vào góc tường. Không thấy được những vạch ngang nét dọc của cảm xúc trên mặt đám bạn tù nhưng anh biết bọn họ sẽ khổ tâm không ít vì cái màn chia chác này.

“Tôi với ông thầy chùa tiểu đường không ăn đồ ngọt được.”

“Còn tui hổng ưa bánh trôi nước. Xin miễn.”

Tiếng reo hò tở mở.

Anh húp một ngụm nước đường trong lòng chén, ngậm im trong miệng. Chất ngọt thấm vào từng kẽ răng, lan dần vào cuống họng. Chút cay nồng của gừng làm gai gai cổ họng anh. Gừng cay muối mặn. Anh ngậm thật lâu cho vị ngọt thấm vào kẽ răng. Cả vào những lỗ hổng của mấy chiếc răng sâu. Anh mê mẩn với cái ngọt ngào thống khoái vợ anh ban phát cho anh giữa đời sống này. Chỉ có nàng mới làm anh sung sướng. Anh từ từ nhắm mắt. Tiếng thì thầm chạy vòng quanh trí tưởng. Chỉ có em mới làm anh sung sướng. Chỉ có em mới làm anh sướng. Huyền Trân ơi. Anh nuốt chầm chập ngụm nước đường. Hạnh phúc đổ xuống bao tử. Hạnh phúc trôi xuống thập nhị chỉ tràng. Hạnh phúc trào xuống ruột non. Hạnh phúc được những vi quản ruột non hút vào máu huyết. Hạnh phúc chạy vòng quanh trái tim. Hạnh phúc đùa giỡn trong gan, trong thận. Hạnh phúc thọc léc những con tinh trùng. Huyền Trân ơi, lâu lắm anh không được yêu em bằng xương bằng thịt. Em lấy chồng khi còn trẻ thơ. Em chả biết mánh mung, em chả biết nhắn gửi anh để anh biết ở ngoài ấy em sống ra sao. Em chỉ biết lo cho cái bao tử của anh, em quên mất tiêu cái đầu anh nặng nề lo nghĩ. Phải em viết được cho anh một hai chữ gì đó anh cũng yên lòng. Hai chữ bình an chẳng hạn. Khờ quá Huyền Trân ơi.

Anh mở mắt. Những người tù đã trở về xó xỉnh của riêng mình. Những nghi lễ đang được cử hành nghiêm cẩn. Nhưng anh biết không ai có được cái cảm xúc và niềm hạnh phúc anh đang có. Họ chỉ ăn bánh trôi nước, họ không thể như anh; chung chăn gối với một người đàn bà còn son trẻ, mượt mà.

Và anh thấy an lòng. Anh hãnh diện đã ban phát được cho đám bạn tù chút hạnh phúc nhỏ nhoi.

Vẫn ngồi quay mặt vào vách tường loang lổ vết máu rệp, anh hình dung từng khuôn mặt quen. Anh hình dung luôn đường nét mà niềm hạnh phúc bất ngờ đang vẽ lên từng khuôn mặt. Lão chủ tiệm tạp hóa. Cười híp con mắt trên khuôn mặt phù thủng mười tám tháng trời tạm giam. Những câu chuyện tếu kể hoài không hết. Thằng hai sún. Nhét vội cả chiếc bánh vào miệng. Nhồm nhoàm nhai như sợ nó sẽ biến đi. Rồi sẽ lại tíu tít đòi ông chủ nhà máy đường kể đi kể lại cho nghe chuyện ăn chơi của mình. Ông Tám Trí. Nhà tư bản mấy cha đừng tưởng gái Tầu với gái Việt giống nhau. Khác hoàn toàn… Hai năm kể hoài một chuyện nhất dạ đế vương. Thằng Túc. Lơ xe đò. Cái tật nói trong giấc ngủ chắc sẽ mang theo xuống mộ. Anh thầy giáo Tuân. Đường Xưa Lối Cũ. Một khúc ca buồn. Bài tủ hát hoài. Nghe hoài mà vẫn thấy hay. Vẫn thấy tội cho kẻ ở trong này. Thấy người bên ngoài mà đổi thay thì quá là đáng trách. Thằng Tám Dây Thung. Xì ke. Thân hình của một người Do Thái trong trại tập trung thời Quốc xã. Trung bình một câu nói có mười chữ thì có ít nhất ba lần đù má. Kẻ ban nãy khi được chia bánh trôi đã ôm chầm lấy anh mà hôn như đứa đồng tính luyến ái. Anh Hảo. Đưa Em Vào Hạ. Láu cá nhưng thật thà. ở đây ai cũng thật thà. Và thương nhau thật tình. Bạn tù là vậy. Cho dù mai mốt ra ngoài đời chắc gì còn nhớ nhau.

Rồi ông già sáu, ông Thầy Chùa. Tiểu đường kinh niên. Cứ vài hôm lại ngất xỉu, phải khiêng lên bệnh xá. Tất cả đều hiền lành. ở ngoài kia cướp đường cướp chợ thế nào không biết nhưng ở đây tất cả đều thật thà, lương thiện. Anh nhận thấy thế. Anh muốn nhắn với nàng như thế để nàng yên lòng. Và anh cũng muốn khoe với nàng rằng đêm nay trực quạt phòng, anh sẽ hát cho đám bạn tù nghe toàn những đoạn vui trích ra từ những khúc ca buồn.

Nhưng biết nhắn cách nào bây giờ.

Anh quên khuấy mồ hôi nhơm nhớp trên lưng, trên cổ. Anh cầm chiếc bánh bằng hai đầu ngón tay. Cổ tay anh xoay qua xoay lại. Nước đường trên miếng bánh trôi tuột xuống, đọng thành giọt vàng nâu rồi rụng xuống lòng chén. Anh nhìn chiếc bánh rồi anh nhìn bóng của nó trong lòng chén. Hai chiếc bánh bằng nhau. Tình yêu của nàng đến tay anh được nhân đôi. Anh thấy mình hạnh phúc nhất thế gian. Anh đưa chiếc bánh lên miệng. Hàm răng anh ngập ngừng cắn nhẹ vào chất bột mềm mềm cưng cứng. Anh cẩn thận như khi dùng hàm răng mân mê cái núm vú mầu nâu hồng của vợ. Anh nhớ cả đôi mắt nhắm hờ và hơi thở đứt quãng của nàng. Hàm răng anh cắm ngập vào chất bột dẻo, ngọt. Anh nhai chậm rãi. Nước miếng ứa ra những kẽ răng. Bao tử xôn xao chào đón niềm hạnh phúc không tên. Anh cắn miếng thứ nhì và hàm răng anh chạm phải vật gì đó cưng cứng. Anh nhăn mặt. Nàng trộn nhiều gừng quá. Lại còn nhồi cả miếng gừng vào nhân chiếc bánh. Làm cứ như anh cũng đau bụng mỗi tháng một lần nên phải ăn nhiều gừng vậy. Bỗng dưng anh nhớ da diết đôi vú săn cứng của nàng mỗi khi có tháng.

Anh cắn vào miếng gừng để kéo nó ra. Anh giật mình. Không phải gừng. Anh lấm lét nhìn quanh. Đám bạn tù vẫn lặng lẽ như những thiền sư say mê tụng niệm trên miếng bánh trôi ân huệ. Hai ông già tiểu đường nằm gác tay lên trán ngó lũ nhện giăng tơ trên lưới kẽm gai khoảng trần nhà nhá nhem.

Anh nhả vật lạ ấy vào lòng bàn tay. Đó là một mảnh giấy nhỏ xếp làm tư, làm tám. Anh bỏ cái chén mẻ xuống nền nhà, kín đáo mở miếng giấy ấy ra. Anh nhận ra mảnh giấy vở học trò. Loại giấy ngày xưa vợ anh vẫn dùng để viết cho anh những lá thư tình. Trời đất chứng giám tình yêu của hai người. Bằng chứng là cả chục cái bánh mà chính anh lại chọn trúng cái có tờ thư của nàng. Anh run rẩy vuốt cho thẳng những nếp gấp và len lén nhìn quanh. Không ai để ý đến anh. Anh lại cúi xuống những con chữ nhỏ nhắn của nàng. Nét chữ vô cùng quen thuộc. Nét chữ làm hụt mất của tim anh những nhịp đập thất thường.

Anh lẩm nhẩm đọc.

Anh cố về cho kịp chuyến. Em dấu nhẫn cưới của em trong cái bánh không nhân để anh tính đường. Em nhớ anh quá, anh ơi. Em. HT.

Trời đất tối mù trước mắt anh. Em nhớ anh quá, anh ơi. Em ở bên ngoài, bận rộn miếng cơm manh áo đâu có nhiều thì giờ để nhớ như anh. Ý nghĩ dày vò đầu óc anh. Nhẫn cưới của anh người ta đã tịch thu lúc chuyển anh vào đây. Bây giờ đến phiên chiếc nhẫn của vợ anh.

Anh nhắm nghiền hai mắt rồi mở bung ra, đảo một vòng, xăm xoi mọi xó xỉnh của phòng giam.

Tất cả đều đã ăn xong chiếc bánh anh cho. Chỉ có anh là ăn uống chậm chạp, là nghi lễ lôi thôi, là nhớ nhung hình thức. Với họ, niềm hạnh phúc ấy đơn giản. Miếng ngon giữa lúc đói lòng. Vậy thôi.

Không ai nói với anh một lời nào. Tất cả dường như đã quên biến cố vĩ đại buổi chiều thăm nuôi cuối tuần. Anh nhìn từng người. Cố đoán xem ai là người ăn trúng chiếc bánh có chiếc nhẫn vợ anh gửi cho anh.

Anh bắt gặp một loạt những con mắt dửng dưng, xa lạ. Và anh biết đêm nay lúc tới phiên anh trực quạt phòng, bài hát – nếu như anh còn tâm tư để hát – cũng lại là một khúc ca buồn.

(*) Đưa Em Vào Hạ – nhạc phẩm Trầm Tử Thiêng

(**) Đường Xưa Lối Cũ – nhạc phẩm Hoàng Thi Thơ

bài đã đăng của Hoàng Chính