Hoàng Chính chuyển ngữ
Sống ở Ấn Độ khiến tôi hiểu được rằng một thiểu số da trắng đã lèo lái chúng ta vào cách suy nghĩ mầu da trắng khiến người ta thành cao đẳng hơn, cho dù ảnh hưởng duy nhất của làn da trắng là nó làm họ dễ nhạy cảm với tia cực tím và mau sớm có nếp nhăn.
Đọc Freud cũng khiến tôi đâm ra hoài nghi về thuyết ganh-tị-vì-thiếu-dương-vật của ông ta. Khả năng sinh sản khiến cho “thuyết ganh-tị-vì-không-có-dạ-con” nghe ra hợp lý hơn nhiều, và một bộ phận nằm ở ngoài và không được bảo bọc như dương vật khiến cho đàn ông dễ bị tổn thương hơn nhiều.
Nhưng khi nghe một người đàn bà mô tả việc có kinh bất ngờ (vệt đỏ loang trên áo đầm trong khi cô đang tranh luận một cách sôi động trên diễn đàn công cộng) vẫn làm tôi co rúm người lại vì ngượng ngập. Cho đến khi cô giải thích thêm, khi có người thì thầm báo động về sự kiện rành rành đang xảy ra, cô đã nói với đám khán giả toàn đàn ông ấy, “và các bạn nên hãnh diện vì đang đón một phụ nữ hành kinh trên diễn đàn của các bạn. Có lẽ đây là sự việc thực nhất đã xảy ra cho nhóm của các bạn trong bao nhiêu năm nay!”
Tiếng cười dòn dã. Thế là yên lòng. Cô đã biến một việc tiêu cực thành tích cực. Bằng cách nào đó, câu chuyện của cô hòa với Ấn Độ và Freud, rốt cuộc đã khiến tôi hiểu được sức mạnh của lối suy nghĩ tích cực. Bất cứ thứ gì một nhóm “cao đẳng” nắm được sẽ luôn được dùng để bào chữa cho tính cách cao đẳng của họ, và bất cứ thứ gì mà một nhóm “hạ đẳng” thủ đắc cũng sẽ được dùng để biện hộ cho cái khiếm khuyết của mình. Người da đen bị gán cho làm những công việc lương thấp vì người ta lý luận rằng người da đen “mạnh khỏe” hơn người da trắng, trong khi tất cả phụ nữ được sắp đặt làm những công việc lương thấp vì người ta bảo họ “yếu đuối” hơn. Giống như một bé trai khi được hỏi mai sau có muốn thành luật sư như mẹ nó không, đã trả lời, “Ồ, không đâu, đó là việc của đàn bà.” Rõ ràng, luận lý không dính líu gì đến sự áp đặt.
Như vậy chuyện gì sẽ xảy ra khi bỗng nhiên, một cách kỳ diệu, đàn ông có thể có kinh còn đàn bà thì không?
Đương nhiên là chuyện có kinh sẽ là một biến cố đáng ganh tị, đầy phô trương, và tràn đầy nam tính.
Đàn ông sẽ huyênh hoang về chuyện có kinh dài hay ngắn, nhiều hay ít.
Con trai mới lớn sẽ nói về chuyện ấy như một khởi đầu đầy sự khát khao của nam tính. Quà cáp, các nghi lễ tôn giáo, các buổi tiệc gia đình, các cuộc vui dành riêng cho đàn ông sẽ được tổ chức để đánh dấu biến cố đáng nhớ ấy.
Để ngăn ngừa sự tình trạng tiêu hao nhân lực vì có tháng của các viên chức tai to mặt lớn, Quốc Hội sẽ tài trợ một Học Viện Quốc Gia nghiên cứu về những vấn đề trong lúc hành kinh. Các bác sĩ sẽ giảm nghiên cứu về bệnh tim – thứ bệnh mà đàn ông được bảo vệ bởi kích thích tố sinh dục – để nghiên cứu thả dàn về chứng đau bụng quặn thắt khi có kinh.
Những trang bị về vệ sinh sẽ được liên bang tài trợ và được phát hoàn toàn miễn phí. Dĩ nhiên, một số ông vẫn sẽ bỏ tiền ra để mua những sản phẩm thương mại có tiếng như Băng Vệ Sinh Loại Đặt Trong Cửa Mình của Paul Newman, Băng Vệ Sinh Dựa-Dây-Chịu-Đòn của Muhammad Ali, Băng Miếng của John Wayne và Khiên Che Hạ Bộ của Joe Namath – “Dành Cho Những Ngày Độc Thân Nhẹ Ấy.”
Những thống kê sẽ dẫn chứng rằng trong thời kỳ kinh nguyệt đàn ông đạt nhiều thành quả tốt trong thể thao và thắng nhiều huy chương thế vận hội hơn.
Các tướng lãnh, các chính trị gia phe hữu, và các nhà lãnh đạo tôn giáo chính thống sẽ nêu ra việc có kinh (“men – struation”) như bằng chứng rằng đàn ông có thể phục vụ Thượng Đế và tổ quốc trong chiến đấu (“Ngươi phải đổi máu lấy máu”), nắm giữ những chức vụ quan trọng (“Đàn bà có thể hung dữ – một cách phù hợp mà không bị chi phối bởi Hỏa Tinh mỗi tháng một lần không?”), hoặc trở thành linh mục, mục sư, hay thành chính Thượng Đế (“Ngài đổ máu mình để chuộc tội cho thế gian”), hoặc tu sĩ Do Thái Giáo (“Người đàn bà sẽ không trong sạch nếu không có sự tẩy rửa mỗi tháng một lần.”)
Tuy nhiên phe đàn ông Tự Do hoặc Cấp Tiến sẽ quả quyết đàn bà tuy khác đàn ông nhưng hoàn toàn bình đẳng với đàn ông; và bất cứ phụ nữ nào cũng có thể tham gia hàng ngũ đàn ông nếu cô ta chịu nhìn nhận tính độc tôn nguyên thủy của quyền hạn liên quan tới kinh nguyệt (“Mọi chuyện khác có thể nhập chung thành một vấn đề thôi.”) hoặc tự gây thương tích mỗi tháng một lần (“Bạn phải đổ máu cho cuộc cách mạng”).
Dân đứng đường sẽ chế ra tiếng lóng mới (“Hắn là một thằng ba-lớp-băng” và chào hỏi nhau ở góc đường với những câu đối thoại như, “Cha nội coi được quá!” “À, tớ đang mang tã đấy!”
Các chương trình truyền hình sẽ đề cập đến đề tài này một cách cởi mở (phim truyện Happy Days: Richie và Potsie cố thuyết phục Fonzie là anh ta vẫn thuộc về “gia đình nhà Fonz,” dù anh ta đã trễ kinh hai tháng liên tiếp. Trong Hill Street Blues thì toàn bộ nhân viên trong khu vực có kinh cùng lúc.) Và báo chí cũng chung một cách bày tỏ. (NỖI LO SỢ CÁ MẬP MÙA HẠ ĐE DỌA CÁC ÔNG ĐANG CÓ KINH. THẨM PHÁN DỰA VÀO LÝ DO HÀNH KINH HÀNG THÁNG ĐỂ ÂN XÁ CHO CAN PHẠM HIẾP DÂM) và phim ảnh sẽ cùng một giọng điệu. (Newman và Redford đóng phim chung: Anh Em Cùng Dòng Máu!).
Đàn ông sẽ thuyết phục đàn bà rằng tình dục trong “thời kỳ ấy trong tháng” sẽ phấn kích hơn nhiều. Đàn bà đồng tính luyến ái sẽ bị cho là sợ máu và vì vậy mà sợ luôn đời sống, dù họ không cần gì khác ngoài một người đàn ông tốt và có kinh được.
Trường y khoa sẽ hạn chế số nữ sinh viên được nhận (“họ có thể ngất xỉu khi nhìn thấy máu”).
Dĩ nhiên, giới trí thức sẽ đưa ra những lý luận đầy đạo đức và suông sẻ. Không có tặng vật sinh học để biết đo lường những chu kỳ của mặt trăng và các hành tinh, làm cách nào một người đàn bà có thể thấu suốt những ngành nghề đòi hỏi sự cảm nhận về thời gian, nơi chốn, toán học – hoặc có khả năng đo lường bất cứ thứ gì? Trong lãnh vực triết học và tôn giáo, cách nào phụ nữ đền bù thay cho việc đang tách rời khỏi nhịp đập của vũ trụ? Hay bù đắp cho sự thiếu sót cái chết và sự phục sinh tượng trưng mỗi tháng?
Thời kỳ tắt kinh sẽ được cử hành như một biến cố tích cực, một biểu tượng rằng người đàn ông đã thu thập được đủ những năm tháng của chu kỳ thông thái để không còn cần thêm nữa.
Những người đàn ông cấp tiến trong mọi lãnh vực sẽ cố tỏ ra tử tế. Những người cấp tiến này sẽ giải thích rằng sự kiện những “người ấy” không có tặng vật giúp đo lường đời sống đã là một hình phạt nặng nề lắm rồi.
Và phụ nữ nên được huấn luyện như thế nào để đáp ứng lại? Người ta có thể tưởng tượng những phụ nữ cánh hữu sẽ đồng ý với tất cả những lý luận vừa kể với một phong cách khổ dâm tươi cười và vững chãi. (“Học Viện Luật Pháp Âu Châu sẽ có thể ép buộc các bà nội trợ phải gây thương tích cho chính mình mỗi tháng một lần”: Phyllis Schally. “Máu của chồng bạn cũng thiêng liêng như máu Jesus – và còn gợi tình nữa!”: Marabel Morgan.) Nhóm Reformer và Queen Bees sẽ điều chỉnh lối sống cho phù hợp với chu kỳ của người đàn ông chung sống với họ. Những người tranh đấu nữ quyền sẽ không ngừng giải thích rằng đàn ông, cũng cần được giải phóng khỏi ý tưởng giả tạo về sự hung hăng xấc xược, cũng như phụ nữ cần phải thoát khỏi mối ràng buộc về “sự ganh tị vì không có kinh nguyệt.” Nhóm nữ quyền cấp tiến sẽ nói thêm rằng sự áp bức đối với những người không thể có kinh là khuôn mẫu cho những sự áp bức khác. (“Ma dơi hút máu là những chiến sĩ bảo vệ tự do đầu tiên của chúng ta!”) Những nhà văn hóa nữ quyền sẽ tán dương một hình tượng người nữ không máu huyết trong nghệ thuật và văn chương. Những nhà xã hội học nữ quyền sẽ quả quyết rằng một khi chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc bị lật đổ, phụ sữ sẽ cũng bắt đầu có kinh nguyệt được. (“Nếu phụ nữ ở nước Nga chưa có kinh,” họ sẽ giải thích, “chỉ là vì chủ nghĩa xã hội đích thực không thể tồn tại trong lòng chủ nghĩa tư bản.”)
Tóm lại, chúng ta sẽ khám phá ra rằng, như chúng ta đã đoán trước được, là lý luận nằm trong mắt nhà luận lý. (Chẳng hạn, đây là một ý kiến cho những nhà lý thuyết và các nhà luận lý: nếu phụ nữ – đúng ra – nên ít lý trí và nhiều cảm xúc vào thời kỳ đầu của chu kỳ kinh nguyệt khi kích thích tố sinh dục nữ ở mức thấp nhất thì tại sao lại không được coi là đủ luận lý khi cho rằng, trong vài ngày ngắn ngủi ấy, phụ nữ cư xử rất giống với cách xử sự của đàn ông trong suốt một tháng? Tôi xin dành phần ứng xử cho các bạn.
Sự thật là, nếu đàn ông có thể có kinh thì sự biện hộ về quyền lực sẽ kéo dài vô tận.
Nếu chúng ta cho phép họ làm điều đó.
Nguyên tác: If Men Could Menstruate
Nguồn: Gender Basics: Feminist Perspectives on Women and Men, Edited by Anne Minas. Wadsworth: 2000.